Sự nghiệp Freelancer chẳng suôn sẻ như bạn mong đợi: không có được công việc như ý, đang làm tốt nhưng cảm thấy chán nản, không còn hứng thú, v.v. Vậy làm gì để xoay chuyển tình thế? Cùng Arena Multimedia tìm hiểu ngay bây giờ một số phương pháp “khoác áo mới” cho con đường làm sáng tạo tự do của bạn.
Là một người đam mê sáng tạo tự do, việc xoay trục các dự án tưởng chừng đơn giản nhưng đã khiến khá nhiều Artist, Designer “mệt mỏi”. Với phương án đầu tiên, bạn có thể lựa chọn ngưng hoàn toàn công việc hiện tại và tập trung vào các dự án cá nhân. Ở chiều ngược lại, bạn có thể tiếp tục công việc full-time song song những sản phẩm Freelance đơn lẻ định kỳ.
Ảnh: Creativeboom
Trên thực tế, bạn không thể nói lời tạm biệt với tất cả khách hàng, công ty hay dự án mà bản thân đang thực hiện dù nó khiến bạn thật sự nhàm chán. Bởi lẽ, hành động này gây ra cảm giác không thoải mái đối với nơi bạn đã làm việc và chẳng ai thích điều này cả. Thay vào đó, bạn cần có kế hoạch cụ thể, dần dần từng bước nhỏ để vượt qua rào cản tâm lý khi làm tự do, cũng như tránh xa các khách hàng “toxic”, đánh giá thấp giá trị mà bạn mang lại.
Cùng Arena Multimedia tìm hiểu top 5 mẹo nhỏ giúp bạn từng bước xây dựng cuộc sống Freelance “thuận buồm xuôi gió” nhé!
1. Bắt đầu với mục tiêu khả thi
Nếu bạn không đủ tự tin để dừng lại nhiều công việc cùng một lúc thì đừng làm điều này. Thay vào đó, bạn nên chuẩn bị kế hoạch với từng mục tiêu nhỏ và tập trung thực hiện chúng. Cải tiến Website, kết nối và mở rộng mạng lưới mối quan hệ của bản thân là những việc đơn giản mà bạn có thể làm để hiện thực hóa mục tiêu đề ra.
Cho dù các mục tiêu này của bạn là gì thì điều quan trọng vẫn là tập trung vào mục đích chính, quan trọng nhất: giúp bạn tìm ra nguồn thu nhập mới, từng bước rời khỏi công việc khiến bạn nhàm chán và hướng tới những điều bạn luôn mong ước. Trên cơ sở này, bạn cần tập trung vào hoạt động Marketing hằng tuần và đẩy mạnh việc tìm kiếm các khách hàng mới.
Ảnh: WriteOnWall
Từng bước đi nhỏ này sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực, tiếp thêm động lực khiến bản thân tin rằng chẳng có phép màu có thể xảy ra chỉ sau một đêm, nhưng bạn hoàn toàn có khả năng đạt được mục tiêu bằng một kế hoạch chỉn chu. Đây chính là cách thức khiến bạn dần dần giành lại thế kiểm soát đối với công việc của bản thân.
2. Review lại các khách hàng của bạn
Đánh giá, xem xét lại các khách hàng mà bạn đã và đang làm việc là phương pháp hiệu quả giúp bạn xác định liệu có nên tiếp tục thực hiện công việc này hay không? Bắt đầu từ việc nhỏ nhất là đề nghị khách hàng đưa ra những đánh giá, tổng kết định kỳ đối với công việc. Điều này giúp bạn có thể linh hoạt đưa ra các thử nghiệm hay ý tưởng mới mẻ cho điều gì đó trước khi chính thức triển khai.
Giả sử, hiện tại bạn đang giới thiệu một phương pháp nào đó để cải thiện hoạt động kinh doanh và đảm bảo mang đến điều tốt nhất cho khách hàng. Đây chính là cơ hội giúp bạn thiết lập lại mối quan hệ kinh doanh cũng như giải quyết các vấn đề hiện có hay phát sinh trong quá trình hợp tác của đôi bên.
Ví dụ, bạn là một Freelancer được trả phí từ trước với số lượng công việc và thời gian đã thỏa thuận nhưng khi triển khai dự án, thời gian thực tế lại vượt quá ước lượng ban đầu. Lúc này, phương pháp review công việc định kỳ sẽ giúp bạn có cơ hội nêu ra vấn đề một cách sát thực và đầy tự tin. Bạn hoàn toàn có thể đưa ra bảng chấm công và chủ động đề nghị chi phí bổ sung cho số giờ mà bạn đã làm thêm.
Ảnh: Looka
Nhưng nếu khách hàng “say no” thì phải xử lý thế nào? Thực tế, đây là việc đôi bên cùng có lợi, bạn không thể chấp nhận làm thêm giờ cho họ một cách miễn phí như vậy. Bạn có thể đưa ra một trong hai phương án cho khách hàng lựa chọn: một là hạ thấp kỳ vọng đối với chất lượng sản phẩm mà bạn sẽ cung cấp, hai là chấp nhận chi phí bổ sung.
Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, bạn cần thực hiện phương pháp này thường xuyên với nhiều khách hàng khách. Chẳng bao lâu, chắc chắn bạn sẽ nhận thấy hoạt động kinh doanh và mối quan hệ khi làm việc của bạn cũng dần trở nên chất lượng hơn.
3. Sắp xếp lại Portfolio
Đây là vấn đề phổ biến, giống như một vòng luẩn quẩn đối với bất kỳ Freelancer nào. Bạn đang tìm kiếm công việc mới nhưng vẫn chưa có sản phẩm nào trong Portfolio để chứng tỏ khả năng của bản thân, vậy tại sao khách hàng phải tin tưởng bạn?
Có nhiều cách để giải quyết vấn đề này nhưng thường thấy nhất là tự thực hiện các dự án phụ để lấp đầy Portfolio năng lực của bạn. Ngoài ra, hãy viết lại dòng tiêu đề giới thiệu bản thân và hồ sơ trên mạng xã hội để giúp khách hàng hiểu hơn về bạn. Đôi khi chỉ cần vài dòng đơn giản như: “Tôi chuyên về chụp ảnh sự kiện” cũng sẽ giúp ích rất nhiều trong việc thuyết phục khách hàng biết bạn là ai.
Ảnh: 24SEVEN
Đồng thời, hãy tìm kiếm nguồn cảm hứng từ đồng nghiệp xung quanh và khám phá những Freelance khác đang làm thế nào. Điều cần lưu ý ở đây là đừng sao chép hoàn toàn ý tưởng sáng tạo, sự nỗ lực từ người khác mà hãy lấy cảm hứng dựa trên những việc họ đã triển khai. Mặc dù nghiên cứu các yếu tố liên quan được xem là điều hiển nhiên khi bắt tay thực hiện một dự án nào đó nhưng dường như khá nhiều người làm sáng tạo vẫn còn lãng quên giai đoạn này.
4. Có cho bản thân một người Mentor
Để trở nên giỏi hơn ở bất kỳ lĩnh vực nào, Mentor là yếu tố cần thiết để giúp bạn nâng cao năng lực chuyên môn mà không phải lãng phí nhiều thời gian loay hoay tự mày mò. Nếu bạn muốn cải thiện khả năng chơi piano thì bạn nên thuê một gia sư chuyên về lĩnh vực này. Nếu bạn muốn kỹ năng chơi gôn của mình tiến bộ thì nhất định phải trả một khoản chi phí thuê chuyên gia hướng dẫn. Con đường của Freelancer cũng tương tự như vậy, sự hướng dẫn từ những người có kinh nghiệm là món quà giá trị đối với bạn.
Ảnh: Online Design Teacher
Thực tế, không ít Freelancer đã tìm được những khách hàng cũng như các dự án xịn-sò từ lời giới thiệu của Mentor. Vì vậy, hãy xem xét thật kỹ những người mà bạn ngưỡng mộ và chủ động gửi cho họ một email với nội dung chân thành hy vọng họ có thể trở thành Mentor của bạn. Có thể những chuyên gia này sẽ không chấp nhận lời mời của bạn, nhưng không sao cả.
Ngược lại, nếu bạn sử dụng một số tiền lớn cho hoạt động coaching/tư vấn kinh doanh, cuộc sống thì chưa chắc đã hiệu quả. Do đó, điều tốt nhất mà Freelancer có thể làm là ngừng than vãn về công việc với đối tác, gia đình hoặc bạn bè, bạn cần tìm kiếm cho mình một Mentor thực sự trên hành trình phát triển của bản thân.
5. Sẵn sàng từ bỏ
Cuối cùng, sự nghiệp của bạn vẫn phụ thuộc vào việc bạn có kiên định với mục tiêu bản thân đề ra hay không. Những người làm sáng tạo thường có xu hướng cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người nhưng thực tế không thể nào đạt được điều này. Điều quan trọng là bạn cần kiên trì với quan điểm, mục tiêu của bản thân. Hãy nhớ rằng bản thân là người chịu trách nhiệm cuối cùng cho sự nghiệp Freelancer chứ không phải khách hàng.
Ảnh: eLearning Industry
Nếu mọi việc không suôn sẻ, tồn tại nhiều bất đồng hay bạn cảm nhận có điều gì đó không còn phù hợp, bạn hoàn toàn có thể thương lượng chấm dứt hợp tác bằng sự chuyên nghiệp, rõ ràng. Nói cách khác, bạn cần đặt ra tiêu chuẩn và giới hạn cụ thể trong công việc, đấy là những nguyên tắc mà cả hai cần phải tuân theo.
Đồng thời, bạn cũng cần kiểm soát mọi quyết định, xem xét kỹ lưỡng điều khách hàng mong muốn và tập trung vào mục tiêu cuối cùng cần đạt được. Bằng cách này, bạn sẽ sớm tìm thấy một công việc Freelance vừa mang lại mức thu nhập xứng đáng, vừa giúp thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo cũng như nhu cầu cân bằng cuộc sống và công việc mà bản thân hằng mơ ước.
Nguồn tham khảo: Creativeboom
Diệu Ngô
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học: https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |