40 năm đã qua, người thầy ấy cầm máy… một tay, cần mẫn ghi lại những khoảnh khắc về một thành Nam thăng trầm, những gương mặt chợt gặp trong cõi nhân gian. Họ gọi thầy là kẻ sĩ thành Nam. Đồng nghiệp biết thầy, gọi thầy là nghệ sĩ nhiếp ảnh thương binh, học viên Arena Multimedia gọi thầy là thầy Thanh tóc xù… Cái tên gọi, đôi khi nó chỉ là phiếm chỉ. Nhưng, việc thầy Bùi Đăng Thanh có một cánh tay 40 năm cầm máy để ghi danh vào FIAP (Hội nhiếp ảnh Quốc tế) – danh hiệu cao quý mà bất cứ người nghệ sĩ nào cầm máy cũng đều ao ước, thì là một điều có thật…
Ngày sinh
10/08/1950
http://www.facebook.com/dangthanhnd
Website
Môn dạy tại Arena Multimedia
Photography (Nhiếp ảnh) Camera (Quay phim) Image Magic (Xử lý ảnh)
Tước hiệu
– A.FIAP (Nghệ sỹ của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế)
– E.VAPA ( Nghệ sỹ Xuất sắc của Hội NSNA Việt Nam)
Triển lãm ảnh nghệ thuật cá nhân
– Lần thứ Nhất – 2007, chủ đề: CON NGƯỜI, LAO ĐỘNG VÀ CUỘC SỐNG – Lần thứ Hai – 2011, chủ đề: CẢM XÚC TRƯỚC CUỘC SỐNG
Sự nghiệp
– Đoạt 47 giải thưởng trong nước và Quốc tế
– Cử nhân Kinh tế ( ĐH KTQD HN)
– Có bước đường sự nghiệp hơn gần 50 năm và xuất sắc trong lĩnh vực nhiếp ảnh.
– Bắt đầu sự nghiệp dạy nghề ảnh từ năm 1983. Sau đó là dạy Photoshop, day quay phim. Nhiều học sự của ông đã trở thành tay máy xuất sắc.
– Giáo trình dạy nghề ảnh của ông đã được công nhận là Giáo trình dạy nghề quốc gia.
– Giảng dạy nhiếp ảnh, Quay film cho TC Liên Hiệp quốc từ 2005, cho UB Y tế Hà Lan – VN từ 2006 – Dự án Truyền thông sáng tạo.
– Và hiện nay đang giảng dạy Nhiếp ảnh NT, photoshop, quay film, ở Arena Multimedia, ĐH Quốc Gia, ĐH KTQD…
Sinh ra tại Thanh Hóa, giữa thời chiến tranh khốc liệt, năm 16 tuổi, thầy Bùi Đăng Thanh và hàng vạn thanh niên theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường nhập ngũ. Trong một trận chiến ác liệt tại chiến trường Tây Nguyên, khi tỉnh dậy, thầy thấy toàn thân băng kín, cánh tay phải bị cắt lìa. Một cảm giác hoang mang, sợ sệt và cả sự hụt hẫng bao trùm suy nghĩ của thầy nhưng khi nghĩ đến những đồng đội đã hi sinh, thầy cảm thấy mình vẫn may mắn.
Giây phút tác nghiệp của thầy Bùi Đăng Thanh
Sức khỏe tạm bình phục, thầy Bùi Ðăng Thanh bắt đầu phải làm quen với cuộc sống đời thường bằng một cánh tay – oái oăm thay, đó lại là cánh tay trái. Sự mệt mỏi và căng thẳng khiến thầy có lúc tưởng như không thể tiếp tục được nữa. Nhưng đêm đêm, nằm ngẫm ngợi, thấy cuộc sống vẫn đang cuồn cuộn quanh mình, niềm khát khao sống lại trỗi dậy. Thầy hì hục tập viết, tập đóng bàn ghế bằng bàn tay trái… Khi đã cảm thấy đủ tự tin, thầy học tiếp chương trình phổ thông mà trước đó vì hoàn cảnh chiến tranh phải bỏ dở. Năm 1974, thầy Bùi Ðăng Thanh đăng ký dự thi vào trường Ðại học Kinh tế quốc dân. Thật bất ngờ thầy đỗ hạng cao, mà chỉ thiếu 0,5 điểm là đủ tiêu chuẩn đi học ở nước ngoài. Tốt nghiệp đại học, thầy về công tác tại Bộ Lương thực Thực phẩm. Với niềm say mê và năng khiếu về ảnh nghệ thuật, đồng thời muốn tiếp nối niềm đam mê nhiếp ảnh của người cha, từ những năm 90 của thế kỷ trước, thầy Đăng Thanh xin thôi nghề công chức để có điều kiện dành toàn bộ thời gian cho nhiếp ảnh, cho ảnh nghệ thuật.
Làm ảnh với người còn nguyên vẹn cả hai tay đã khó, với người chỉ còn một cánh tay trái như thầy càng khó hơn, vì tác nghiệp cần phải nhanh, chớp thời cơ khuôn hình cần có, cần phải đi nhiều, có khi phải leo trèo và thời kỳ bao cấp còn phải làm ảnh trong “buồng tối” nữa… Nhưng thầy không quản ngại. Chiếc xe máy của thầy được chuyển tay ga từ phải sang trái. Với chiếc xe “tay lái nghịch” ấy, thầy Đăng Thanh rong ruổi mọi miền đất nước để tìm, chớp lấy những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống lao động sản xuất, vẻ đẹp hoàn mĩ của con người và của thiên nhiên… ống kính máy ảnh của thầy còn lưu lại biết bao hình ảnh sinh động về con người, thiên nhiên ở những vùng núi rừng biên cương của tổ quốc, về Trường Sa và những chàng lính trẻ đang vượt mọi khó khăn, chắc tay súng bảo vệ vùng biên cương, vùng biển, vùng trời của đất nước.
Mỗi bức ảnh là một câu chuyện
Có một điểm chung trong những sáng tác của thầy Bùi Đăng Thanh, đó là sự dung dị. Thầy đi nhiều, chụp nhiều, cả ở thành phố và nông thôn, biển đảo hay rừng núi. Nhưng dù chụp người hay cảnh, ảnh thầy thường mộc mạc nên rất thật và gần gũi. Không gian ảnh của thầy rộng, khoáng đạt, như chính sự khoáng đạt và bản lĩnh của người bấm máy. Đáng quý hơn cả, với thầy tất cả những bức ảnh này đều có số phận riêng, kỷ niệm riêng và những câu chuyện riêng của nó.
40 năm cầm máy, thầy Bùi Đăng Thanh gặp phải không ít khó khăn. Một mình một chiếc xe máy “tay lái nghịch”, thầy đi khắp nơi. Nhiều lúc trái gió trở trời, vết thương cũ lại nhức nhối cơn đau. Có lần tích cóp mãi mới mua được chiếc ống kính mới, vừa định lắp vào máy ảnh thì thầy lại đánh rơi luôn ở sườn núi Hà Giang vì chỉ có một tay, mà bàn tay còn lại giờ cũng liệt mất hai ngón.
Nhiều lần thầy còn đánh cược cả mạng sống của mình để chộp được những khoảnh khắc để đời. “Bến lở” là tác phẩm ghi lại khoảnh khắc của một dòng sông nước lũ. Trong khung cảnh rợn ngợp ấy, sự xuất hiện của cô thôn nữ áo hồng bên dòng sông làm hiền hòa đi cái dữ tợn của thiên nhiên. Cảnh tượng ấy, Bùi Đăng Thanh bất ngờ gặp được trong một lần chạy xe trên đường 39. Người thương binh không ngại nguy hiểm, trèo lên một mố cầu đang xây dựng để chụp lại khung cảnh từ trên cao. Bị công nhân cầu đường ngăn lại vì thấy ý tưởng “điên rồ” của người nghệ sĩ một tay, thầy phải viết giấy cam đoan: “Tôi chịu toàn bộ trách nhiệm cho hành động của mình nếu nguy hiểm xảy ra”. Không ít lần, thầy Bùi Đăng Thanh đã phải đánh cược cả tính mạng mình như thế.
Đến nay Bùi Đăng Thanh đã có 16 giải thưởng trong nước và quốc tế, 76 lần có ảnh triển lãm quốc tế, vượt số điểm để trở thành hội viên Hội nhiếp ảnh Quốc tế (E.FIAP, E. VAPA). Ngoài việc giảng dạy tại Arena Multimedia, thầy còn dạy nghề cho những người khuyết tật, hay những những người yêu nghề ảnh, muốn theo nghề để kiếm sống.
Một số tác phẩm của thầy Bùi Đăng Thanh:
Miền quê thương nhớ
Ra khơi
Vũ điệu nghề nón
Tơ vương thiên ngọc
Người dẫn đường trên biển
Theo Công an nhân dân, VOV