Vào ngày 20.8 vừa qua, Workshop Online: Trò chuyện & Giải đáp về ngành Multimedia Design đã thu hút hàng hàng trăm bạn trẻ quan tâm theo dõi. Chương trình được dẫn dắt bởi anh Đinh Trí Dũng – Brand Manager (Arena Multimedia), cùng sự góp mặt của hai vị khách mời đặc biệt: ThS. Vũ Anh Đức – Giám đốc Đào tạo (Arena Multimedia), ThS. Nguyễn Lê Duy – Giảng viên Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và thỉnh giảng nhiều trường ĐH khác, kiêm Giám đốc sáng tạo công ty Greenway.
Tại đây, họ đã cùng nhau bàn luận và chia sẻ những góc nhìn đa chiều về Mỹ thuật Đa phương tiện, đưa ra lời khuyên giúp các em học sinh đang đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn ngành nghề tìm thấy con đường phát triển phù hợp. Bên cạnh đó, nội dung Workshop cũng tập trung làm rõ các chương trình đào tạo liên quan đến Multimedia Design ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời dựng lên một bức tranh toàn cảnh về thị trường việc làm trong lĩnh vực Thiết kế – Sáng tạo. Mời các bạn cùng Arena khám phá phần đầu tiên của Workshop qua cuộc đối thoại giữa ba vị chuyên gia để tiến sâu hơn vào “địa hạt” ngành Multimedia Design.
Anh Đinh Trí Dũng: Hiện nay các bạn trẻ tìm các khóa học Thiết kế thường lạc vào trong mê cung các khái niệm và khoá học như như Thiết kế Đồ hoạ,
– Thiết kế Mỹ thuật Đa phương tiện,
– Thiết kế Mỹ thuật số,
– Nghệ thuật số,
– Truyền thông Đa phương tiện,
– Công nghệ truyền thông hay
– Quản trị công nghệ truyền thông,…
Chúng ta bắt đầu với những khái niệm “basic” nhất: Thiết kế đồ họa (Graphic Design), một chuyên ngành được đào tạo khá sớm bởi trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp. Thiết kế đồ họa là nghệ thuật hoặc nghề tạo nên các sản phẩm truyền thông thị giác; kết hợp hình ảnh, ngôn từ và ý tưởng để truyền tải thông tin đến khán giả, đặc biệt là để tạo ra một hiệu ứng cụ thể. Nói cách khác, thiết kế đồ họa là thiết kế truyền thông; Đó là một cách truyền đạt ý tưởng thông qua hình ảnh và thiết kế.
Đầu những năm 2000, khi Internet có tốc độ và băng thông ngày càng cao đã tạo ra một cuộc cách mạng về các kênh truyền dẫn thông tin (Websites, Blogs, Youtube, Social Media) thì các định dạng media mới như Video, Motion Graphic, Animation, Game,… cũng dần phát triển. Kèm theo đó việc phổ cập thiết bị đầu cuối để tiêu thụ media như TV, PC, Laptop, Tablet, Smart Phones, Gaming Console,… đã khiến việc trao đổi, phát và tiêu thụ các nội dung số tăng nhanh một cách chóng mặt. Với những người làm nghề Thiết kế, một khái niệm mới ra đời. Đó là Multimedia Design.
Multimedia Design đã được Arena Multimedia, một thương hiệu nhượng quyền của tập đoàn Aptech (Ấn Độ) đưa vào Việt Năm từ năm 2004 với một khái niệm đã được Việt hoá là Thiết kế “Mỹ thuật Đa phương tiện”. Theo đó, Mỹ thuật Đa phương tiện là thuật ngữ chỉ việc ứng dụng các phần mềm và công cụ máy tính trong việc sáng tạo, thiết kế những sản phẩm có tính thông tin, truyền thông, tích hợp nhiều yếu tố truyền tải tin bao gồm: văn bản (text), dữ liệu (data), đồ hoạ (graphics, animation), ảnh (images), âm thanh (sound), phim (video)…
Hiểu đơn giản, Mỹ thuật Đa phương tiện là sự kết hợp giữa óc sáng tạo và công nghệ, phục vụ cho ngành truyền thông, quảng cáo, giáo dục, giải trí… đáp ứng nhu cầu nghe, nhìn, cảm nhận, tương tác của con người. Sản phẩm của ngành hiện hữu mọi lúc, mọi nơi trong cuộc sống: từ vỏ bao bì, mẫu mã sản phẩm, sách báo tạp chí… đến các quảng cáo, phim truyện, ảnh, website, game, hoạt hình.
5-7 năm trở lại gần đây, tốc độ phát triển ngày càng mạnh mẽ của các lĩnh vực liên quan đến Multimedia Design và những ngã rẽ nhỏ hơn của nó, kèm theo trào lưu của người học đã làm nảy nở các khóa học ngắn hạn từ các trung tâm. Và các trường đại học, cao đẳng cũng không bỏ qua “hot trend” này. Liên tục các mã ngành tuyển sinh mới được ra đời. Bên cạnh Thiết kế Đồ hoạ (Mã ngành Tuyển sinh 7210403) đã xuất hiện khá phong phú các mã ngành nghề khác như Thiết kế Mỹ thuật số (7210407), Nghệ thuật số (7210408), Truyền thông Đa phương tiện (7320104), Công nghệ Truyền thông (7320106), Quản trị Công nghệ Truyền thông (7340410).
Thưa ThS. Nguyễn Lê Duy, theo anh trong một mê hồn trận các khái niệm về ngành nghề liên quan đến Thiết kế như vậy thì anh có lời khuyên nào cho các em học sinh vừa tốt nghiệp THPT không? Làm thế nào để chọn ngành học cho đúng và trúng?
Thầy Nguyễn Lê Duy: Đây là câu hỏi mà tôi khó có thể đưa câu trả lời chính xác cho các bạn. Trước khi đặt câu hỏi về việc chọn ngành thì đầu tiên, các bạn cần tìm hiểu thông tin dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, đơn cử như sở thích của bạn và đôi khi là những góc nhìn, quan điểm của bạn về nghề nghiệp ở hiện tại và tương lai. Có bạn thích làm việc với thương hiệu, có bạn đam mê làm phim, còn có bạn lại chỉ thích thiết kế minh họa bìa sách. Vì thế, chúng ta phải tìm hiểu rõ về ngành học của mình, môi trường học ra sao hay tương lai ngành sẽ phát triển như thế nào?
Ở trong một xã hội đầy biến động và thay đổi liên tục, tôi chỉ có một lời khuyên dành cho các bạn, đó là phải tìm hiểu và thích trước đã. Từ việc bạn có hứng thú với điều gì đó, hãy tìm ra lý do vì sao bạn lại thích nó và bạn sẽ làm gì với nó. Khi đó, bạn sẽ biết việc học chuyên ngành nào sẽ giúp bạn hiện thực hóa những điều đó. Bên cạnh đó, bạn cần tránh việc chọn ngành học theo xu hướng, điều đó không hẳn là sai nhưng nó lại thể hiện việc bạn đang chạy theo số đông chứ không tìm hiểu sâu vào ngành học của mình.
Thầy Vũ Anh Đức: Hiện nay, có rất nhiều ngành kết hợp với chữ Đa phương tiện như Truyền thông Đa phương tiện, Mỹ thuật Đa phương tiện, Thiết kế Mỹ thuật Đa phương tiện, v.v… Vì thế, chúng ta cần tách ra những ngành tiêu biểu có quy chuẩn cụ thể và rõ ràng. Các bạn hãy để ý đến các từ khoá chính xuất hiện trong tên ngành học: Art (Nghệ thuật) – Design (Thiết kế) – Communication (Truyền thông). Ví dụ khi nói về Art, vậy như thế nào là Art? Đó là làm về nghệ thuật. Những người làm nghệ thuật khác với những người làm Design thế nào? Còn những người làm truyền thông thì nằm trong lĩnh vực Marketing. Ba lĩnh vực này hoàn toàn khác nhau.
– Art (Nghệ thuật): Thể hiện những góc nhìn cá nhân của người nghệ sĩ về cuộc sống hay vấn đề nào đó thông qua một tác phẩm nghệ thuật. Tính cá nhân, cái tôi của người Nghệ sĩ thông qua tác phẩm được đẩy lên cao.
– Design (Thiết kế): Giải pháp về mặt thị giác (visual) để giải quyết một vấn đề nào đó theo đơn đặt hàng của khách hàng, phục mục đích truyền thông một thông điệp nào đó, nhằm tác động đến hành vi, suy nghĩ của đối tượng mục tiêu.
– Communication (Truyền thông): Thiết lập những giải pháp về truyền thông với những chất liệu có sẵn (text, voice, video, design, photo,…), kèm theo các giải pháp về kênh dẫn (media) như radio, outdoor, TV, Social, … Thời điểm và nhóm đối tượng cũng như mục đích truyền thông là những yếu tố quan trọng được cân nhắc trong quá trình lập kế hoạch và triển khai.
Ngoài ra chúng ta đã nhắc đến các môi trường truyền thông:
– Digital (Số): Ám chỉ môi trường truyền thông tác phẩm (Thiết kế hoặc Nghệ thuật) là môi trường số trên Internet, các file điện tử, không sờ nắm được. Khán giả sẽ thấy các tác phẩm trên thiết bị đầu cuối mà cần phải có năng lượng điện mới thể hiện được như Máy tính, màn hình TV, Điện thoại, các thiết bị cầm tay, mand hình LED.
– Multimedia (Đa phương tiện): Là khái niệm bao trùm việc sử dụng một hay nhiều media khác nhau như hình ảnh, âm thanh, nhạc, chữ, video, animation,… để phục vụ mục đích quảng cáo, truyền thông, giáo dục, giải trí.
Như vậy các bạn có thể phân tách tên các ngành học ra những từ khoá riêng biệt như trên để hiểu bản chất ngành học mình định theo đuổi, và có thể dễ dàng so sánh chúng với nhau. Hoặc ghép tên 2 khái niệm bất kỳ để hình dung ra một ngành học nào đó.
Nếu Multimedia đứng riêng sẽ trực thuộc ngành Multimedia Communication, khi học ngành này, bạn sẽ là người nghiên cứu phương án, phương thức truyền thông, không liên quan gì đến thiết kế. Nhưng Multimedia ghép với Design (Multimedia Design) sẽ là ngành Thiết kế Mỹ thuật Đa phương tiện. Một ví dụ khác, với Digital Art bạn dựa vào kỹ thuật số để truyền tải nghệ thuật cảm hứng của bản thân, trong khi Traditional Art là những môn thuộc về điêu khắc hay hội họa,…
Anh Đinh Trí Dũng: Graphic Design (Thiết kế đồ họa) và Multimedia Design (Mỹ thuật Đa phương tiện) là hai khái niệm tương đối truyền thống. Graphic Design là khái niệm của các trường đào tạo truyền thống như đại học Mỹ thuật công nghiệp. Còn Multimedia Design là do Arena đưa vào Việt Nam năm 2004 đã được Việt hóa thành Mỹ thuật Đa phương tiện. Thầy Vũ Anh Đức có bổ sung thêm điều gì vào định nghĩa này không?
Thầy Vũ Anh Đức: Việt hóa chính xác của “Multimedia Design” phải là “Thiết kế mỹ thuật Truyền thông Đa phương tiện”, nhưng vì cái tên này hơi dài nên chúng ta cũng như nhiều nơi khác có thể rút ngắn lại thành Mỹ thuật Đa phương tiện. Tuy nhiên, bạn vẫn cần phải hiểu đúng đây là ngành thuộc về Thiết kế chứ không phải về Truyền thông báo chí.
Anh Đinh Trí Dũng: Trường Mỹ thuật Công nghiệp được xem như “thủy tổ” của ngành Thiết kế Đồ họa, bản thân anh Duy cũng nhận thấy sự biến chuyển của thời cuộc khi các ngành về Thiết kế dần dần có sự đan xen của yếu tố Digital. Vậy trường Mỹ thuật Công nghiệp đã có những tiếp nhận như thế nào khi khái niệm “Multimedia Design” du nhập vào Việt Nam, thưa anh?
Thầy Nguyễn Lê Duy: Khi ngành Multimedia Design “du nhập” vào Việt Nam, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cũng đã có sự tiếp cận và dịch chuyển theo dòng chảy. Tuy nhiên, sự thay đổi của chúng tôi cũng có sự khác biệt, đó là dựa trên cái nền tảng Graphic Design ban đầu. Ở trên, anh Đức phân tích về định nghĩa của Design và Art rất chính xác. Đại học Mỹ thuật công nghiệp chủ yếu đào tạo thiên về phần Art, nhưng cùng với sự hội nhập thì Art ở đây sẽ không chỉ mang tính cá nhân của một người nghệ sĩ nữa mà còn phải có tính ứng dụng cao.
Hiện nay, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp chưa có ngành Mỹ thuật Đa phương tiện, nhưng bản thân cách làm việc, cách đào tạo, tư duy cũng đã định hướng người học theo xu hướng như thế. Sự xâm nhập của Digital là điều không thể tránh khỏi và các trường đào tạo về ngành này đều phải ghi nhận về sự phát triển của nó.
Anh Đinh Trí Dũng: Sau khi học Multimedia Design, gia tài của học viên khi ra trường sẽ có những gì?
Thầy Vũ Anh Đức: Sau khi hoàn thành xong chương trình tại Arena Multimedia qua 4 học kỳ, bạn sẽ có trong tay 5 sản phẩm đồ án lớn cùng rất nhiều các sản phẩm nhỏ. Bạn có thể xem trên website những đồ án hay project của học viên. Đó là sản phẩm sẽ đưa vào Portfolio ứng tuyển lớn nhất của các bạn. Tuyển dụng Multimedia Designer thường sẽ có hai vòng: vòng 1, bộ phận chuyên môn (phụ trách thiết kế) sẽ “rì-viu” là CV, Portfolio của bạn. Đặc biết đối với các vị trí Thiết kế thì Portfolio là một yếu tố không thể thiếu; và vòng 2 là phỏng vấn (và một bài test nhỏ). Các sản phẩm đồ án tốt của các bạn ở trường sẽ giúp bạn vượt qua vòng 1 về CV và Portfolio.
Ngoài ra, việc sở hữu những đồ án tốt cũng đồng nghĩa với cơ hội trúng tuyển vào công việc mơ ước của các bạn là trên 90%. Quá trình học tại Arena Multimedia có thể nói là tương đối nặng vì một kỳ học tương đương 7 tháng mà bạn sẽ phải hoàn thành bao gồm cả đồ án cuối kỳ. Tuy nhiên, đây là điều được nhiều hơn mất vì việc học liên tục để hoàn thành được tiêu chí của chương trình sẽ giúp các bạn phần nào bước đầu làm quen với với áp lực công việc khi đi làm.
Anh Đinh Trí Dũng: Xin anh Đức vui lòng giải thích cho các bậc phụ huynh và bạn trẻ hiểu, tại sao chỉ trong một thời gian ngắn mà học viên Arena lại có thể cho ra đời đến 5 đồ án lớn, dù bị mang tiếng là học rất sơ sài, chỉ học 3 buổi 1 tuần và học ôm đồm rất nhiều môn khác nhau?
Thầy Vũ Anh Đức: Chúng ta phải nhìn rộng ra thế giới. Thực tế không có trường nào đào tạo về Thiết kế lâu như Việt Nam cả (4-5 năm). Ngay cả người học lấy bằng Thạc sĩ cũng chỉ mất 2 năm. Khi tôi học ĐH Monash (Úc) cũng chỉ mất 2 năm với chương trình cũng đầy đủ như Arena. Vì thế, chương trình học của Arena Multimedia được thiết kế theo quy chuẩn quốc tế. Trong đó, có 3 yếu tố để các bạn có thể phát triển được:
Thứ nhất, như các trường nước ngoài, Arena không dạy các môn không liên quan đến chuyên ngành và nghề. Ví dụ như tiếng Anh, các bạn học tiếng Anh trong trường Đại học thực chất không tốt bằng bỏ tiền ra học bên ngoài. Đại học cũng có những môn về thể dục, thể thao, nếu cảm thấy thể lực yếu và ý thức được được sức khỏe của bản thân, bạn có thể chạy bộ ở bên ngoài hoặc đăng ký phòng gym luyện tập, điều đó sẽ hiệu quả hơn nhiều. Đó là lý do mà Arena cũng tập trung vào việc đào tạo kỹ năng để các bạn có thể phát triển về nghề, làm nghề tốt hơn, loại bỏ những môn không cần thiết để tiết kiệm thời gian cho các bạn. Chương trình quốc tế mà tôi từng học ở Úc cũng có rất nhiều điểm tương đồng với Arena. Đó là sự tự do để nghiên cứu, phát triển và nâng cấp bản thân. Ngoài ra, nhà trường cũng sẽ gợi ý những quyển sách, kênh truyền thông, Youtube để bạn bồi dưỡng vốn tri thức ngoài liên quan đến lịch sử, văn hóa.
Thứ hai, chương trình Arena sẽ có những môn học lý thuyết về kiến thức chuyên môn. Các môn lý thuyết sẽ chiếm một nửa thời gian so với thực hành. Có ba yếu tố trong quá trình học để đảm bảo rằng bạn vẫn có đủ thời gian làm đồ án. Đó là phương pháp học để bạn có thể tự mình phát triển bản thân, cũng như những kỹ năng, kiến thức về màu sắc, chữ, tư duy thiết kế, v.v… Bên cạnh việc dạy và học cũng phải có phương pháp để khơi gợi cho các bạn tự nghiên cứu thêm ngoài giờ. Cũng giống như các Design College / Uni ở nước ngoài, giảng viên sẽ đưa ra bài tập và để bạn phải tự mày mò, tự tìm ra giải pháp trước khi nhận sự giúp đỡ từ người khác.
Thứ ba, đó là làm sao để hoàn thiện kỹ năng sử dụng công cụ phần mềm, để khi có ý tưởng và kiến thức nền, chúng ta sẽ sử dụng những công cụ để giải quyết những “bài toán” đó. Ở Arena cho phép bạn học ba kỹ năng cùng một lúc, dù phải học trong thời gian ngắn nhưng chúng ta phải luôn cố gắng hoàn thiện bản thân chứ không thể vừa học vừa chơi được. Vì vậy, khi đã học hỏi và trang bị cho mình những kỹ năng đó thì trong khoảng thời gian làm đồ án, bạn sẽ có khả năng thích nghi và hoàn thành tốt thử thách cuối cùng để kết thúc học kỳ. Chính vì thế, phần lớn đồ án ở Arena được hoàn thiện rất đầy đủ, bài bản và chất lượng tốt.
Anh Đinh Trí Dũng: Có vẻ như Arena Multimedia gây sức ép hơi quá cho học viên đúng không, thưa anh?
Thầy Vũ Anh Đức: Không phải là kiểu gây sức ép, cũng giống như chúng ta thấy môi trường học tập tại nước ngoài rất tự do và thoải mái. Tuy nhiên, môi trường đó đồng thời cũng giúp cho người học cảm thấy có sự trách nhiệm với sản phẩm của mình khi làm việc cá nhân cũng như làm việc nhóm. Còn việc học thế nào là sự quyết định của mỗi môi trường. Mỗi người có sở thích riêng và chúng ta cần tìm ra những điều phù hợp với bản thân mình. Dù tự do nhưng đến cuối cùng, sản phẩm được gò vào một quy chuẩn quốc tế và người học rất có trách nhiệm và ý thức tự giác với bài tập của mình. Arena đảm bảo có sự hỗ trợ đầy đủ nhất về cơ sở vật chất, tài nguyên học tập, tài liệu để tự nghiên cứu thêm và sự dẫn dắt của đội ngũ giảng viên dày dạn kinh nghiệm “trận mạc”.
Ở môi trường quốc tế, nếu bạn cảm thấy môn đó mình có thể tự học, bạn có thể đề xuất với trường yêu cầu về việc không cần phải lên lớp, khi đó, nhà trường cũng sẽ xem xét và đồng ý với đề xuất của bạn. Tuy nhiên, bạn vẫn phải hoàn thành bài tập môn và khi thi cuối kỳ nếu không đủ điểm, bạn vẫn có thể bị đánh trượt như bình thường. Có thể nói, những môi trường học như thế dù rất thoải mái trong cách học nhưng họ lại rất nghiêm khắc về trách nhiệm cuối cùng của học viên với bài tập của mình. Nhưng suy cho cùng thì nhà trường cũng chỉ khơi gợi các học cho chúng ta mà thôi, còn lại bạn sẽ phải tự tìm cho mình phương pháp học hiệu quả nhất. Bản thân Arena Multimedia cũng chưa đạt được đến như thế nhưng chương trình quốc tế của chúng tôi khi được đưa về từ Ấn Độ đã học hỏi và áp dụng phần nào từ môi trường giáo dục ở Châu Âu. Từ đó, chúng tôi hoạch định lại và đưa ra một chương trình phù hợp nhất cho người học tại Việt Nam.
Anh Đinh Trí Dũng: Thầy Duy từng giảng dạy ở rất nhiều trường như Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học FPT, Đại học Greenwich và cả Arena Multimedia. Vừa là người trong vừa là người ngoài, thầy nhận thấy những điểm thú vị của môi trường đào tạo ở Arena Multimedia là gì?
Thầy Nguyễn Lê Duy: Thực tế thì mỗi môi trường đào tạo đều những nét riêng biệt và việc so sánh các môi trường đào tạo với nhau cũng có những sự khập khiễng nhất định. Bởi vì đôi khi mục tiêu đào tạo, nền tảng cũng như đối tượng hướng tới ở mỗi môi trường đều có sự khác biệt. Còn nếu thu hẹp góc độ về Arena thì cá nhân tôi thấy Arena là một môi trường khá đặc biệt. Đó là chất lượng tốt đến bất ngờ trong các đồ án mà tôi tham gia phản biện cũng như bảo vệ cùng các học viên của mình. Khi đó, tôi đã tự đặt câu hỏi trong đầu rằng: Vì sao trong một khoảng thời gian ngắn như thế mà các bạn có thể đạt được chất lượng như vậy? Và khi đi tìm câu trả lời, tôi đã phát hiện ra phương pháp “đào tạo thực chiến” được Arena áp dụng trong quá trình giảng dạy.
Thực chiến ở đây là xây dựng con người ở cái góc nhìn đa chiều, có tính tự do, không chỉ làm chủ sự sáng tạo của mình mà còn phải có trách nhiệm với nó như anh Đức vừa nói. Và có lẽ chính vì thế, khi chúng ta tập trung vào những mục tiêu nhỏ, chúng ta sẽ đạt được những giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, tôi cũng phát hiện ra rằng biên độ tuổi học viên tại Arena khá rộng, có những em học sinh vừa tốt nghiệp THPT đã vào học luôn mà học tiếp thu rất tốt và hiệu quả, ngoài ra cũng có những bạn có khi còn hơn tuổi tôi cũng đi học thêm để bổ trợ cho công việc. Môi trường rất đa dạng về nguồn gốc, đặc điểm của người học khiến cho Arena trở thành hệ sinh thái khá đa dạng, muôn màu và do đó học viên có thể học hỏi từ nhau cũng rất nhiều.
Anh Đinh Trí Dũng: Hiện nay trên website của Arena Multimedia có đến hơn 700 projects với 5 thể loại (Bộ nhận diện Thương hiệu / Thiết kế Website thương mại / Phim ngắn / Game Character / Hoạt hình 3D). 4.000 học viên đang theo học tại 6 cơ sở ở TPHCM và Hà Nội với 170 lớp liên tục bảo vệ đồ án từ tháng này qua tháng khác và từ năm này qua năm khác. Làm sao mà Bộ phận Đào tạo, đội ngũ giảng viên và học viên có thể duy trì hay thậm chí là nâng cao dần sự chất lượng đồ án với guồng quay nhanh như thế?
Thầy Vũ Anh Đức Đức: Chỉ có thể diễn tả bằng một từ – “lịch sử”. Các ngôi trường thường trưng bày những sản phẩm để đời của các thế hệ trước để những thế hệ sau có thể học hỏi, khơi gợi cảm hứng mạnh mẽ hơn. Chỉ khi tham khảo những sản phẩm đồ án cùng trang lứa, cùng đối tượng và cùng thời gian học thì người ta mới có được sự so sánh hợp lý, từ đó phấn đấu và phát triển để vượt qua. Và may mắn là các bạn trẻ về sau đều có sự khát vọng và cố gắng hơn. Theo tôi nhìn nhận, càng về sau thì chúng ta càng có những sản phẩm đồ án chất lượng hơn. Điều đó dựa trên những đóng góp của các anh chị trước, những thế hệ kiệt xuất ngày trước đã trở thành tấm gương để các bạn trẻ noi theo.
Anh Đinh Trí Dũng: Tôi sẽ gọi tên và mong các anh diễn giải nhanh các ngành học liên quan đến Mỹ thuật Đa phương tiện mà các bạn 2K3 đang quan tâm nhé!
– Thiết kế đồ họa (7210403)
Thầy Nguyễn Lê Duy: Ngành thiết kế đồ họa được học khá rộng về tất cả vấn đề liên quan đến thiết kế 2D, và vẫn đang được cập nhật dần dần các học phần khác để bắt kịp xu hướng của thời đại.
– Thiết kế mỹ thuật số (7210407)
Thầy Vũ Anh Đức: Lai giữa Multimedia Design với Multimedia phục vụ cho các nghệ sĩ, tương tự với Digital Art.
– Nghệ thuật số (7210408)
Thầy Nguyễn Lê Duy: Là Digital Art, học về những công cụ kỹ thuật số dành cho các nghệ sĩ thực hiện tác phẩm. Ví dụ như in 3D, khắc laser, tạo khói, chiếu đa chiều hologram, điêu khắc 3D…
– Truyền thông đa phương tiện (7320104)
Thầy Vũ Anh Đức: Thực chất là Multimedia Communication phục vụ cho về quảng cáo, truyền thông, báo chí. Không liên quan đến thiết kế.
– Công nghệ truyền thông (7320106)
Thầy Nguyễn Lê Duy: Đào tạo về công nghệ chứ không phải về thiết kế và truyền thông.
– Quản trị công nghệ truyền thông (7340410)
Thầy Nguyễn Lê Duy: Theo tôi nghĩ đây là ngành đào tạo những người quản lý, xét duyệt các hoạt động liên quan đến luật, hành chính, và dùng kỹ năng quản trị để phát triển các hoạt động kinh doanh dựa trên các sản phẩm media.
Anh Đinh Trí Dũng: Các anh có những lời khuyên để các em học sinh THPT có thể chọn ngành, chọn trường thích hợp trong vô vàn các lựa chọn như thế?
Thầy Nguyễn Lê Duy: Điều này phụ thuộc vào môi trường cũng như những thông tin mà mình tiếp cận. Môi trường sẽ hình thành nên đam mê, sở thích của mỗi chúng ta. Và đôi khi cũng có những bạn chọn ngành vì gia đình và bố mẹ mong muốn hoặc anh chị em dẫn dắt. Do đó, dù có bất kỳ yếu tố dù là nhỏ nhất xuất hiện đủ ảnh hưởng đến quyết định chọn ngành, chọn nghề, chúng ta cũng cần nhìn vào không chỉ chiều rộng mà cả chiều sâu. Rộng ở đây là chúng ta cần phải hiểu ngành đó nằm trong môi trường công việc như thế nào? Hiện tại ngành này đang ra sao và tương lai sẽ phát triển đến đâu. Còn chiều sâu chính là chúng ta cần biết mình sẽ được đào tạo qua những môn học nào? Về chương trình đào tạo, chúng ta nên đặt câu hỏi cho những chuyên gia trong lĩnh vực mình tìm hiểu hoặc tìm những thông tin từ các cựu học viên/sinh viên để có lời khuyên phù hợp. Từ đó, định hướng của bạn trong việc chọn ngành, chọn nghề đã có tính hợp lý hơn chứ không phải theo cảm xúc nhất thời hay theo số đông. Chỉ khi tìm hiểu một cách nghiêm túc, có lộ trình và bài bản, bạn mới có thể biến đam mê thành công cụ và phương tiện giúp mình không chỉ thành danh với sự nghiệp mà còn có một chỗ đứng, vị trí nhất định trong xã hội.
Thầy Vũ Anh Đức: Khi lựa chọn theo đuổi ngành Thiết kế và Nghệ thuật nói chung, các bạn cần lưu ý rằng, thứ nhất, nghề này không thể dùng quan hệ để kiếm việc được. Bạn phải đứng trên chính đôi chân của mình, vì tên của bạn luôn được gắn liền với tác phẩm, và nó rất trực quan. Khi chọn nghề này, không gì có thể chống lưng hay bảo lãnh cho bạn được, kể cả khi gia đình bạn có quan hệ, nếu bạn không có khả năng thì sẽ rất khó khăn trong quá trình làm việc. Vì thế, để theo đuổi ngành này, chúng ta cần phải xác định tâm thế là chỉ có một mình để giữ vững lập trường chọn nghề. Thứ hai, trong ngành này, từ nghệ thuật tới art cho đến design thiết kế ứng dụng đều liên quan đến nhau cả. Tất cả đều có sự đan xen và quan trọng nhất là chúng ta phải tự khẳng định bản thân mình, nhận thức đúng về nghề cũng như quyết tâm theo nghề. Các lĩnh vực như nghệ thuật hay thiết kế ứng dụng được sinh ra để làm đẹp cho cuộc sống. Vì thế, nếu mong muốn làm đẹp cho đời thì khi theo nghề này, chắc chắn các bạn sẽ tạo ra được những giá trị tốt đẹp cho xã hội và cộng đồng.
Anh Đinh Trí Dũng: Có nhiều ý kiến của các bạn trẻ cho rằng: “Em không học Arena vì học Arena để làm thợ, giống như là công nhân thiết kế. Em phải học đại học để em trở thành thầy”. Các anh nhìn nhận quan điểm này như thế nào?
Thầy Vũ Anh Đức: Chúng ta đã quá quen với tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” ở hầu hết các ngành nghề tại Việt Nam. Tuy nhiên nghề thiết kế không chia khái niệm tách bạch như thế, mình dùng khái niệm của nghề khác áp vào nghề thiết kế là không hợp lý. Trong ngành công nghiệp Sáng tạo, tất cả Designer đều có thể được gọi là công nhân cả, trừ Art Director, Manager, CEO là quản lý. Về cơ bản, mỗi vai trò của một người làm về thiết kế đều là thợ hết, quan trọng ở đây là thợ nhiều kinh nghiệm sẽ lên thầy, thợ tốt sẽ lên quản lý, quản lý nhóm thợ tốt thì sẽ lên quản lý nhiều nhóm thợ khác. Thầy hay thợ còn liên quan đến kiến thức nghề của các bạn. Không phải đơn giản các bạn chỉ nghĩ là thợ ngày ngày chỉ chỉnh sửa vài cái ảnh, kéo sáng hay photoshop.
Khi gia nhập lĩnh vực công nghiệp Sáng tạo thì phần lớn các bạn sẽ tham gia với vai trò là một Designer, một người thợ. Nói thật ra, mình học ra cũng chỉ để kiếm việc mà làm việc là người thợ rồi chứ chẳng ai ra đời sẽ lên hàng chuyên gia chỉ bảo người khác cả. Vì thế, khái niệm “thầy – thợ” áp vào lĩnh vực thiết kế sẽ không phù hợp, chúng ta cần thay đổi tư duy ấy để tồn tại và phát triển với nghề với nghề. Thợ tốt sẽ dần lên làm thầy. Nhiều thợ lâu năm trong nghề, có uy tín, tầm ảnh hưởng, được nhiều người tôn trọng đã được mời về Arena để làm thầy giáo, dẫn dắt và truyền cảm hứng cho các thế hệ sau.
Thầy Nguyễn Lê Duy: Học trường nào cũng vậy thôi, riêng về thiết kế thì cũng không có cái gì học ra rồi làm thợ, thầy hay lãnh đạo ngay cả. Nghề này đều bắt đầu từ đôi bàn tay và trí tuệ của mình. Chúng ta có thể vận dụng sự nhạy bén, sáng tạo tư duy, nghệ thuật ứng dụng vào kinh doanh về tài chính của các bạn chẳng hạn. Học ra làm cái gì là nằm trong dự định, mục tiêu của mình chứ không phải là cái trường đấy đào tạo ra để làm việc đó. Bất kỳ môi trường nào đào tạo nào cũng đem đến kiến thức nền tảng, nền móng và bạn xây được một ngôi nhà, một biệt thự hay một túp lều tranh đều phụ thuộc vào bạn.
Giữa ma trận thông tin về ngành Multimedia Design, những trao đổi của ba vị chuyên gia đã phần nào tái định nghĩa lại cho lĩnh vực từng bị gắn mác “xu hướng nhất thời” này trở thành một trong số các ngành nghề đang phát triển ổn định nhất giữa cơn bão đại dịch. Theo đó, các đúc kết có được trong phần 1 của Workshop chính là bước đệm cho những chia sẻ sâu hơn về chuyện chọn ngành chọn nghề sắp được bật mí ở “Phần 2: Bước đi đúng hướng trên lộ trình tiến vào ngành công nghiệp Sáng tạo.”
(Còn tiếp)
Bài viết: TMT, Giang Hoàng, Nam Đinh
Thiết kế: Nguyên Lê, Khải Nguyễn
Để được tư vấn về chương trình đào tạo tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh Arena Multimedia cơ sở gần nhất để được giải đáp:
TP.HCM:
– 212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Q.3
Tel: 1800 1525
Email: [email protected]
– 778/10 Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận
Tel: 1800 6325
Email: [email protected]
– 06 Tân Kỳ Tân Quý, P. 15, Q. Tân Bình
Tel: 1800 2074
Email: [email protected]
HÀ NỘI:
– 80 Trúc Khê, Q. Đống Đa
Tel: 1800 1542
Email: [email protected]
– D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
Tel: 1800 1542
Email: [email protected]
– 110 Trần Phú, Q. Hà Đông
Tel: 1800 1542
Email: [email protected]
Website: https://www.arena-multimedia.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/arena.multimedia.vn
Instagram: https://www.instagram.com/arena.multimedia/