Bài viết này sẽ đưa bạn khám phá qua 12 nguồn tài nguyên nhiếp ảnh không thể bỏ qua, từ những tạp chí, diễn đàn cộng đồng cho đến các trang web đem đến cơ hội quảng bá cho chính bạn.
Nhiếp ảnh không chỉ là việc bắt gọn khoảnh khắc mà còn là hành trình không ngừng khám phá, sáng tạo và học hỏi chính bản thân mỗi nhiếp ảnh gia. Trong thời đại kỹ thuật số, các cộng đồng nhiếp ảnh trực tuyến trở thành nguồn tài nguyên không thể thiếu cho những người yêu nghệ thuật ảnh. Với hàng ngàn trang web, diễn đàn, và cộng đồng trực tuyến, các nhiếp ảnh gia có cơ hội khám phá và phát triển kỹ năng của mình dễ dàng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những tạp chí nhiếp ảnh truyền thống giữ được sức hút của riêng mình khi sở hữu nội dung chất lượng, các bài phỏng vấn chuyên sâu cùng các nhiếp ảnh gia hàng đầu, cũng như các hoạt động gắn kết cộng đồng trên toàn thế giới. Dù bạn là người chỉ mới biết đến nhiếp ảnh, một phó nháy tập sự hay một người đã làm nghề lâu năm, dưới đây là 12 nguồn tài nguyên dành cho giới mê ảnh mà bạn nhất định không thể bỏ qua. Cùng Arena Multimedia khám phá ngay nhé!
Nguồn ảnh: AdobeStock
1. Aperture
Có trụ sở đặt tại New York (Mỹ), Aperture là nhà xuất bản phi lợi nhuận với tạp chí cùng tên được ra mắt theo quý. Được thành lập vào năm 1952 với mục tiêu “tăng cường tư duy sáng tạo qua từ ngữ và hình ảnh”, Aperture tự hào là người đấu tranh cho vai trò quan trọng của nhiếp ảnh trong việc nuôi dưỡng sự tò mò và khuyến khích một xã hội công bằng, khoan dung hơn. Bao gồm các cuộc phỏng vấn, bài viết đặc sắc về nghệ thuật, cũng như thông tin chung về ngành, tạp chí của Aperture là một nguồn thông tin tham khảo không thể bỏ qua đối với những nhiếp ảnh gia.
Nguồn ảnh: Aperture
Bên cạnh đó, Aperture còn nổi tiếng với việc xuất bản sách, tổ chức triển lãm, và cung cấp nền tảng số để chia sẻ các hình ảnh ấn tượng với độc giả toàn cầu. Ngoài ra, tổ chức này còn thường xuyên tổ chức các chương trình cộng đồng, phát hành các ấn phẩm giới hạn, cũng như trao các giải thưởng để tôn vinh những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Với sứ mệnh phát triển nền văn hóa nhiếp ảnh và góp phần vào việc xây dựng một cộng đồng “phó nháy” sôi động, Aperture không chỉ là một đơn vị xuất bản mà còn góp phần quan trọng trong sự phát triển của nghệ thuật và văn hóa hiện đại của ngày nay.
2. British Journal of Photography
Chính thức ra mắt từ năm 1854, British Journal of Photography là một trong những tạp chí nhiếp ảnh lâu đời nhất trên thế giới và vẫn giữ được sức hút mạnh mẽ cho đến tận ngày nay. Tạp chí này thường được xuất bản mỗi 2 tháng và nội dung chủ yếu hướng đến các nhiếp ảnh gia mới nổi, cũng như bàn luận về các nhân vật nổi tiếng của các thế hệ trước. Chưa hết, khi tìm đọc British Journal of Photography, bạn không chỉ được giới thiệu về nghệ thuật mới mẻ và xu hướng tiên tiến, mà còn nhận được các câu hỏi trả lời về vai trò và tầm quan trọng của nhiếp ảnh trong xã hội hiện đại. Điều này làm cho BJP không chỉ là một nguồn cung cấp thông tin đáng tin cậy, mà còn là một diễn đàn quan trọng để thảo luận về nghệ thuật và văn hóa nhiếp ảnh.
Nguồn ảnh: British Journal of Photography
Bên cạnh việc đem đến nguồn thông tin, British Journal of Photography còn là “ngôi nhà chung” của các giải thưởng lớn trong ngành công nghiệp nhiếp ảnh và sở hữu một agency riêng biệt, chuyên kết nối các nhiếp ảnh gia nổi tiếng để làm việc cùng các thương hiệu hàng đầu.
3. Digital Camera
Digital Camera không chỉ là nguồn thông tin hữu ích đối với các “newbie” mà còn với cả những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Tạp chí này tập trung vào việc đem đến kiến thức về cách sử dụng thiết bị và kỹ thuật nhiếp ảnh, cũng như giúp các bạn trẻ hiểu hơn về nghệ thuật và sự sáng tạo trong mỗi bức ảnh. Bên cạnh đó, Digital Camera còn có những bài phỏng vấn cùng các nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong ngành và các bài viết chuyên sâu được thực hiện bởi chính các chuyên gia, đem đến lượng thông tin khổng lồ từ cơ bản đến nâng cao dành cho những ai nghiêm túc theo đuổi sự nghiệp phó nháy.
Nguồn ảnh: pclpublications
4. Black & White
Như chính cái tên của mình, Black & White là tạp chí thuần về nhiếp ảnh trắng đen. Dù trắng đen khiến người khác dễ dàng liên tưởng về những ngày đời đầu khi nghệ thuật nhiếp ảnh mới được ra đời, nhưng ở thời gian gần đây, trắng đen dần trở thành xu hướng được ưa chuộng trở lại. Mặc dù chúng ta sống trong thế giới nhiếp ảnh kỹ thuật số mà màu sắc rực rỡ thường là điều phổ biến, nhiếp ảnh đen trắng vẫn giữ vững vị thế của mình như một hình thức nghệ thuật độc đáo và mạnh mẽ. Với tôn chỉ hoạt động của mình, Black & White đặt ra một tầm nhìn rộng lớn về nghệ thuật trắng đen, không chỉ giới thiệu về các nghệ sĩ và tác phẩm nổi tiếng mà còn là nơi để chia sẻ kiến thức về kỹ thuật, trang thiết bị, và xu hướng mới trong lĩnh vực này.
Nguồn ảnh: Black & White
5. DPReview
Nếu muốn tìm hiểu về các loại máy ảnh và xem review cặn kẽ từ các chuyên gia, DPReview chắc chắn là nơi mà bạn sẽ không muốn bỏ lỡ. Được thành lập vào năm 1998, nhiệm vụ của trang web này là cung cấp sự đánh giá có uy tín nhất về trang thiết bị nhiếp ảnh số trên toàn thế giới, bao gồm tin tức, bài viết và đánh giá của các chuyên gia. DPReview nổi tiếng những bài review vô cùng chi tiết và kỹ lưỡng ở nhiều khía cạnh, so sánh các dòng máy cùng phân khúc với nhau để bạn có thể dễ dàng lựa chọn chiếc máy phù hợp với nhu cầu của mình nhất. Bên cạnh đó, nếu ghé thăm DPReview thường xuyên, bạn sẽ được cập nhật các xu hướng và công nghệ mới nhất của lĩnh vực nhiếp ảnh.
Nguồn ảnh: DPReview
6. Fstoppers
Fstoppers được thành lập vào năm 2010 bởi Patrick Hall và Lee Morris như một cộng đồng trực tuyến dành cho nhiếp ảnh gia, nhà quay phim và các chuyên gia sáng tạo. Kể từ đó, nền tảng này trở thành một trong những nguồn tài nguyên trực tuyến hàng đầu về ánh sáng nhiếp ảnh, đánh giá thiết bị, mẹo kinh doanh và tin tức chung trong ngành công nghiệp.
Fstoppers không chỉ là một trang web cung cấp thông tin, mà còn là một cộng đồng nơi những người đam mê nghệ thuật hình ảnh có thể chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm và tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng chuyên nghiệp. Trang web này thường xuyên đăng tải những bài viết chất lượng cao, video hướng dẫn và phân tích chi tiết về các chủ đề đa dạng như kỹ thuật nhiếp ảnh, sử dụng thiết bị mới, và chiến lược kinh doanh trong ngành nghệ thuật sáng tạo.
Nguồn ảnh: Fstoppers
7. Petapixel
Thành lập vào năm 2009, PetaPixel là một trang báo trực tuyến với mục tiêu cung cấp thông tin, giáo dục và truyền cảm hứng trong mọi lĩnh vực liên quan đến nhiếp ảnh. Với một sự kết hợp tuyệt vời giữa tin tức và sự kiện hiện tại trong thế giới nhiếp ảnh, cùng với các đánh giá và bài viết ý kiến, PetaPixel là nơi tuyệt vời để nắm bắt nhịp điệu của những phát triển mới nhất trong ngành.
PetaPixel không chỉ là một nguồn thông uy tín về các sự kiện và xu hướng mới mẻ trong cộng đồng nhiếp ảnh, mà còn là một cộng đồng trực tuyến sôi động, nơi người đọc có thể chia sẻ ý kiến, thảo luận và tìm kiếm kiến thức. Trang web này không ngừng cập nhật thông tin về các sự kiện quan trọng, bài review các thiết bị mới vô cùng chi tiết, cũng như các bài viết phân tích sâu về các chủ đề đa dạng như nghệ thuật nhiếp ảnh, kỹ thuật chụp ảnh, và công nghệ mới.
Nguồn ảnh: PetaPixel
Ngoài ra, PetaPixel còn tập trung vào việc cung cấp nguồn thông tin bổ ích cho cả những người mới bắt đầu và những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho một sân chơi mở, tích cực và sáng tạo cho cộng đồng nhiếp ảnh.
8. DIY Photography
DIY Photography không chỉ là một nguồn thông tin đa dạng về nhiếp ảnh DIY, mà còn là một cộng đồng trực tuyến nơi mọi người có thể chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm và ý tưởng sáng tạo. Ngoài các hướng dẫn và dự án DIY, trang web này cũng thường xuyên giới thiệu những bài viết nổi bật về các nghệ sĩ và những ý tưởng độc đáo về sáng tạo với nhiếp ảnh và video.
Nguồn ảnh: DIY Photography
DIY Photography đem đến một không gian thú vị dành cho những người muốn khám phá và thử nghiệm, không chỉ với nhiếp ảnh mà còn với việc tự chế và cải tiến thiết bị với những thủ thuật đơn giản. Đây là một nguồn tài nguyên tuyệt vời cho những người muốn tận dụng sự sáng tạo của mình và làm mới các sản phẩm nhiếp ảnh bằng những cách rất riêng.
9. Shotkit
Bạn có bao giờ tò mò về thiết bị mà các nhiếp ảnh gia yêu thích của mình sử dụng? Shotkit mang đến cái nhìn sơ bộ vào chiếc túi máy ảnh của những tên tuổi nổi tiếng trên toàn thế giới. Được thành lập bởi Mark Condon, một nhiếp ảnh gia gốc Anh và Nhật Bản đang sống ở Úc, chiếc blog độc đáo này cũng đưa ra đánh giá thiết bị, hướng dẫn nhiếp ảnh, đánh giá phần mềm, lời khuyên và nhiều nội dung độc đáo khác. Bên cạnh đó, Shotkit còn là một cộng đồng nơi những người đam mê nghệ thuật ảnh có thể khám phá và chia sẻ. Trang web này đưa ra những cái nhìn chi tiết về thiết bị và công cụ sử dụng bởi các nghệ sĩ hàng đầu, giúp cộng đồng nhiếp ảnh tìm hiểu và lựa chọn đúng dụng cụ cho công việc của họ.
Nguồn ảnh: Shotkit
Bên cạnh việc giới thiệu về thiết bị, Shotkit cũng mang đến những bài đánh giá chân thực về các sản phẩm, hướng dẫn các thủ thuật về sáng tạo với nhiếp ảnh và các tips để có một bức ảnh ấn tượng. Điều này biến Shotkit thành một nguồn tài nguyên đầy đủ và đa chiều cho cả những người mới bắt đầu và những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp muốn nâng cao kỹ năng và kiến thức của bản thân.
10. Feature Shoot
Bắt đầu từ năm 2008 do Alison Zavos sáng lập, Feature Shoot được ra đời với sứ mệnh chắp cánh cho các tác phẩm của cộng đồng nhiếp ảnh gia trên toàn thế giới. Đến nay, nền tảng này đã trở thành nơi lưu trữ tác phẩm của hơn 4000 nhiếp ảnh gia.
Feature Shoot không chỉ là một nơi để giới thiệu các nhiếp ảnh gia mới và tài năng, mà còn là một cộng đồng nơi người xem có thể khám phá những góc nhìn mới và đa dạng về nghệ thuật nhiếp ảnh. Tính đa dạng của nền tảng này không chỉ giới hạn trong việc giới thiệu các gương mặt mới mà còn thể hiện ở cấp độ nội dung, từ ảnh nghệ thuật đến các bức ảnh tài liệu đầy cảm xúc, từ chân dung đến thiên nhiên và phong cảnh.
Nguồn ảnh: Feature Shoot
Bằng cách kết hợp cộng đồng quốc tế và sự đa dạng trong chủ đề, Feature Shoot là một nguồn tài nguyên quan trọng cho những người yêu thích nghệ thuật ảnh và muốn theo dõi sự phát triển của nó thông qua tác phẩm của các nhiếp ảnh gia đương đại.
11. 500px ISO
500px ISO là blog thuộc nền tảng chia sẻ ảnh 500px. Trong đó, ISO cung cấp những câu chuyện đầy cảm hứng, tips hướng dẫn và những câu chuyện đằng sau các bộ ảnh từ cộng đồng. Khi ghé thăm trang web, bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ các nhiếp ảnh gia đầy tâm huyết và khám phá cách họ bắt gọn những hình ảnh tuyệt vời nhất của mình.
Nguồn ảnh: 500px ISO
Bên cạnh đó, trang web này thường xuyên đăng tải các bài viết chi tiết về các nghệ sĩ nổi tiếng. Đây cũng là một nơi để bạn khám phá xu hướng mới trong thế giới nhiếp ảnh và chia sẻ ý kiến với cộng đồng quốc tế về những gì đang diễn ra xung quanh. Ngoài ra, với những tips bổ ích và thú vị được chia sẻ trên ISO, bạn hoàn toàn có thể học hỏi và cải thiện kỹ năng, cũng như hiểu sâu hơn về nghệ thuật nhiếp ảnh qua tác phẩm của người khác.
12. LensCulture
LensCulture không chỉ là một tạp chí nhiếp ảnh, mà còn là một cộng đồng đa dạng và quốc tế nơi những nhiếp ảnh gia, từ người mới bắt đầu đến những người nổi tiếng, có cơ hội đưa ra tác phẩm của mình để được công nhận. Từ khi chính thức ra mắt cho đến nay, nền tảng này hoạt động với tôn chỉ: Khám phá những tác phẩm đương đại xuất sắc nhất và chia sẻ chúng với nhiều người nhất có thể.
Nguồn ảnh: LensCulture
Ngoài ra, LensCulture thường xuyên tổ chức các sự kiện và triển lãm nghệ thuật để thúc đẩy sự tương tác và giao lưu trong cộng đồng nhiếp ảnh. Việc này không chỉ giúp nâng cao uy tín của nhiếp ảnh gia mà còn tạo ra cơ hội cho họ tiếp xúc và học hỏi từ những tên tuổi lớn trong lĩnh vực này. LensCulture không chỉ là một nơi để người ta xem và đánh giá tác phẩm nghệ thuật mà còn là một nền tảng năng động đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và thúc đẩy sự đa dạng của cộng đồng nhiếp ảnh toàn cầu.
Nguồn tham khảo: Creativeboom
Thanh Minh
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học: https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |