Bài viết gồm có 2 phần, ở phần này chúng tôi chia sẻ vấn đề liên quan đến vai trò của Nhà sản xuất trong một đoàn phim như thế nào dưới góc nhìn của Nhà sản xuất Tuân Đỗ.
Sự kiện đã thu hút nhiều bạn trẻ đến tham gia, đã có rất nhiều câu hỏi hay đặt ra cho các khách mời nhờ đó mà giúp người tham dự học hỏi thêm được nhiều kiến thức bổ ích.
Nhà sản xuất Tuân Đỗ đã làm việc trong môi trường làm phim cũng gần 15 năm. Trước khi bước vào công việc của một Nhà sản xuất, anh từng hoạt động ở vị trí biên kịch, đạo diễn như một người làm phim độc lập trước khi tham gia các dự án phim ở tổ đạo diễn, tổ sản xuất … Tuy nhiên khó khăn lớn nhất của anh là không tìm được một nhà sản xuất có thể hỗ trợ cho dự án của mình đi xa và phát triển hơn, đây cũng là lý do đưa anh đến với công việc này, trở thành một nhà sản xuất như hiện nay.
Nếu là một người yêu thích sản xuất phim và chuẩn bị dấn thân vào ngành, tin chắc những đúc kết từ buổi chia sẻ qua bài viết này sẽ giúp bạn phần nào hiểu được công việc sắp tới của mình, cùng tìm hiểu nhé!
Nhà sản xuất và các thành viên khác trong tổ sản xuất
– Producer: Dù là một dự án phim giải trí hay dự án phim độc lập, Nhà sản xuất (Producer) được xem là người góp phần quyết định làm nên thành bại của một bộ phim. Nhà sản xuất với vai trò là chủ dự án phim, kết nối tất cả thành viên, nguồn lực về tài chính – nhân sự, điều phối, quản lý và là người đi giải quyết tất cả mọi vấn đề khó khăn, trở ngại trong một đoàn phim.
Ngoài ra trong tổ sản xuất của đoàn phim còn có rất nhiều tên gọi cũng như chức năng khác nhau, có thể kể đến:
– Executive Producer: Nhà sản xuất gọi vốn hoặc Nhà sản xuất điều hành, là người đi kiếm nhà đầu tư, kiếm tiền về cho dự án.
– Creative Producer: Chính là người có khả năng sáng tạo, sẽ kết hợp với biên kịch, đạo diễn trong việc sửa và phát triển kịch bản trở nên tốt hơn. Ở nhiều dự án của các hãng phim, một nhà sản xuất sáng tạo sẽ bắt đầu bằng quá trình tìm ý tưởng, sau đó tìm nhà biên kịch để triển khai dự án đó viết thành kịch bản hoàn chỉnh. Vị trí này nhấn mạnh đến yếu tố sáng tạo của nhà sản xuất ngay từ bước đầu của dự án, nhưng nó không được coi là một vị trí và không có trên credit phim.
– Associate Producer (Nhà sản xuất liên kết): Họ không tham gia quá nhiều vào trong một dự án phim. Công việc của họ là liên kết với những yếu tố bên ngoài hỗ trợ dự án phim có thể diễn ra một cách thuận lợi, là người đem về những giá trị nhưng không được quy thành tiền mặt. Có thể hình dung công việc này: Bạn giới thiệu một bối cảnh được giảm giá, được miễn phí tất cả; hay bạn có quen biết đạo diễn của bộ phim A đang cần tuyển diễn viên, bạn có mối quan hệ với diễn viên B, diễn viên C và kết nối để họ trở thành diễn viên của dự án đó, khi ấy nhà sản xuất sẽ dành tặng bạn chức danh là nhà sản xuất liên kết của dự án.
– Post Producer: Nhấn mạnh đến khía cạnh tham gia hậu kỳ của một nhà sản xuất. Nếu dự án phim có nhiều kinh phí, ekip sẽ thuê một người có nhiều kinh nghiệm trong mảng hậu kỳ để hỗ trợ nhà sản xuất, khi đó bạn có thể đưa họ vào vị trí post producer trên credit.
– Marketing Producer: Đây là một khái niệm mới, đề cập và nhấn mạnh vai trò tiếp thị một dự án, một sản phẩm làm phim đến với công chúng, đến người xem và làm thế nào để đưa nó ra các kênh phát hành một cách tốt nhất của nhà sản xuất.
– Line Producer: Người này là cánh tay phải của nhà sản xuất và là chuyên gia lập kế hoạch ngân sách, người giám sát tất cả các chi tiết hành chính, tài chính và kỹ thuật của sản xuất. Họ chịu trách nhiệm về tất cả các vấn đề hàng ngày để giữ cho mọi thứ diễn ra suôn sẻ, đồng thời cố gắng đảm bảo đúng tiến độ và ngân sách.
– Production Manager (Quản lý sản xuất hay Chủ nhiệm): Về cơ bản công việc của người này gần tương tự như Line Producer, nhưng họ chịu trách nhiệm một số công việc để hỗ trợ Line Producer – vị trí cao hơn họ.
– Production Coordinator (Điều phối sản xuất): Là cánh tay phải của Quản lý sản xuất (Production Manager, Production Manager), công việc của họ là hỗ trợ Production Manager quản lý, điều phối các công việc trong tổ sản xuất.
– Production Assistant: Trợ lý sản xuất có nhiều vị trí phụ trách các công việc khác nhau của sản xuất. Trong một số dự án phim độc lập ở Việt Nam thì trợ lí sản xuất thực hiện nhiều chức năng công việc chứ không được phân chia cụ thể (trợ lý sản xuất hỗ trợ tổ trợ lí đạo diễn, tổ thiết kế …).
– Production Accountant (Kế toán sản xuất): Đây là một vị trí rất quan trọng khác giúp nhà sản xuất kiểm soát tài chính của dự án. Không ít nhà sản xuất trực tiếp phỏng vấn vị trí này thay vì giao cho Production Manager tuyển.
– Production Supervisor (Giám sát sản xuất): Vị trí này tùy thuộc vào Nhà sản xuất bố trí đoàn phim ra sao, giám sát sản xuất sẽ giúp xử lý một số nhiệm vụ của Quản lý sản xuất (Production Manager).
Kỹ năng để trở thành một Nhà sản xuất
– Tư duy: Nhà sản xuất cần phải có tư duy về kinh doanh. Tư duy này giúp họ ý thức được cần phải làm gì để có thể có sản phẩm tốt và bán được nó. Thêm nữa, tư duy logic, phản biện giúp nhà sản xuất giải quyết các vấn đề có thể xảy ra trong quá trình làm phim.
– Kiến thức: Nhà sản xuất cần phải có kiến thức cơ bản nhất về các vị trí, các tổ, tính chất công việc của họ trong một đoàn phim để phối hợp giải quyết công việc một cách tốt nhất khi dự án đang diễn ra.
– Kỹ năng chung: Đó là các kỹ năng lãnh đạo; tổ chức; quản lý, điều hành và bán hàng. Trong số này, kỹ năng bán hàng sẽ hỗ trợ nhà sản xuất rất nhiều trong việc đẩy dự án đi xa hơn cũng như có thể giúp dự án thu lại lợi nhuận. Bán hàng thể hiện ở cả khía cạnh mua và bán. Nhà sản xuất tìm được các thành viên đoàn có tài năng và thuyết phục họ tham gia với chi phí hợp lý cũng là biết mua, cũng như bán các yếu tố làm cho kịch bản trở nên hấp dẫn hơn để nhà đầu tư bỏ vốn cũng là bán hàng.
– Kỹ năng đặc thù: Là kỹ năng đưa ra quyết định và giải quyết vấn đề. Nhà sản xuất có kĩ năng này là người người có thể đưa ra quyết định cho những tình huống sản xuất gặp khủng hoảng, khó khăn và giải quyết vấn đề đó trong thời gian ngắn nhất. Khi đoàn phim xảy ra vấn đề nhà sản xuất sẽ là người cuối cùng chịu trách nhiệm cho nó, do vậy tất cả mọi thứ sẽ đổ dồn về vị trí này.
– Kỹ năng mềm: Vấn đề của nhà sản xuất chính là giải quyết các mối quan hệ giữa con người với con người. Công việc nào, vị trí nào cũng cần có kỹ năng giao tiếp, đây là một trong những kỹ năng cơ bản nhất. Một nhà sản xuất có thể xin tài trợ, kêu gọi vốn đầu tư thành công được hay không nhờ vào khả năng thuyết trình, một kĩ năng quan trọng khác.
– Tính cách: Nhà sản xuất cần phải có tính nhạy cảm và cẩn thận để luôn hình dung tất cả những rủi ro trong quá trình làm phim. Rủi ro này có thể đến từ rất nhiều phía, nhưng chính sự nhạy cảm sẽ giúp bạn lường trước được tất cả vấn đề xảy ra trong quá trình thực hiện dự án để tránh.
Nhà sản xuất và một dự án phim khả thi
– Kịch bản: Dự án khả thi phải có một kịch bản tốt bởi vì đây là yếu tố quyết định dự án đó có được nhà đầu tư hay không. Nên kịch bản bao giờ cũng là cốt lõi, chiếm 50% thành công của dự án. Ngoài ra khi mình đọc kịch bản có thể nhìn thấy dự án này nó có tiềm năng để mình phát triển ở rạp, hoặc bán ra thị trường nước ngoài, …
– Tài chính: Khó khăn của nhà sản xuất muôn thuở là vấn đề về tài chính, đó là ngọn núi đầu tiên mà bất kỳ nhà sản xuất nào phải vượt qua để bắt đầu thực hiện một dự án phim. Một dự án phim về khoa học viễn tưởng thì thường cần một nguồn tài chính rất lớn, ngay từ bước đầu bạn có thể đã nhìn thấy khó khăn khi kinh phí cho khâu hậu kỳ, VFX, hậu kỳ, hiệu ứng sẽ chiếm phần ngân sách không hề nhỏ và do vậy tài chính sẽ là một thử thách với một dự án sci-fi.
– Nhân lực: Làm thế nào để tìm được những nhà làm phim, đạo diễn, biên kịch, diễn viên tài năng. Nếu đã có danh tiếng thì bạn rất dễ tìm được những người đó, còn với những người trẻ hay những người mới vào nghề thì rất khó để tiếp cận họ. Để giải quyết vấn đề này bạn cần phải biết cách quan sát, đọc qua kịch bản, xem rất nhiều phim để thấy được nhiều phong cách riêng và thấy tương lai xa hơn với dự án nếu họ làm với mình. Nếu bạn có thể thuyết phục những nhân vật tài năng ở các vị trí khác nhau trong đoàn phim hoặc một vài vị trí quan trọng thì sẽ giúp tăng độ khả thi cho dự án hơn về mặt nhân lực.
– Kỹ thuật/Thiết bị: Mỗi một câu chuyện sẽ có những thiết bị phù hợp đi kèm, dựa trên ngân sách hiện có cần phải xem xét có đủ chi phí để thuê những thiết bị đó hay không.
– Tiếp thị, phát hành, khán giả: Xác định nhóm đối tượng khán giả mục tiêu của dự án thì khi truyền thông, tiếp thị phim sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
Làm thế nào để kêu gọi đầu tư dự án phim khi chưa có nhiều mối quan hệ trong ngành
Xuất phát từ chính những khó khăn của mình trong quá trình làm phim, Nhà sản xuất Tuân Đỗ đã đưa ra lời khuyên đến các bạn trẻ về vấn đề này:
– Thứ nhất hãy mở rộng mối quan hệ của mình bởi vì đó chính là những yếu tố có thể tìm kiếm nguồn hỗ trợ, giúp đỡ liên quan đến vấn đề khai một dự án của bạn trong tương lai.
– Trong trường hợp bạn ở cương vị đạo diễn thì hãy tìm cho mình một Nhà sản xuất để đồng hành và hỗ trợ dự án của mình nhiều hơn.
– Hãy tham gia cả các sự kiện liên quan đến điện ảnh, tìm hiểu các quỹ, tổ chức hỗ trợ điện ảnh không chỉ về tài chính mà còn về phương diện liên quan đến tổ chức phát hành, tiếp thị, tổ chức chiếu phim,… đây là những yếu tố mà các nhà làm phim trẻ cần quan tâm để giúp cho dự án của bạn phát triển hơn. Viet Indie Cinema là một trong những sân chơi hỗ trợ các nhà làm phim trẻ tìm kiếm thành viên đoàn, hỗ trợ thiết bị, hậu kỳ và đặc biệt là các công ty sản xuất cũng như phát hành cho dự án của bạn.
Hy vọng với những kiến thức bên trên từ anh Tuân Đỗ chia sẻ sẽ giúp các bạn có một cái nhìn chi tiết về công việc của một Nhà sản xuất, từ đó rút ra được nhiều thông tin bổ ích để ngày một tôi luyện bản thân mà hiện thực được ước mơ này của mình. Và nếu bạn đang tìm kiếm một nơi đào tạo uy tín và bài bản về nghề làm phim, có thể tham khảo thông tin tại đây về lộ trình đào tạo của Arena Multimedia lĩnh vực này nhé.
Để tìm hiểu chi tiết hơn vai trò của Nhà sản xuất trong một đoàn phim qua dự án cụ thể, hãy cùng đón xem bài viết tiếp theo về những câu chuyện hậu trường phía sau từ Nhà sản xuất Nhật Tiên của phim Ròm!
Bài viết: Tống An
Thiết kế: Nguyên Lê