“Nếu không đứng thứ nhất thì phải đứng thứ 2, thứ 3, đừng để mơ màng rồi chìm nghỉm trong thị trường có rất nhiều thợ VFX” – Đó là lời mở đầu mà diễn giả Đinh Việt Phương dành đến cho các bạn trẻ trong “VFX and more…” – Multimedia Talk thứ 3 và cũng là khép lại chuỗi sự kiện song hành cùng cuộc thi Show It NOW 2019 tại Hà Nội, diễn ra vào 25/7 vừa qua.
VFX – “Chiếc đũa thần” hiện thực hóa những điều không tưởng
Trong giới kiến trúc và kỹ xảo tại Việt Nam, cái tên Đinh Việt Phương đã không còn xa lạ gì. Người ta nhắc nhiều đến anh, là tác giả bộ truyện tranh Đất Rồng đoạt giải thưởng Manga Quốc tế do Bộ Ngoại giao Nhật Bản tổ chức, là chủ nhân triển lãm 3D “Hà Nội những góc nhìn lịch sử”, là người hậu kỳ kỹ xảo của các bộ phim truyền hình quen thuộc trên màn ảnh nhỏ.
Anh Đinh Việt Phương có hơn 10 năm chinh chiến trong lĩnh vực VFX. Hơn ai hết, anh hiểu những khó khăn mà các bạn trẻ gặp phải trên con đường theo đuổi công việc này.
Giữa không gian mở tại Multimedia Talk, anh bắt đầu cuộc nói chuyện bằng dòng hồi tưởng về nhiều năm trước – nơi khởi điểm cho hành trình dấn thân vào ngành công nghiệp hiệu ứng hình ảnh (VFX) và tạo nền móng vững chắc xây dựng nên công ty 3DArt. “Những bước đi đáng nhớ đầu tiên có lẽ là vào năm 2010, khi chúng tôi tham gia sản xuất toàn bộ 3D Mapping và phần mềm trình chiếu trên sân vận động của Đại lễ “Nghìn năm Thăng Long”. Việc phục dựng lại dấu ấn lịch sử bằng cách phối hợp giữa 3D với công nghệ làm phim vừa là cơ hội, vừa là thử thách khiến cả đội ngũ trăn trở nhằm đưa tới cho khán giả những trải nghiệm chân thật nhất trong từng khung hình, từng hiệu ứng ánh sáng, âm thanh.”
Cột mốc khó quên tiếp theo chính là dự án phim “Thương nhớ ở ai” với 2000 cảnh kỹ xảo cho 30 tập được thực hiện trong 3 năm ròng rã. Chia sẻ về một kỷ niệm vui, anh nói: “Hôm ấy đi quay bối cảnh ở chùa Thầy, đội VFX phải thay toàn bộ cảnh đằng sau thủy đình bằng núi đá vôi. Bài toán là phải căng một tấm phông xanh dài 50m ngang qua hồ. Trời rét 9 độ nhưng thuyền không có, mượn được đúng chiếc thuyền đạp vịt để di chuyển. Do phông làm bằng chất liệu hút sáng nên rất xốp và dễ rách, cứ một cơn gió mạnh thổi là cả 50m phông bị kéo xuống mặt hồ, lúc đó đội VFX lại phải gắng sức đạp ra căng lại!”
Thay vì 300 cảnh như dự kiến, đội ngũ 3DArt đã thực hiện lên đến 2000 cảnh trong vòng 3 năm để tái hiện hoàn chỉnh làng quê Việt Nam trong “Thương nhớ ở ai”.
Gần đây nhất, ekip 3DArt của anh Đinh Việt Phương đang thực hiện hậu kỳ cho bộ phim “Phượng Khấu” – sử dụng kỹ xảo để phục dựng không gian cung đình thời đại phong kiến triều Nguyễn. Trước nhiều thắc mắc tại sao không quay trực tiếp tại các di tích lịch sử, anh cho biết: “Vai trò hậu kỳ trong phim, nhất là đối với phim cổ trang khi bối cảnh không còn hoặc không toàn vẹn là rất quan trọng. Nếu không có kỹ xảo thì các bối cảnh sẽ phải dàn dựng. Việc dựng lại như thật đòi hỏi thời gian và kinh phí vô cùng lớn. Ngay cả trường hợp có bối cảnh rồi nhưng phần lớn nó không toàn vẹn do yếu tố đô thị hoá, hiện đại hoá thì vẫn phải xử lý kỹ xảo.”
Mới chỉ là những cảnh quay đầu tiên nhưng đội ngũ thực hiện đều mong muốn mang lại cho khán giả cảm giác chân thực cùng “chất” điện ảnh trong từng khuôn hình
VFX và hơn thế nữa…
Quay trở lại câu chuyện bắt đầu thế nào đối với những “tân binh” mới chân ướt chân ráo bước vào một studio VFX, anh Đinh Việt Phương thẳng thắn cho biết, cơ hội luôn mở rộng dành cho người cầu tiến, tuy nhiên không có công việc nào dễ dàng, VFX cũng vậy: “Nếu bạn nghĩ có thể kiếm được nhiều tiền ngay khi mới bắt đầu , bạn sẽ chẳng bao giờ trụ được lâu. Nghề này quý nhất ba thứ: Kỹ năng, đam mê, kiên trì” vì vậy hãy luôn tỉ mỉ và truyền năng lượng tích cực vào sản từng phẩm mình làm ra.
Khán giả đến với sự kiện đa số là các bạn trẻ có niềm yêu thích đặc biệt đối với công việc hậu kỳ kỹ xảo.
Với một ứng viên mới vào nghề, vị trí bắt đầu thường được gọi là “runner”. “Nếu bạn làm ở công ty lớn của nước ngoài, sẽ khá nhàn tẻ vì họ chỉ giao cho bạn một đầu việc nhất định. Ngược lại, nếu bạn làm ở công ty nhỏ, bạn được phụ trách nhiều đầu việc hơn, đôi khi, nó không liên quan mấy đến nghiệp vụ VFX nhưng nó lại tạo điều kiện để bạn “học lỏm” kỹ năng cũng như xây dựng các mối quan hệ. Giỏi một thứ, biết nhiều thứ chính là cơ hội để mình sống với nghề này” – Anh Đinh Việt Phương nói.
Từ những câu chuyện thực tế, vị giám đốc của 3DArt đã chứng minh rằng để trở thành một nhân viên VFX giỏi cần nhiều thứ hơn ngoài kỹ năng. Đó là kiến thức về hình ảnh và toán học “vì nó sẽ được vận dụng liên tục trong quy trình sản xuất”. Đó là khả năng làm việc nhóm để “hiểu biết sâu sắc, hợp tác ăn ý, phối hợp trôi chảy cùng các cộng sự trong mọi hoàn cảnh”. Đó là tôn trọng khách hàng, “khiến họ hài lòng với từng sản phẩm”. Đó là chủ động để thăng tiến – “đừng đợi người khác đến dạy bạn mà hãy tự cập nhật và làm mới bản thân.”
Anh Đinh Việt Phương: “VFX cung cấp một kiến thức tổng thể về các phần mềm khác nhau. Vì thế ngay từ đầu mình đã có thói quen tương tác giữa những phần mềm ấy thay vì tư duy gò bó, vò đầu suy nghĩ phải sử dụng gì để làm cái này cái kia.”
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong số những quốc gia có môi trường làm việc triển vọng. Cùng với sự lớn mạnh không ngừng của ngành công nghiệp giải trí (điện ảnh, truyền hình) kéo theo nhu cầu tuyển dụng nhân sự phụ trách mảng VFX từ các công ty trong và ngoài nước. Arena Multimedia tự tin rằng, chúng tôi hoàn toàn có thể đánh thức được giấc mơ của rất nhiều người trẻ đang muốn hoạt động trong lĩnh vực này và ươm mầm cho các “hạt giống” tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Câu chuyện VFX vẫn còn nhiều hơn thế, giống như anh Đinh Việt Phương nói: “Nó đang hỗ trợ không ngừng cho ngành công nghiệp 4.0, trong công nghệ số hóa, công nghệ VR, AR.” Và chắc chắn trong tương lai gần, chúng ta sẽ còn được nhìn thấy nhiều sản phẩm kỹ xảo sống động đến từ những con người trẻ tuổi nhiệt huyết.
Multimedia Talk khép lại trong không khí gần gũi. Cũng trong sự kiện này, nhiều bạn trẻ có cơ hội làm quen và trao đổi kinh nghiệm với nhau.
Giang Hoàng