Công nghệ truyền thông, giải trí đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cách thức truyền tải nội dung đến người dùng. Điều này sẽ mang đến cơ hội nào cho người trẻ chuẩn bị dấn thân vào lĩnh vực hấp dẫn này và những thách thức nào đang chờ đợi họ?
Một thập kỷ trở lại đây chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và tác động to lớn của việc này đến ngành công nghiệp truyền thông – giải trí. Theo thời gian, những bộ phim, tựa game có ứng dụng đồ họa 3D, kỹ xảo VFX xuất hiện ngày càng nhiều, từ đó cũng dẫn đến sự thay đổi về mặt cảm xúc của người dùng khi tiếp nhận những sản phẩm đó. Sống trong thời đại mà đến những chiếc billboard quảng cáo cũng tích hợp những hiệu ứng 3D chuyển động vô cùng ấn tượng, người dùng ngày càng đòi hỏi cao hơn ở một sản phẩm truyền thông kỹ thuật số, đặc biệt là gen Z – những người lớn lên trong sự phát triển như vũ bão của internet.
Nhịp sống hối hả, sự thay đổi mạnh mẽ của khoa học công nghệ đã khiến gen Z dần tiếp nhận những thông tin truyền thông, mạng xã hội mang tính kích thích thị giác hơn, thay thế cho các hình ảnh tĩnh, hoạt họa 2D truyền thống. Xu hướng tất yếu đó của thời đại đòi hỏi những Graphic Designer buộc phải thay đổi, hoặc là nâng cấp kỹ năng của bản thân, dấn thân vào thế giới đồ họa 3D và VFX để tiếp tục theo nghề, hoặc là bỏ lỡ cơ hội nắm bắt xu hướng và nhìn AI (Trí tuệ nhân tạo) lấy đi công việc của mình.
Vậy những Designer sẽ phải thay đổi ra sao? Cơ hội và thách thức nào đang chờ đợi những nhà thiết kế sắp dấn thân vào ngành công nghiệp 3D, VFX và Game? Là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện và sớm nắm bắt xu hướng dịch chuyển công nghệ truyền thông – giải trí từ 2D sang 3D, Arena Multimedia đã có cuộc trao đổi thú vị với anh Nguyễn Tiến Huy – Group CEO @ Pencil Group, người có 15 năm kinh nghiệm trong đa dạng các lĩnh vực kinh tế số, từ phần mềm, quảng cáo cho đến tư vấn chiến lược.
Nếu đang băn khoăn trước những biến chuyển to lớn trong lĩnh vực truyền thông – giải trí, hãy đọc qua những chia sẻ của anh Huy về xu hướng “tiêu thụ” nội dung giải trí hiện nay, cũng như nhận định của anh về nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành 3D & VFX và Game trong tương lai nhé.
Chào anh Nguyễn Tiến Huy. Trước hết xin chúc mừng anh và cộng sự Tùng Monkey của AVAS đã tổ chức thành công Multimedia Exhibition mang tên NEO NIRVANA. Sự kiện này ngoài việc là triển lãm cá nhân đầu tiên của Tùng Monkey, thì còn mang mục đích và thông điệp gì đến ngành công nghiệp sáng tạo và giải trí của Việt Nam?
Tôi nghĩ triển lãm cá nhân này là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của một nghệ sĩ thị giác có vai trò tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ vào thiết kế, sáng tạo nội dung số như Tùng. Ta đã biết với nghệ thuật truyền thống thì các triển lãm khá đơn giản, nhưng nghệ thuật số (visual, digital,…) mang màu sắc của tương lai thì rất hiếm. Tùng đang là người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ đa phương tiện để tạo ra những ngôn ngữ thiết kế rất độc đáo, mang đầy màu sắc của tương lai.
Anh Huy là đại diện cho các nhà đầu tư công nghệ, luôn luôn nhìn ra cơ hội trong những công nghệ mới và cách mà một bộ máy vận hành để đưa vào khai thác thương mại. Tùng là một nghệ sĩ tiên phong về thử nghiệm, bất cứ thứ gì mới Tùng đều áp dụng. Sự hợp tác này thật đáng ngưỡng mộ.
Đó là may mắn của tôi. Tài năng của Tùng kết hợp với tầm nhìn về kinh doanh sẽ mang đến những bước phát triển mới cho ngành. Trước mắt ta hợp tác ghi những dấu ấn đặc thù cho ngành trước, rồi kết quả kinh doanh sẽ theo sau.
Nhìn lại quá trình phát triển của ngành công nghiệp truyền thông – giải trí tại Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây, anh nhận thấy có những thay đổi gì trong xu hướng tiêu thụ nội dung giải trí?
Trong vài năm qua, Tik Tok đã khiến chúng ta thay đổi khá nhiều cách thức tiếp nhận nội dung. Thông thường, chúng ta nghĩ rằng do nhu cầu tiếp nhận nội dung thay đổi thì hành vi của chúng ta thay đổi theo. Thế nhưng thực tế chính công nghệ – vốn đã làm quá tốt trong việc truyền tải thông tin – đã góp phần tác động không nhỏ đến nhu cầu “hấp thụ” nội dung của người dùng.
Một trong những ví dụ có thể kể đến là các nền tảng chia sẻ video ngắn như: Tik Tok, YouTube Short, Facebook Reels,… đã tạo cho chúng ta thói quen xem rất nhiều video ngắn bằng điện thoại. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta rồi vẫn sẽ quay trở lại với những video dài hơn, những nội dung “kỳ quặc” cũng sẽ chuyển sang những nội dung tri thức và có chiều sâu hơn. Với vai trò là những nhà sáng tạo nội dung, chúng ta có thể nhìn nhận được những bước tiếp theo của sự phát triển đó để chuẩn bị cho các nhánh nội dung mang chiều sâu, có visual ấn tượng và dài hơn. Ví dụ như tôi đang đầu tư vào AVAS Studio để xây dựng các nhân vật ảo có khả năng trò chuyện và phong cách thời trang ấn tượng. Đây cũng là một trong những cách làm mới mà tôi hy vọng sẽ đón đầu xu hướng tiếp theo.
Theo anh, những động lực nào đã thúc đẩy và tạo điều kiện cho sự thay đổi này?
Như đã đề cập ở trên, đầu tiên là công nghệ. Kế đến, tôi nghĩ các nhà quản lý sẽ là yếu tố vĩ mô có sức ảnh hưởng lớn. Họ là những người thường xuyên quan sát sự dịch chuyển của các nền tảng công nghệ và tác động của nó đến văn hoá xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch sẽ có những định hướng và từ đó ta biết nền tảng sẽ có sự điều chỉnh. Theo thời gian họ sẽ phải đi theo một khung nào đó để giúp văn hoá xã hội phát triển tốt đẹp hơn.
Yếu tố thúc đẩy thứ ba chính là sự phát triển của các đơn vị đào tạo về Thiết kế như Arena Multimedia hay những nơi đào tạo về Content, Copywriting,… Điều này góp phần tạo ra một lượng nội dung lớn hơn bởi vì chúng ta có nhiều Content Creator lẫn Designer – những người góp công sức lớn trong việc xây dựng nội dung trên các nền tảng.
Thói quen tiêu dùng, giải trí của Gen Z – thế hệ đã và đang trở thành lực lượng lao động chính của Việt Nam trong tương lai – ảnh hưởng thế nào đến sự thay đổi cách thức thực hiện truyền thông, giải trí của các doanh nghiệp, nhãn hàng hiện nay?
Tôi đã từng xuất bản một quyển sách nói về Gen Z vào năm 2019, đó là “Đọc Vị Thế Hệ ‘Sống Ảo’”. Quan điểm của Pencil Group là: “Sống ảo thực ra là một điều tốt”. Bởi vì khi bạn tận dụng được hết tiềm năng to lớn của internet, bạn chắc chắn sẽ khai phá được mọi năng lượng trong mình, từ đó mở ra nhiều cơ hội để phát triển bản thân hơn. Gen Z là thế hệ sinh ra khi internet phát triển mạnh mẽ và là những công dân số của thời đại hiện nay.
Dù có phổ tuổi tương đối rộng khi Gen Z thế hệ đầu (sinh năm 1997) năm nay đã 27 tuổi nhưng về cơ bản, họ là những người trẻ luôn khát khao sự đổi mới và luôn luôn hiểu được rằng internet có thể giúp mình phát triển tiềm năng bản thân một cách mạnh mẽ. Do đó các nền tảng hiện nay sẽ sẽ ưu tiên nhóm khách hàng là Gen Z bởi họ là những người đang tham gia vào thị trường lao động và tiêu dùng một cách mạnh mẽ nhất.
Chỉ trong một năm trở lại đây, chúng ta đã thấy phố đi bộ Nguyễn Huệ tại TP.HCM hao hao giống với Quảng trường Thời đại ở New York, với hàng loạt màn hình LED kích thước lớn được lắp đặt. Là một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông – giải trí, một nhà đầu tư về công nghệ và nghệ thuật, anh đánh giá như thế nào về xu hướng phát triển của việc lồng ghép và sử dụng các kỹ thuật 3D, hiệu ứng hình ảnh bắt mắt, khả năng tương tác và tích hợp nhiều media trong các chiến dịch truyền thông của các nhãn hàng?
Tôi nghĩ rằng cả thế giới này rồi sẽ dịch chuyển về 3D. Chúng ta sẽ có một đời sống của thế giới thực và thế giới ảo được kết nối chặt chẽ. Ví dụ như hiện nay đã có công nghệ Augmented Reality (Thực tế ảo tăng cường) – tức một vật 3D nào đó có thể xuất hiện ngay trên chiếc bàn này, hoặc công nghệ Virtual Reality (Thực tế ảo), cho phép người dùng “xuyên vào” một không gian hoàn toàn khác chỉ với một chiếc kính.
Trong thế giới thực, công nghệ 3D chắc chắn sẽ nổi lên mạnh mẽ. Công nghệ 3D có thể ứng dụng vào hàng loạt lĩnh vực như văn phòng, giải trí, gaming, điện ảnh,… sau đó là metaverse và tất cả các nền tảng kết nối con người như mạng xã hội. Hiện các bạn nhỏ dùng Minecraft hoặc Roblox đã là metaverse rồi.
Đặc biệt không thể bỏ qua sự phát triển của AI. AI đã có khả năng cho ra đời hình ảnh 2D, video, thậm chí các nhân vật 3D. Có nghĩa là ta có thể tạo ra một thế giới 3D mà mọi thứ kết nối được với nhau, mỗi tấm hình được dễ dàng chuyển đổi thành 3D và đưa vào không gian nào đó. Công nghệ 3D thật sự đang được ứng dụng rất nhiều trong ngành truyền thông hiện nay.
Truyền thông đa phương tiện là lĩnh vực ngày càng phát triển mạnh mẽ khi các khía cạnh như kỹ xảo hình ảnh (VFX), công nghệ 3D mapping, AR/VR, Realtime,… phát triển. Vậy việc sản xuất nội dung truyền thông với đa dạng kỹ xảo, hiệu ứng 3D mãn nhãn sẽ tác động như thế nào đến người tiêu dùng và cách họ tiếp nhận nội dung?
Vai trò của nội dung trong truyền thông và tiếp thị vô cùng quan trọng. Nếu nội dung của chúng ta không truyền tải được key message (thông điệp) đúng thì chiến dịch quảng cáo/ tiếp thị sẽ trở nên vô nghĩa. Vì thế điều quan trọng nhất là phải mang đến thông điệp đúng. Và những công nghệ mới như ứng dụng 3D, VFX sẽ giúp cho việc hiển thị sản phẩm trở nên gần gũi và sát với thực tế hơn. Điểm quan trọng thứ hai chính là nội dung truyền thông phải hay và thú hút được sự chú ý. Theo đó, các công nghệ như AR, VR sẽ tạo nên điểm nhấn để giúp người tiêu dùng dễ ghi nhớ hơn. Điều này cũng sẽ dẫn đến việc “chi tiền” quảng cáo trở nên có hiệu quả.
Anh đánh giá thế nào về nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành 3D & VFX và Game trong bối cảnh xu hướng truyền thông – giải trí có sự dịch chuyển như hiện nay, đặc biệt là nhân sự chất lượng cao? Còn những nhân sự như junior/ fresher thì có nhiều cơ hội không?
Chúng ta thấy rằng AI đã giúp chúng ta xử lý rất nhiều công việc mang tính chất lặp đi lặp lại, thậm chí AI có thể sáng tạo nội dung hay thiết kế hình ảnh,… Đối với 3D hay graphic design, những việc không cần ý tưởng mới đã trở nên quá rẻ và quá dễ dàng.
Vậy nên nguồn nhân lực chắc chắn phải “dịch chuyển” để có được mindset – skillset – toolset phù hợp với “thế giới AI” này. Sự thay đổi đang diễn ra rất nhanh. Chúng ta vẫn sử dụng những bộ công cụ cũ nhưng hiện giờ cũng đã tích hợp AI để tối ưu được thời gian làm việc, còn con người chỉ cần tập trung vào những phần sáng tạo nhất mà thôi.
Tôi cho rằng AI không thể thay thế được những người sáng tạo, nhưng những người làm sáng tạo cần biết sử dụng AI để cải thiện hiệu suất làm việc của mình tốt hơn. Tôi nghĩ những bạn ở cấp bậc junior sẽ nhanh chóng trở thành một nhân sự cấp cao khi có được tư duy đúng và biết liên tục học hỏi những kỹ năng mới và cập nhật công cụ mới.
Trong bối cảnh thay đổi nhanh như hiện nay, cơ hội việc làm rất lớn sẽ mở ra đối với các bạn trẻ, tuy nhiên đồng nghĩa đi kèm với đó là sự cạnh tranh và thách thức rất lớn. Theo anh, các bạn trẻ nên có thái độ và cách tiếp cận thế nào đối với cơ hội và thách thức sẽ chờ đợi mình khi bước vào ngành công nghiệp sản xuất nội dung giải trí?
Các bạn trẻ nên có cho mình tư duy lãnh đạo sáng tạo (Creative Leadership). Điều này có nghĩa là các bạn phải hình thành từ trong tư duy của mình một sự chủ động học hỏi, có góc nhìn hài hòa giữa việc kết nối con người với con người và con người với công nghệ. Những người nắm bắt được tư duy này sẽ luôn có thể học hỏi những bộ công cụ mới, hợp tác hiệu quả với tất cả mọi người để từ đó tạo ra sản phẩm sáng tạo một cách tốt nhất.
Khi AI càng phát triển và giúp đỡ được con người nhiều hơn thì việc hợp tác giữa con người với con người càng trở nên quan trọng. Hiện nay có không ít người chỉ mải mê hợp tác với AI nhưng thực chất năng lực, sự kết nối và thấu cảm mới là điều làm nên giá trị cốt lõi của mỗi chúng ta. Chẳng hạn như kỹ thuật viết prompt (câu lệnh) cần có trải nghiệm sống, có kỹ năng công việc, hiểu biết về quá trình làm việc. Nếu không có kết nối con người, ta sẽ không thể học hỏi được tất cả điều đó và công việc sẽ dần trở nên “cũ kỹ” đi.
Với tôi, tư duy lãnh đạo sáng tạo bắt đầu bằng việc làm thế nào để có được khả năng thấu cảm và kết nối mọi người với nhau, sau đó mới đến việc ứng dụng công nghệ để hình thành nên sản phẩm phù hợp với ý tưởng của mình.
Bản thân nhân sự trong Pencil Group của anh đã có những sự thay đổi như thế nào trong những năm gần đây? Và anh có dự đoán gì về vài năm sắp tới.
Ở Pencil, chúng tôi có văn hoá cốt lõi là: Never run out of ink – Không bao giờ hết mực. Các bạn rất hăng hái, ham học hỏi, và rất nhiệt huyết trong mọi việc mình làm dù là việc nội bộ hay dự án cho khách hàng. Cái “chất” ấy sẽ không thay đổi. Dĩ nhiên là có những công cụ mới, những tư duy mới mà nhân sự Pencil đang học hỏi, và chúng tôi cũng đang cố gắng tìm ra đâu là công thức đúng để giúp công việc của mình và khách hàng ngày càng tốt hơn.
Cảm ơn anh Nguyễn Tiến Huy đã dành thời gian để chia sẻ nhiều thông tin bổ ích cũng như những góc nhìn thú vị xoay quanh những thay đổi trong ngành Sáng tạo!