Hội thảo “Thời khắc của Mobile Games” do Arena Multimedia tổ chức dành cho các bạn trẻ yêu thiết kế, đồ họa, yêu và thích làm games có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn về việc xây dựng và phát triển Mobile Games.
Buổi hội thảo thu hút khá đông các bạn trẻ, những game thủ và cả những người đang nhăm nhe bước chân vào lĩnh vực phát triển game mobile.
Với hai diễn giả chính là Giám đốc dự án cùng Giám đốc Mỹ thuật của công ty phần mềm Ai&T (chuyên sản xuất và kinh doanh phần mềm, thực hiện các dự án CNTT phục vụ trực tiếp khách hàng đầu – cuối (end-user) tại thị trường Việt Nam và Nhật Bản), buổi nói chuyện tập trung xoay quanh các kinh nghiệm làm việc tại những công ty lớn trên thế giới, về quy trình làm game, ứng dụng của Thiết kế đồ họa trong làm games và đặc biệt là cách làm thế nào để một cá nhân hay một nhóm nhỏ tham gia vào “Hệ sinh thái” làm Mobiles Game, tạo ra nguồn nhu nhập từ ít đến nhiều chỉ qua các giao dịch mạng.
Đầu tiên, các diễn giả đã khái quát về thị trường game với 3 thể loại Console Game, Web Game, Mobile Game. Với sự thông dụng và tiện ích của thiết bị Smart Phone với giá chỉ từ 2,5 triệu đồng, kho ứng dụng (App Store, Google Play…) đã đủ lớn và phong phú để tải game, nhu cầu di chuyển và tương tác trong những không gian hẹp (trên xe buýt), “làng game” đang chứng kiến sự dịch chuyển từ Web Game sang Mobile Game. Các trò chơi được chơi trên điện thoại thông minh ngày càng nhiều, kéo theo nhu cầu và cơ hội phát triển những game cho thiết bị này.
Trong tổng số các dòng điện thoại để chơi game, smartphone chiếm 53.1%. Các game có thể chia thành các thể loại sau: Actions (đối kháng), Adventure, Arcade, Board (quản trị) , Card (Bài), Casino, Dice (xúc xắc), Educaltional (giáo dục ), Family (nông trại), Puzzle , Racing, Role playing (nhập vai ), Simulation (mô phỏng), Sports (thể thao), Atrategy (chiến lược), Trivia, Work…
Những tên tuổi nổi tiếng trong làng mobile games có thể kể đến: Activison, Ubisoft, EA, GameLoft, Konami, Blizzard Entertaiment, AFC, Black Rock Studios, Disney, Puch, Tecmo Koei, Wulven studios, VNG, VTC, Emobile, AI-T, Canvas Games Studio, Colobox, MeYuMe, Zendios, GEARS Studdio, Unicorn Game Studio…
Tiếp theo là phần trình bày về Quy trình sản xuất Game hoàn chỉnh, mô hình khái quát áp dụng cho các loại hình công ty lớn, nhỏ và các nhóm độc lập, với các khâu Phát triển ý tưởng, Phác thảo, Thiết kế game, Lập trình, Đồ họa, Sản xuất, Âm thanh, Thử nghiệm, Kiểm định và Phát hành.
Phần trao đổi về việc ứng dụng của Thiết kế đồ họa cho Thiết kế Game trở nên sôi động với chia sẻ của anh Đặng Ngọc Thanh với kinh nghiệm khởi điểm là Graphic Designer thuần túy, đã chuyển sang phụ trách đồ họa cho Game tại một số Game Studio lớn. Người chơi tiếp xúc với game đầu tiên và cả quá trình chơi qua giao diện đồ họa (những gì nhìn thấy trên màn hình) nên cần rất nhiều đầu tư thời gian và nguồn lực vào việc thiết kế phong cách cho nhân vật, môi trường, từ khâu vẽ phác thảo (concept art) đến triển khai chi tiết.
Diễn giả Đặng Ngọc Thanh cũng chia sẻ những thách thức trong tìm kiếm Art style cho Mobile Games đó là Cạnh tranh nhiều và Thời gian phát triển ngắn. Chính vì vậy kinh nghiệm của anh khi tìm kiếm Art style là cần khoanh vùng đối tượng mục tiêu của Game. Với mỗi trình độ Văn hóa, Độ tuổi, Giới tính… mỗi đối tượng có sở thích khác nhau. Art Style hoành tráng chưa chắc đã hiệu quả cao.
Khi thiết kế mobile games, ưu tiên sáng tạo phong cách thiết kế games độc đáo, đơn giản, ít cạnh tranh, thời gian vẽ/design là ít nhất, hiệu quả cao nhất, khả thi về nhân lực và thời gian phát triển.
Anh Thanh cũng đặt ra những vấn đề cần lưu ý khi thiết kế game: câu chuyện của người dùng có kinh nghiệm và mới sử dụng, suy nghĩ về kích thước button, vị trí của UI, tính toán chuyển động, bao nhiêu là quá nhiều?Để theo nghiệp thiết kế mobile games, bạn trẻ cần Vẽ tay tốt, Hiểu biết về chuyển động nhân vật, hiệu ứng, môi trường,…Sử dụng tốt Photoshop, bố cục, màu sắc tốt, sử dụng thành thạo các phần mềm tạo chuyển động Adobe Flash, After Effect,… đó đều là những nội dung trong chương trình học của Arena Multimedia.
Với những bạn trẻ đang phân vân, do dự bước vào việc làm game để có doanh thu, phần trao đổi của anh Võ Cao Cường trở nên đặc biệt cuốn hút. Với những trải nghiệm của bản thân, anh Cường bật mí các bí quyết tổ chức làm game theo nhóm nhỏ (Indie Games Developer): Làm thế nào để bắt đầu làm một game đơn giản, từ việc lựa chọn các platform, hệ điều hành (iOS, Android, Windows Phone), Đăng ký tài khoản, Set up tài nguyên, bộ công cụ, Tương tác với cộng đồng developers, Đưa lên kho ứng dụng, Lựa chọn các cơ chế tạo doanh thu.
Trả lời câu hỏi “Flappy Bird được phát triển trong vài ngày mà thành công rực rỡ, vậy em cần đầu tư trong bao lâu”, anh Cường cho rằng Nguyễn Hà Đông đã tích lũy được một nền tảng rất sâu và rộng ở khả năng hiểu và cảm nhận nhu cầu người chơi games từ khi anh mê mẩn chơi games thời niên thiếu. Thêm vào đó là sự ám ảnh, nhiệt huyết với việc “chỉ thích làm games” đến tận ngày hôm nay. Tất nhiên cũng cần một chút may mắn nữa.
Anh Cường cũng bật mí thêm một hình thức tạo doanh thu khá dễ dàng cho một hay nhiều cá nhân là việc thực hiện một số các công đoạn làm games, đặc biệt ở mảng Đồ họa. Cụ thể, đó là việc bạn có thể nhận thiết kế các nhân vật hay các chi tiết đồ họa khác nhau từ một vài nhóm làm game hay các Studio lớn.
Cuối buổi hội thảo, các diễn giả cũng chia sẻ về nhận định thị trường nhân lực cho lập trình games và thiết kế games tại Việt Nam, về nhu cầu nhân lực trong 5 năm tới với các nhóm công việc games tester, game programmer, sound programmer, network programmer, GUI designer, 3D modeler và Visual Effects Artist.
Cùng với sự phát triển như vũ bão của ngành công nghiệp games, với hàng ngàn trò chơi mới ra mắt mỗi ngày trên cả Android và iOS, lĩnh vực này đang phát triển và biến đổi từng ngày, cần một lượng nhân sự bổ sung vô cùng lớn. Công việc thiết kế game cũng ngày càng trở nên phổ biến và dễ tiếp cận hơn bao giờ hết.
Trong phần trao đổi, nhiều bạn trẻ đã thẳng thắn đề cập tới nhiều vấn đề đang rất được quan tâm như việc xử lý nạn hack game; tính hợp pháp của các game các cược, đánh bài hiện nay; vấn đề thuế của các studio phát triển game; mối tương quan giữa kỹ thuật và lương tâm của người phát triển game; cách xử lý việc chậm deadline của các nhóm làm game nhỏ lẻ…
Qua buổi gặp gỡ này, các game thủ đam mê với game mobile đã thấy được cơ hội công việc trong tương lai, biến ước mơ thành nghề nghiệp, với các khả năng tự khởi nghiệp như một nhà phát triển games độc lập (Indie Games Developer) hay đầu quân cho các công ty lớn. Còn các bạn trẻ có chút hứng thú và năng khiếu vẽ vời cũng đã thấy thêm một ngã rẽ, một mục đích để hoàn thiện và phát triển kỹ năng của mình.
Đây cũng là cơ hội cho nhiều bạn trẻ tiếp cận với hai nhân sự cấp cao của AI&T để nhờ giải đáp các thắc mắc và liên hệ công việc sau này.
Một màn thi đấu trực tiếp game mobile thành công nhất Việt Nam hiện nay- Flappy Bird cũng đã được tổ chức ngay tại hội thảo với phần thưởng là một chiếc điện thoại giá trị, nhằm kích thích các bạn trẻ tham gia vào lĩnh vực việc làm đầy sôi động và hấp dẫn này.
Phần thi chơi Flappy Bird tay đôi trên laptop giữa các bạn trẻ tham dự hội thảo
Game thủ vô địch giải đấu Flappy Bird với phần quà là chiếc điện thoại Lumia 525