Tham gia trong chương trình “Thiết kế Mỹ thuật Đa phương tiện: Nghề không giới hạn” với vai trò diễn giả cùng với Mr. Rajat – Trưởng đại diện Arena Toàn cầu tại Việt Nam, Mr Tuấn Hà, CEO Vinalink, cậu bạn 93s này đã khiến rất nhiều người bất ngờ bởi sự chững chạc và những kết quả bạn đạt được ở tuổi 22.
Cùng tìm hiểu xem ở chàng trai này có điều gì thú vị nhé!
Họ và tên: Trần Quốc Bách
Năm sinh: 1993
Lớp học: D1107K Arena Multimedia
Công việc từng làm: – Đạo diễn, Trưởng phòng sáng tạo Vivi Digital, Công ty Cổ phần truyền thông Color Media, Bệnh viện Quốc tế Thu Cúc,…
– Hợp tác với các doanh nghiệp lớn: Golden Gate ( Kichi kichi ), Tập đoàn Goldsun Focus Media, Vietnam Mobile, Intel Việt Nam…
– Làm việc cùng nhiều nhân vật nổi tiếng: Minh Vương M4U, Mạnh Quân và Anh Vũ 5S online, Linh Miu, Trang Cherry, NSUT Thùy Liên…
Bách tham gia sự kiện “Giao lưu: Thiết kế Mỹ thuật Đa phương tiện – Nghề không giới hạn” cùng nhiều tên tuổi trong ngành Multimedia.
“Nghề không đợi tuổi” có lẽ là câu miêu tả chính xác nhất về thành công của cậu bạn 9x – Trần Quốc Bách này. Tuy tuổi đời còn rất trẻ, nhưng khả năng của Bách đã sớm được mọi người công nhận và ủng hộ. Ngay từ khi 19 tuổi, Bách đã cho ra đời tác phẩm đầu tay rất “nghề” – MV Xóa tên anh (Minh Vương M4U) thực sự là một dấu mốc thành công trong sự nghiệp của cậu bạn 9x. Cùng “ngắm nghía” một số tác phẩm của chàng đạo diễn trẻ Quốc Bách nhé:
Nonstop Moving
Những “nốt trầm” trước con đường thành công
Thay vì lựa chọn vào đại học như nhiều “gà 93” ngày đó, Bách quyết tâm theo đuổi đam mê của mình. Có lẽ đây là con đường “chông gai” mà ít người “dám” thử.
Khi được hỏi về lựa chọn không – mang – tên – đại – học, Bách cười chia sẻ: “Đến giờ mình vẫn nhớ như in ngày đó. Các bạn đi thi đại học, còn mình lại đặt vé bay vào nhà chú dì trong Sài Gòn. Hôm thi, thời sự và báo chí đều đưa tin về kỳ thi đại học, còn mọi người trong gia đình thì cứ hỏi mình tại sao không thi. Hỏi nhiều lắm. Nhưng một cậu bé 18 tuổi nói về đam mê và dự định tương lai thì có lẽ chẳng ai tin mình cả, nên mình chỉ biết cúi mặt lảng đi”.
Bản thân Bách hồi đó cũng biết, vào đại học, có tấm bằng chính quy là lựa chọn thông thường của các bạn trẻ. Cái suy nghĩ “ăn chắc”, đi một con đường mà mọi người đều đi sẽ mang lại cho người ta cảm giác an toàn. Nhưng còn đam mê thì sao? Có lẽ, Bách mạnh dạn không đi theo con đường đại học vì cậu biết mình thích gì, muốn gì và không muốn để đam mê đó bị những định kiến của số đông xung quanh dập tắt. Bách đã phải trải qua những khó khăn, thậm chí cả sự kỳ thị vì khác biệt.
Bách nói: “Họ hàng, làng xóm rồi bạn bè toàn nói mình điên thôi à. Nhưng mà lỡ thích rồi thì biết làm sao”. Hồi đó bị thúc giục nhiều quá, Bách lớn giọng: “Không vào đại học, con vẫn thành công cho mà xem”.
Nói cứng vậy thôi chứ vẫn run lắm, May mà có mẹ ủng hộ: “Mẹ thương mình lắm, mẹ cũng không đồng ý nhưng vẫn nhắm mắt ủng hộ và bảo vệ mình theo đuổi ước mơ”.
Nhờ có sự động viên của mẹ, cộng với rất nhiều can đảm của cậu bé 18 tuổi, Bách quyết định theo đuổi đam mê. Trước hết, cậu cần một cơ sở đào tạo uy tín để giúp mình đến gần với nghề làm phim chuyên nghiệp. Vậy là đại gia đình Arena Multimedia đón nhận thêm một thành viên mới.
Trần Quốc Bách có suy nghĩ chững chạc hơn hẳn những bạn bè cùng trang lứa
Đam mê dẫn lối thành công không tuổi
Do có sẵn tình yêu với thiết kế, cậu bạn ngày đó nhanh chóng hòa nhập với môi trường học và có nhiều sản phẩm được thầy cô, bạn bè thán phục.
Nhưng đi làm lại là một chuyện khác. “Vì muốn có kinh nghiệm thực tế và tự chủ về thu nhập nên mình bắt đầu tìm kiếm việc làm, nhưng không ai nhận mình cả. Cũng phải thôi vì giao việc cho một “cậu nhóc 18 tuổi” thì ai cũng e ngại. Lúc đó mình luôn đặt câu hỏi rằng: Làm thế nào để mọi người biết đến mình? Làm thế nào để chứng minh mình làm được việc? Có lẽ khoảng thời gian đó chính là lúc khó khăn nhất…”
Nhưng cái khó ló cái khôn. Bách rủ các bạn làm những sản phẩm thiết kế đưa lên mạng, dù chẳng có ai đặt hàng. Đam mê nhanh chóng được đền đáp khi ngay sau đó các lượt view và share không ngừng tăng cao. Nhiều nhà tuyển dụng dần biết đến và tin tưởng, những đơn đặt hàng cũng bắt đầu. Chỉ qua một thời gian ngắn cái tên của “cậu nhóc 18 tuổi” dần được khẳng định với nhiều hợp đồng từ những thương hiệu lớn: Goldsun, Kichi Kichi, Vietnam Mobile, Intel Việt Nam,… và rất nhiều lời mời cộng tác từ các ca sĩ, diễn viên.
Quả là “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Trong chương trình “Giao lưu Thiết kế Mỹ thuật Đa phương tiện – Nghề không giới hạn”, khi được đặt câu hỏi: “Mỗi một thành quả đều cần độ chín nhất định, vậy để tạo ra một sản phẩm Multimedia Design độ tuổi có quan trọng hay không?”
Bách thẳng thắn trả lời: “Ý tưởng đến từ cuộc sống hàng ngày, mọi thứ xung quanh chúng ta, quan trọng là chúng ta thích làm và muốn làm, chứ không liên quan đến độ tuổi.”
Không ngừng học hỏi, không ngừng lắng nghe, đó là điều Bách tâm niệm
Bách nhiệt tình chia sẻ những kinh nghiệm của mình tại sự kiện “Giao lưu Thiết kế Mỹ thuật Đa phương tiện – Nghề không giới hạn”
Như một bất ngờ đầy thú vị, trong chương trình “TKMTĐPT: Nghề không giới hạn” một diễn giả khác của chương trình – anh Tuấn Hà, CEO Vinalink là người anh lớn đã dìu dắt Bách trong nhiều chương trình và dự án. Có lẽ vì thế mà những chia sẻ của “hai anh em” càng trở lên thu hút và cởi mở.
Là một người đi trước, anh Tuấn Hà có những quan điểm đầy sự chín chắn và dày dặn. Cũng giống như suy nghĩ của Quốc Bách, anh chia sẻ: “Nghề sáng tạo không có tuổi. Giống như tôi bây giờ, dù 40,50, 60 tuổi thì vẫn có thể làm thiết kế. Sáng tạo sẽ ngày càng nhiều chứ không hề bớt đi. Khi làm được một thời gian, bạn có nhiều năm kinh nghiệm, lúc ấy các bạn lại dùng kỹ năng và sự sáng tạo để điều hành những thế hệ đi sau mình”.
Anh Tuấn Hà, CEO Vinalink
Mình sẽ đi xa được đến đâu?
22 tuổi – con đường của Bách vẫn còn rất dài và không thể lường được chông gai phía trước, nhưng cậu vẫn luôn lấy những khó khăn và kỉ niệm của những ngày đầu để làm động lực cho bản thân.
Khi được đề nghị chia sẻ kinh nghiệm thành công, Bách cười nói: “Mình không dám nhận là mình thành công đâu, vì giờ nhiều người trẻ thành công lắm.” Và cậu bạn chia sẻ điều vẫn tâm niệm hàng ngày: “Với các bạn mới bước vào nghề, điều tốt nhất là nên cất cái tôi to lớn của mình đi và biết lắng nghe ý kiến mọi người, biết phấn đấu và tạo ra các mối quan hệ xung quanh. Đồng thời, hãy yêu nghề, dấn thân cho nghề”. Có lẽ không chỉ Bách, mà những bạn trẻ ai cũng cần học hỏi những điều đó và nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê cho riêng mình.
Vài năm, hay là vài chục năm nữa thì: “Vẫn sẽ là phim ảnh và thiết kế thôi. Mình muốn thử xem sức mình đi xa được đến đâu. Thật sự thì mình vẫn cần học hỏi nhiều lắm”. Cậu bạn này thành thật. Tôi có thể cảm nhận được rất nhiều tình yêu và đam mê của Bách với nghề làm phim. Có lẽ, chỉ cần nhiệt huyết với con đường mình chọn thì đam mê sẽ luôn rực cháy và thành công sẽ theo đó tự tìm đến.
Được theo đuổi đam mê, thì mỗi ngày đều hạnh phúc!
(Phương Dung – Huyền Mai)