Thiết kế logo chưa bao giờ là công việc dễ dàng. Đặc biệt, sáng tạo ra một logo vừa hữu dụng vừa mang đậm bản sắc thương hiệu đòi hỏi nhiều thời gian, sự kiên nhẫn và nỗ lực đáng kể. Tham khảo 10 mẹo hữu ích dưới đây sẽ giúp bạn bớt sự “hoang mang” trong quá trình khó nhằn này.
Sáng tạo logo là một phần không thể thiếu trong quá trình xây dựng thương hiệu. Từ việc xác định các hình dạng chính đến lựa chọn màu sắc hoàn hảo, logo phải nói lên được tính chất của một thương hiệu đồng thời đóng vai trò như một biểu tượng đáng nhớ về bản sắc của bạn. Những logo thành công nhất là những logo có tính linh hoạt và đại diện cho thương hiệu trong hầu hết tình huống. Tuy nhiên, quá trình sáng tạo logo có thể tốn nhiều thời gian và gây khó khăn. Từ những người mới khởi nghiệp đến những nhà thiết kế dày dạn kinh nghiệm, tất cả mọi người đều có thể ít nhiều “dễ thở” hơn nhờ danh sách 10 điều cơ bản và quan trọng cần chú ý trong công cuộc sáng tạo này.
1. Hiểu rõ mục tiêu của mình
Điều quan trọng đầu tiên chính là xác định mục tiêu của logo và các nhiệm vụ cần thực hiện. Xác định chính xác những gì bạn muốn đạt được thông qua logo này, sau đó lên danh sách những gì cần làm để đạt được điều đó là bước cơ bản trước khi phác thảo ra bất cứ hình thù nào. Thông điệp hay câu chuyện đằng sau logo này là gì, nó biểu trưng cho giá trị cốt lõi nào, bạn muốn người xem cảm thấy hay liên tưởng đến điều gì khi nhìn vào chiếc logo của mình, những câu hỏi như thế luôn cần được trả lời ở giai đoạn đầu, bởi nắm bắt đúng tâm lý khách hàng sẽ giúp đưa thiết kế logo của bạn lên một tầm cao mới.
Logo của Jayson và Space Cow Media (Nguồn ảnh: 99designs)
Bạn có thể bắt đầu quá trình thiết kế logo bằng một bản tóm tắt súc tích và rõ ràng để bao quát các thông tin cần thiết, trong đó thường đã phải bao gồm dự tính ngân sách cho cả quá trình vì như thế sẽ giúp bạn quyết đoán hơn khi đứng trước các lựa chọn. Ngoài ra, hãy nhớ rằng: thương hiệu và logo là hai thứ khác nhau. Xây dựng thương hiệu là một nghệ thuật đa sắc thái để định hình thương hiệu của bạn, trong khi logo đóng vai trò là hình ảnh đại diện cho chính thương hiệu đó. Cả hai đều quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
2. Hình dung trên giấy, sau đó render bằng phần mềm kỹ thuật số
Trong một thế giới ngập tràn những phần mềm kỹ thuật số phục vụ cho bất cứ loại hình thiết kế nào bạn muốn, chúng ta có xu hướng quên đi sức mạnh của một bản phác thảo trên giấy. Một bản vẽ phác trên giấy không nhất thiết phải hoàn hảo hay xuất sắc về mặt mỹ thuật thuần tuý mà chủ yếu là truyền tải được những điều bạn muốn thể hiện. Phác thảo có thể là điểm bắt đầu cần thiết cho cả hành trình, bởi việc này giúp bạn hình dung, phát triển hình dạng và có được những suy nghĩ cụ thể ban đầu.
Phác thảo tay là khởi đầu quan trọng của mỗi thiết kế (Nguồn ảnh: 99designs)
Tuy nghe có vẻ hơi cũ kỹ, nhưng nghiêm túc mà nói: một nét vẽ nguệch ngoạc có thể đi được một chặng đường dài. Đặc biệt vì ý tưởng thường mang tính tức thời và sẽ thường xuyên thay đổi, vẽ phác trên giấy thường nhanh hơn so với sử dụng công cụ kỹ thuật số. Ngay cả khi bạn không phải là người trực tiếp thiết kế, phác thảo tay là một cách tuyệt vời để nhanh chóng chia sẻ suy nghĩ của mình với người khác. Những hình dung hữu hình đơn giản như thế đã đủ giúp bạn nhanh chóng xác định sơ bộ điểm ưng ý và chưa ưng ý ở logo của mình để đề xuất chỉnh sửa trước khi bắt đầu công đoạn vẽ máy.
3. Bắt đầu với hai màu đen trắng
Màu sắc hẳn nhiên là một trong những yếu tố quan trọng nhất của mỗi logo. Tuy nhiên, mối bận tâm về màu sắc đôi lúc có thể cản trở quá trình sáng tạo. Bắt đầu với logo đen trắng, bạn có thể tập trung vào các hình dạng và chủ đề chính trong thiết kế – một cách hữu dụng để đúc kết những gì quan trọng nhất. Sau khi cảm thấy thoải mái và hài lòng với phiên bản logo đơn sắc của mình, ta có thể “nhuộm màu” nó để chọn ra phiên bản sắc màu đẹp nhất.
Hai màu cơ bản cũng đủ tạo nên những logo ấn tượng (Nguồn ảnh: 99designs)
4. Phức tạp hóa không phải chìa khóa thành công
Một logo thành công không được quá phức tạp. Sự đơn giản mới là chìa khóa, vì nó đảm bảo rằng logo của bạn gọn gàng, dễ nhớ và có thể sử dụng linh hoạt. Hẳn nhiên, đơn giản phải đi kèm với độc đáo, dễ gợi liên tưởng, giàu ý nghĩa (hay nói đúng hơn là đủ linh hoạt để bạn đắp nặn lên nó thêm nhiều ý nghĩa) và đồng thời giúp bạn dễ “biến tấu” nó trong tương lai. Nhiều thương hiệu toàn cầu nổi tiếng nhất có logo cực kỳ đơn giản (ví dụ như Apple, Chanel, Thế vận hội Olympic và Spotify), và chúng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thâm nhập vào đời sống thường nhật nhờ sự tinh giản mà đặc biệt của mình.
Các logo nổi tiếng nhất thế giới đa phần đều rất đơn giản (Nguồn ảnh: 99designs)
5. Sử dụng các chữ cái và hình dạng một cách thông minh
Hãy nhìn những logo phổ biến xung quanh ta, Lululemon Athletica, Nike, Pepsi và Twitter đã chứng minh rằng một logo không chứa chữ và chỉ gồm những hình dạng cơ bản vẫn có thể thành công. Trong khi đó, các thương hiệu như Sony, Google, Panasonic và Victoria’s Secret đã cho chúng ta thấy rằng một logo có thể thành công mà không cần bất kỳ hình dạng hay biểu tượng nào. Và, một số logo khác chẳng hạn như National Geographic, Microsoft, Ford và Levi’s thể hiện sự hài hòa giữa chữ cái và hình dạng.
Một số logo tận dụng khéo léo chữ cái và hình dạng (Nguồn ảnh: 99designs)
Một logo không nhất thiết phải là màn trình diễn phức tạp của các ký tự và đường cong, hay của các biểu tượng nhiều nét. Sự thông minh, khéo léo và đột phá trong cách thức và thời điểm bạn sử dụng các chữ cái và hình dạng trong nhiều trường hợp đã đủ để tạo nên một thiết kế độc nhất vô nhị, tinh gọn và ấn tượng.
6. Đảm bảo linh hoạt kích thước
Một logo cần phải đảm bảo hữu dụng trong nhiều tình huống, nên lý tưởng nhất là nó phải đẹp và sắc sảo dù ở kích cỡ và vị trí nào để mang lại cho bạn tính linh hoạt tối ưu. Hãy tưởng tượng logo của bạn sẽ trông như thế nào ở các kích thước lớn nhỏ khác nhau, xa hơn là nó sẽ trông ấn tượng trên cả bảng quảng cáo cỡ lớn và danh thiếp cỡ nhỏ hay không, nó sẽ nổi bật nếu được in trên sản phẩm thường lẫn mẫu thử chứ, những câu hỏi như thế sẽ giúp bạn hiểu rõ tầm quan trọng của việc đảm bảo logo phải đẹp và nổi bật ở nhiều kích thước khác nhau.
Một logo chất lượng cần phải hữu dụng trong nhiều tình huống (Nguồn ảnh: 99designs)
Trong quá trình suy nghĩ và thiết kế, tốt nhất hãy in các phiên bản logo của bạn ra nhiều kích cỡ khác nhau để xem xét chất lượng và diện mạo của chúng. Có một logo được chuẩn bị sẵn nhiều kích thước khác nhau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách logo của bạn hiện diện và truyền tải thông điệp trong các tình huống khác nhau.
7. Có thể cân nhắc nhiều phiên bản logo
Không phải logo nào cũng nhất định hữu dụng trong mọi trường hợp và đó là khi việc có nhiều phiên bản trở nên hữu ích. Hầu hết các thương hiệu đều cần nhiều phiên bản logo và điều đó không sao cả. Thiết kế cả logo chính và phụ, như phiên bản đầy đủ và rút gọn hay dọc và ngang chẳng hạn, sẽ giúp bạn đa dạng hóa không gian sử dụng cho logo của mình. Thông thường, logo chính được thiết kế theo chiều ngang và logo phụ theo chiều dọc. Logo chính của bạn sẽ là biểu trưng hoàn chỉnh và phức tạp nhất, trong khi logo phụ của bạn có thể đóng vai trò là một người bạn đồng hành hữu ích trong một số tình huống nhất định.
Logo phiên bản rút gọn và đầy đủ của Apollo (Nguồn ảnh: 99designs)
8. Hãy để logo của bạn mang một câu chuyện
Mũi tên cách điệu trong logo FedEx, một hình người đi xe đạp trong logo của Tour De France, con số 31 đặt khéo léo trong logo của Baskin Robbins ngụ ý rằng mỗi ngày trong tháng bạn đều nên thử một vị kem mới, hẳn nhiều người không thể quên cảm giác bất ngờ thích thú khi khám phá ra những lời truyền đạt nho nhỏ ấy trong lúc ngắm nghía logo của các thương hiệu.
Những logo ấn tượng luôn mang một câu chuyện gắn liền (Nguồn ảnh: 99designs)
Vì thế, đằng sau mỗi logo thường cần một câu chuyện súc tích, dễ nhớ, dễ liên tưởng và sẽ để lại ấn tượng dài lâu. Bạn có thể thiết lập các từ khóa định vị bản sắc thương hiệu và khéo léo đưa chúng vào logo, những từ khóa này sẽ thể hiện ý nghĩa và mục đích cho logo của bạn. Ý nghĩa thể hiện qua logo không nhất thiết phải quá rõ ràng, nhưng phải đảm bảo “giao tiếp” được với người xem bằng cách khơi dậy cảm giác hứng thú bên cạnh giá trị mỹ thuật thông thường.
9. Đảm bảo sản phẩm là của bạn và chính bạn mà thôi
Nhiều người hẳn không quên những tranh cãi xoay quanh logo của Airbnb, rằng công ty này đã thực hiện tổng cộng 180 lần chỉnh sửa logo của mình vào năm 2014 và ra kết quả là một logo rất giống với công ty khởi nghiệp Automation Anywhere. Sau đó vào năm 2017, một tình huống tương tự đã xảy ra trong vụ kiện giữa Paypal và Pandora, với Pandora tìm cách cải tiến logo và cho ra đời một biểu tượng trông quá giống với logo của PayPal.
Tính nguyên bản trong thiết kế sẽ đảm bảo sự bền vững của thương hiệu (Nguồn ảnh: 99designs)
Logo của bạn chỉ nên là của bạn và chính bạn. Tính xác thực, tính nguyên bản và quyền sở hữu đều là những phần quan trọng của quá trình sáng tạo. Thêm vào đó, sự độc đáo là một phần rất quan trọng trong việc định vị thương hiệu hiệu quả. Vì thế khi thiết kế logo của mình, hãy luôn cẩn thận tự hỏi: Mình đã từng thấy cái này ở đâu chưa? Để tránh bất kỳ vấn đề tiềm ẩn nào, hãy luôn tìm kiếm hình ảnh trên google mỗi khi nảy ra một ý tưởng logo mới để đảm bảo rằng nó sẽ không trông tương tự các biểu tượng từng ra mắt.
10. Đừng ngại cải tiến logo khi cần thiết
Thương hiệu của bạn có thể phát triển theo thời gian và logo cũng vậy. Một logo không nhất thiết phải tồn tại vĩnh viễn và ta có thể cải tiến nó khi cần thiết. Nhiều logo nổi tiếng nhất thế giới đã thay đổi theo thời gian: Instagram, Firefox, IKEA, McDonald’s và Starbucks đều đã làm mới logo của họ để phản ánh tính thẩm mỹ hiện đại.
Sự “tiến hoá” của logo Firefox và IKEA theo thời gian (Nguồn ảnh: 99designs)
Hẳn nhiên, nếu quyết định sửa đổi logo của mình, hãy cố gắng không đi quá xa bản gốc. Giữ lại một số đặc điểm nhất định và bổ sung những nét mới phù hợp với thời đại mới sẽ không ảnh hưởng đến lượng người theo dõi sẵn có mà vẫn thổi làn gió mới vào hình ảnh đại diện của thương hiệu.
Nguồn tham khảo: 99designs.com
Dịch và biên soạn bởi đội ngũ Arena Multimedia
Có thể bạn quan tâm:
- UX Designer và 5 bước cơ bản “must-do” trước khi thiết kế
- Tổng quan về Cross-cultural Logo Design và sự ảnh hưởng của văn hóa trong thiết kế logo (Phần 1)
- Tổng quan về Cross-cultural Logo Design và sự ảnh hưởng của văn hóa trong thiết kế logo (Phần 2)
- Cross-cultural Design: Khi văn hóa quyết định “tính sống còn” của sản phẩm thiết kế (Phần 3)