Vào ngày 26/3 vừa qua, Workshop: Photography & Graphic Design đã diễn ra thành công tại Arena Multimedia, 110 Trần Phú, Hà Đông, Hà Nội với sự tham gia của đông đảo các bạn trẻ yêu nhiếp ảnh và thiết kế. Tại đây, Nhiếp ảnh gia Nguyễn Huy Hoàng đã có nhiều chia sẻ thú vị về quá trình bấm máy của mình, hãy cùng lắng nghe anh giải đáp những thắc mắc của các bạn trẻ để biết thêm về công việc nhiếp ảnh gia nhé!
Đối với phần lớn mọi người thì nhiếp ảnh đơn thuần chỉ là việc cầm một máy ảnh và chụp một tấm ảnh. Nhưng thực tế lại không phải vậy, nhiếp ảnh còn là cách bạn giao tiếp với thế giới, là phương tiện để bạn kể lại những câu chuyện. Nhiếp ảnh ra đời mang theo sứ mệnh ghi lại những khoảnh khắc, nội dung, cảm xúc của con người, sự vật, sự việc. Nhiếp ảnh tồn tại bên cạnh các bộ môn nghệ thuật thị giác khác như vẽ tranh, điêu khắc,… bởi vì tính chính xác và nhanh chóng của nó. Ngày nay hình ảnh chủ yếu được lưu trữ dưới 2 dạng chính: bản in và kỹ thuật số.
Chụp ảnh không đơn giản chỉ bấm máy là có ngay bức ảnh đẹp. Nhất là trong lĩnh vực thương mại, nhiếp ảnh gia phải sáng tác dựa trên concept, yêu cầu của khách hàng và cần phải mô tả đúng chất liệu sản phẩm muốn quảng bá. Giống như tên gọi, nhiếp ảnh thương mại chính là ngành chụp, sử dụng hình ảnh với mục đích kinh doanh đem lại lợi nhuận cá nhân hoặc tổ chức. Cụ thể hơn, đây có thể là tấm hình quảng cáo cho một dòng sản phẩm, hoặc cũng có thể là thương hiệu của một nhãn hàng. Qua đó tác động đến việc bán hàng và phát triển hình ảnh của thương hiệu.
Ngoài cung cấp những kiến thức cơ bản xoay quanh Nhiếp ảnh, Thiết kế và Thương mại, Nhiếp ảnh gia Nguyễn Huy Hoàng cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình bấm máy của mình thông qua những câu hỏi của các bạn trẻ tham gia Workshop.
Q: Những khó khăn mà anh thường gặp phải trong việc thực hiện một bộ ảnh là gì và anh giải quyết nó như thế nào?
Tôi đã hoàn thành các bộ ảnh cho rất nhiều lĩnh vực, và mỗi bộ ảnh đều có một khó khăn khác nhau. Khi đã hiểu nhiếp ảnh ở một mức độ cao thì các dự án mới không thể làm khó được tôi, và tôi biết mình cần làm gì trong một shoot chụp ảnh, cho nên trong mọi bộ ảnh tôi đều có thể hoàn thành tốt.
Về mặt kỹ thuật thì hầu như không có bất kỳ khó khăn nào. Trước khi tham gia vào một dự án, tôi đều tìm hiểu và chuẩn bị kỹ các vấn đề liên quan như tổ chức, thời gian thực hiện, thiết bị,… để buổi chụp diễn ra một cách tốt nhất.
Tuy nhiên, không phải buổi chụp nào cũng suôn sẻ, vẫn sẽ có những khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện. Mỗi dự án sẽ có những khó khăn khác nhau, cho nên việc tìm hiểu kỹ công việc mình làm và chuẩn bị cho các tình huống giúp tôi rất nhiều trong quá trình thực hiện công việc.
Q: Khi chụp ảnh với người mẫu không chuyên, anh làm thế nào để họ tự tin tương tác với ống kính và “bắt” được những bức ảnh đẹp nhất, những góc mặt đẹp nhất của họ?
Sự thật thì thời gian tôi làm việc với người mẫu “bất đắc dĩ” hoặc không chuyên nghiệp nhiều hơn với người mẫu chuyên nghiệp. Điều quan trọng nhất trong nhiếp ảnh là bạn cần có sự liên kết với chủ thể của bức ảnh bằng cách bỏ thời gian ra để hiểu họ. Vậy làm thế nào để liên kết được với họ? Bạn có thể dùng ánh mắt, nụ cười, dùng câu chuyện, liên kết bằng sự quan sát, trò chuyện,… nhưng điều quan trọng nhất là bạn phải làm cho họ có sự cảm nhận về mặt cảm tính.
Trong một chuyến du lịch Ấn Độ, tôi đã chụp những bức ảnh với những người mẫu bất đắc dĩ ngẫu nhiên gặp trên đường. Tôi đã nói chuyện, đứng cùng họ trong một khoảng thời gian đủ để họ quen với sự có mặt của máy ảnh xung quanh. Sau khi xin phép chụp ảnh, tôi vừa trò chuyện vừa chụp ảnh, việc này giúp những bức ảnh được tự nhiên hơn.
Khi chụp ảnh, dù về bất kỳ thể loại nào, đặc biệt là chủ thể sống, thì chúng ta cần tương tác với họ, tạo cho họ sự quen thuộc, yên tâm, thoải mái thì chúng ta sẽ có những bức ảnh ưng ý nhất.
Q: Nếu mong muốn của khách hàng và concept của anh đưa ra không hợp nhau thì anh sẽ làm thế nào?
Đây là một câu hỏi thường gặp của các bạn trẻ khi mới bắt đầu vào nghề. Khi chúng ta thực hiện một sản phẩm không được như mong muốn của khách hàng, dẫn đến việc mất thời gian của cả hai bên để bàn bạc và chỉnh sửa. Điều này sẽ không xảy ra nếu như ban đầu các bạn thống nhất ý tưởng sản phẩm với khách hàng. Art Director cùng Stylist sẽ làm việc với khách hàng để thống nhất ý tưởng chụp cho sản phẩm của họ, về concept chụp, cách phối đồ, người mẫu chụp,… để khách hàng hình dung được chính xác sản phẩm của họ như thế nào.
Sự cảm tính về mặt thẩm mỹ diễn ra hàng ngày trên tất cả lĩnh vực, nó xảy ra khi chúng ta không có định nghĩa về việc đánh giá xấu đẹp một cách khách quan. Ngoài lĩnh vực nhiếp ảnh, thì thiết kế đồ hoạ, kiến trúc,… tất cả những nghề mang tính thẩm mỹ đều gặp phải trường hợp này. Khi thực hiện bất cứ nào dự án thì chúng ta cần phải tự tin mình sẽ tạo ra sản phẩm đủ yếu tố liên quan đến kỹ thuật và thẩm mỹ, và phải tư vấn được cho khách hàng rằng thế nào là đẹp, phù hợp với nhu cầu mong muốn của họ. Chúng ta là những người làm việc trong lĩnh vực liên quan đến thẩm mỹ, nếu chúng ta không thể thuyết phục sản phẩm của mình mang tính nghệ thuật, thì việc chúng ta tranh cãi và phải sửa sản phẩm theo ý muốn khách hàng rất dễ xảy ra.
Công việc của người làm nghệ thuật là giúp khách hàng thẩm mỹ hoá sản phẩm của họ để quảng bá tới công chúng. Cho nên các bạn hãy đầu tư cho mình kiến thức về mọi mặt để tự tin vào ý tưởng cũng như sản phẩm mình tạo ra cho khách hàng.
Q: Với những sản phẩm dù đã thảo luận nhưng khách hàng vẫn không ưng ý và phải sửa đi sửa lại thì anh xử lý như thế nào?
Tôi cũng từng có những câu chuyện tương tự như bạn khi mới bước chân vào nghề thiết kế. Khách hàng của bạn loay hoay vì không hình dung được sản phẩm mình muốn như thế nào, thế nên họ chuyển vấn đề đó sang cho bạn. Và rồi công việc cứ xoay vòng cứ sửa đi sửa lại như vậy.
Đây là trường hợp của một khách hàng không hiểu mình muốn gì và một đơn vị thiết kế không tư vấn, thuyết phục được khách hàng của mình. Khách hàng không phải người am hiểu trong lĩnh vực này, nên bạn cần phải thuyết phục được khách hàng rằng bạn đang giúp họ làm công việc mà không phải chuyên môn của họ.
Q: Làm thế nào để chụp được một bức ảnh rõ nét nhất?
Nhiếp ảnh cũng như đôi mắt của con người, chúng ta nhìn thấy một vật rõ nét nhất nhờ có đầy đủ ánh sáng. Yếu tố quan trọng nhất để chụp được một bức ảnh chi tiết và rõ nét nhất về mặt chất lượng là ánh sáng.
Một yếu tố khác để có được một bức ảnh rõ nét là độ ổn định của thiết bị chụp. Hồi mới vào nghề, tôi đã đọc một quyển sách tên là “Photography For Dummies”, gạch đầu dòng đầu tiên của tác giả cho một bức ảnh chất lượng nhất: “Không bao giờ đi đâu mà không có tripod”.
Đó là hai yếu tố quan trọng cho một bức ảnh chất lượng nhất.
Q: Quy trình để anh sản xuất ra một bộ ảnh bao gồm những công đoạn nào? Khi thực hiện một dự án thì anh cảm thấy điều gì là quan trọng nhất?
Công việc đầu tiên trước khi chụp ảnh là lên concept, bước này giúp đơn vị thực hiện cũng như khách hàng hình dung được sản phẩm cuối cùng như thế nào. Sau khi đã thống nhất được concept thì đến bước chuẩn bị, cụ thể là setup bối cảnh, phông nền, Stylist sẽ chọn trang phục và phụ kiện phù hợp phối với nhau để lên hình ảnh đẹp nhất, sau đó là chọn người mẫu, kiểu tóc, cách trang điểm,… phù hợp với concept đã đưa ra ban đầu.
Bước tiếp theo là Photoshoot, công việc của tôi là setup ánh sáng, điều chỉnh cách tạo dáng của người mẫu để chụp được bức ảnh đẹp nhất. Và cuối cùng là chỉnh sửa hình ảnh để cho ra sản phẩm cuối cùng.
Sau nhiều năm làm việc thì tôi nhận thấy bất kỳ công việc gì cũng cần có một ekip, điều quan trọng là ekip này cần phải hiểu nhau và phối hợp ăn ý trong công việc. Một sản phẩm làm ra là sự lao động và phối hợp của rất nhiều người, và người chụp ảnh chỉ đóng góp khoảng 30% trong dự án đó mà thôi.
Q: Thưa anh, thật khó mà tìm thấy ngay được góc chụp đẹp cho chủ thể. Vậy anh đã làm cách nào để khám phá ra nó?
Khi làm việc với người mẫu chuyên nghiệp thì công việc của người chụp ảnh rất đơn giản. Bản thân người mẫu biết góc mặt mình đẹp nhất ở đâu, nên khi vào khung hình họ tự biết tạo dáng. Người mẫu chuyên nghiệp không phải một người mẫu đẹp, mà là người hiểu rõ công việc của mình, họ thường tự tập trước gương để chọn được những góc mặt cũng như những dáng đẹp nhất để đưa vào các buổi chụp.
Với những người mẫu bán chuyên, họ chưa hiểu mình phải làm gì, tạo dáng như thế nào, thì lúc đó họ sẽ làm việc với Stylist để chỉnh dáng cũng như các góc mặt.
Với những người mẫu nghiệp dư, là một người chụp ảnh, bạn phải hiểu người mẫu mà mình đang chụp ở mức độ nào thì sẽ cho ra được sản phẩm sẽ ở mức độ đó.
Q: Em thường xuyên gặp khó khăn trong việc phối hợp màu sắc và bố cục để có một tổng thể hài hoà. Anh có thể đưa ra một số lời khuyên giúp cải thiện tư duy thiết kế về bố cục và màu sắc không?
Bạn không nên ôm đồm quá nhiều yếu tố trong khi không biết phối hợp chúng ra sao cho đẹp. Muốn phối hợp mọi thứ được hài hoà thì bạn cần thời gian và kinh nghiệm, mà kinh nghiệm là yếu tố rất quan trọng.
Đầu tiên thì bạn cần phải hiểu được từng cái một, biết nó dùng để làm gì, có tác dụng như thế nào. Rồi từ những kinh nghiệm, bạn sẽ biết cách phối hợp được những yếu tố khác nhau về màu sắc và bố cục để chúng có một tổng thể hài hoà với nhau.
Q: Được biết anh là người thực hiện ảnh bìa của Đẹp Magazine số Tết 2009. Nhắc đến Tết là nhắc đến những tông màu ấm nóng, nhưng anh lại chọn người mẫu Tây kết hợp cùng các tông màu lạnh. Anh có sợ không thể hiện được tinh thần ngày lễ cổ truyền của dân tộc hay không?
Khi nhắc đến Tết, ai trong chúng ta cũng nghĩ đến câu đối đỏ, bánh chưng xanh, hoa đào hoa mai nở rộ,… và tôi không muốn đi theo lối mòn nữa, vì năm nào khi nhìn vào trang bìa của số báo Tết cũng có cùng một nội dung được thể hiện qua nhiều cách khác nhau. Nên tôi đã thực hiện nó theo một cách mới và thú vị hơn.
Thật ra chúng tôi đã đấu tranh với Đẹp Magazine cho concept này khá lâu. Tôi nhớ sau khi thuyết phục được Đẹp sử dụng concept này và thực hiện cho số báo Tết thì những năm sau đó tôi vẫn tiếp tục làm việc với ekip này, họ rất sẵn lòng chấp nhận những cái mới và thay đổi về mặt hình ảnh cho Tạp chí Đẹp.
Tư duy thẩm mỹ trong nghệ thuật giúp các bạn có được những sản phẩm thú vị. Tôi hy vọng các bạn hãy cứ là chính mình và tự tin thể hiện cái tôi một cách nghệ thuật nhất. Giảng dạy ở Arena Multimedia nhiều năm, tôi luôn luôn lắng nghe những tư duy các bạn học viên về nhiếp ảnh và nghệ thuật, không phải để sửa các bạn mà để hiểu được mỗi người có những cái nhìn khác nhau về nghệ thuật như thế nào.
Kết
Arena Multimedia xin gửi lời cảm ơn tới các bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh nói riêng và yêu nghệ thuật nói chung đã đến với buổi Workshop: Photography & Graphic Design. Tham dự sự kiện lần này, hi vọng các bạn đã tích cóp được những kiến thức bổ ích, thiết thực, đồng thời có được khoảng thời gian vui vẻ, đáng nhớ khi trực tiếp giao lưu với Nhiếp ảnh gia Nguyễn Huy Hoàng.
Và đừng quên Arena Multimedia vẫn đang chuẩn bị rất nhiều sự kiện sắp tới dành cho các bạn, hãy cùng đón chờ nhé!
Vũ Ngọc Minh
******
Để được tư vấn về chương trình đào tạo và các hình thức ưu đãi khuyến học tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh tại Arena gần bạn nhất:
HÀ NỘI
Email: [email protected]
* ARENA Trúc Khê
80 Trúc Khê, Q. Đống Đa
Tel: 1800 1542
* ARENA Phạm Văn Bạch
D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
Tel: 1800 1542
* ARENA Trần Phú
110 Trần Phú, Q. Hà Đông
Tel: 1800 1542
TP.HCM
Email: [email protected]
* ARENA Nguyễn Đình Chiểu
212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3
Tel: 1800 1525
* ARENA Nguyễn Kiệm
778/10 Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận
Tel: 1800 6325
* ARENA Tân Bình
Số 6 Tân Kỳ Tân Quý (gần Etown), Q.Tân Bình
Tel: 1800 2074