Đằng sau một tác phẩm hoành tráng là những chuỗi ngày vật lộn với biết bao công đoạn tỉ mỉ và bài học trong quá trình làm phim. Để rút ngắn khoảng thời gian mắc phải sai lầm, cẩm nang từ chuyên gia dưới đây sẽ giúp bạn tổng hợp lại 10 kỹ thuật quay phim có ích, từ đó trở thành vật hành trang không thể thiếu cho các tác phẩm của bạn trong tương lai.
Các mẹo được đề ra bởi Patrick Winters. Ông là một người viết kịch bản, thiết kế âm thanh, biên tập hình ảnh, quay phim, làm phim tài liệu và đồng thời là giáo sư đại học có kinh nghiệm 15 năm trong việc dạy làm phim cho sinh viên.
Mời bạn khám phá 10 lời khuyên bổ ích của Patrick Winters tại đây nhé!
Nguồn ảnh: Master Media Academy
1. Thể hiện câu chuyện bằng hình ảnh (Visual storytelling)
Sai lầm phổ biến của một số nhà làm phim là không có cấu trúc rành mạch cho cốt truyện. Do đó, trước khi động đến những kỹ thuật phức tạp, bạn cần đảm bảo nội dung gồm đầy đủ ba phần ‘mở – thân – kết’ trước. Điều này sẽ giúp hạn chế tối đa các hạt sạn không đáng có trong phim.
Bên cạnh đó, hãy cố gắng suy nghĩ một câu chuyện đủ mới lạ để thu hút người khác đến với tác phẩm của mình. Bạn muốn vẽ ra một cặp đôi đang đi dọc bãi biển sao? Đó không phải là một câu chuyện, mà chỉ là bức thư tình được thể hiện thông qua hình ảnh trực quan. Một câu chuyện đúng nghĩa sẽ đòi hỏi các diễn biến đúng nghĩa. Chẳng hạn như nhân vật chính đã nỗ lực ra sao để gặt hái các thành tựu của mình, và họ sẽ gặp phải những khó khăn gì trong quá trình đạt được các thành tựu đó…
Nguồn ảnh: Unplash
Khán giả luôn muốn được thả trôi theo sự thăng trầm diễn ra xuyên suốt cả mạch phim. Vì vậy, bạn cần định hướng sao cho dòng chảy đó đi một cách tự nhiên, suôn sẻ, với nhân vật chính bám sát mục tiêu đã đề ra và giữ cho những tình huống ập đến không bị quá nhập nhằng.
Tất nhiên kinh phí sẽ phần nào quyết định cách xây dựng câu chuyện của bạn, nhưng thay vì các cuộc hội thoại, bạn sẽ cần chú trọng vào hành động của nhân vật nhiều hơn. Lời nói có thể giúp diễn giải ý nghĩa và làm rõ nội dung, thế nhưng, hành động sẽ tạo được sức ảnh hưởng và gợi dậy cảm xúc của khán giả. Ví dụ, cùng là tình huống một nhân vật muốn được nhìn thấy Taj Mahal trước khi chết, nhưng việc chứng kiến họ hạnh phúc khi hoàn thành tâm nguyện sẽ thú vị hơn là chỉ nghe họ nói ra điều đó rồi thôi.
2. Làm việc cùng dàn cast và đội ngũ có kinh nghiệm
Chọn những người trông hợp vai nhưng không phải diễn viên giỏi là một sai lầm khá đáng tiếc. Vì vậy, bạn cần tổ chức những buổi thử vai công khai và tìm ra diễn viên thích hợp cho từng phần. Ngoài ra, một trong những kỹ thuật làm phim tốt nhất để đảm bảo cách diễn xuất của dàn cast ăn khớp với hình dung của đạo diễn là tổ chức các buổi tập luyện để mọi người nắm được câu chuyện và vai trò của nhau.
Nguồn ảnh: The Los Angeles Film School
Hãy làm việc cùng đội ngũ sản xuất có kinh nghiệm, đừng để dự án bị ảnh hưởng bởi người quay phim không biết canh chỉnh ánh sáng hay người làm âm thanh để micro quá xa… Hãy thuê ngay một đoàn làm phim nếu bạn hiểu rõ quy trình làm việc của họ và cảm thấy phù hợp với tác phẩm của mình. Còn trong trường hợp bạn không biết gì về đoàn làm phim thì đừng ngần ngại yêu cầu xem qua các tác phẩm trước đây của họ, để từ đó đánh giá xem đối phương có đủ hoặc phù hợp với bộ phim của bạn hay không.
3. Tạo Production Design
Production Design được hiểu nôm na là các công việc có liên quan đến quy trình định hình thiết kế, bối cảnh hay phong cách nghệ thuật cho một sản phẩm phim, MV, hoặc TVC nào đó. Theo Winters, một sai lầm phổ biến khác của nhiều nhà sản xuất là không xem xét kết quả lên hình của bộ phim. Trên thực tế, những gì bạn đưa vào máy quay sẽ là những gì bộ phim “bán” lại cho khán giả của bạn. Từ địa điểm, bối cảnh, đạo cụ, vật thể hay cách trang điểm… đều tạo nên cách họ cảm nhận về sản phẩm mà bạn làm ra. Cũng như, tất cả màu sắc và phong cách được chọn cho nhân vật đều sẽ cung cấp thông tin về họ và nội dung diễn ra trong câu chuyện đó. Do vậy, Production Design là một yếu tố mà bất kỳ đoàn làm phim nào cũng cần phải lưu tâm. Theo đó, họ nên sở hữu một bộ ảnh để ghi lại các chi tiết, bản vẽ về diện mạo và cách lên hình cho mỗi phân cảnh phim, sau đó, phổ biến chúng cho tất cả mọi người trong đoàn để ai cũng có thể nắm được ý đồ đằng sau mỗi cảnh quay đó.
Nguồn ảnh: Benedikt Lange
Sự thật là khía cạnh Production Design thường bị bỏ qua trong quá trình làm phim. Tuy nhiên, bạn sẽ cần giải quyết tốt quy trình này nếu muốn bán được câu chuyện, làm rõ ý đồ của cảnh quay hoặc cung cấp thông tin nào đó về nhân vật cho khán giả. Chẳng hạn như khi một người luôn mặc áo quần đen, đeo kính râm và thường đi khom người thì khán giả sẽ ngay lập tức hoài nghi về độ đáng tin nhân vật đó. Hoặc nếu một ngồi nhà có lối đi lớn với sàn lát đá cẩm thạch và đèn chùm to lủng lẳng thì khán giả sẽ biết ngôi nhà có giá trị đến mức nào v.v.
4. Câu chuyện cần được quay chứ không phải khoe mẽ
Với nhiều đạo diễn, dù là dân nghiệp dư hay chuyên nghiệp thì cũng đều mắc phải lỗi thường gặp là quá chú trọng vào kỹ xảo điện ảnh và kỹ thuật quay. Họ dành nhiều sự quan tâm cho góc máy, ánh sáng, hiệu ứng,… mà bỏ quên câu chuyện và dàn diễn viên của mình. Trong khi đó, điều này nên làm ngược lại bằng cách tập trung và hai yếu tố chính trước và để đội hậu kỳ lo liệu phần còn lại sau.
Để khắc phục tình trạng này, việc cung cấp storyboard cho đoàn làm phim sẽ giảm bớt các thắc mắc về kỹ thuật cũng như cung cấp bảng kế hoạch chi tiết cho từng cảnh quay. Đồng ý rằng kỹ thuật quay là rất cần thiết, nhưng sẽ thật sai lầm khi đặt tầm quan trọng của chúng cao hơn so với mạch truyện và diễn xuất của các diễn viên.
Nguồn ảnh: Wealth Management
5. Kỹ thuật quay phim
Bạn cần quay từng cảnh bằng cách sử dụng góc quay cổ điển để có phạm vi bao quát cho quá trình hậu kỳ. Nếu có thời gian, bạn có thể quay những shot sáng tạo hơn mà bạn đã nghĩ ra, miễn là các yếu tố cần thiết đều được gói gọn trong toàn bộ cảnh quay là được.
Sử dụng giá ba chân cho những shot quay cơ bản, cũng như ứng dụng các chuyển động xoay và nghiêng để thực hiện theo hành động của chủ thể quay. Bạn có thể tùy thích sử dụng các chuyển động của camera như dolly và gimbal để tăng sự sinh động và hấp dẫn cho câu chuyện. Ngoài ra, bạn cũng cần đảm bảo bố cục và ánh sáng phân cảnh có thể hướng sự chú ý của người xem đến các điểm quan trọng trong khung hình. Kỹ thuật quay chỉ có thể phát huy tốt vai trò của nó khi rõ ràng cảnh nào được quay và không quay, hay cảnh nào được làm nổi bật và không nổi bật. Khi đặt vị trí camera, hãy tự hỏi bản thân rằng “Tôi muốn thấy điều gì ở cảnh quay này?” Nếu bạn muốn thấy thứ gì đó, thì rất có khả năng khán giả cũng nghĩ như vậy. Do đó, bạn có thể làm những gì trực giác mách bảo, nhưng cũng đừng quên quay lại những shot căn bản để phòng hờ nhé.
Nguồn ảnh: MetFilm School
6. Kỹ thuật Lighting
Kỹ thuật Lighting giúp tập trung sự chú ý của khán giả, cũng như thể hiện tâm trạng nhân vật và tiết lộ cách họ nhìn nhận về thế giới xung quanh. Ví dụ: Dưới cường độ ánh sáng tối thiểu và độ sâu của bóng, khán giả có thể biết rằng nhân vật trong cảnh đó đang có ý rút lui hoặc trốn tránh một sự việc diễn ra trước mắt mình. Ngược lại, khi cường độ sáng dàn đều với lớp bóng đen không còn quá rõ, độ tương phản giữa các vùng tối và vùng sáng trong cảnh quay sẽ rất ít, tạo nên sự hài hòa trong khung hình và khiến tình tiết giảm đi sự kịch tính hơn.
Một lỗi thường thấy là các nhà làm phim hay để góc quay rộng được chiếu sáng theo một hướng, sau đó quay cận cảnh và quay nhiều góc độ với đa dạng kiểu sáng khác nhau. Điều này có thể gây mất tập trung cho người xem. Vì vậy, tốt hơn hết là bạn nên thiết lập ánh sáng cho một cảnh quay trung tâm và sử dụng ánh sáng đó để làm cơ sở cho tất cả các cảnh còn lại.
Nguồn ảnh: PremiumBeat
7. Kỹ thuật chỉnh sửa
Một lỗi hay mắc phải trong quy trình làm phim là quá tập trung vào lúc quay dựng mà dành ít thời gian cho giai đoạn hậu kỳ. Trong khi đó, để đảm bảo mọi thứ chu toàn trước ngày đáo hạn thì các công đoạn từ hình ảnh, hội thoại, hiệu ứng âm thanh, âm nhạc cho đến phông nền đều cần trải qua quá trình chỉnh sửa khá lâu. Do đó, bạn hãy ưu tiên có nhiều cảnh quay toàn diện để đoàn làm phim dễ bề chỉnh sửa nhân vật và môi trường trong phần hậu sản xuất. Ngoài ra, bạn có thể ứng dụng một số hiệu ứng phổ biến như Cutaways (cảnh ngắn chen vào để hướng sự chú ý của khán giả ra khỏi cảnh chính) hay Close-ups (cận cảnh) để loại bỏ những cảnh quay hỏng, hoặc Fades (làm mờ) và Dissolves (tan biến) để thể hiện sự trôi đi của thời gian… Và nếu thấy phù hợp, bạn cũng có thể tự tạo một số hiệu ứng chuyển cảnh khác trong quá trình quay phim.
Nguồn ảnh: Film Editing Pro
Để tránh những lỗi nghiệp dư khi thay đổi nhạc nền giữa các dòng hội thoại, hãy sử dụng crossfading (một kỹ thuật tạo ra sự chuyển đổi thuận lợi từ âm thanh này sang âm thanh khác) để quá trình chuyển nhạc trở nên mượt mà và tự nhiên hơn. Nếu có thời gian, bạn hãy bỏ đi những tạp âm trong lúc ghi hình hoặc sử dụng các đoạn nhạc để lấp đi phần hội thoại bị thu tiếng kém. Khi hiệu ứng âm thanh phù hợp với ngữ cảnh, nó sẽ giúp làm tăng độ chân thực cho cảnh quay. Chẳng hạn, hiệu ứng Foley sẽ cung cấp những âm thanh tự nhiên ngoài thực tế như tiếng bước chân, âm thanh của cơ thể hoặc tiếng va chạm từ những đồ đạc xung quanh. Thế nhưng, những bộ phim kinh phí thấp sẽ khó lòng tạo ra được hiệu ứng này. Trong trường hợp đó, nếu vẫn muốn giữ tính sống động cho các cảnh quay thì bạn cũng có thể cân nhắc việc sử dụng non-sync sound (âm thanh không khớp với hình) như là tiếng gió thổi, tiếng mưa, tiếng xe cộ tấp nập, tiếng chim hót, v.v.
8. Ghép nhạc một cách thông minh
Hầu hết mọi bộ phim đều cần khoảng nghỉ giữa các đoạn nhạc. Vì vậy mà việc thêm nhạc cho cả bộ phim từ đầu đến cuối sẽ khiến nó trông như một video ca nhạc hơn là một bộ phim. Ngoài ra, có những phân cảnh không cần ghép nhạc, vì vậy việc bổ sung tùy tiện sẽ dễ làm phản tác dụng của nhạc phim. Cũng như, khi chọn nhạc, hãy đảm bảo chúng sẽ khớp với cảnh quay, làm tăng cảm xúc của mạch chuyện hoặc giúp khán giả hiểu hơn về tâm trạng của nhân vật v.v.
Nguồn ảnh: Y.M.Cinema
Vì nhạc có lời dễ lấn át đi đoạn thoại của các diễn viên, nên trừ trường hợp bắt buộc thì bạn vẫn nên sử dụng nhạc không lời cho các tác phẩm của mình. Ngoài ra, để chọn bất kỳ bài hát nào bạn muốn thì hãy đảm bảo mua bản quyền đầy đủ trước khi sử dụng chúng. Một kỹ thuật làm phim giúp xác định nhạc hay nhất là thử nhạc từ những bộ phim tương tự với bộ phim bạn đang làm. Nếu bạn đang thực hiện một dự án chiến tranh, hãy chèn nhạc từ các tác phẩm như Saving Private Ryan vào những vị trí thích hợp trong phim để xem thử liệu phong cách và nhịp điệu có phù hợp với tác phẩm của mình. Sau đó, bạn có thể tìm những bản nhạc tương tự, mua bản quyền và rồi chỉnh sửa sao cho ăn khớp với các phân cảnh là được. Nếu bạn có thiên hướng âm nhạc tốt thì bạn hoàn toàn có thể tự sáng tạo ra nhạc phim cho riêng mình.
9. Chú trọng chất lượng âm thanh
Nhiều nhà làm phim không thật sự chú ý đến khâu âm thanh của bộ phim mình làm. Trong khi đó, khán giả có thể bỏ qua việc cảnh quay chưa đủ sáng, hơi mất nét hoặc bị rung, thế nhưng họ sẽ khó mà chấp nhận một bộ phim với chất lượng âm thanh tệ. Đối thoại là phần quan trọng nhất trong số các âm thanh của phim, do đó, nó cần phải được làm nổi bật để khán giả nghe rõ lời diễn viên nói là gì. Kế đó, tùy vào phân cảnh mà âm nhạc và hiệu ứng âm thanh sẽ được cân nhắc để điều chỉnh sao cho phù hợp.
Nguồn ảnh: Descript
Thế nhưng, quy tắc “lời thoại đi trước, nhạc nền theo sau” vẫn là bất di bất dịch, vì thế, bạn tuyệt đối không được để lời nói của nhân vật bị nhấn chìm trong bể chứa hỗn loạn của âm thanh. Để làm tốt điều này, hãy xác định tần số giọng nói của diễn viên trước và sử dụng bộ điều chỉnh âm thanh (EQ – Equalization) để làm giảm các tần số tương tự trong âm nhạc và hiệu ứng âm thanh xuống vài decibel. Ngoài ra, việc điều chỉnh compression (hiệu ứng giúp giảm bớt sự khác biệt về âm lượng của âm thanh) về mức tối thiểu cũng sẽ giúp đoạn hội thoại tách biệt được với tiếng nhạc và các loại âm thanh khác.
10. Lưu ý khi sử dụng hiệu ứng đặc biệt và kỹ thuật làm phim nâng cao
Một sai lầm phổ biến đối với những ai đang học các kỹ thuật dựng phim cơ bản là cố gắng áp dụng các hiệu ứng đặc biệt như CGI và phông xanh cho các tác phẩm của mình. Trên thực tế, việc mô tả chân thực một câu chuyện vẫn luôn được đánh giá cao hơn là dành nhiều thời gian thêm thắt các hiệu ứng đặc biệt cho câu chuyện đó. Khi bạn có kỹ năng quay dựng vững chắc thì bạn có thể mở rộng sang lĩnh vực kỹ xảo điện ảnh sau. Ví dụ: Việc quay một nhân vật trước phông xanh rồi thêm phong cảnh trong giai đoạn hậu kỳ nghe có vẻ đơn giản, nhưng nếu phông xanh đó không được chiếu sáng tốt hoặc có nhiều ánh sáng xanh hắt vào hình ảnh nhân vật thì sẽ rất khó để chỉnh sửa sao cho thật tự nhiên, và đôi khi nếu quá trình hậu kỳ diễn ra diễn ra không như mong đợi thì dự án của bạn có nguy cơ sẽ phải đối mặt với việc quay lại từ đầu.
Nguồn ảnh: Santa Clarita
Tạm kết
Bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần thời gian mài giũa và điện ảnh cũng không phải trường hợp ngoại lệ. Qua mỗi một tác phẩm, bạn sẽ lại rút ra được nhiều bài học đáng nhớ cho bản thân, để rồi từ đó nâng cao tay nghề và sản xuất thêm nhiều bộ phim tuyệt vời hơn nữa. Hy vọng 10 lời khuyên từ Patrick Winters đã phần nào giúp ích cho sự nghiệp làm phim của bạn. Sẽ thật tuyệt nếu bạn có thể áp dụng toàn bộ các kỹ thuật đã nêu và chia sẻ chúng cho thật nhiều người biết đến trong tương lai.
Nguồn: Routledge
Tâm Cửu
Chương trình đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện (Arena Multimedia Specialist Program – AMSP) đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện trong 2,5 năm. Với tính chất bao quát mọi lĩnh vực của ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí, AMSP là cánh cửa mở ra các cơ hội nghề nghiệp đa dạng: Thiết kế Đồ họa, Thiết kế Web, Làm phim; Thiết kế Game, Hoạt hình 3D. Đặc biệt, học viên Arena đều được “va chạm” với các công việc trong ngành ngay từ năm nhất nhờ các cơ hội thực tập và việc làm từ mạng lưới doanh nghiệp, đối tác rộng lớn. – Kỳ 1: Graphic Design – Thiết kế đồ họa – Kỳ 2: Digital Product Design – Thiết kế sản phẩm kỹ thuật số – Kỳ 3: Digital Filmmaking – Làm phim kỹ thuật số – Kỳ 4: 3D Game Design – Thiết kế Game 3D – Kỳ 5: 3D Animation – Hoạt hình 3D Xem chi tiết chương trình đào tạo: https://www.arena-multimedia.vn/chuong-trinh-dao-tao/ Đăng ký tư vấn chương trình học tại : https://www.arena-multimedia.vn/dang-ky-hoc/ |