Ngày 18/9/2014 vừa qua, những bạn trẻ “nghiền” game “đổ xô” về hội trường tầng 4, Arena Trúc Khê để tham dự buổi Multimedia Talk với Gameloft – một ông lớn trong làng sản xuất game thế giới. Tại đây các bạn đã tìm hiểu cách thức tổ chức của công ty, quy trình làm game khép kín, vai trò của designer trong việc làm game, và quan trọng nhất là làm thế nào để gia nhập Gameloft, trở thành một đầu bếp trong gian bếp chế biến game.
Tại Multimedia Talk, các bạn học viên vinh dự được tiếp xúc và trò chuyện với những đại diện đầy “quyền lực” của Gameloft: Anh Attila Sulcz – trưởng phòng Game Designer (GD) & Graphic Artist (GPX); chị Trương Thị Huyền Trang – GIám sát tuyển dụng; anh Phan Hải Khôi và anh Nguyễn Văn Hải: chuyên viên thiết kế đồ họa 3D; đặc biệt là cặp đôi Chu Mạnh Tiến & Hoàng Thị Liên – cựu Arenaite – hiện đang là chuyên viên thiết kế đồ họa 3D tại Gameloft.
Hội trường tầng 4 và những tín đồ game
Với đam mê game không ngừng của các bạn trẻ mini talk nhanh chóng đi vào “guồng quay” hỏi – đáp. Cánh cửa đến gần hơn với Gameloft dần mở ra với các Arenaites.
Gameloft và câu chuyện phía sau những con số
Gameloft SA là một nhà phát triển và phát hành trò chơi điện tử, trò chơi PC thành lập từ năm 1999 với trụ sở chính tại Paris, Pháp cùng 31 công ty con trên toàn thế giới. Ngoài ra, Gameloft còn sản xuất các trò chơi console trên các nền tảng như Sony PlayStation 3, PlayStation Portable, Nintendo DS, Nintendo 3DS, Wii, Xbox 360, Zeebo, iOS, WebOS, Android, Window Phone, Bada, BlackBerry OS, Mac OS X và Windows.
Năm 2011, Gameloft vươn lên và lọt vào vị trí top 50 nhà phát triển game hàng đầu trên thế giới, công ty đã khẳng định được vị trí vững chắc của mình bằng những con số đáng ngưỡng mộ: 1 triệu lượt download game mỗi ngày, 400 đầu game, ký 250 thỏa thuận hợp tác với các nhà mạng trên thế giới…
Một số “siêu phẩm” của Gameloft, trong đó Minion Rush là sản phẩm ăn khách nhất, đông fan nhất của Gameloft năm 2013
Gameloft “đặt chân” đến Việt Nam vào năm 2004 với số lượng chưa đến 20 người, nhưng 20 “bộ óc” ấy đã nhanh chóng hoành hành tại thị trường sản xuất game Việt. Gameloft lập 2 trụ sở tại TP Hồ Chí Minh, 2010 tiến quân ra Đà Nẵng và “xâm chiếm” Hà Nội năm 2011. Tính đến thời điểm hiện tại, Gameloft Việt Nam đã thu hút được hơn 1.500 nhân mạng về đầu quân, con số đã tăng gấp 10 lần so với hồi năm 2006. Gameloft Việt Nam cũng là Studio lớn nhất của Gameloft trên toàn thế giới.
Đến với Gameloft, bạn làm gì và được gì?
Điểm cộng cho công ty đa quốc gia này là môi trường làm việc thu hút: trẻ trung – năng động – sáng tạo và quan trọng là tự do phát triển. Tại Gameloft, bạn sẽ được tiếp xúc với gần như đầy đủ các loại hình CLB giải trí như thể thao: cầu lông, yoga, bi-a… Đặc biệt là những party tưng bừng vào các dịp quan trọng: Halloween, 8/3, 20/10, Trung thu… Đến những buổi dã ngoại, team building hoành tráng hay những cuộc thi phát triển kĩ năng chuyên môn giải thưởng cao ngất ngưởng… Tất tần tật những yếu tố đó làm nên một môi trường lao động phát triển toàn diện, đầy đủ và vô cùng cởi mở, gần gũi.
Không thể không đề cập tới hình thức và yêu cầu làm việc tại đây, vấn đề nóng hổi này được đại diện Gameloft – Anh Attila Sulcz – trưởng phòng GD & GPX chia sẻ. Trụ sở tại Hà Nội “mang vác” trách nhiệm lớn là tiếp nhận các phiên bản game từ Paris chuyển đổi và thiết lập lại cho phù hợp hơn với thị trường, hệ điều hành Android.
Anh Attila Sulcz
Mỗi một dự án game sẽ bao gồm từ 25-30 người, làm việc trong khoảng 3 tháng, trong công ty có nhiều dự án game chạy song song. Gameloft có một chu trình làm game khép kín: Producer – Quản lý dự án bao quát tất cả công việc, đứng đầu mỗi dự án, điều phối các thành viên trong nhóm đảm bảo tiến độ, hiệu quả, Designer phải phát triển ý tưởng, còn Artist thì lo vẽ, tiếp đó là nhiệm vụ code của Programmer, xong xuôi tất cả, kiệm nghiệm game -Tester – bắt đầu ra tay, game hoàn thành và chuyển sang khâu phát hành. Gameloft phát hành game qua các con đường chính: các Store, qua nhà mạng, mạng xã hội, qua các thiết bị khác như smart TV…
Quy trình làm game của Gameloft
Có hai vị trí cần phân biệt rõ ràng trong chu trình làm game này là Game Designer và Game Artist. Nếu đóng vai trò là Game Designer, bạn phải thực sự là một người có ý tưởng, bởi công việc yêu cầu bạn phải sáng tạo, đưa ra những thứ mới mẻ, những game thu hút trên thị trường hay nhỏ hơn là những thay đổi sao cho phù hợp, lên tính năng cho các game trên Android. Ví dụ trên Android có nút Back và nút Home nhưng trên iOS chỉ có phím Home. Vậy nên khi chuyển game từ iOS sang Android Game Designer phải ẩn các nút back trên màn hình chơi game đi, bố trí lại cho hợp lý.
Dựa trên ý đồ của Game Designer, Graphic Artist thì cần thiết kế lại, tối ưu hóa hình ảnh, đảm bảo tính thẩm mỹ khi chuyển game từ phiên bản iOS về Android, chỉnh sửa các lỗi, “tuốt” lại màu sao cho nuột nà nhất có thể, đảm báo phiên bản game trên Android và iOS đều hiển thị giống nhau.
Chăm chỉ – sáng tạo – nhiệt huyết – năng động và hiệu quả, đáp ứng được các yếu tố đó thì bạn sẽ từ Newbie lên Junior 1 – Junior 2 – Senior Artist (nhân viên thiết kế chính thức – như bạn Chu Mạnh Tiến đang làm) hoặc Trainer (đào tạo Newbie và Junior 1, Junior 2) và cao nhất là Studio Lead Graphic Artist (như anh Attila Sulcz). Gameloft không tiếc khi đền đáp công sức mà các nhân viên bỏ ra với mức lương trải đều – trải rộng và tương sức với năng lực của từng cá nhân.
Cựu học viên Chu Mạnh Tiến – Hoàng Thị Liên
Học viên Arena hỏi – Gameloft trả lời
Cũng giống như hầu hết các Multimedia Talk khác, các bạn học viên đến với hội thảo vì ham muốn học hỏi và muốn tìm được giải đáp cho những thắc mắc của mình, vậy nên khi được sợi dây “cần lời giải thích” được căng lên, các bạn đã không ngần ngại xung phong đặt câu hỏi. Những thắc mắc được đặt ra chủ yếu xoay quanh vấn đề về công việc, yêu cầu, nội dung bài test đầu vào tại Gameloft…
Giải đáp về yêu cầu thi tuyển, đại diện Gameloft trình bày: “Khi muốn thi tuyển với vị trí này, các bạn cần phải đáp ứng những yêu cầu bắt buộc như qua bài test 3D/animation; có đủ kĩ năng về đồ họa (quan trọng nhất là 3D Max Photoshop); kĩ năng tiếng Anh và đặc biệt, Gameloft không yêu cầu kinh nghiệm”.
Về tiếng Anh, chị Trang chia sẻ bạn với mỗi vị trí tuyển dụng cần yêu cầu tiếng Anh khác nhau. Game Designer cần tiếng Anh tốt hơn Game Artist để có thể trao đổi ý tưởng. Khi phỏng vấn, chỉ cần mức tiếng Anh đủ đáp ứng cho yêu cầu công việc, bạn cũng có thể được tuyển dụng. Bạn Chu Mạnh Tiến được làm việc trực tiếp với anh Attila Sulctz nên tiếng Anh của bạn cũng khá lên rất nhiều so với lúc mới vào công ty.
Nếu thi tuyển vào vị trí GFX, bạn phải thông hiểu các công cụ cần thiết như: 3D Max, Photoshop. Đây đều là những công cụ các bạn được học thành thạo tại Arena. Một điểm quan trọng nữa là CV, Porfolio khi gửi cho Gameloft, CV, Porfolio đẹp, nhiều sản phẩm, cũng là cơ sở cùng với bài test để tuyển dụng và đàm phán mức lương.
Còn bài test thì sao? Bạn sẽ được cho một đề bài cụ thể, một nhận vật có sẵn và bạn sẽ tạo model và chuyển động của nhân vật, ví dụ như Cristiano Ronaldo, bạn sẽ làm tại nhà từ 4 – 5 ngày sao cho thật nhất và gửi lại công ty qua email. Bạn không cần chú ý giống 100%, bởi nó là những nhân vật low poly, hiển thị trên màn hình bé, rõ chi tiết, bạn cần làm chuyển động tốt nhất có thể.
Khi có nhiều bạn bày tỏ sự tò mò về sự sáng tạo ý tưởng tại Gameloft, anh Nguyễn Văn Hải bộc lộ cảm xúc khá thú vị: “Nếu bạn có ý tưởng, kịch bản game. Quá tốt! Bạn có thể gửi đến Trưởng phòng, nếu được duyệt tại Tổng công ty, ý tưởng của bạn sẽ được thực hiện, vậy là bạn đã tạo ra được cơ hội đạt doanh thu lớn cho công ty rồi”.
Thường thì phần phát triển game mới sẽ do Gameloft tại Paris thực hiện, Gameloft Hà Nội tập trung vào việc chuyển game từ bản iOS sang bản Android. Tuy nhiên hiện tại, Gameloft Hà Nội vẫn có những dự án phát triển game mới, những cuộc thi để các bạn trẻ thỏa sức bay bổng trí sáng tạo.
Một câu hỏi khá chuyên môn khác mà bạn Vũ Lý Thành Hưng đưa ra là “Ở Arena Multimedia chúng em được học dựng mô hình 3D với hệ lưới 3 polygon, trong khi bài test đầu vào tại Gameloft lại làm với hệ lưới 3 polygon, dưới 600 điểm. Điều này khiến em khá lúng túng và lo lắng?”
Đại diện phía Gameloft cho biết việc đi làm khác một chút so với những gì đã học là việc không tránh khỏi. Với các game trên điện thoại sử dụng lưới 3 điểm – low polygon có thể đảm bảo chất lượng hình ảnh rồi. Đối với bài test đầu vào, bạn cần tìm hiểu thêm bên ngoài, học trên internet sẽ thấy không quá khó. Anh Nguyễn Văn Hải, bạn Chu Mạnh Tiến, bạn Hoàng Thị Liên đều học Arena đều trải qua bước thi tuyển, tìm hiểu như vậy. Bạn Tiến cũng chia sẻ contact với bạn Hưng để Hưng có thể tìm hiểu thêm thông tin cần thiết.
Các câu hỏi hay đã nhận được phần quà từ Gameloft
Gameloft có tuyển 2D Artist không? Đáp án là có, nếu muốn là Newbie 2D Artist tại Gameloft bạn sẽ phải biết vẽ tay và vẽ máy, Photoshop, cần trải qua bài test vẽ nhân vật đáp ứng đủ 2 yêu cầu cơ bản: giống thật (đúng tỉ lệ người thật, không sử dụng phong cách vẽ manga) – sáng tạo, sáng tạo, phải thật sáng tạo. Đặc biệt, Artist tại Gameloft không giới hạn độ tuổi.
Bạn Chu Mạnh Tiến cũng chia sẻ con đường bạn đến với Gameloft. “Mình ngày xưa mê game lắm, có học hành gì đâu. Nhưng càng lớn mình cũng biết nghĩ hơn. Chính vì yêu game mà mình biết nhiều về game, hứng thú học hơn. Một tuần ba buổi học tại Arena, mình còn học thêm ở trên mạng, đi làm part-time về game trẻ em, tất nhiên là vẫn chơi rồi. Đến khi đi làm, mình làm sáng – chiều tại Gameloft và chuyển sang học buổi tối, tiếp tục hoàn tất học kỳ 3D tại Arena”. Bạn Liên – người yêu bạn Tiến – còn vào Gameloft trước cả Tiến, Liên được đánh giá cao ở vòng tuyển dụng vì đã tìm hiểu công việc, công ty rất kỹ, thể hiện tinh thần học hỏi và quyết tâm trong công việc.
Mẫu đơn xin việc được phát và hoàn thiện ngay tại hội thảo
Kết thúc buổi Multimedia Talk, bạn Vũ Lý Thành Hưng chia sẻ: “Bình thường trước khi ứng tuyển vào các công ty, mình phải tìm hiểu rất nhiều về công ty đó trên mạng mà vẫn không cảm thấy đủ, không thấy an tâm. Những buổi công ty đến trực tiếp Arena như thế này vô cùng hữu ích, giúp mình có mọi thông tin, tìm hiểu trực tiếp, kỹ càng về công việc, môi trường làm việc”.
Cơ hội trường cho lại một lần nữa mở ra với một đại diện “khó tính” là Gameloft, và đây cũng là một trong số các hoạt động của Bộ phận Hỗ trợ việc làm nhằm hướng nghiệp, tạo cơ hội cho học viên. Sau buổi talk các bạn nộp lại đăng ký ứng tuyển cho chị Thu Hà – Bộ phận Hỗ trợ Việc làm để chị Hà tiếp tục liên lạc với Gameloft, gửi bài test cho các bạn.
Thật tiếc nếu bạn bỏ lỡ “dịp” này, tuy nhiên đừng buồn, bạn hãy theo dõi sát các hoạt động của Arena Multimedia để không “hụt nhịp” những cơ hội việc làm khác nhé.
Mọi hình ảnh về Multimedia Talk bạn có thể xem thêm tại đây.