“Workshop: Kể chuyện bằng ánh sáng” diễn ra vào ngày 6/12 vừa qua là sự kiện mở màn cho chuỗi hoạt động khai trương cơ sở thứ 3 của Arena Multimedia tại miền Bắc ở 110 Trần Phú, Hà Đông. Trong không gian mới mẻ, hơn 100 bạn trẻ đến từ nhiều trường Đại học khác nhau đã cùng nhiếp ảnh gia Nguyễn Long Hưng khám phá nhiều câu chuyện thú vị về ánh sáng, về hành trình đi tìm cái đẹp và sự sáng tạo trong từng cú “chớp” máy.
“Nghề nhiếp ảnh không chờ sự may mắn”
Suốt những năm tháng cầm máy rong ruổi khắp mọi nơi, nhiếp ảnh gia Nguyễn Long Hưng sở hữu một khối tư liệu hình ảnh khổng lồ. Mỗi mảnh đất anh ngang qua, mỗi con người anh gặp gỡ đều để lại dấu ấn đặc biệt, in đậm trong từng tác phẩm. Ở đây, người xem nhìn thấy câu chuyện, thấy cả thông điệp vị nghệ sĩ thích lang thang này cất dấu, cũng ở đây, anh gây ấn tượng mạnh mẽ vào thị giác khán giả bằng lối sắp xếp bố cục độc đáo cùng hàng ngàn khoảnh khắc ánh sáng đặc biệt.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Long Hưng – Vị diễn giả đầu tiên gõ cửa “nhà mới” của Arena Multimedia với Workshop: Kể chuyện bằng nhiếp ảnh.
“Tôi có ý tưởng, có kế hoạch để biến ý tưởng ấy thành hiện thực chứ không mong mỏi vào sự may mắn.” – Nhiếp ảnh gia Nguyễn Long Hưng mở nút thắt đầu tiên trên hành trình làm chủ ánh sáng, đó là sự chủ động nắm bắt và kiểm soát mọi thứ: “Ví dụ nếu bạn muốn chụp một bức ảnh trời sao thì phải biết bầu trời trong nhất vào mùa nào, tốc độ di chuyển của gió, của nhiệt độ và địa điểm tác nghiệp hoàn hảo…Nếu không biết những điều ấy sẽ rất khó để chớp được khoảnh khắc đẹp.”
Và khoảnh khắc cũng chính là tiêu chí quan trọng nhất đánh giá một tác phẩm tốt theo quan điểm của anh Nguyễn Long Hưng: “Với tôi, khoảnh khắc là số 1, bởi thời điểm chúng ta bấm tạch thì mọi thứ đã trở thành lịch sử. Khi một khoảnh khắc quá đẹp, quá quý giá thì bố cụ có thể xê dịch, cảnh sắc có thể hơi mờ, hơi rung nhưng vấn được đánh giá rất cao.”
“Cây nạng gỗ” – Tác phẩm để lại nhiều kỷ niệm đặc biệt đối với nhiếp ảnh gia Nguyễn Long Hưng: “Trong chuyến đi đến Hội An tôi gặp được anh – một cựu chiến binh, tôi biết ngày nào anh cũng chèo thuyền đi qua cầu ấy, đúng buổi sáng nắng chiếu rất đẹp tôi đã chụp được bức ảnh này.”
Dẫn dắt người nghe đi từ câu chuyện này sang câu chuyện khác, vị khách mời dừng lại và hỏi cả khán phòng: “Các bạn có thực sự yêu nhiếp ảnh không?”, rồi anh nhanh chóng tiếp lời: “Khi tình yêu nhiếp ảnh của bạn đủ lớn thì tự nhiên bạn sẽ cảm thấy có trách nhiệm hơn đối đối với sản phẩm và hào hứng chia sẻ nó cho mọi người. Nhiếp ảnh mang lại nhiều giá trị tích cực, đó là lí do tôi yêu nó.”
Bản thân bức ảnh phải có khả năng kể chuyện, tức làm cho người xem không cần phải đoán mò.
Mượn tình yêu dành cho nhiếp ảnh, anh Nguyễn Long Hưng muốn cụ thể hơn vào những điều mà một người cầm máy luôn phải trăn trở – “Điều gì làm nên chiều sâu của nhiếp ảnh?”: “Tôi đã theo đuổi một đề tài suốt 12 năm nay thế nhưng nó vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển, đó là tín ngưỡng thờ mẫu Việt Nam. Tôi không muốn bộ ảnh của mình chỉ là những khoảnh khắc đẹp chụp các thánh cô diễn xướng hầu đồng, mà chia nó ra thành từng bộ một, bao gồm: Bộ kiến trúc (tất cả công trình liên quan đến tính ngưỡng này); Bộ trang phục (mỗi một vị thánh có xuất sứ khác nhau, phục trang khác nhau, thạm chí tôi còn chọn ra ai là người mặc trang phục chuẩn nhất), Bộ âm nhạc (Hát văn); Bộ trình diễn; Bộ ẩm thực…”
“Khi chúng ta muốn khai thác thì chúng ta phải quan sát, chụp những cái mà người ta không chụp.”
Anh Nguyễn Long Hưng không vội đi vào cách làm chủ ánh sáng mà đưa đến cho khán giả một cái nhìn toàn diện nhất về nhiếp ảnh: “Giống như các bạn ở đây, ban đầu tiếp cận với nghề này tôi luôn muốn tìm những thứ định nghĩa được rõ ràng nó đẹp hay không, ví như con thác chảy, như cánh đồng lúa chín. Thế nhưng sau này khi “chơi” đủ lâu bạn chất sáng tạo là không được trở thành bản sao của người khác và cái khó nhất của nhiếp ảnh cũng bắt đầu từ đây. Nếu bạn không hiểu những điều trên thì làm sao có thể làm chủ được ánh sáng.”
“Vì có con người nhỏ bé thì mới có thiên nhiên vĩ đại, còn nếu tôi xóa nhân vật đi thì mọi thứ cũng sẽ trở nên bình thường. Nếu bạn đã nắm được thủ pháp này, bạn chỉ cần tiến lên lùi lại, xoay sở để có cách nhìn tốt hơn. “
Làm chủ ánh sáng trong thời đại kỹ thuật số
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nhiếp ảnh, anh Nguyễn Long Hưng đã có những chia sẻ thú vị về cách làm kiểm soát ánh sáng, giải đáp thắc mắc của các bạn trẻ mới bắt đầu cầm máy cũng như muốn theo đuổi lĩnh vực này.
“Làm chủ ánh sáng trong thời đại kỹ thuật số thực ra khá đơn giản. Ngày xưa chúng tôi chụp phim tất cả chỉ dựa vào kinh nghiệm bởi không có gì báo cho mình biết ánh sáng có đủ hay không. Giờ thì khác, kết quả đo sáng đảm bảo hình ảnh bạn tạo ra không có những khoảng lốp trắng và tránh những chố bết đen, nó sẽ đưa thông tin hình ảnh vào khoảng giữa, kể cả để ở chế độ tự động thì bức ảnh cũng đủ sáng, tuy nhiên trong một số tình huống hệ thống ấy có thể đo sai.” – Vị diễn giả nói.
Những thắc mắc mở ra nhiều vẫn đề mới về việc làm chủ ánh sáng trong nhiếp ảnh.
Không để khán giả chờ lâu, anh Nguyễn Long Hưng bắt đầu giải thích về các trường hợp đặc biệt mà mọi người thường mắc phải trong quá trình bấm máy: “Bình thường biểu đồ đo sáng giống như quả núi, bên trái là phần tối nhất, ở giữa là phần trung gian và bên phải là sáng nhất. Trong đại đa số tình huống thì hình quả núi của đồ thị sẽ cong lên ở giữa nhưng điều này sẽ sai ở hai trường hợp, một là khi chúng ta chụp trong vùng toàn tuyết, nó kéo màu trắng trở thành màu ghi, hai là ở những nơi thiếu sáng trầm trọng như mỏ than thì máy sẽ hiểu là cần kéo sáng lên. Một ví dụ phổ biến hơn đó là ảnh chụp đường phố, nếu bạn để chế độ đo sáng tự động thì những khoảng tối của bóng đổ sẽ không đủ đen, đủ tương phản, bức ảnh chụp ra trong sẽ nhờ nhờ.”
Khán phòng chật kín chỗ ngồi từ sớm.
Người nhiếp ảnh muốn chủ động được ánh sáng, nguồn sáng thì đầu tiên phải hiểu về ánh sáng. Ngay tại Workshop, diễn giả Nguyễn Long Hưng cũng lãm rõ tính chất của nhiều nguồn sáng khác nhau. Nguồn sáng tự nhiên là ánh sáng mặt trời chiếu từ trên xuống, những ngày trời mây, ánh sáng mềm hơn vì phải xuyên qua các lớp, rất phù hợp để chụp chân dung.
Còn đối với ánh sáng nhân tạo, anh nói: “Tất cả nguồn sáng nhân tạo đều được xây dựng dựa trên cơ sở tâm lí con người, ở trong phòng, nếu ánh sáng không có gì che chắn trực tiếp thì độ tương phản sẽ rất cao, độ tương phản cao tiếp cận bề mặt thì sẽ bóng nhiều, highlight nhiều. Còn nếu muốn ánh sáng mềm đi, trong studio người ta thường sử dụng hộp vải, mắt lưới, tổ ong.”
Workshop: Kể chuyện bằng ánh sáng là sự kiện đầu tiên mở màn cho sự ra mắt trung tâm mới của Arena Multimedia tại 110 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội.
Không chỉ dừng ở đó, nhiếp ảnh gia Nguyễn Long Hưng còn trực tiếp thị phạm: “Nếu bây giờ tôi là chủ thể, ánh sáng từ phía bên tay trái chiếu thẳng về phía tôi thì các bạn sẽ chỉ nhìn thấy được hai thứ: phần sáng nhất và phần tối nhất còn phần trung gian không thể thấy được vì tôi đang đứng nghiêng. Nâng ánh sáng lên 45 độ thì tôi sẽ nhìn được thêm một diện nữa. Tiếp tục kéo sáng lên 45 độ nữa thì hình ảnh sẽ sở hữu các yếu tố sau: Sáng nhất, trung gian, tối nhất. Đó là lí do nguồn sáng chính trong cảnh thường để 45 độ so với chủ thể (cả chiều rộng lẫn chiều cao) và bao giờ khi xác định bối cảnh, người ta cũng luôn xác định ánh sáng chủ đầu tiên xong từ đó mới xác định ánh sáng phụ khác nhau.”
“Khi ta bắt đầu chơi nhiếp ảnh thì ta sáng tác ở đâu, ở bất cứ đâu.”
Hai tiếng đồng hồ nhanh chóng trôi qua để lại nhiều bài học đặc biệt đối với các bạn trẻ tham dự. Cuối cùng, anh Nguyễn Long Hưng nói: “Cái máy ảnh tốt nhất là cái máy ảnh bạn có trong tay và nó đủ sức để bạn truyền tải thông điệp gì đó cộng với sự quan sát của bạn.” Quả thật, ánh sáng đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong nhiếp ảnh và để làm chủ được nó là một hành trình không những tìm kiếm và trải nghiệm. Sự kiện chuyên môn đầu tiên tại “nhà mới” của Arena Multimedia đã diễn ra như thế, để lại những dấu ấn đặc biệt đối với các khán giả tham gia.
Nằm trong khuôn khổ ra mắt cơ sở thứ ba tại 110 Trần Phú – Hà Đông, Arena sẽ tiếp tục mang đến nhiều sự kiện chuyên môn đặc biệt và chương trình ưu đãi hấp dẫn, giống như lời cảm ơn chúng tôi muốn dành cho những ai đã tin tưởng đồng hành và ủng hộ Arena suốt thời gian qua. Hãy chuẩn bị sẵn sàng để chào đón sự kiện chuyên môn thứ hai sắp sửa được ra mắt.
Giang Hoàng