Làm một Freelancer không khó, nhưng làm một Freelancer tỏa sáng thì đòi hỏi nhiều hơn chỉ kỹ năng hay kiến thức.
Không muốn bó mình vào những bộ quy tắc chốn công sở hay chỉ đơn giản là muốn kiếm thêm thu nhập từ nghề tay trái, lực lượng Freelancer ngày càng chiếm lĩnh một bộ phận không nhỏ trong thị trường lao động. Và không ngạc nhiên khi ngành sáng tạo, với tất thảy sự linh hoạt, đa mảng và đổi mới liên tục, chính là mảnh đất màu mỡ bậc nhất để bất cứ ai cũng có thể thử khám phá, đã chứng kiến sự bùng nổ số lượng Freelancer trong thập kỷ gần nhất.
Tỏa sáng giữa một thị trường sáng tạo đông đúc và nhộn nhịp đến vậy hẳn nhiên không phải chuyện dễ dàng. Chính vì thế mà bên cạnh nền tảng, kỹ năng, kiến thức, mỗi Freelancer ngành Sáng tạo đều nên sở hữu những tố chất, những kỹ năng mềm sẽ giúp bạn đi lâu hơn và xa hơn trên con đường này.
1. Sự độc đáo
Unique Selling Point (USP), tức “lợi điểm bán hàng độc nhất”, là điều mà mỗi công ty, tổ chức, cá nhân đều muốn nhấn mạnh để phân biệt sản phẩm hoặc dịch vụ của mình với các đối thủ cạnh tranh. Tương tự thế, mỗi freelancer sáng tạo đều cần có USP của riêng mình. Câu chuyện riêng, phong cách thiết kế hoặc viết lách riêng, cách tiếp cận vấn đề riêng, lĩnh vực thông thạo riêng,… có thể nói một điểm nào đó độc đáo, một phong cách sở trường, đều có thể được rèn giũa để trở thành USP của bạn.
Chúng ta thường có xu hướng học hỏi những công thức thành công của người khác, nhưng “copy and paste” chưa bao giờ là con đường khôn ngoan để tỏa sáng, nhất là nếu bạn không hiểu rõ sự độc đáo của chính mình. Tự trả lời câu hỏi “Tại sao họ nên thuê tôi mà không phải người khác?”, có lẽ bạn sẽ ít nhiều hiểu ra USP của bản thân. Nắm được USP đóng vai trò như một mỏ neo, giúp bạn hiểu mình là ai và có thể cung cấp những dịch vụ, sản phẩm nào, để từ đó xây dựng một CV có điểm nhấn, nộp đơn vào những dự án phù hợp, hay xa hơn và lâu dài hơn là luôn tạo ra được những sản phẩm mang nét chấm phá của riêng bạn và thu hút những khách hàng quan tâm phong cách ấy.
Hiểu và tận dụng USP là điều mỗi freelancer đều cần.
2. Tinh thần trách nhiệm
Giữa một Designer trễ hạn một tuần nhưng tạo ra sản phẩm vô cùng ấn tượng và một Designer đúng hạn nhưng sản phẩm chỉ ở mức đạt yêu cầu, quản lý dự án sẽ muốn tái hợp tác với bên nào hơn? Câu trả lời sẽ khác biệt tùy tình huống, hẳn thế. Nhưng nếu đó là một dự án với khung thời gian chặt chẽ tính bằng ngày, câu trả lời chẳng phải khá rõ ràng? Hay nếu có ý định tái hợp tác, sẽ có bao nhiêu Freelancer sáng tạo đủ tài năng để người tuyển dụng chấp nhận nguy cơ cả một dự án phải dịch chuyển theo họ, hay sự suôn sẻ của của một quy trình lớn cần được ưu tiên?
Ranh giới giữa phóng khoáng và vô trách nhiệm thật sự khá mong manh. Sự thật là thế giới nói chung và ngành sáng tạo nói riêng luôn bận rộn, nên một sự trễ hạn có thể ảnh hưởng đến công việc của hàng tá người. Với sự trợ giúp của công nghệ, không khó để cập nhật tiến độ thường xuyên và đề xuất hướng giải quyết với quản lý dự án, vì thế dù bạn không thể 100% đúng hạn, thì việc cố gắng hết sức để đúng hạn nhiều nhất có thể hoặc cập nhật kịp thời để hạn chế xáo trộn kế hoạch là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm mà tin rằng hầu hết bên tuyển dụng đều muốn thấy.
Đảm bảo cả chất lượng lẫn đúng hạn thường khó khăn, nhưng là điều nhất định cần cố gắng.
3. Tính nhất quán
Sự tin cậy không chỉ được xây dựng trên cơ sở đúng hạn và năng suất, mà hẳn nhiên còn phụ thuộc nhiều vào chất lượng dịch vụ mà một Freelancer cung cấp. Thiết kế một website thì chỉn chu sâu sắc nhưng đến các post social thì lại sơ sài? Sẽ không nhiều quản lý đánh giá cao một cộng tác viên như vậy. Khi đã vượt qua giai đoạn “làm thử”, mỗi sản phẩm bạn cung cấp đều nên đạt đến một ngưỡng chất lượng nhất định, có thể không luôn hoàn hảo nhưng không thể “trồi sụt thất thường” đến mức người xem dễ dàng nhận ra có sự khác biệt rõ ràng trong tâm huyết mà bạn đặt vào giữa các sản phẩm.
Vừa muốn đúng hạn vừa muốn mỗi sản phẩm đều chất lượng, sao mà khó khăn – có lẽ một bộ phận Freelancer mới sẽ cảm thán như vậy. Sáng tạo đương nhiên đòi hỏi cảm hứng, nhưng chẳng thể ngồi yên để đợi cảm hứng đến và mong rằng mọi sản phẩm mình hoàn thành đều 100% đạt mức “tuyệt vời”. Sáng tạo liên tục và chủ động tìm cảm hứng sẽ giúp bạn dần bắt nhịp với bản thân, đủ để ước lượng tương đối chính xác mình cần bao nhiêu thời gian để tạo ra một sản phẩm trên mức ổn khi nhìn vào yêu cầu của khách hàng và chủ động đề xuất hạn nộp, đó chính là tính nhất quán cần có ở một Freelancer ngành sáng tạo.
Sáng tạo thường xuyên chính là con đường hiệu quả nhất để nuôi dưỡng cảm hứng thường xuyên.
4. Sự hiện diện
Freelancer luôn muốn tìm được nhiều khách hàng, và việc hoạt động đều đặn trên các nền tảng mạng xã hội là một phương pháp hữu dụng để tiếp cận nhiều khách hàng tiềm năng. Không hề khó khăn để tạo một tài khoản Instagram, Twitter, LinkedIn hay bất cứ nền tảng nào bạn thấy phù hợp với mảng mà mình đang hoạt động, nhưng chỉ một tài khoản đó đã giúp mọi người dễ dàng tìm thấy bạn, nắm được tiềm năng của bạn và dễ dàng liên hệ khi cần thiết.
Nhưng bạn cũng không cần dành quá nhiều thời gian cho việc chăm chút các tài khoản mạng xã hội, chỉ cần biết cách quản lý chúng một cách đều đặn và thông minh. Một số chi tiết nhất định phải đầy đủ là tên, chức vụ, phương thức làm việc, dịch vụ cung cấp và thông tin liên hệ. Phần kinh nghiệm thay vì chi chít chữ với những câu chuyện và chi tiết lan man, hãy chỉ liệt kê súc tích và rõ ràng những thành tựu, sản phẩm, kỹ năng thu nhận được từ các công việc đó. Một tài khoản gọn gàng, rõ ràng, đầy đủ thông tin cơ bản để bất cứ ai nhìn vào cũng nhanh chóng nắm bắt được bạn là ai và có thể làm gì (hoặc có tiềm năng làm gì), sẽ giúp ích cho khách hàng chủ động tìm đến bạn.
Đảm bảo tên bạn dễ dàng được tìm thấy trên các nền tảng tuyển dụng lớn sẽ mang đến những cơ hội không ngờ.
5. Biết xây dựng và bảo vệ thương hiệu cá nhân
Nếu đã quyết định sử dụng một tài khoản mạng xã hội để bổ trợ cho công việc freelance của mình, hãy thực hiện nó một cách chuyên nghiệp. Tùy vào tính chất của từng nền tảng mà việc quản lý tài khoản sẽ có khác biệt. Nếu LinkedIn là bức tranh khái quát thì Facebook có thể là nơi phù hợp cho các bài đăng cập nhật sản phẩm, cho những câu chuyện bên lề giúp hoàn thiện hơn thương hiệu của bạn trong mắt người khác.
Thông thường, cần có ranh giới giữa tài khoản dành cho công việc và cuộc sống riêng tư. Một tài khoản lập ra để định danh “freelancer A”, “writer B”, “designer C” thì chỉ nên thảo luận những vấn đề liên quan đến công việc và lĩnh vực của mình. Bùng nổ cảm xúc, những suy nghĩ tiêu cực, những tranh luận trái chiều về một chủ đề vĩ mô nào đó, bạn có thể để chúng “bung xõa” ở tài khoản cá nhân khác. Dù có đăng tải nội dung gì, đừng đi xa khỏi mục đích ban đầu của một tài khoản để làm việc: giúp người khác biết mình đang làm gì và có thể làm gì.
Tạo dựng và bảo vệ một thương hiệu cá nhân “sạch” là điều cần thiết cho việc làm Freelancer lâu dài.
6. Tính trung thực
Thật ra, tính trung thực hiện diện rõ ràng hoặc lấp ló trong hầu hết các tố chất mà một freelancer nói riêng và một người trong thị trường lao động nói chung cần quan tâm. Thẳng thắn mà nói, 100% trung thực chừng như là điều quá khó khăn trong một thị trường nhiều biến động như hiện nay. Những kỹ năng bạn không thực sự nắm rõ, những lĩnh vực bạn không có kiến thức vững vàng, những lời hứa hẹn hoàn thành sản phẩm trong ít ngày dù biết rõ là quá tầm, rất dễ để sa vào những sự không trung thực như thế.
Nhưng mọi thứ đều có giới hạn. Ngắn hạn, sự phóng đại có thể kiếm cho bạn thêm một ít dự án hay khách hàng, nhưng khi sản phẩm không tương xứng với lời hứa, khi những khiếm khuyết lộ ra, việc này sẽ gây hại không nhỏ đến thương hiệu cá nhân của bạn, và sẽ thật dễ đoán chuyện giảm sút niềm tin hay cơ hội tái hợp tác bằng không. Trung thực ngay từ đầu về những gì mình thành thục, những gì nằm trong tầm kiểm soát, và những gì mình có thể nếu cố gắng hết sức, sẽ giúp cho cả khách hàng lẫn bản thân bạn dễ chịu hơn khi bắt tay vào thực hiện dự án.
Hẳn không khách hàng nào vui lòng với một freelancer trót phóng đại quá trớn năng lực bản thân, vì thế hãy cẩn trọng!
7. Hiểu rằng mình cần được tôn trọng
Làm một freelancer không có nghĩa là thoát khỏi khái niệm bị Overtime (OT – làm việc quá giờ) mà không được tưởng thưởng xứng đáng, vì thế trong một số tình huống, cần tránh biến bản thân thành “chân sai vặt” hay “làm thêm không công”. Cố gắng làm hài lòng khách hàng là một phản xạ tự nhiên của bất cứ ai, nhưng rõ ràng cần có sự cân bằng giữa đáp ứng yêu cầu và biết cách từ chối những đòi hỏi quá đáng.
Nếu hai bên đã thoả thuận về quy mô và quá trình thực hiện một dự án, hãy đảm bảo nắm rõ như thế nào là đạt yêu cầu và phần việc của bản thân là gì. Sửa chữa sản phẩm cho đến khi có được phiên bản tốt nhất không vô lý, nhưng sửa chữa sản phẩm chỉ vì khách hàng đột nhiên đổi ý “phút 90”, hay vốn chỉ thực hiện nội dung nhưng đột nhiên bị giao thêm phần thiết kế dù kế hoạch ban đầu không có, có lẽ đều cần một sự dũng cảm để từ chối. Biết bảo vệ chính kiến và quyền lợi bản thân khi cần thiết cũng là một yếu tố giúp bạn trở nên “cao giá” hơn trong mắt người muốn hợp tác.
Cần biết phân biệt giữa yêu cầu chính đáng và quá đáng để khéo léo từ chối trong một số trường hợp.
8. Tinh thần ham học hỏi
Với đặc trưng liên tục đổi mới, liên tục nhộn nhịp, những điều sẵn có không bao giờ là đủ để tồn tại trong ngành sáng tạo, đặc biệt khi làm việc với tư cách Freelancer. Trở thành một Freelancer sáng giá trong ngành sáng tạo có thể chỉ mang tính chất nhất thời nếu bạn không kịp cập nhật thông tin liên tục, chần chừ việc học thêm kỹ năng mới hay ngó lơ những lĩnh vực mới.
Phần mềm mới, ngôn ngữ mới, công nghệ mới, cách viết mới, hay thậm chí phát triển một lĩnh vực sở trường mới nơi kỹ năng của mình có thể được tận dụng, càng làm Freelancer lâu sẽ càng xuất hiện rất nhiều điều bạn có lẽ phải học thêm. Điều tiên quyết là đừng sợ hãi việc học, vì không ai đòi hỏi bạn phải thành thục tất cả mọi thứ cả. Hoàn thiện những kỹ năng đã sở hữu, học thêm những thứ liên quan, đào sâu vào những thứ khả dĩ giúp mở rộng công việc của bạn hơn, và nắm cơ bản một vài lĩnh vực được quan tâm trong xã hội hiện đại, như thế đã đủ để bạn tiếp tục phát triển. Chỉ cần tiếp tục học hỏi với một tinh thần cầu tiến, bạn sẽ không bị bỏ lại trong cuộc đua của các Freelancer.
Học, học nữa, học mãi là tôn chỉ cho bất cứ vị trí nào, hẳn nhiên Freelancer cũng không ngoại lệ.
9. Niềm tin vào bản thân
Trong rất nhiều tố chất, có lẽ đây là điều thoạt nghe qua nặng màu “lý thuyết” nhất, nhưng cũng là điều không thể thiếu nhất. Làm Freelancer cho bạn tự do nhất định, nhưng tính chất không ổn định của nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và dễ dàng khiến bạn nhụt chí, buồn bã, nhất là dưới áp lực của các chi phí thường nhật. Niềm tin vào bản thân là thứ vũ khí hữu dụng nhất giúp ta bước qua những nốt trầm này.
Làm một Freelancer toàn thời gian, làm nhân viên văn phòng toàn thời gian hay “một chân đạp hai thuyền”, sau một thời gian thử nghiệm, bạn thường sẽ nhận ra đâu là con đường phù hợp với mình. Nếu cảm thấy mệt mỏi, chán nản, đừng ngần ngại tặng cho bản thân một khoảng nghỉ ngắn, một thay đổi nhỏ trong cuộc sống thường ngày, trước khi quyết định quay trở lại như thế nào hay có quay trở lại không. Chỉ cần đừng quên rằng niềm tin bản thân luôn có một vị trí đúng để tỏa sáng là động lực không thể thiếu giúp bạn kiến tạo nên vị trí đó.
Ưu tiên sức khỏe tinh thần của bản thân và hiểu rõ giá trị của mình có thể giúp bạn chọn hướng phát triển phù hợp.
10. Sự thân thiện
Ngành sáng tạo quá rộng lớn, và có hàng trăm nghìn Freelancer ngoài kia, thế nên thật không khôn ngoan nếu chỉ bó mình vào một vòng tròn quan hệ chật hẹp. Việc một dự án cần nhiều Freelancer là chuyện thường xuyên, và học hỏi lẫn nhau hay giới thiệu dự án cho nhau, hay chỉ đơn giản là thêm một người có tiềm năng trở thành bạn bè, tất cả đều trở thành lý do để mỗi Freelancer nên thân thiện và học cách hợp tác với người khác.
Freelancer sáng tạo là một cộng đồng đặc biệt lớn và năng động, vì thế hãy cởi mở và sẵn sàng hợp tác với người khác.
Nguồn tham khảo: creativeboom.com
Dịch và biên soạn tiếng Việt bởi Arena Multimedia
Có thể bạn quan tâm: