Vừa qua, trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia đã tổ chức “Multimedia Talk: Nghề thiết kế, các bạn hỏi chúng tôi trả lời” giải đáp nhiều thắc mắc của các bạn trẻ về ngành thiết kế.
Khách mời của Multimedia Talk là nhóm 3Đ – 3 chuyên gia đều có tên là Đức đến từ các tổ chức đào tạo và ngành công nghiệp sáng tạo, truyền thông đa phương tiện.
Từ những vấn đề hết sức cơ bản, quen thuộc như: Thiết kế là gì? Thiết kế có vai trò như thế nào trong cuộc sống?… đến những vấn đề vô cùng nhạy cảm, cực hot đều được trao đổi hết sức chân thành và hài hước, gần gũi và bổ ích.
Học thiết kế có cần năng khiếu?
Trả lời cho câu hỏi này, thầy Vương Trọng Đức (Trưởng khoa Thiết kế Đồ hoạ, trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam) chia sẻ “Tôi đồng ý với những chuyên gia đi trước: năng khiếu, tài năng là một lợi thế nhưng không phải là mấu chốt; điều quyết định là sự nhiệt huyết, quyết tâm, đam mê, lao động.
Thầy Vương Trọng Đức đã có 25 năm đào tạo thiết kế, nghệ thuật
Đừng nghĩ làm nghệ thuật là phải tóc dài, ăn mặc quái dị… Khi tôi sang nước ngoài, tôi mới giật mình: Thôi chết, chúng ta toàn làm nghệ thuật bằng hành vi, bằng các thứ phù phiếm bên ngoài, còn phương Tây các nghệ sĩ bình thường lắm, chỉ giản dị như bác gác cổng.
Làm nghệ thuật và thiết kế bây giờ cần tư duy, có concept, chuyên nghiệp và khoa học, Các ngành tự nhiên và ngành xã hội giao hòa rất nhiều, công nghệ đã phát triển để phục vụ nghệ thuật; nghệ thuật, mỹ thuật cũng phục vụ cho cuộc sống nhiều qua công nghệ, và đó chính là nền tảng ra đời nghành nghề Thiết kế Mỹ thuật Đa phương tiện, môt sự giao hoà giữa Công nghệ và Nghệ thuật.
Thầy Vũ Anh Đức trước đây vì yêu thích game mà theo ngành Multimedia Design
Thầy Vũ Anh Đức (Thạc sĩ Multimedia Design tại ĐH Monash – Úc, Trưởng phòng Đào tạo trường Arena Multimedia) cũng đồng tình và bổ sung: “Một Desiger giỏi là sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm gu thẩm mỹ, khả năng sáng tạo, niềm đam mê và khả năng tiếng anh.
Đam mê và khả năng tiếng anh thì không quyết định bởi năng khiếu. Nhưng khiếu thẩm mỹ và sáng tạo cũng hoàn toàn có thể học tập mà thành. Bản chất của sáng tạo là nghiên cứu học hỏi và dựa trên kiến thức đó tạo ra sản phẩm của mình. Càng chăm chỉ học hỏi, kiến thức càng mở mang, khả năng sáng tạo và ứng dụng càng lớn. Khả năng sáng tạo hoàn toàn không phải là thiên bẩm.
Còn về khiếu thẩm mỹ, không ai sinh ra mà đã có sẵn khả năng biết cảm nhận. Cũng giống như sáng tạo, khiếu thẩm mỹ hoàn toàn có thể học hỏi rèn luyện. Ngày nay công nghệ đã hỗ trợ các bạn rất nhiều trong việc thiết kế và bù đắp rất nhiều so với khái niệm phải có “thẩm mỹ” trước kia. Ví dụ như thay vì phải pha màu thủ công tỉ mẩn, ngày nay, các bạn hoàn toàn có thể lựa chọn ngay màu mình muốn với bảng màu có sẵn. Hoặc thay vì kẻ vẽ các nét cong thẳng một cách khó nhọc thì bạn chỉ cần tưởng tượng ra và máy móc sẽ hỗ trợ bạn phần còn lại.
Bên cạnh đó, càng tiếp xúc lâu với nghệ thuật thì gu thẩm mỹ của bạn càng tăng lên. Tại Arena Multimedia, năm nhất các bạn học thiết kế đồ họa, năm hai học thiết kế website, đến năm 3 học dựng phim. Dựng phim thì đâu có rèn luyện thêm về đồ họa đâu, nhưng hầu hết các bạn đều thấy sản phẩm kỳ một của mình xấu. Đó là bởi tiếp xúc nhiều với nghệ thuật, thẩm mỹ của các bạn tăng lên. Khi các bạn làm nhiều, nhìn nhiều, xem nhiều, gu thẩm mỹ của các bạn sẽ được cải thiện đáng kể.”
Bí quyết khi học thiết kế là gì?
Bàn tiếp về chuyện năng khiếu, anh Nguyễn Anh Đức (Duk Nguyen – đến từ Outline Agency) nói thêm: “Năng khiếu thiên bẩm rất hiếm, không phải ai cũng có, và làm thiết kế không chỉ cần năng khiếu, mà còn cần học tập, rèn luyện các yếu tố khác.
Anh Nguyễn Anh Đức phải mất 4 năm để thi vào ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, nhưng anh là một trong số ít những người cùng khoá đang làm đồ hoạ và có agency riêng về thiết kế
Thứ nhất là cách tư duy sáng tạo, đây là yếu tố quan trọng, không có ngay được, mà phải rèn luyện, trải nghiệm hàng ngày, liên tục. Thứ hai là Tư duy Thiết kế: bố cục, màu sắc, hình khối kết hợp với nhau thế nào là đẹp. Thứ ba là phải học cách kiên nhẫn. Kiên nhẫn với chính bản thân, học các phần mềm, luyện tập cho thành thục, kiên nhẫn khi thao tác mà thành phẩm chưa ra đúng ý, kiên nhẫn hoàn thiện tác phẩm đến bước cuối cùng. Sau đó kiên nhẫn với khách hàng, giải thích cho khách hàng, thuyết phục khách hàng sao cho dễ hiểu, hiệu quả chứ không phải bằng những ngôn ngữ học thuật.
Ngoài ra còn cần các kỹ năng mềm: khả năng làm việc nhóm, lắng nghe hiệu quả – tiếp thu, lĩnh hội, hiểu được mong muốn của khách hàng, kỹ năng thuyết trình… Tất cả các kỹ năng này đều cần luyện tập, lĩnh hội dần dần”.
Con gái có theo được nghề thiết kế?
Bằng câu chuyện thực tế, thầy Vương Trọng Đức chứng minh rằng: các bạn nam có thể thiết kế rất hay, rất máu, rất lăn xả hoặc cũng có thể rất ẩu, rất hay nhảy việc, còn phụ nữ có tính ổn định cao, đảm bảo doanh nghiệp luôn có sản phẩm thiết kế đều đặn, ổn định chất lượng.
Đặc biệt, ở các ngành hàng tiêu dùng phục vụ phái nữ hay gia đình, chăm sóc sắc đẹp, thời trang… một nhà thiết kế nữ nhạy cảm, nắm bắt được tâm lý khách hàng sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối.
Trên thực tế, tại lớp Thiết kế Đồ họa – trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, có đến gần 80% là nữ, số học viên nữ tại Arena Multimedia cũng chiếm đến 40%. Rất nhiều nữ học viên Arena Multimedia đã tốt nghiệp và có công việc thiết kế rất tốt.
22 tuổi mới học thiết kế có được không? Tuổi thọ của nghề thiết kế là bao nhiêu?
Tại Multimedia Talk, cả ba chuyên gia đều thống nhất: tuổi tác không quan trọng trong thiết kế. Nếu còn trẻ, bạn sẽ học rất say mê, hứng khởi, có nhiều thời gian rảnh rỗi, thế nhưng lại thiếu sự trải nghiệm, thiếu chiều sâu, dễ sao nhãng vào những thú vui khác. Những anh chị lớn tuổi học hành sẽ chủ động và nghiêm túc hơn vì họ không có nhiều thời gian, sẽ có nhiều vốn sống để đưa vào thiết kế hơn.
Còn tuổi thọ nghề thiết kế, thầy Vũ Anh Đức chia sẻ “Tại Việt Nam, có thể thấy một số trường hợp nhà thiết kế trên 30 tuổi chuyển sang làm nghề khác, hay tin tuyển dụng trên mạng chỉ tuyển nhân sự dưới 30 tuổi… Đúng là theo khoa học, tuổi càng cao thì khả năng sáng tạo càng giảm, nhưng kinh nghiệm thiết kế, những tháng năm lăn lộn với nghề, vốn sống là tài sản vô giá của người làm thiết kế lâu năm, cho họ lợi thế khai thác những chuỗi giá trị mới trong mảng việc thiết kế.
Ở những nước có nền công nghiệp sáng tạo ổn định và phát triển, nghề này không phân biệt độ tuổi khi tuyển dụng, và theo thống kê thì độ tuổi trên 28 tuổi trở đi thường có mức lương cao hơn những trẻ, do họ có nhiều kinh nghiệm, chịu được áp lực, giải quyết công việc hiệu quả… Như vậy điều này khẳng định, tuổi thọ của nhà nghề thiết kế phụ thuộc khả năng đáp ứng công việc của designer đó, phụ thuộc chính nhà thiết kế chứ không phải ở một con số nào cả”.
Giá của một thiết kế là bao nhiêu? Làm thế nào để đưa ra mức giá hợp lý và thuyết phục nhất?
Định giá ở Việt Nam rất phức tạp vì thị trường đặc biệt, khó phân định, tính chuyên nghiệp chưa cao. Lĩnh vực thiết kế không có barem chính xác giá, bảng giá được hình thành phụ thuộc vào khả năng đưa ra giải pháp của bạn cho khách hàng, vào kinh nghiệm, giá trị của bản thân bạn.
Để đưa ra một giá “sát”, bạn cần tìm hiểu và làm việc với khách hàng, lắng nghe mong muốn của họ, sở thích của họ, xác định quy mô công ty của họ như thế nào, sản phẩm thiết kế của bạn đóng vai trò quan trọng đến đâu, mức chi của họ ra sao? Công ty càng lớn thì dễ trả giá cao hơn.
Giá của thiết kế để trả cho tính sáng tạo, cho ý tưởng của designer. Những thiết kế đòi hỏi chất xám, ý tưởng sẽ cao hơn thiết kế chỉ cần đẹp, ưa nhìn. Những quảng cáo của các thương hiệu nổi tiếng về mỹ phẩm trên báo chí, dành nhiều tiền để trả cho người mẫu, set up chụp ảnh nhiều hơn là cho thiết kế.
Tại sao có những quảng cáo rất xấu, TVC rất chán (như quảng cáo thuốc) mà vẫn được sử dụng?
Trả lời câu hỏi, anh Nguyễn Anh Đức nói: “Đây là tình trạng rất hay xảy ra giữa thiết kế và khách hàng. Có thể ban đầu agency đưa ra một ý tưởng hay, một định hướng thẩm mỹ tốt, tuy nhiên sau đó, khách hàng đòi bổ sung thêm thông tin, tham khảo chỗ này một chút, chỗ kia một chút và đòi hỏi agency phải sửa theo ý của họ… Khách hàng không đặt vị trí vào người xem truyền hình muốn xem gì, nghe gì mà chỉ muốn nói thông tin về mình. Họ thuê agency thực hiện TVC nhưng lại không tin tưởng.
Sản phẩm cứ thêm chỗ nọ, cắt chỗ kia, nghe người khác bình luận lại sửa… thành ra một thứ “dặt dẹo” nhưng khách hàng rất hài lòng và yêu thich sản phẩm đó, vì nó đúng ý họ”.
Tuy nhiên còn một lý do khác, đối với các sản phẩm hướng đến đại chúng, những người không quan tâm nhiều về thiết kế, marketing… khách hàng không đề cao chuyện ý tưởng, xấu đẹp mà chỉ quan tâm đến chuyện nhắc tác dụng của sản phẩm nhanh nhất, nhiều nhất. Ngoài ra thẩm mỹ đại chúng tại Việt Nam cũng chưa cao. Bạn là designer, bạn thấy đó là một logo xấu, quảng cáo tệ, nhưng nhiều người cũng không quan tâm.
Điều này đang dần thay đổi khi các doanh nghiệp cạnh tranh, chạy đua với nhau… Thay vì chỉ giới thiệu sản phẩm như trước kia, giờ đây doanh nghiệp buộc phải tìm cách giới thiệu sao cho hay, hấp dẫn để có thể thu hút khách, bán được nhiều hàng.
Quay trở lại với câu hỏi ban đầu: “Học thiết kế có cần năng khiếu?” các chuyên gia đều khẳng định: Năng khiếu không phải là yếu tố quan trọng. Không chỉ riêng năng khiếu, mà giới tính và tuổi tác cũng không quyết định khả năng của một designer. Thay vào đó là sự ham học hỏi, cầu tiến và trau dồi không ngừng.
Tự hào là cái nôi đào tạo nhân lực hàng đầu, Arena Multimedia đào tạo bài bản, toàn diện nghề Thiết kế Mỹ thuật Đa phương tiện, đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng lớn của các ngành quảng cáo, truyền thông, giải trí kỹ thuật số.Gia nhập cộng đồng sáng tạo cùng chúng tớ: