Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sáng tạo và cơ hội cho ngành nghề này càng trở nên vô giới hạn. Đây chính là lí do giải thích cho sự lớn mạnh của Mỹ thuật đa phương tiện trong thời đại ngày nay.
Ở Việt Nam, trong thời gian gần đây, bên cạnh các loại hình quảng cáo TV, Website… trò chơi trực tuyến và phim hoạt hình 3D đang bắt đầu có những bước tiến mới. Những sản phẩm 3D như thế xuất hiện ngày càng nhiều và đã tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp thu nhập cao cho những bạn trẻ đam mê ngành công nghệ thông tin và nghệ thuật, nói cách khác, chính là Mỹ thuật đa phương tiện.
Ngành Mỹ thuật đa phương tiện rất phát triển tại Việt Nam, bạn có thể bắt gặp những sản phẩm của ngành này ở tất cả mọi nơi trong quảng cáo, TV, website, tạp chí, logo, thiết kế sản phẩm… của những thương hiệu danh tiếng. Điều này có nghĩa rằng, nếu học ngành này, bạn có thể tạo ra được những sản phẩm ai cũng cần, ai cũng quan tâm và muốn sử dụng, trong đó có chính bản thân bạn. Vì vậy mà ngày càng có nhiều bạn trẻ tìm hiểu về ngành nghề này, coi đó là cơ hội làm việc của mình trong tương lai.
Mỹ thuật đa phương tiện phát triển từ lâu trên thế giới và du nhập vào Việt Nam từ năm 2004 bởi Tập đoàn Aptech Ấn Độ.. Với mô hình đào tạo hai năm, chứng chỉ quốc tế, Arena Multimedia đến nay đã đào tạo được hơn 10.000 chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện cho thị trường Việt Nam. Tiếp đó đến năm 2011, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông mới là trường Đại học đầu tiên được Bộ Giáo dục cấp giấy phép đào tạo để giúp sinh viên có những hiểu biết cơ bản về ngành học cũng như cơ hội nghề nghiệp của ngành này sau khi tốt nghiệp.
Với dự báo của các công ty tin học tại Việt Nam với tốc độ đào tạo chuyên gia Mỹ thuật đa phương tiện có chất lượng quốc tế như hiện nay thì Việt Nam vẫn thiếu nguồn nhân lực trong ngành này so với nhu cầu của nền kinh tế, nhất là sự bùng phát của công nghệ giải trí. Một nghề được coi là hấp dẫn nhưng không phải là dễ dàng nếu như không có đủ những yếu tố mỹ thuật, công nghệ và sự sáng tạo.
Tìm hiểu ngành Mỹ thuật Đa phương tiện, phóng viên VTC10 đã có buổi trò chuyện ngắn với Mr. Yannick Alnet – Giảng viên Thiết kế và Kĩ thuật âm thanh, Trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia, người đã có 8 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực này.
Mr. Yannick Alnet – Giảng viên Ngành Thiết kế và Kĩ thuật âm thanh tại Arena Multimedia
Chào ông, là một giảng viên trong ngành, ông đánh giá như thế nào về nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành Mỹ thuật đa phương tiện tại Việt Nam hiện nay?
Hiện nay, kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, các doanh nghiệp có xu hướng giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình ra thị trường bởi nên nhân sự ngành thời trang, quảng cáo… có nhiều cơ hội nghề nghiệp.
Hiện nay, công nghệ rất phát triển, điều này có ảnh hưởng thế nào đến sự lựa chọn ngành học của các bạn trẻ?
Đương nhiên, lúc nào bạn cũng cần phải nắm bắt kịp xu hướng phát triển của công nghệ và cập nhật những thông tin mới nhất. Bạn cần phải biết nhiều hơn về những công nghệ mới để giúp mình có thêm lợi thế.
Sau khi tốt nghiệp, nếu các bạn sinh viên chỉ theo học một chuyên ngành ví dụ như Thiết kế và Kĩ thuật âm thanh, các bạn có thể tự kiếm sống với những gì mình đã lựa chọn? Các bạn có cần phải học thêm những ngành nghề khác không?
Hiện tại ở Việt Nam chưa có nhiều trường đào tạo chuyên sâu về một lĩnh vực. Khi bạn học Mỹ thuật đa phương tiện tại Việt Nam, mỗi trường, mỗi trung tâm lại đào tạo một chuyên ngành khác nhau, do đó bạn cần phải tìm hiểu kĩ xem mình thích gì để từ đó đưa ra sự lựa chọn phù hợp. Khi đi làm, bạn sẽ thấy doanh nghiệp yêu cầu bạn có nhiều kĩ năng làm việc hơn, ví dụ bạn học về chuyên ngành Biên tập hình ảnh, bạn cần phải có hiểu biết, kinh nghiệm về Biên tập Âm thanh, do đó bạn cần phải học thêm nhiều chuyên ngành khác.
Liên quan đến lĩnh vực đào tạo, Mỹ thuật đa phương tiện có điểm gì khác biệt so với các ngành khác?
Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, họ muốn quảng bá hình ảnh của mình thông qua những đoạn phim ngắn, do đó bạn cần phải nói được tiếng Anh. Bên cạnh đó bạn cũng cần quan tâm đến tiêu chuẩn quốc tế khi làm việc với các doanh nghiệp tại Việt Nam, ví dụ bạn có thể áp dụng những tiêu chuẩn dựng phim của Hàn Quốc cho dựng phim của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đến Việt Nam muốn giới thiệu doanh nghiệp mình đến người Việt, do đó họ đặt ra những tiêu chuẩn cao cho chương trình quảng bá hình ảnh của mình.
Buổi phỏng vấn ngắn giữa phóng viên VTC10 với Mr. Yannick Alnet
Theo ông, thời gian đào tạo ngành mỹ thuật đa phương tiện tại các trường Đại học không giống như các trung tâm, sự khác biệt này có ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo không?
Về cơ bản, bạn có thể học ngành Mỹ thuật đa phương tiện tại các trường Đại học trong 3 năm, trong khi đó, bạn chỉ mất 2 năm để được đào tạo ngành này tại các trung tâm. Trong thời gian học Đại học, bạn sẽ phải dành ra 8 giờ để học ở trường nhưng tại các trung tâm bạn có thể vừa học vừa làm, vừa áp dụng những kiến thức của mình vào công việc hiện tại, điều này rất có lợi cho bạn. Bạn học được kiến thức từ các trường đào tạo và có được kinh nghiệm từ quá trình làm việc tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên thời gian giảng dạy không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, việc này tùy thuộc vào mỗi người, nhiều sinh viên học rất tốt ở trường và sau này khi đi làm vẫn thể hiện được năng lực của mình. Có những sinh viên học tại các trung tâm khác mất rất nhiều thời gian để có được kinh nghiệm từ công việc thực tế, điều này phụ thuộc vào nỗ lực của mỗi sinh viên chứ không phải thời gian đào tạo.
Còn đối với ngành thiết kế và Kĩ thuật âm thanh, theo ông, sinh viên theo học ngành này cần phải có năng khiếu gì?
Tôi không nghĩ rằng bạn phải có năng khiếu để học ngành này, bởi vì hiện nay, có rất nhiều ngành nghề không cần năng khiếu như biên tập hình ảnh, kĩ thuật âm thanh, nhiếp ảnh… Đương nhiên là có một số ngành vẫn cần năng khiếu như hội họa, âm nhạc… Nhưng đối với ngành Mỹ thuật đa phương tiện, nếu bạn học chăm chỉ, bạn sẽ làm tốt được công việc mình đảm nhận. Bạn không cần phải có năng khiếu từ nhỏ, chỉ cần bạn chăm chỉ và chịu khó học hỏi, bạn sẽ thành công.
Học viên Arena Multimedia kiến tập tại Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng
Vậy trong quá trình giảng dạy tại Việt Nam, ông gặp nhứng khó khăn gì?
Trước hết, tôi muốn nhắc đến những thuận lợi khi giảng dạy ngành này tại Việt Nam. Tôi thấy sinh viên Việt Nam rất năng động và ham học hỏi, học rất nhanh, tôi rất hài lòng, nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiều bạn vẫn chưa có sự sáng tạo trong quá trình học tập. Tôi muốn nói đến tính sáng tạo trong cách thể hiện ý tưởng của mình, sinh viên có thể nắm chắc các kĩ thuật nhưng nhiều bạn lại chưa tư duy sáng tạo và truyền cảm xúc vào tác phẩm của mình. Tôi cho rằng các trường đào tạo nên hướng đến yếu tố sáng tạo trong quá trình đào tạo của mình, đó là điều mà các doanh nghiệp đang rất cần. Hiện nay nhiều sinh viên ra trường và làm việc tại các doanh nghiệp nước ngoài, trong quá trình tuyển dụng, các doanh nghiệp thường kiểm tra khả năng sáng tạo và kĩ năng của sinh viên, nếu như tính sáng tạo được phát huy cao tại các trường đào tạo thì sẽ tạo nhiều cơ hội tốt hơn cho sinh viên trong công việc sau này.
Toàn bộ phóng sự Đào tạo nhân lực ngành Mỹ thuật Đa phương tiện – chuyên mục Việt Nam góc nhìn của bạn – VTC10
Còn đối với ngành Thiết kế và Kĩ thuật âm thanh, ông đã khuyến khích sinh viên sáng tạo như thế nào?
Mọi việc không quá khó để có thể có một tác phẩm sáng tạo, bạn cần phải tham khảo một số nguồn. Tôi thường cho sinh viên nghe một số bản nhạc, đó có thể là những bản nhạc họ đã rất quen, từ đó sinh viên sẽ so sánh với những gì mà họ đã nghe được trước đây để từ đó thấy được sự khác biệt như thế nào. Đôi khi sinh viên không nhận ra được sự khác biệt, nhưng tôi đã giúp họ nhận thấy được điều đó. Nhưng để được như vậy bạn cần dành ra nhiều thời gian.
Cuối cùng, ông có cho rằng ngành Mỹ thuật đa phương tiện của Việt Nam có thể bắt kịp xu hướng của thế giới không?
Có chứ. Vấn đề chỉ là các bạn sáng tạo và luôn cập nhật những thông tin mới nhất. Ví dụ bạn nên quan tâm đến sự phát triển của công nghệ xung quanh mình, làm thế nào để hiểu được những công nghệ đó, mọi thứ thay đổi rất nhanh và đó là cách mà chúng ta phát triển.
Cảm ơn những chia sẻ của ông!
Nguồn: VTC10