Tổ chức vào khoảng thời điểm sát Tết cổ truyền, Workshop: Tranh lụa & Đời người không mang nặng kiến thức thiết kế đồ họa, kỹ xảo, game hay 3D animation, mà chỉ đơn giản là cuộc gặp gỡ của nhiều trái tim đồng điệu, yêu lụa, yêu tranh, yêu văn hóa truyền thống. Và theo một cách tự nhiên nhất, các tư duy mới về thẩm mỹ cũng lần lượt xuất hiện, lồng ghép hài hòa trong quá trình khán giả tham gia ghép tranh từ vụn lụa dưới sự hướng dẫn của các người thợ lành nghề.
Điểm hẹn văn hóa giữa lòng làng lụa Vạn Phúc
Xuất phát từ ý tưởng tạo ra một điểm hẹn dành cho những ai cảm mến văn hóa dân gian và mong muốn tìm hiểu sâu dòng tranh ghép lụa mới mẻ, nội dung Workshop lần này xoay xung quanh câu chuyện về Vụn Art – xưởng sản xuất sản phẩm thủ công của người khuyết tật. Tại đây, các mảnh vải tưởng chừng vô dụng lại một lần nữa được hồi sinh qua đôi bàn tay người thợ lành nghề, đang ngày ngày cần mẫn lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống theo cách riêng đặc biệt.
“Từ các mảnh lụa vụn, chúng tôi tạo nên những bức tranh vải về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam, đồng thời, sản phẩm cũng là niềm tự hào để chia sẻ với bạn bè quốc tế.” Trên nền chất liệu chọn lọc từ ngôi làng được xem như cái nôi gấm lụa đất Việt, người ta nhìn thấy dáng hình quê hương thanh nhã hay biểu cảm cảm sắc màu lung linh trong từng bức tranh lụa. Một người khuyết tật cũng có thể đóng góp giá trị để làm đẹp cho cuộc đời nếu tìm thấy đúng vị trí của mình, cũng giống như mảnh vải vụn sẽ tỏa sáng khi đặt đúng chỗ. Đó là thông điệp mà Vụn Art luôn muốn truyền tải đến bạn”. – Diễn giả Lê Việt Cường nói.
Trên hành trình kết nối những vị khách mời đặc biệt với các bạn trẻ yêu thích Multimedia Design, đội ngũ Arena tin rằng “Tranh lụa & Đời người” là làn gió mới trong chuỗi sự kiện chuyên môn gần đây mà chúng tôi tổ chức. Không mang nặng kiến thức thiết kế đồ họa, kỹ xảo, game hay 3D animation, workshop chỉ đơn giản là cuộc gặp gỡ của nhiều trái tim đồng điệu, yêu lụa, yêu tranh, yêu văn hóa truyền thống. Và theo một cách tự nhiên nhất, các tư duy mới về thẩm mỹ cũng lần lượt xuất hiện, lồng ghép hài hòa trong quá trình khán giả tham gia ghép tranh từ vụn lụa dưới sự hướng dẫn của các người thợ lành nghề.
Khi những điều “cũ mà mới” chiếm trọn cảm tình giới trẻ
Bên cạnh lắng nghe câu chuyện về “Vụn”, Workshop cũng mở ra một trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ với các bạn trẻ, đó là tự tay làm tranh lụa trang trí cho chiếc túi bút. Những công đoạn tưởng chừng khá đơn giản nhưng lại yêu cầu khả năng sáng tạo lẫn sự tỉ mỉ, nhẫn nại trong từng thao tác.
Đầu tiên là khâu lên ý tưởng và dựng khung hình. Theo lời chia sẻ của những người thợ hướng dẫn, việc dựng khung sẽ giúp cho công đoạn cắt dán trở nên chính xác hơn, đồng thời, một típ nhỏ dành cho “newbie”: Nếu chi tiết càng đơn giản, các đường nét phác thảo càng rõ ràng thì tranh lên sẽ càng như ý muốn. Dựa vào khung hình đã lên sẵn, bước tiếp theo là rập khuôn và cắt vải lụa, để có độ cứng nhất định cũng như bền màu, vải vụn sẽ được phết một lớp keo sữa mỏng rồi đem hong khô sau đó cán thẳng phần vải ấy lên nền túi bút bằng bàn là. Khâu cuối cùng là đưa vào máy ép để tranh lên màu chuẩn và bền hơn. Đa số các khán giả tham gia đều nhận xét rằng cái khó của dòng tranh này nằm ở việc lắp ghép, chọn lựa chất liệu cũng như hoa văn vải phù hợp để tạo ra sự hài hòa về màu sắc.
Bạn Trần Minh Thư – sinh viên trường Đại học Hà Nội chia sẻ: “Mình biết đến Vụn Art và dòng tranh này đã khá lâu, tuy nhiên bây giờ mới có cơ hội trải nghiệm thực tế. Điều khiến mình đặc biệt ấn tượng đó là mặc dù xuất phát từ những nguyên liệu bỏ đi, nhưng sản phẩm mà các người thợ thủ công làm ra rất chỉnh chu và nghiêm túc. Bên cạnh đó, việc ghép vải bằng vụn tranh lụa cũng giảm thiểu phần nào rác thải ra môi trường.”
Không giống Minh Thư, Quốc Quý chỉ vừa mới biết đến Vụn và tranh ghép lụa khi tham gia Workshop: “Ban đầu đăng ký sự kiện, mình chỉ tò mò muốn biết tranh ghép bằng vải vụn của làng lụa Hà Đông có gì đặc sắc, nhưng khi được gặp gỡ anh Lê Việt Cường cùng những người thợ khuyết tật, lắng nghe câu chuyện về họ, mình cảm thấy điều tạo nên sức hút cho tranh lụa Vụn Art đến từ tình yêu mà mỗi nghệ nhân gửi gắm vào sản phẩm. Có một câu nói của khách mời khiến mình khâm phục, rằng anh muốn sản phẩm làm ra phải đi xa bằng chính sức hấp dẫn, chứ không muốn cộng đồng ưu ái vì đây là sản phẩm của người khuyết tật.”
Hồi sinh văn hóa truyền thống từ những điều nhỏ bé
Thông qua Workshop lần này, Arena Multimedia muốn đưa bạn đến gần hơn với các giá trị truyền thống lâu đời của người Việt Nam, mà trong đó, tranh lụa chính là cầu nối để người khuyết tật góp phần gìn giữ, quảng bá vẻ đẹp văn hóa của tranh dân gian, giúp giảm thiểu phần nào nguy cơ mai một, đồng thời tạo cơ hội cho công chúng, nhất là những người trẻ trở về với truyền thống.
Tại Workshop, khán giả còn có dịp chiêm ngưỡng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng nức tiếng Thăng Long – Hà Nội và cả tranh làng Sình xứ Huế dưới hình thức tranh ghép vụn vải lụa treo ngay ngắn trong căn phòng trưng bày sản phẩm của Vụn Art. Việc chuyển thể tranh dân gian vào tranh vải được thực hiện theo nguyên tắc vừa trung thành với nguyên bản nhưng cũng không vì thế mà bó buộc với các thể nghiệm có thể tạo nên giá trị thẩm mỹ mới phù hợp với thị hiếu đương thời. Hình ảnh đám cưới chuột, đàn lợn, gà đại cát trở nên tươi mới hơn, bên cạnh đó, Vụn Art cũng đưa nhiều biểu tượng Thủ đô vào tranh như Khuê Văn Các, tháp Rùa, cầu Thê Húc hiện lên đầy màu sắc.
Làm thế nào để những mảnh vụn lụa có thể truyền tải ra hồn cốt của thẩm mỹ Việt Nam? Làm sao để hồi sinh giá trị văn hóa truyền thống? Thông qua Workshop: Tranh lụa & Đời người, chúng tôi hy vọng bạn đã nhìn thấy ít nhiều tia lửa bé nhỏ đang âm thầm cháy để giữ ấm cho mạch nguồn tinh hoa đất nước. Và rằng, khi nguồn cảm hứng sáng tạo bén rễ vào vào văn hóa, chúng có thể đi rất xa, vậy nên Arena hy vọng bạn sẽ luôn nuôi dưỡng tình yêu với giá trị thuộc về người Việt, đất Việt, trong bất cứ ngành nghề nào, đặc biệt là Mỹ thuật Đa phương tiện.
———————-
* Workshop: Tranh lụa & Đời người được diễn ra trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 chưa có thêm nhiều diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, BTC đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho khán giả: Giới hạn số lượng người tham gia, bắt buộc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách chỗ ngồi.
Cảm ơn bạn đã đồng hành và hẹn gặp lại trong những sự kiện chuyên môn tiếp theo sẽ được tổ chức trong thời gian tới của Arena Multimedia.
Giang Hoàng