Phần hai của Workshop: Trò chuyện & Giải đáp về ngành Multimedia Design là cuộc đối thoại giữa ba vị chuyên gia với các bạn trẻ yêu thích sáng tạo. Cùng bề dày kinh nghiệm và những lời khuyên xác đáng, Anh Đinh Trí Dũng – Brand Manager @ Arena Multimedia, ThS. Vũ Anh Đức – Giám đốc Đào tạo @ Arena Multimedia, ThS Nguyễn Lê Duy – Giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp hy vọng rằng, những ai đang phân vân trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề có thể tìm thấy bến đỗ phù hợp để mạnh dạn dấn thân theo sở thích và kiên định thực hiện hóa giấc mơ của chính mình.
Question 1 (Q1): Chào thầy Đức, theo tư vấn của thầy, bạn lớn nhà tôi đã học tại Arena được 2 kỳ. Rất mong thầy có thể chia sẻ thêm về lộ trình chuyển tiếp để lấy bằng quốc tế với các trường ĐH nước ngoài mà Arena đang có liên kết. Cảm ơn thầy!
Thầy Vũ Anh Đức: Tất cả các trường mà Arena Multimedia có liên kết như Middlesex (Anh Quốc) hay CEA (Canada) đều đang đào tạo chuyển tiếp bằng hình thức online trong thời điểm dịch bệnh hiện nay. Vì thế, khi các bạn hoàn thiện xong chương trình của Arena, các bạn hoàn toàn có thể đăng ký chuyển tiếp tại Middlesex hay CEA và học trực tuyến tại Việt Nam. Khi điều kiện cho phép, các bạn có thể bay sang và học trực tiếp tại trường.
Q2: Thưa các thầy, chúng ta có thể so sánh Multimedia Design như ngành Quản trị kinh doanh được không ạ? Nghĩa là chúng ta học mỗi thứ một ít chứ không chuyên sâu vào một lĩnh vực cụ thể nào?
Thầy Vũ Anh Đức: Có thể hiểu làm Design chính là giải quyết các vấn đề. Tất cả bài tập về thiết kế đồ họa, web, phim, 3D đều cần người đưa ra giải pháp cụ thể với từng hình thức đó. Nó không phải quản trị hay quản lý mà yêu cầu người thực hiện phải đưa ra giải pháp cho mỗi vấn đề. Ví dụ nếu bạn muốn xây dựng một chiến dịch quảng cáo thể hiện tính nhận diện của thương hiệu, bạn phải đưa ra được hình ảnh, chữ, thông điệp cụ thể để làm sao thương hiệu đó được nhận diện tốt hơn bằng các công cụ và phần mềm đã được học.
Thầy Đinh Trí Dũng: Yêu cầu tuyển dụng ngày nay cho vị trí Graphic Designer hay Multimedia Designer đó là bạn cần phải biết làm banner, poster, screen layout, template, brochure, biển quảng cáo, motion graphic, video và bên cạnh đó, bạn cũng phải thảo luận ý tưởng Marketing, quay phim, dựng phim hay chụp ảnh. Nếu là 10-15 năm trước đây thì chỉ yêu cầu tuyển dụng 2D đơn giản, nhưng hiện nay thì các doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển hơn, họ ứng viên phải biết nhiều kỹ năng hơn. Vì thế, bây giờ bạn chỉ biết thiết kế 2D thôi thì có lẽ khó mà tồn tại được.
Thầy Nguyễn Lê Duy: Tôi hiểu câu hỏi của em đang ví ngành Multimedia Design giống như ngành Quản trị kinh doanh khi chương trình đào tạo đa lĩnh vực và không chuyên sâu vào một lĩnh vực nhất định nào cả. Thực tế, tôi không biết ngành Quản trị kinh doanh nhưng tôi biết ngành Multimedia Design được đào tạo giống như ngành Y Đa khoa, chúng ta phải hiểu hết vấn đề và chuyên sâu về một vấn đề nhất định. Các góc độ đó bao gồm học thuật, nghệ thuật, giải pháp, tư duy sáng tạo. Từ những nền tảng đó, các bạn sẽ ứng dụng dựa trên những yêu cầu cụ thể từ khách hàng. Ví dụ, bạn muốn đi sâu vào Branding thì cũng giống như bạn đi vào từng khoa ở bệnh viện đa khoa vậy, chính là từng lĩnh vực mà mỗi người sau khi học ngành Multimedia Design sẽ lựa chọn. Và đương nhiên các bạn vẫn có thể học chuyên sâu về một lĩnh vực nào đó trong trường lớp bằng cách kết nối với chuyên gia, giảng viên để được học hỏi nhiều hơn.
Q3: Em đang học ĐH mà muốn học song song ở Arena có được không ạ?
Thầy Vũ Anh Đức: Hoàn toàn được. Hiện tại ở Arena đang có rất nhiều bạn học song song hai trường. Các bạn ấy chọn vì Arena có rất nhiều múi giờ, khung giờ học khác nhau. Bạn hoàn toàn có thể lựa chọn khung giờ phù hợp với lịch học trên trường của các bạn.
Q4: Hiện tại, em đang học ngành ngôn ngữ, em muốn học thêm ngành thiết kế nhưng đang vấp phải sự phản đối của gia đình vì người nhà em cho rằng ngành ngôn ngữ em học và thiết kế không liên quan gì với nhau?
Thầy Vũ Anh Đức: Như tôi đã nói ở bên trên, làm thiết kế chính là đưa ra giải pháp cho cuộc sống, vì vậy tất cả chuyên ngành bên ngoài đều có thể bổ trợ cho ngành thiết kế và đều có ích cả. Ví dụ như ngành môi trường, bạn có thể áp dụng kiến thức để thiết kế đô thị, cảnh quan… Vậy thì ngành ngôn ngữ, nghe thì không liên quan nhưng đó là nền tảng kiến thức bổ trợ các bạn trong việc trình bày, thuyết trình, làm tài liệu, video phù hợp cho việc giảng dạy, học tập. Đâu đó trong quá trình làm việc hay học tập, bạn sẽ nhận thấy những liên quan và bổ trợ nhất định, sự va chạm kiến thức nền giữa các ngành bên ngoài và thiết kế.
Q5: Hiện tại em đang là sinh viên, đang học đồ họa từ những bước cơ bản nhất. Các thầy có thể chia sẻ một vài tips để nâng cao tư duy hình ảnh và màu sắc không ạ?
Thầy Nguyễn Lê Duy: Hình ảnh và màu sắc chỉ là một trong những yếu tố thuộc đồ họa thôi, chúng ta phải nâng cao rất nhiều thứ khác hay thậm chí là nâng cao cảm xúc nữa. Trong góc nhìn của tôi, cảm nhận không gian vật thể, đối tượng không chỉ bao gồm màu sắc, nó còn cả đường nét và yếu tố liên quan đến thị giác. Những điều đó sẽ mang lại cho người xem cảm xúc và tương tác nhất định. Ví dụ bạn thích một cái điện thoại và khi bạn nghe người khác nói về cái điện thoại đó đắt, rẻ hay công dụng thế nào, những điều đó sẽ tương tác với bạn. Vậy nên để nâng cao kỹ năng về thiết kế thì bạn cần nâng cao khả năng cảm nhận của bạn bằng việc quan sát, lắng nghe và cảm thụ nó. Chúng ta cần đi nhiều, trải nghiệm nhiều, tham gia môi trường nghệ thuật để có thể giao lưu cùng bạn bè trong ngành, hay thậm chí là cả những người ngoài ngành nhưng có liên đới tới nhau. Tôi sẽ không nói về các tips theo công thức, vì các công thức bao giờ cũng sẽ lỗi thời với nhu cầu luôn ngày một nâng cao của con người.
Q6: Thưa các thầy, Arena Multimedia có phương pháp nào để rèn luyện tư duy và phát triển sự sáng tạo của bản thân trong thiết kế không ạ?
Thầy Nguyễn Lê Duy: Tôi hiểu câu hỏi này là nhà trường liệu có phương pháp nào để rèn luyện tư duy và khả năng sáng tạo. Trên thực tế thì ở bất kỳ môi trường nào, giảng viên khi đã giảng dạy về sáng tạo đều luôn muốn học trò phải thực sự sáng tạo, vì đó là sự thành công của người thầy. Học viên muốn có sự sáng tạo đầu tiên là phải chăm chỉ và phải biết tương tác. Các bạn nên nhớ là trong quá trình học để sáng tạo, chúng ta luôn có sẵn một nền tảng trước đó, và dựa trên nền tảng đó, các bạn phát triển nên cái mới cho bản thân mình. Các bạn phải thường xuyên tương tác với giảng viên vì mỗi một thầy sẽ làm việc với khoảng 10 bạn, 10 bạn ấy sẽ có những điểm mạnh, yếu khác nhau và người thầy có vai trò giúp bạn khai thác điểm mạnh và cải thiện điểm yếu. Các bạn phải bộc lộ, biểu hiện những điểm mạnh cũng như điểm yếu của mình, tận dụng toàn bộ chất xám của những người xung quanh, biến nó thành cái của mình và từ đó đúc kết kinh nghiệm để phát triển bản thân tốt hơn.
Thầy Vũ Anh Đức: Ngay từ đầu, tôi đã có nói đến việc thiết kế liên quan đến vấn đề ứng dụng, ứng dụng thì liên quan đến nghiên cứu, tìm hiểu, chắt lọc và đưa ra giải pháp. Yếu tố sáng tạo trong nghề thiết kế không giống như sáng tạo trong nghệ thuật. Nghệ thuật là bạn có thể thể hiện những cảm xúc hỉ nộ ái ố của bản thân thông qua các tác phẩm của bạn. Còn nghề thiết kế là gì? Các bạn có đề bài rất cụ thể và các bạn phải giải quyết vấn đề nó. Ví dụ như khi bạn thiết kế một biển chỉ dẫn thì bạn phải đảm bảo các tiêu chí dù là nhìn từ xa hay gần thì người ta phải hiểu được nó. Bên cạnh đó, bạn cũng phải nghiên cứu biển báo đó được đặt ở đâu, đặt ở Việt Nam khác nước ngoài như thế nào. Ngoài ra, bạn cũng cần phải tìm hiểu về địa hình, thuộc tính, tính năng, công năng thế nào để thiết kế cho phù hợp. Sáng tạo trong nghề thiết kế đơn giản lắm, bạn phải có tư duy gọi là “Inspiration”, biết tham khảo, chắt lọc từ người đi trước để tìm ra được giải pháp cho riêng mình.
Q7: Học Design có cần phải vẽ đẹp không ạ? Em sợ mình sẽ thi trượt bài test đầu vào của Arena Multimedia.
Thầy Vũ Anh Đức: Bài thi đầu vào của Arena có phần test kỹ năng vẽ nhưng chúng tôi không đặt nặng về việc đó. Chúng tôi chỉ đơn giản kiểm tra khả năng thấu hiểu thẩm mỹ của các bạn thôi. Việc học thiết kế nó cũng liên quan đến thẩm mỹ và sự thấu hiểu sản phẩm. Mình phải cảm thụ về nghệ thuật tốt thì mình làm thiết kế cũng sẽ tốt. Bạn phải trải nghiệm, có cảm xúc với mọi thứ xung quanh thì dần dần bạn sẽ có sự quan sát và sinh ra quy chuẩn thẩm mỹ của riêng các bạn. Sau đó, kết hợp với sự chuyên cần để nâng cao kiến thức về chuyên môn nhiều hơn. Đó là cả một quá trình dài liên tục bồi đắp. Còn việc vẽ tay tốt hay không tốt thì chỉ khi bạn chuyển sang lĩnh vực Digital Art hay Concept Art thì mới cần khả năng vẽ tay. Còn học Design thì không quá quan trọng kỹ năng vẽ mà thiên về concept nhiều hơn, các bạn có thể vẽ nguệch ngoạc những ý tưởng sơ khai của mình, sau đó có thể dùng phần mềm hoặc công cụ để giải quyết nó. Nhưng về mỹ thuật thì bạn cần phải có sự cảm nhận thẩm mỹ. Mỹ thuật là môn mà ai cũng có thể học và có nhiều cách để bạn có thể tự nâng cao mỹ thuật của mình. Và với nghề Design, các bạn phải chú ý nhiều hơn để nâng cao khả năng cảm mỹ thuật. Bạn cần phải xem nhiều, trải nghiệm nhiều nhưng xem cũng phải có cảm xúc với nó, biết nó xấu nó đẹp vì điều gì chứ xem chỉ là để xem thì nó lại không có giá trị gì cả.
Q8: Xin chào các thầy, hiện tại em đang đi làm và công việc hiện tại của em không liên quan tới các ngành học của Arena (em làm trong phòng thí nghiệm). Vì thế, kiến thức và kỹ năng của em trong ngành này là từ con số không. Với thời gian và khả năng như vậy, em có thể tham gia chương trình học của Arena được hay không? Và thầy có thể nói rõ hơn về thời gian học chính của trung tâm không ạ?
Thầy Vũ Anh Đức: Thật ra, điều này phụ thuộc vào nền tảng của bạn, từ xưa đến giờ bạn làm trong phòng thí nghiệm nhưng bản thân bạn lại rất thích nghệ thuật, rất thích xem phim, đọc truyện, những sản phẩm thiết kế ứng dụng; khi đó, bạn có thể bạn học rất nhanh và tiến nhanh với nghề. Trước đó bạn học gì không quan trọng, quan trọng là trước đó bạn có quan tâm không và có sự chú ý đến lĩnh vực truyền thông giải trí, giáo dục không? Nếu không thích thì khi chuyển ngành, mình lại phải yêu lại từ đầu và đòi hỏi bạn cố gắng hơn rất nhiều để bù đắp lại khoảng thời gian trước đó mà bạn chưa thích hay chưa đam mê.
Thầy Đinh Trí Dũng: Ở đây, tôi có thể đem đến cho bạn một ví dụ là Nhiếp ảnh gia Khánh Phan. Cách đây hai tuần, chị có thực hiện buổi Workshop về nhiếp ảnh cho các bạn tham gia cuộc thi Show It NOW 2021. Chị Khánh sinh năm 1985 và mới bắt đầu cầm máy ảnh từ năm 2017. Từ khi nhận ra mình thích nhiếp ảnh, chị đã miệt mài sáng tạo, tham gia các sân chơi lớn trên thế giới. Cho đến nay, chị đã đạt rất nhiều giải thưởng quốc tế. Có thể nói, chị Khánh Phan là một trong những nhiếp ảnh gia trẻ và đột phá nhất hiện nay. Tại buổi workshop, chị có tâm sự rằng nghề tìm đến mình nhưng cũng phải thế nào thì nghề mới chọn mình. Đó là một ví dụ rất sinh động về việc bắt đầu muộn nhưng lại rất thành công nhờ vào những nỗ lực hơn người.
Q9: Học ngành Kỹ xảo điện ảnh hay ngành Animation có khó không ạ?
Thầy Vũ Anh Đức: Thật ra mà nói thì học những ngành này khó mà không khó. Nếu câu hỏi này được hỏi vào những năm 2012, 2013 thì tôi sẽ trả lời là học rất khó. Vì ngày xưa, chúng ta phải làm tất cả mọi thứ bằng tay và rất thủ công. Nhưng bây giờ, các phần mềm hiện đại cùng công nghệ đã bổ trợ rất nhiều cho công việc của người làm kỹ xảo hay hoạt hình 3D. Ngoài ra, chúng ta còn có cả một kho tàng kiến thức khổng lồ trên Internet, bạn có thể học các bài hướng dẫn trên mạng, học về khói lửa, sét đánh và tất cả những kỹ xảo khác. Sự phát triển của các phần mềm đã giúp tất cả thao tác và ý tưởng của chúng ta được thực hiện dễ dàng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, cái khó ở đây đó chính là sự thẩm mỹ của các bạn. Khi làm hoạt hình, bạn cho nhân vật chạy thì dễ nhưng làm cho nhân vật chạy hay thì lại khó, điều này tương tự với kỹ xảo. Càng ngày thị trường càng đòi hỏi chất lượng cao hơn, điều đó cũng đòi hỏi những hiệu ứng kỹ xảo hay chuyển động mà bạn làm ra phải tinh tế và đẹp hơn nữa. Tuy nhiên, điều may mắn là thế giới giải trí có vô vàn thể loại khác nhau và kỹ năng của các bạn có thể đáp ứng tùy theo từng mức độ. Ví dụ như các nội dung dành cho trẻ em trên Youtube là những video ngắn với đòi hỏi kỹ xảo hay hoạt hình ở mức độ trung bình nhưng hàng tháng vẫn kiếm được thu nhập khủng. Vì thế, thị trường hiện tại có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp cho các bạn và đừng ngại khó khi học kỹ xảo điện ảnh hay hoạt hình 3D. Làm kỹ xảo đẹp đòi hỏi rất nhiều yếu tố và nghiêm túc đầu tư thời gian để rèn luyện, nhưng để làm cơ bản thì thời nay có rất nhiều công cụ để hỗ trợ tốt cho công việc của các bạn.
Q10: Mức lương trung bình của một Multimedia Designer khi mới bước chân vào nghề sẽ khoảng bao nhiêu?
Thầy Đinh Trí Dũng: Mức lương khởi điểm của một Multimedia Designer thông thường sẽ từ 8 đến 12 triệu đồng, tùy thuộc vào năng lực của mỗi cá nhân. Ngoại trừ các ngành như UX/UI Design thì thu nhập dành cho “newbie” sẽ nhỉnh hơn một chút. Thêm nữa, tôi cho rằng khi các bạn tìm hiểu về bất kỳ lĩnh vực nào, cần xác định rõ ràng con đường phát triển sự nghiệp trong 5 năm đầu tiên, vì đó là khoảng thời gian thử thách, cho bản thân trải nghiệm đầy đủ những cung bậc cảm xúc để xác định xem mình có hợp với lĩnh vực này và phát triển được trong tương lai sắp tới hay không. Thực ra, nếu bạn có thể trụ vững với nghề và duy trì mức lương 20 – 30 triệu trong nhiều năm thì đã là thành công lớn.
Thầy Nguyễn Lê Duy: Theo tôi thấy mức lương tối thiểu mà Multimedia Designer mới vào nghề có thể nhận được trung bình là từ 10 – 15 triệu đồng. Đương nhiên, nó còn phụ thuộc vào năng lực, tính chất và môi trường làm việc của bạn. Không ít nơi tuyển Designer đưa ra mức lương chỉ từ 5 đến 7 triệu đồng, nhưng chúng ta chỉ cần làm việc một vài ngày trong cả tháng thôi. Như vậy cũng là điều vô cùng hợp lý. Ngoài ra, các bạn có thể nhận thêm những công việc thiết freelance để gia tăng thu nhập. Có một điều mà tôi chắc chắn, là chưa ai thất nghiệp với ngành này, chỉ cần bạn chăm chỉ và cầu tiến, thì mức lương dành cho “newbie” sẽ không tồi chút nào.
Q11: Thưa các thầy, em đang làm Copywriter và muốn chuyển sang học thêm cả Multimedia Design, vậy em cần phải chuẩn bị kỹ năng và kiến thức gì? Một Designer xuất phát từ Copywriter có những thuận lợi ra sao?
Thầy Vũ Anh Đức: Có thể các bạn đã biết, Multimedia Design được ứng dụng rất nhiều trong hoạt động Truyền thông – Quảng cáo, mà mối quan hệ giữa Copywriter và Designer lại vô cùng mật thiết. Vì vậy, tôi đánh giá đây là một bước chuyển ngành thông minh dành cho các bạn trẻ khi chuẩn hành trang nghề nghiệp toàn diện để bước chân vào ngành công công nghiệp sáng tạo. Với xuất phát điểm ban đầu của Copywriter, em sẽ có những thuận lợi nhất định khi chuyển sang Designer. Tôi lấy ví dụ, đồ án cuối Kỳ 1: Graphic Design tại Arena Multimedia yêu cầu học viên làm ra một bộ nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh. Vậy thì với nền tảng Marketing sẵn có, những khái niệm về content, slogan chắc chắn không thể làm khó được em, giờ đây, chúng lại được kết hợp với tư duy thiết kế hiện đại thì chắc chắn sẽ cho ra đời những sản phẩm vừa đẹp mắt lại vừa “bắt trend”.
Q12: Mục tiêu của em là trở thành Creative Director, vậy em nên học ngành nào?
Thầy Nguyễn Lê Duy: Hành trình để trở thành một Creative Director là hành trình không ngừng học hỏi và nỗ lực để hoàn thiện tư chất cá nhân. Tôi từng thấy rất nhiều người học kinh tế, kỹ thuật… nhưng lại ra làm Giám đốc sáng tạo và rất thành công ở cương vị đó. Dĩ nhiên, câu chuyện theo đuổi đam mê của họ cũng xuất phát từ những bậc thang nhỏ như Senior, Junior trước khi đạt được thành tựu lớn. Vậy nên, bạn học ngành nào cũng được, nhưng nếu đã có dự định chạm tới danh xưng này thì hãy sớm “quăng” mình vào môi trường sáng tạo để bạn trải nghiệm, tích lũy và đúc kết kinh nghiệm cho chính bản thân. Học thêm mỹ thuật thiết kế làm nền tảng, không quên trau dồi tri thức để mở mang thế giới quan. Yêu cầu đối với một Creative Director là phải vừa hiểu biết sâu rộng, vừa có con mắt đánh giá thiết kế nhạy bén để đưa ra các định hướng quan trọng cho sự thành công của sản phẩm và dự án. Chúc bạn không nản chí trên con đường chinh phục ước mơ và sớm thực hiện hóa nó.
Q13: Làm thế nào để trở thành một Freelance Designer?
Thầy Nguyễn Lê Duy: Freelance có ưu điểm môi trường làm việc “tự do”, nhưng nó cũng chính là thử thách lớn nhất mà bạn phải vượt qua nếu muốn theo đuổi lâu dài. Chúng ta không bị ai quản lý về mặt giờ giấc, chủ động săn tìm các dự án lý tưởng và đảm bảo deadline công việc. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng nếu không xây dựng được một lộ trình rõ ràng và kỷ luật bản thân thì rất dễ rơi vào bế tắc. Bởi vậy, tôi có lời khuyên đối với các bạn trẻ, trước khi muốn “tự do”, hãy chắc chắn mình có đủ chuyên môn và thái độ nghiêm túc với nghề. Sẽ rất khó trụ vững nếu ngay từ đầu bạn chọn làm Freelancer, thay vào đó, hãy làm việc ở môi trường công ty trước, nơi mọi thứ được thiết lập khoa học và vận hành vô cùng chuyên nghiệp để rút ra bài học quản lý cho chính mình. Thử một vài dự án nho nhỏ rồi chuyển hoàn toàn sang làm thiết kế tự do cũng không quá muộn.
Q14: Em đang học tại Arena Multimedia và dự định sau khi hoàn thành kỳ 1 sẽ xin việc làm, tuy nhiên em chưa có quá nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Vậy em phải làm cách nào để thuyết phục nhà tuyển dụng thưa các thầy?
Thầy Vũ Anh Đức: Bộ phận hỗ trợ việc làm của Arena luôn sẵn sàng lắng nghe nguyện vọng và giúp đỡ các bạn học viên tìm ra vị trí phù hợp với năng lực bản thân. Vì vậy, nếu em đang có dự định tìm việc sau khi hoàn thành học kỳ một, em có thể tham gia Job Arena – Group tuyển dụng uy tín của nhà trường, nơi chúng tôi kết nối và tạo không gian để các doanh nghiệp tiếp cận gần hơn với học viên, mang đến nhiều cơ hội phát triển hấp dẫn. Yêu cầu khi lựa chọn nhân sự của mỗi công ty là hoàn toàn khác nhau, bên cạnh kinh nghiệm, họ còn muốn nhìn thấy sự cầu tiến và mức độ phù hợp của bạn với văn hóa công ty. Nên nhớ, mọi kỹ năng đều có thể rèn luyện, kinh nghiệm có thể tích lũy theo thời gian nhưng ý thức và thái độ là yếu tố đầu tiên bạn buộc phải có. Đừng chần chừ nữa, bạn hãy apply vào vị trí thử việc trước, các cộng sự sẽ giúp bạn tiến bộ và bạn sẽ thấy rằng ai cũng phải bắt đầu từ điểm xuất phát mà tiến lên thôi.
Q15: Em là người đã đi làm rồi thì có cần theo học hết cả 4 học kỳ tại Arena không? Bản thân em đã thích hội họa, thiết kế từ lâu, bây giờ có điều kiện nên em muốn theo đuổi đam mê!
Thầy Vũ Anh Đức: Câu hỏi này tôi nhận được rất nhiều trong quá trình tư vấn các em học sinh, và tôi cũng muốn thẳng thắn chia sẻ rằng học cả bốn kỳ sẽ mở ra rất nhiều cơ hội việc làm cho các bạn. Chúng ta đang sống trong một thời đại không ngừng biến thiên, nên việc trang bị nhiều kiến thức đa phương tiện là vô cùng cần thiết. Lấy ví dụ đơn giản, làm một video quảng cáo giờ đây cũng đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố: từ Graphic Design, Edit Video đến VFX, 2D/3D Animation… nếu bạn không chịu cập nhật kỹ năng mới bạn sẽ tự đào thải chính mình trong guồng quay của ngành sáng tạo.
Chúng tôi xây dựng bốn học kỳ theo cấu trúc vững chãi như một kim tự tháp với những điểm thú vị sau:
– Thứ nhất, Kỳ 1 (Graphic Design) được xem như nền móng kiên cố, tạo tiền đề vững chắc cho ba kỳ học tiếp theo, giúp học viên tiết kiệm được thời gian và tập trung cao độ để rèn luyện kỹ năng thông qua các tiết thực hành.
– Thứ 2, mô hình học tập này cũng tạo đầu ra ngay cho học viên ngay sau khi hoàn thành các kỳ học nhất định. Ví dụ, bạn có thể trở thành Designer, Họa sĩ minh họa, Thiết kế bố cục sau Kỳ I, Web Animator sau Kỳ 2 hay Họa sĩ dựng hình 3D, Sản xuất Game, Biên kịch, Biên tập sau Kỳ 3 và Kỳ 4. Tóm lại, mỗi học kỳ cung cấp một kỹ năng mà theo đó, học viên có thể sử dụng để làm việc và tạo nguồn thu nhập. Không những vậy, sau khi hoàn thành chương trình, người học sẽ biết cách kết hợp nhuần nhuyễn các kỹ năng thiết yếu để phục vụ mọi yêu cầu đến từ khách hàng – Đó là lý do chúng tôi gọi đây là chương trình Đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện – Chương trình giúp người học sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đa dạng từ thị trường trong các lĩnh vực: Truyền thông & Quảng cáo, Sản xuất nội dung kỹ thuật số.
Sau mỗi kỳ học, bạn sẽ thấy tư duy thẩm mỹ tiến bộ thêm một bậc. Đó đều là nhờ vào những kiến thức nền tảng kiên cố mà Arena Multimedia kiên trì bồi đắp cho học viên qua từng giai đoạn.
Q16: Thưa thầy, em đang học ở một trường chuyên môn về Software, vậy nếu học song song cả Multimedia Design thì chúng có bổ trợ gì cho nhau không?
Thầy Vũ Anh Đức: Nếu đã học chuyên về lập trình thì khi chuyển sang Multimedia Design bạn sẽ làm quen được rất nhanh với các phương tiện và công cụ thực hành. Bên cạnh đó, bạn sẽ phải bổ sung thêm kiến thức chuyên môn đồng thời rèn luyện để nâng cao tư duy thẩm mỹ. Thế nhưng, tôi hy vọng em có thể xác định rõ công việc mình muốn theo đuổi sau này là gì, bởi nếu bạn thích Software thì không nhất thiết phải học thiết kế, nó có bổ trợ nhưng không phải mấu chốt. Còn nếu bạn muốn đi theo lĩnh vực Multimedia Designer, chào mừng bạn đến với cộng đồng sáng tạo Arena và tiếp tục khám phá hành trình của đồ họa, 3D Game, Animation.
Q17: Em đang là sinh viên Đại học năm 4 và muốn chuyển sang ngành Multimedia Design, như vậy liệu có quá trễ hãy không?
Thầy Vũ Anh Đức: Học viên của Arena Multimedia đến từ rất nhiều ngã rẽ khác nhau, có bạn vừa tốt nghiệp THPT, có bạn học song song hai trường và có cả những bạn sau khi tốt nghiệp thì quyết định chuyển ngành và gia nhập vào cộng đồng sáng tạo của chúng tôi. Sau rất nhiều năm đồng hành với học viên, tôi nhận ra đa số lý do chuyển ngành là bởi các em cảm thấy không phù hợp với quyết định ban đầu, để rồi giờ đây chấp nhận chậm hơn những người khác để được sống với đam mê thực sự. Tôi phải khẳng định lại rằng, Multimedia Design hiện tại là một trong số những lĩnh vực được săn đón, và câu chuyện tìm kiếm nhân sự đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp chưa bao giờ là đủ, bởi vậy nếu bạn cố gắng, biết quý trọng thời gian và công sức thì bạn sẽ thành công với quyết định chuyển ngành của mình.
Q18: Làm sao để biết chắc chắn đam mê của mình là gì thưa thầy?
Thầy Đinh Trí Dũng: Đam mê là một khái niệm không đồng nhất mà chúng ta phải mất rất nhiều thời gian mới có thể tìm thấy câu trả lời cho riêng mình. Trước khi biết chắc chắn điều mình đam mê, tại sao bạn không đi tìm câu trả lời cho câu hỏi dễ hơn: Mình thích cái gì? Tôi hay khuyên các bạn học viên rằng, mỗi chúng ta đều có 24h giống nhau, nếu có thứ gì khiến bạn ưu tiên dành nhiều thời gian hơn cho nó, trở thành thói quan mà lặp đi lặp lại điều đó hằng ngày thì có nghĩa bạn hứng thú với nó nhiều hơn bạn nghĩ đấy. Vì vậy, trước tiên hãy tìm ra thứ bản thân thích trước, sau đó theo đuổi sở thích đó xem sao. Rồi từ sở thích sẽ biến thành hành động, từ hành động biến thành đam mê, tôi tin là như vậy.
Thấu hiểu những trở ngại mà các bạn trẻ đang gặp phải khi tiếp cận và tìm kiếm thông tin về Mỹ thuật Đa phương tiện, Workshop: Trò chuyện & Giải đáp ngành Multimedia Design là sự kiện nằm trong chuỗi chương trình tọa đàm trực tuyến do Arena xây dựng nội dung. Hy vọng rằng, thông qua những chia sẻ đến từ ba vị chuyên gia, sẽ giúp các bậc phụ huynh cùng các em học sinh phần nào gỡ được nút thắt về vấn đề: Nên chọn nghề nghiệp như thế nào cho phù hợp giữa bối cảnh “bình thường mới”? Hẹn gặp lại các bạn trong những số tiếp theo, với sự tham gia của rất nhiều gương mặt khách mời nổi tiếng của ngành công nghiệp sáng tạo cùng vô vàn chủ đề hấp dẫn không thể bỏ qua.
Bài viết: TMT, Giang Hoàng, Nam Đinh
Thiết kế: Nguyên Lê, Khải Nguyễn
Để được tư vấn về chương trình đào tạo tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh Arena Multimedia cơ sở gần nhất để được giải đáp:
TP.HCM:
– 212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3
Tel: 1800 1525
Email: [email protected]
– 778/10 Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận
Tel: 1800 6325
Email: [email protected]
– 06 Tân Kỳ Tân Quý, P. 15, Q. Tân Bình
Tel: 1800 2074
Email: [email protected]
HÀ NỘI:
– 80 Trúc Khê, Q. Đống Đa
Tel: 1800 1542
Email: [email protected]
– D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
Tel: 1800 1542
Email: [email protected]
– 110 Trần Phú, Q. Hà Đông
Tel: 1800 1542
Email: [email protected]
Website: https://www.arena-multimedia.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/arena.multimedia.vn
Instagram: https://www.instagram.com/arena.multimedia/