Đối với nhiều người, nhiếp ảnh chỉ là cuộc dạo chơi thông thường. Nhưng đối với thầy Nguyễn Thứ Tính, nhiếp ảnh là nghề, là linh hồn của mình. Những tác phẩm của Thầy được các cuộc thi ảnh trong và ngoài nước đánh giá rất cao. Vậy đằng sau sự thành công ấy là gì? Cuộc trò chuyện sau sẽ phần nào khắc hoạ chân dung về Thầy.
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Thứ Tính hiện là giảng viên bộ môn Nhiếp ảnh tại Arena Multimedia
Sơ lược về thầy Nguyễn Thứ Tính
– Giảng viên kỳ I – Giảng dạy bộ môn Nhiếp ảnh trường Arena Multimedia
– Nghệ sĩ Nhiếp ảnh AVAPA – Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt nam
– Nghệ sĩ Nhiếp ảnh AFIAP – Liên đoàn nhiếp ảnh Quốc tế
– Nghệ sĩ Nhiếp ảnh ISF- Hội Nhiếp ảnh Không biên giới của Pháp
– Hội viên Hội nhiếp ảnh HOPA – TP HCM
– Nhà báo phụ trách “Chuyên trang nhiếp ảnh” cho nhiều tạp chí như: Thế giới ảnh, Tạp chí Nhiếp ảnh, Thế giới số…
– Giải thưởng trong và ngoài nước của FIAP, HOPA, VAPA…
– Triển lãm bộ ảnh “Tôi và thiên nhiên” tại Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp IDECAF năm 2012.
– Giám khảo cho một số cuộc thi trong và ngoài nước của Câu lạc bộ Gia Định, Hội nhiếp ảnh Không biên giới, các diễn đàn nhiếp ảnh…
-Nhà nhiếp ảnh Quảng cáo, tham gia chụp ảnh trong các dự án của những công ty như Unilever Việt nam, Metro Việt nam, Coca Cola Việt nam, Netsle Việt nam…
– Chi hội trưởng Chi hội nhiếp ảnh Gia Định 2 của Hội nhiếp ảnh TP HCM
– Phó chủ nhiệm CLB nhiếp ảnh Gia Định.
Chúc mừng Thầy đã đạt giải thưởng trong “Cuộc thi sáng tác ảnh về môi trường”. Thầy có thể chia sẻ vì sao Thầy lại chọn Rừng Ngập mặn Cần Giờ làm đề tài tham dự cuộc thi vừa qua?
Rừng Ngập mặn huyện Cần Giờ được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới với hệ thống động thực vật phong phú. Khu rừng còn nắm vai trò làm lá phổi của Thành phố Hồ Chí Minh. Trong một lần đi công tác tại đây, tôi khá bất ngờ khi thành phố mình có cánh rừng bạt ngàn và đẹp như vậy.
Đứng trước vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ, tôi cảm thấy những khó khăn, thử thách dường như trở nên bé nhỏ. Điều này giúp tôi lạc quan ở hiện tại, không lo lắng tương lai hay bận tâm về quá khứ. Tôi chỉ làm những gì bản thân cảm thấy vui, thoải mái như sống với niềm đam mê nhiếp ảnh và truyền đam mê cho các bạn trẻ yêu nghệ thuật.
Tác phẩm “Hãy giữ lấy màu xanh” của thầy Nguyễn Thứ Tính đã đạt giải trong “Cuộc thi sáng tác ảnh về môi trường”
Cơ duyên nào đã bén lửa niềm đam mê nhiếp ảnh trong Thầy?
Tôi yêu thích nhiếp ảnh từ thời học cấp 3. Suốt thời gian đó tôi tham gia vào Hội nhiếp ảnh để học hỏi, trau dồi. Nhưng nhiếp ảnh lúc ấy trong tôi chỉ là cuộc chơi chứ chưa hẳn là nghề. Đến năm 2009, tôi nhận thấy chỉ có nhiếp ảnh mới mang lại cho mình niềm vui trong công việc. Từ đấy tôi chọn nhiếp ảnh là nghề của mình.
Thầy có thể chia sẻ những khó khăn khi bắt đầu bước vào con đường nhiếp ảnh chuyên nghiệp?
Khởi đầu nào cũng gặp phải khó khăn, nhưng cách tôi vượt qua điều đó là sự nghiêm túc và giữ lửa đam mê với nghề. Còn nhớ trước năm 23 tuổi, tôi vẫn chưa cầm được cái máy cho riêng mình. Tác phẩm đạt giải đầu tiên của tôi do báo Người Lao Động tổ chức cũng từ cái máy ảnh đi mượn. Đến với nhiếp ảnh, chỉ đơn giản là tôi cảm thấy vui và chính niềm vui ấy giúp tôi rất nhiều trong cuộc sống.
Tác phẩm tâm đắc nhất của Thầy từ trước đến nay là gì?
Nếu nói về nhiếp ảnh, tác phẩm ưng ý nhất, đó chính là tấm hình chưa chụp. Vì chụp xong tấm này, tôi lại muốn chụp tấm khác với góc nhìn mới lạ hơn.
Cảm hứng từ đâu mà thầy quyết định đi dạy tại Arena Multimedia? Thầy nhận thấy học viên trẻ của mình như thế nào?
Ngoài nhiếp ảnh, việc đi dạy mang lại cho tôi một niềm vui khác. Khi nhìn các cô cậu học trò, tôi như thấy hình ảnh của mình ngày xưa. Từ đó tôi biết các em cần những gì để phát triển kĩ năng nhiều hơn nữa. Dù trong số các em, không phải ai cũng thích nhiếp ảnh, nhưng tôi vẫn muốn chia sẻ, truyền đạt những kinh nghiệm, thất bại mà mình từng đi qua để giúp các em sau này. Chính vì thế, lúc nào tôi cũng tự phát triển bản thân, cập nhật thường xuyên các xu hướng giảng dạy của quốc tế để áp dụng vào chương trình học cho các em.
Thầy có chia sẻ gì với các bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh?
Đối với tôi, năng khiếu không quan trọng, nó chỉ khơi tiềm năng của bản thân. Điều quan trọng là bạn cần phải trải nghiệm để biết bản thân mình muốn gì. Làm nghề gì cũng được, nhưng bạn phải lập ra cho mình những kế hoạch sau này, như vậy mới phát triển và đứng vững được. Bạn nên làm vì niềm vui và đam mê của mình trước thì tiền sẽ đến sau.
(Quỳnh Như)
Các tác phẩm của Thầy