Trong bài viết này, Arena Multimedia sẽ cùng bạn khám phá 14 mẹo thiết kế đồ họa Designer “must-know” để nâng cao tay nghề và giải quyết mọi yêu cầu khó nhằn của khách hàng.
Hiện nay, sự cạnh tranh giữa các Designer ngày càng trở nên khốc liệt. Để tỏa sáng và để lại dấu ấn trong lĩnh vực, Designer không chỉ cần năng khiếu nghệ thuật mà còn yêu cầu sự hiểu biết sâu sắc về công nghệ và kỹ thuật thiết kế. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá 14 mẹo thiết kế đồ họa hứa hẹn giúp các Designer tạo ra những sản phẩm ấn tượng, đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của thị trường ngày nay. Hãy cùng nhau khám phá ngay bây giờ!
Trong những bước khởi đầu
1. Tìm kiếm những nguồn cảm hứng thiết kế bất ngờ
Việc đi tìm cảm hứng thiết kế thường được Designer yêu thích trong quá trình thiết kế và là một bước vô cùng cần thiết. Qua quá trình này, các bạn sẽ được mở mang và thật tuyệt khi bạn có thể “bật ra” những ý tưởng và bạn có thể chưa từng nghĩ tới trước đây.
Nguồn ảnh: Linearity
Có rất nhiều tài liệu tham khảo trên các blog thiết kế và sách thiết kế đồ họa. Ngay cả tác phẩm của những người dẫn đầu ngành cũng “trong tầm tay” bạn trên các nền tảng mạng xã hội. Nhưng hãy thử tiến thêm một bước và đào sâu vào lịch sử thiết kế đồ họa, thử lấy cảm hứng từ những bậc thầy thiết kế và phong trào thiết kế ban sơ trong lịch sử – những thứ đã giúp định hình thiết kế hiện đại như chúng ta biết ngày nay.
Song, làm thế nào để sản phẩm của bạn trở nên độc đáo? Lời khuyên chính là hãy đảm bảo bạn đang sử dụng nhiều tài liệu tham khảo khác nhau và kết hợp các yếu tố thiết kế để đảm bảo bạn không sao chép quá sát một thiết kế nào đó. Ví dụ, nếu tác phẩm của một nhà thiết kế nào đó truyền cảm hứng cho bạn trong việc lựa chọn font chữ, hãy chuyển qua các tài liệu tham khảo khác để quyết định bảng màu, góc chụp ảnh hoặc phong cách minh họa.
Ngoài ra, tìm kiếm các thiết kế không liên quan đến thiết kế của bạn cũng giúp tạo ra một cách tiếp cận mới mẻ thay vì chỉ mắc kẹt trong những gì đã được thực hiện. Bỏ qua cách tiếp cận thông thường có thể tạo ra những ý tưởng bất ngờ.
2. Biết đối tượng mục tiêu của bạn
Bất cứ khi chuẩn bị bắt tay vào thiết kế, bạn phải cân nhắc cẩn thận xem bạn đang sáng tạo cho ai. Trong ngành thiết kế đồ họa, việc đối tượng khán giả mục tiêu của bạn hoàn toàn khác bạn là điều hết sức bình thường. Điều này có nghĩa là bạn phải đưa ra một số lựa chọn thiết kế hấp dẫn và phù hợp với đối tượng mục tiêu của bạn chứ không phải theo sở thích cá nhân.
Khám phá đối tượng mục tiêu của bạn không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về nhu cầu và mong muốn của họ mà còn giúp bạn xây dựng một liên kết mạnh mẽ hơn với đối tượng đó. Bằng cách này, bạn có thể tạo ra những trải nghiệm thiết kế đáng nhớ và độc đáo, đồng thời giúp bạn xây dựng một cộng đồng người ủng hộ sản phẩm của bạn.
Nguồn ảnh: Linearity
Hãy nhớ rằng việc bước ra khỏi vùng an toàn thường là nơi mà bạn có thể phát triển nhanh chóng nhất. Việc thiết kế dựa trên sở thích của khách hàng không chỉ giúp bạn phát triển kỹ năng thiết kế mà còn tạo ra một không gian cho sự sáng tạo bên trong bạn phát triển. Đối mặt với thách thức và chấp nhận rủi ro sẽ không chỉ giúp bạn trở nên tự tin hơn trong công việc của mình mà còn mở ra cánh cửa cho những cơ hội mới mẻ và bất ngờ trong sự sáng tạo.
3. Lên kế hoạch cụ thể cho thiết kế của bạn
Mặc dù việc lao thẳng vào máy tính, đắm chìm vào các ứng dụng thiết kế và thử nghiệm các công cụ, tính năng thiết kế thú vị ngay từ khi nhận yêu cầu có vẻ hấp dẫn, tuy nhiên, việc có một kế hoạch cụ thể là một phần quan trọng trong quy trình thiết kế và thường sẽ giúp Designer tiết kiệm hàng giờ hì hục chỉnh sửa.
Nguồn ảnh: Linearity
Hãy dành ra chút thời gian để suy nghĩ kĩ về định dạng, kích thước và nội dung bạn đang thực hiện. Ấn phẩm của bạn cần thiết kế theo chiều dọc hay ngang? Nó sẽ xuất hiện ở đâu, ngoài trời hay trên mạng xã hội? Bạn có bao nhiêu thời gian để làm việc?
Chỉ cần dành ra vài phút, tạo một bản phác thảo nhanh về ý tưởng thiết kế, bạn sẽ giúp chính bạn đi đúng hướng và duy trì sự tập trung.
Các yếu tố cần thiết trong thiết kế đồ họa
4. Sử dụng bảng màu thống nhất
Màu sắc có thể coi là một trong những công cụ có khả năng tác động mạnh mẽ. Một bảng màu phù hợp với nội dung hay thông điệp muốn truyền tải và một bảng màu nhất quán, đồng bộ là điều cần thiết.
Trong vấn đề này, Designer cần nắm được mối liên hệ giữa màu sắc và cảm xúc con người. Màu sắc có thể mang một thông điệp tiềm thức thường liên quan đến môi trường tự nhiên của chúng. Ví dụ, màu xanh lam và kết nối của chúng với nước có thể truyền tải sự tươi mát lạnh hoặc sạch sẽ trong khi màu đỏ nhắc nhở chúng ta về nhiệt, đam mê và đôi khi là nguy hiểm.
Bên cạnh đó, văn hóa cũng đang đóng vai trò quan trọng trong việc giải thích ý nghĩa các màu sắc xung quanh chúng ta, đừng bỏ qua điều này vì bạn sẽ cần nó để hiểu đối tượng khán giả của bạn trước khi bạn lựa chọn màu sắc.
Nguồn ảnh: Linearity
Bạn có thể bắt đầu với việc sử dụng bánh xe màu sắc. Nó cho phép chúng ta dễ dàng tìm kiếm những màu sắc có thể bổ sung cho nhau (đối diện trên bánh xe), tương tự nhau (kế bên trên bánh xe) hoặc ba màu sắc nào có thể kết hợp với nhau (ba màu được đặt ở vị trí 120 độ trên bánh xe). Mỗi mối quan hệ này đều tạo ra các kết hợp màu sắc đẹp mắt và còn rất nhiều bộ màu thú vị hơn dựa trên vị trí của chúng trên bánh xe đang chờ bạn khám phá.
Ngoài ra, hãy tiết chế khi chọn màu sắc. Bạn nên chọn một bảng màu với 1-3 màu chính, sau đó tạo ra một bộ các màu thứ cấp bằng cách chọn các sắc thái khác nhau của màu chính để đảm bảo tính nhất quán. Hãy coi mỗi màu như có một ‘âm lượng’ và điều chỉnh các tông màu của bạn để chúng không cùng ‘nói’ với một âm lượng.
Một điều quan trọng khác là xem xét tỷ lệ của bảng màu và thử nghiệm để xem cần áp dụng bao nhiêu phần trăm của mỗi màu vào thiết kế. Sử dụng bảng màu của bạn theo các cách khác nhau có thể mang tới những thay đổi đáng kể cho thiết kế. Dưới đây là một số nguồn tài nguyên rất phù hợp với người mới bắt đầu:
- Pigment by Shape Factory
- Adobe Color
- Paletton
- Coolers
5. Tạo phân cấp và nhóm các yếu tố
Phân cấp được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất để tạo ra được một thiết kế thành công. Các nhà thiết kế đồ họa là những người giao tiếp thông qua hình ảnh, trong đó, phân cấp đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường khả năng hiểu của thiết kế và hướng dẫn ánh nhìn của người xem từ yếu tố quan trọng nhất đến lời kêu gọi hành động (CTA) cuối cùng.
Bạn hãy bắt đầu với việc xác định thông điệp hoặc tính năng quan trọng nhất của thiết kế. Đây sẽ là yếu tố “thống trị” về mặt thị giác và nổi bật so với các yếu tố khác. Cách rõ ràng nhất để đạt được phân cấp trong thiết kế của bạn là căn chỉnh kích thước hoặc tỷ lệ của nội dung. Bạn cũng có thể thử nghiệm với việc áp dụng màu sắc, độ đậm hay kiểu dáng của font chữ.
Thiết kế càng phức tạp thì việc phân cấp càng khó, nhưng một cách tuyệt vời để đơn giản hóa thiết kế nhiều nội dung là nhóm các yếu tố lại với nhau một cách trực quan và sử dụng chung một kiểu minh họa cho chúng. Trong ví dụ dưới đây, ngày, địa chỉ và địa chỉ web đã được nhóm lại với nhau về mặt trực quan.
Nguồn ảnh: Linearity
Ngoài ra, thông tin về studio và nhà tài trợ cũng được nhóm lại. Điều này cho phép các nhóm thông tin này được đọc cùng nhau và giúp đơn giản hóa phân cấp tổng thể.
Mỗi thiết kế đều khác nhau, nhưng hãy nhớ rằng thông điệp hoặc tính năng quan trọng nhất phải luôn nổi bật bất kể phong cách thiết kế hay số lượng yếu tố được sử dụng.
6. Tạo độ tương phản trực quan
Đi đôi với nguyên tắc phân cấp trong thiết kế là nguyên tắc tương phản. Giống như trong đời thực, khi một thứ gì đó xuất hiện khác biệt, có vẻ ngoài độc đáo so với những thứ xung quanh, mắt chúng ta sẽ ngay lập tức bị thu hút bởi nó. Do đó, tương phản là một trong những yếu tố có khả năng tác động mạnh mẽ nhất trong thiết kế, giúp tăng thêm sự thú vị và tạo điểm nhấn cho ấn phẩm.
Nguồn ảnh: Pinterest
Tương tự như với phân cấp, bạn có thể tạo ra sự tương phản trong thiết kế của mình bằng cách sử dụng các màu sắc hoặc tông màu tương phản, bằng cách thay đổi font chữ hoặc sử dụng các kiểu dáng khác nhau cho các đoạn văn bản khác nhau, hoặc thậm chí là tạo độ tương phản giữa các khoảng trống giữa các yếu tố trong thiết kế của bạn.
7. Đừng ngại sử dụng khoảng trắng
Khoảng trống giữa các yếu tố thiết kế được gọi là “khoảng trắng” hoặc “khoảng trống âm”. Khoảng trống này không đơn thuần là thiếu nội dung mà bản thân nó là một lựa chọn thiết kế và có thể được sử dụng để đạt được các nguyên tắc thiết kế quan trọng như tương phản và phân cấp đã đề cập ở phần trên.
Mặc dù đôi khi bạn có thể coi những khoảng trống trong thiết kế của mình là “lãng phí tài nguyên” nhưng khoảng trắng cũng có thể là một trong những tài sản lớn nhất của bạn khi được sử dụng một cách có chiến lược. Hãy thử tạo khoảng trống xung quanh một yếu tố mà bạn muốn người xem tập trung vào và xem hiệu quả.
Nguồn ảnh: Linearity
Một yếu tố có nhiều khoảng trống xung quanh về mặt thị giác sẽ được tách biệt và không bị lộn xộn với các yếu tố khác của thiết kế. Khoảng trống này cho phép nó nổi bật hơn và trở thành điểm nhấn.
Khoảng trắng không chỉ là yếu tố được các Designer theo chủ nghĩa tối giản ưa chuộng, nó cùng giúp tối đa hóa tác động tổng thể của thiết kế thông qua việc tạo ra khoảng trống, những khoảnh khắc để “thở” trong một thiết kế “bận rộn” với nhiều chi tiết.
Xem thêm: 14 tips thiết kế đồ họa hữu ích Designer không nên bỏ lỡ (Phần 2)
Nguồn: Linearity
Anh Thư
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học: https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |