Sự chăm chỉ và quyết tâm lớn trong một quá trình dài, mình may mắn sớm nhận ra những thế mạnh của bản thân và tìm cách phát huy nó. Mình cũng có một đội ngũ chuyên nghiệp đồng hành bên cạnh. Và trong mỗi dự án, mình luôn đặt bản thân vào vị trí khán giả để đưa ra nhu cầu trải nghiệm cho từng sản phẩm.
MV drama dường như là thương hiệu của Kawaii Tuấn Anh. Anh nghĩ sao về “thương hiệu” này?
Thương hiệu cá nhân là điều mà những người làm giải trí mong muốn có được, giúp khán giả nhớ đến những sản phẩm của mình. Bản thân Tuấn Anh thấy rất vui vì những nỗ lực tạo ra điều đó đã được mọi người công nhận. Mình luôn làm mới bản thân qua từng dự án, cố gắng tạo nên những thế giới câu chuyện khác nhau. Thỉnh thoảng, mình cũng làm những MV không phải drama như Lớn Rồi Còn Khóc Nhè, Hơn Cả Yêu… và sắp tới sẽ có thêm những thử nghiệm của mình trên những dòng nhạc khác nữa.
Lợi thế cá nhân nào đã giúp anh có được sự tín nhiệm của các nghệ sĩ cũng như sự quan tâm lớn từ khán giả?
Đó là sự chăm chỉ và quyết tâm lớn trong một quá trình dài, mình may mắn sớm nhận ra những thế mạnh của bản thân và tìm cách phát huy nó. Mình cũng có một đội ngũ chuyên nghiệp đồng hành bên cạnh. Và trong mỗi dự án, mình luôn đặt bản thân vào vị trí khán giả để đưa ra nhu cầu trải nghiệm cho từng sản phẩm.
Từ thành công của anh, có thể nhận thấy tại thị trường Việt Nam, MV drama vô cùng được ưa chuộng dù ở một số quốc gia, thể loại này đã dần đi đến “ngõ cụt”?
Thực chất, drama không bao giờ cũ vì đó là một thể loại, cũng có đối tượng khán giả riêng. Quan trọng là những cảm xúc, góc nhìn và cách kể mới sẽ mang lại nhiều trải nghiệm mới cho khán giả. MV drama hay bất cứ thể loại nào khác cũng sẽ phát ngán nếu những sản phẩm liên tiếp nhau lặp đi lặp lại một vấn đề, một cấu trúc. Trong một thị trường đa dạng như V-Pop, mình biết mình luôn phải nỗ lực thay đổi, những sản phẩm drama của mình phải khác những sản phẩm trước và tất nhiên phải khác với những ê-kíp khác.
Nhiều ngày sau khi MV do anh làm đạo diễn được phát hành, khán giả vẫn sôi nổi bàn tán về cốt truyện của MV. Anh có “sợ” người xem yêu thích MV quá mà vô tình khiến ca khúc bị lu mờ?
Khi sản xuất một MV, ê-kíp phải chủ động tạo ra sự chú ý trước tiên, khán giả ít nhất phải biết đến sự xuất hiện của sản phẩm đó. Ít nhất một yếu tố trong sản phẩm đó phải được đông đảo khán giả quan tâm. Sau đó, chất lượng nghệ thuật của sản phẩm sẽ được khán giả cảm nhận sau.
Mình luôn bắt đầu viết kịch bản sau khi nghe bài hát. Nội dung MV là sự bổ trợ cho ca từ nên mạch truyện phải ăn khớp với nhịp điệu của bài hát. Mình không có lý do để lấn át phần âm nhạc, vì bản chất MV là sự phụ trợ trực quan cho ý nghĩa của ca khúc. Khi xem xong MV của mình, bạn hãy thử tắt nó đi và chỉ nghe nhạc rồi suy ngẫm về câu chuyện mà bạn vừa xem, có lẽ sẽ thấm hơn đấy!
Những MV do anh sản xuất luôn có tình tiết “bẻ lái” tài tình khiến khán giả dù “đoán già đoán non” đều phải bất ngờ. Anh lấy cảm hứng từ đâu để cho ra đời những cốt truyện như thế?
Ở đa số các sản phẩm, mình đều làm việc cùng biên kịch Minh Châu. Mình và Châu luôn có những cuộc tranh luận sôi nổi, đôi khi rất căng thẳng về những kịch bản đó. Thỉnh thoảng được làm việc với những nghệ sĩ sắc sảo như chị Hương Giang, “cuộc chiến” diễn ra giữa… ba phe. Tất nhiên, khi phản biện nhau, bọn mình luôn hướng tới những điều mới mẻ, nhưng phải hợp lý và thuyết phục.
Mạch truyện của các MV do anh thực hiện được giới trẻ đánh giá là rất bám sát đời sống của họ. Đây có phải là tính toán của anh, định hướng nội dung sản phẩm theo đối tượng khán giả là các bạn trẻ?
Đây không phải là mục đích của riêng bản thân mình, điều này phải xuất phát từ mục tiêu, nhu cầu của nghệ sĩ trước tiên. Họ cần chinh phục số lượng lớn khán giả, mà số lượng lớn người dùng mạng là khán giả trẻ nên chắc chắn đó là nhóm khán giả chính mà đa số nghệ sĩ hướng đến. Mình cũng chưa già lắm nên vẫn còn theo kịp những xu hướng giải trí của giới trẻ (cười).
Anh trau dồi kiến thức về đời sống giới trẻ như thế nào để những sản phẩm luôn bắt trend, thậm chí là tạo trend như vậy?
Mình luôn chú ý theo dõi các trang tin, các xu hướng trên mạng xã hội và thường xuyên có các hoạt động kết nối với các bạn sinh viên. Mình cũng hay tham gia làm giám khảo các cuộc thi sản xuất video cho giới trẻ mà trong những lần đó, mình hiểu thêm góc nhìn của các bạn và mình thật sự thích thú với nó. Sắp tới đây mình cũng xuất hiện với vai trò giám khảo trong cuộc thi Tìm Kiếm Tài Năng Làm Phim Kỹ Thuật Số do báo Hoa Học Trò và Đại học RMIT đồng tổ chức.
Vừa qua, anh đã được vinh danh trong danh sách “30 Under 30” của tạp chí Forbes Việt Nam. Anh có cảm thấy vai trò của mình “nặng nề” hơn khi không chỉ thực hiện đam mê của mình mà anh còn góp phần thúc đẩy đam mê, truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác?
Mình đã ý thức được điều này từ trước khi vào danh sách “30 Under 30”, mình tự hào vì nỗ lực được công nhận và chắc chắn phải làm nhiều hơn những điều tốt đẹp cho xã hội, đặc biệt là việc truyền đi năng lượng tích cực cho những bạn trẻ cùng đam mê. Mình tin vào sự hết mình của tuổi trẻ và luôn cố gắng chia sẻ cơ hội cho các bạn.
Theo Hoa Học Trò