Trong hội thảo về chuyên đề “Kỹ xảo điện ảnh – Hậu kỳ truyền hình” của trường Arena Multimedia tổ chức vào ngày 14/05 tới đây, đạo diễn trẻ đầy tài năng Đào Thanh Hưng sẽ góp mặt với tư cách là một người anh đi trước, một người bạn để cùng chia sẻ với các bạn trẻ chuyện làm phi, chuyện nghề và những điều mê hoặc anh khi anh bước vào lĩnh vực khá hấp dẫn này.
Vậy để hiểu rõ hơn về người đạo diễn trẻ tài năng và cá tinh này, hãy cùng trường Arena phác họa chân dung của anh qua buổi trò chuyện thân mật với phóng viên báo Quảng Ninh.
Một Đào Thanh Hưng đầy sôi nổi cá tính trong “Hạ Long đã cho tôi những ước mơ từ thuở ấu thơ”
(Đạo diễn trẻ Đào Thanh Hưng trò chuyện với phóng viên Báo Quảng Ninh)
Tôi quen Đào Thanh Hưng từ khi anh vừa rời ghế nhà trường ở Hà Tu (TP Hạ Long) lên học ở Phân viện Báo chí – Tuyên truyền Hà Nội (nay là Học viện Báo chí – Tuyên truyền). Tôi hơn tuổi Hưng, nhưng chúng tôi chơi khá thân với nhau, vì là đồng hương Quảng Ninh, học cùng trường và cái hợp nhất là cùng đam mê vẽ tranh biếm hoạ. Hưng hay vẽ tranh biếm hoạ cho báo Thiếu niên tiền phong, Hoa học trò với bút danh Cò Lả. Chúng tôi cùng sinh hoạt ở CLB hoạ sĩ biếm của Báo Hoa học trò.
Tôi thích Hưng ở tính sôi nổi đầy cá tính. Có lần, trong chương trình “Đêm nhạc Thanh Lam – Em và tôi” được thu hình để phát trên VTV3, Hưng đã mạnh dạn lên sân khấu hát giao lưu với ca sĩ Thanh Lam. Có người bảo anh liều, vì khi đó Thanh Lam đã là ca sĩ rất nổi tiếng, còn Hưng chỉ là chàng sinh viên tỉnh lẻ, lẫn lộn trong đám đông hàng ngàn người đang reo hò bên dưới. Gặp tôi, Hưng cười xoà: “Em chỉ muốn thử đứng dưới ánh đèn sân khấu xem nó thế nào thôi, được lên truyền hình mà anh!”.
Chẳng ngờ, từ “buổi thử” ấy, Hưng đâm mê mẩn sân khấu với truyền hình, lại “ôm” ước mơ trở thành đạo diễn. Thế rồi, Hưng bất ngờ rẽ ngang, không theo học báo chí nữa mà chuyển sang học đạo diễn điện ảnh tại Đại học Sân khấu điện ảnh. Lại có ý bảo Hưng “hâm”. Tôi không nói gì mà nghĩ là anh mạnh bạo, cá tính, cũng là người rất có năng lực…
Thời gian trôi qua, tôi về lại Quảng Ninh còn Hưng tiếp tục học và làm việc ở Hà Nội nên tôi và Hưng ít có điều kiện gặp nhau. Khi xem chương trình Sao online (trực tiếp trên VTC1), tôi đã ngờ ngợ khi nhìn thấy tên đạo diễn là Đào Thanh Hưng. Rồi đến khi xem “Bộ tứ 10A8”, phim dài tập phát sóng trên VTV3 với những tình tiết dí dỏm, hài hước thì tôi khẳng định: “Đúng Đào Thanh Hưng -Cò Lả đây rồi…!”. Và tôi nhấc máy điện thoại lên: “A lô!”.
– Chào Đào Thanh Hưng, đang học ở Phân viện Báo chí – Tuyên truyền rồi lại rẽ ngang sang sân khấu điện ảnh, giờ thì làm đạo diễn, bỏ báo chí rồi. Cậu liều thật…?
+ (cười) Cũng bình thường thôi, nhưng em có bỏ báo chí đâu, em hiện đang công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam. Những năm tháng học ở Phân viện Báo chí – Tuyên truyền đâu có lãng phí, ít nhất là em có cái nhìn tổng thể khi làm việc và sự nhanh nhạy của một nhà báo. Đạo diễn truyền hình cũng rất cần kiến thức của nhà báo anh ạ, nhất là khi cần sáng tạo những tình tiết hấp dẫn cho phim. Người đã học qua báo chí thường có lợi thế hơn vì đã được rèn luyện những kỹ năng để chọn ra “con tằm” lẫn lộn trong hàng trăm “con sâu” có hình thể giống nó, để rồi giúp “con tằm” đó “nhả tơ” cho đời.
– Là đạo diễn trẻ, lại không phải con nhà nòi, Hưng làm phim dài tập “Bộ tứ 10A8” với hầu hết là các diễn viên không chuyên mà vẫn có nhiều thành công quả là không dễ?
+ Vâng, đúng là gia đình em không có ai làm nghệ thuật nhưng họ chính là những người đã chắp cánh ước mơ cho em khi theo đuổi con đường làm nghệ thuật. Em thích đề tài về thanh thiếu niên ngay từ nhỏ. 7, 8 tuổi được mẹ mua cho tờ báo Thiếu niên tiền phong, em sướng phát điên lên. Có lẽ, những hoài bão làm tác phẩm về tuổi teen đã ấp ủ trong em từ thuở ấy.
Khoảng 6 năm trước, em đã xin làm bộ phim “Kính vạn hoa”. Nhưng ngày ấy, em mới vào nghề nên mọi người không dám giao vì đề tài này rất khó. Còn dàn diễn viên của “Bộ tứ 10A8” đều chưa từng đóng phim. Em dành thời gian làm quen, dạy các em về kỹ thuật làm việc với ống kính, các kỹ năng khẩu lệnh và quy tắc làm việc tại phim trường… Các em diễn viên đều thông minh và trưởng thành trong diễn xuất nên cũng là thuận lợi cho em. Khi được giao làm tiếp phần 2 “Bộ tứ 10A8” em vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì đó là đề tài yêu thích, lo là vì phần 1 đã đi vào lòng khán giả, như thế có nghĩa là mình phải sáng tạo cái mới trên nền cái cũ, nhưng lại phải làm sao không gây nhàm chán, trùng lặp.
– Từ chỗ xin làm một chương trình cho thiếu nhi mà không được đến chỗ được giao làm đạo diễn 260 tập phim Bộ tứ 10A8, rồi lại 260 tập “Phóng viên vui nhộn”, hẳn là Hưng đã nỗ lực rất nhiều?
+ Em công tác khoảng 1 năm ở Trung tâm Sản xuất phim truyền hình thì xin đi học tiếp khoá đào tạo của Trung tâm Hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh của Hội Điện ảnh Việt Nam. Với giảng viên là các chuyên gia Pháp, em được tiếp cận với nền điện ảnh châu Âu đã đưa đến cho em nhiều ý tưởng sáng tạo sau này. Sau khoá học, em trưởng thành lên rất nhiều và được giao làm một số chương trình trọng điểm của Đài, trong đó có nhiều chương trình được người xem mến mộ như Sao online, AFC Cup, cầu truyền hình đêm giao thừa rồi các tạp chí truyền hình và phim tài liệu.
Em cũng được giải thưởng phim tài liệu về Hà Nội của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP Hà Nội và một số giải thưởng về phim ngắn. Tháng 6-2009, em trúng học bổng toàn phần của Quỹ phát triển điện ảnh Việt Nam và Mỹ. Em được sang Mỹ học về điện ảnh ở Đại học USC.
Tại đây, em được học cách làm phim của người Mỹ, được thấy Hollywood sản xuất những bộ phim bom tấn như thế nào, học lối tư duy công nghiệp và thực tế của người Mỹ v.v… Bộ phim tốt nghiệp khoá học của bọn em được chiếu tại Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ, nơi khai sinh ra Giải Oscar danh giá. Hôm đó có nhiều nhà làm phim, nhà sản xuất phim nổi tiếng của Hollywood cũng đến dự. Đó là cơ hội để bọn em gặp gỡ làm quen và học hỏi họ, để về làm phim thực tế ở Việt Nam.
– Thành công trên đất Thăng Long, vậy Hưng có ước mơ gì về đất Hạ Long không?
+ Có chứ, Hạ Long là nơi em được sinh ra, là nơi cho em những ước mơ từ thuở ấu thơ. Trong lòng em luôn mong muốn mình làm được một bộ phim có chất lượng về Hạ Long giống như em đã làm phim về Hà Nội vậy.
– Chúc em thành công!
(Theo Công Thành / Báo điện tử Quảng Ninh)