Trong giới sáng tạo nghệ thuật, chắc hiếm có ai chưa một lần mắc sai lầm khi bước chân vào nghề. Nhưng nhờ chính những sai lầm đó, chúng ta sẽ tự học được những kinh nghiệm quý giá và ngày một trưởng thành hơn. Dưới đây là những điều tối kị mà các designers cần ghi nhớ, không nên tái phạm dù chỉ một lần.
1. Quá chú trọng đến bên ngoài
Hầu hết những người copywriter trẻ đều thông thạo và để tâm quá nhiều đến thế giới bên ngoài bao gồm các công ty lớn, các đối thủ, các giải thưởng, nhưng họ lại ít khi chăm chút đến chính nghề của mình. Họ thường xuyên đọc tin tức liên quan tới các chiến dịch lớn của Nike hay Apple mà không hề biết rằng những bài báo chuyên môn mới là thứ họ nên dành nhiều thời gian hơn. Lời giải cho những hành động trên đơn giản bởi người trẻ luôn tràn đầy nhiệt huyết và mong muốn song hành với thời đại trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, hãy ngẫm lạị rồi bạn sẽ thấy rằng sẽ tốt hơn nếu sự nhiệt tình đó bạn dành cho niềm đam mê với công việc. Tạo ra một sản phẩm đem lại xúc cảm và tiện ích cho người tiêu dùng sẽ lót bậc cho thành công phía trước của bạn.
2. Gò bó bản thân
Tự tạo áp lực cho bản thân là liều thuốc hữu hiệu khiến mỗi người ý thức trách nhiệm với công việc nhưng lại có thể gây ra phản ứng phụ. Với những công việc sự sáng tạo được đặt lên hàng đầu, việc quá gò bó bản thân sẽ vô tình hút cạn trí tưởng tượng cũng như đam mê sáng tạo bẩm sinh của bạn. Giống như việc dạy dỗ một đứa trẻ, bạn càng nghiêm khắc, trẻ càng khó tiếp thu. Thay vì đó, hãy thả lỏng bản thân trong giới hạn cho phép và tự do bay bổng với những ý tưởng mới.
3. Không có phao cứu trợ
Bất kể bạn là ai, làm công việc của nhà nhiếp ảnh, nội trợ hay người làm vườn thì cũng đều cần ‘khoảng trời riêng’ để thư giãn và lấy lại động lực làm việc. Ngoài những hoạt động thể thao như bóng đá, cầu lông, yoga hay các hoạt động mang hơi hướng trầm tĩnh hơn như vẽ tranh, tập đàn thì bạn còn có thể sử dụng các trang mạng xã hội để giải trí và học tập. Thay vì đọc những thông tin tiêu cực, bạn hãy tập trung những thông tin có liên quan đến lĩnh vực bạn đang làm, những người thành công trong lĩnh vực đó. Tiếp xúc với nguồn thông tin tích cực giúp bạn có thêm tinh thần, cảm hứng sáng tạo và quyết tâm đạt được thành công.
4. Không rút kinh nghiệm sau n lần thất bại
Thất bại sẽ vô nghĩa nếu như chúng ta không biết cách rút ra bài học kinh nghiệm cho những lần sau. Sau mỗi thất bại, mỗi người cần biết nhìn nhận, lý giải cho lỗi sai của bản thân và tìm cách khắc phục. Làm trong ngành sáng tạo, nếu bạn chỉ nhất quyết làm theo cách mình thích mà bất chấp ý kiến của những người xung quanh thì đó sẽ là cách nhanh nhất để bạn tự dìm mình xuống sâu hố thất bại. Cơ hội phát triển luôn dành cho những người biết nhận ra điều thiếu sót, đổi mới bản thân để phù hợp với công việc.
5. Ít khi lắng nghe
Những người cùng làm trong ngành sáng tạo rất hiếm khi chia sẻ ý tưởng cho người khác, bởi họ ý thức được hậu quả khôn lường sau đó. Vậy người họ cần lắng nghe là ai? Đó chính là khách hàng. Không cần bạn hỏi khách hàng cũng sẽ tự chia sẻ ý kiến, phản hồi cá nhân về sản phẩm của bạn. Không màu mè, khoa trương, khách hàng luôn công tâm đưa ra ý kiến chủ quan và đánh thẳng vào những sơ hở và yếu điểm của sản phẩm.Lờ đi ý kiến của khách hàng là bạn đã mất nguồn tài nguyên lớn nghiên cứu để tìm ra lỗi sai và cải thiện sản phẩm trong tương lai.
Nguồn: dohoafx.com