Vào ngày 21/11/2021, tại cơ sở Arena Tân Kỳ Tân Quý đã diễn ra buổi “Exhibition & Workshop: GREEN YOUR MIND & Nghệ thuật kể chuyện trong thiết kế”. Đây vừa là không gian tôn vinh những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc của cuộc thi Show It NOW: GREEN YOUR MIND 2021. Đồng thời, cũng là cơ hội giúp các bạn trẻ gia tăng hiểu biết về vai trò quan trọng của nghệ thuật kể chuyện trong thiết kế thông qua chia sẻ từ hai vị Creative Director tài năng – Phạm Minh Hoàng và Nguyễn Sơn Tùng.
Triển lãm các tác phẩm xuất sắc từ cuộc thi Show It NOW: GREEN YOUR MIND 2021
Bắt đầu từ ngày 21/11 cho đến hết ngày 28/11, các tác phẩm xuất sắc của cuộc thi Show It NOW: GREEN YOUR MIND 2021 chính thức được triển lãm tại Arena Tân Kỳ Tân Quý. Đây là hoạt động khép lại cuộc thi thường niên của Arena Multimedia cũng như sự tôn vinh các thí sinh xuất sắc của năm nay đến từ Ban tổ chức. Do cuộc thi và đêm chung kết diễn ra online trong thời gian lockdown nên BTC đã quyết định trưng bày offline ngay sau khi lệnh giãn cách được nới lỏng.
Tại không gian đậm chất nghệ thuật của Arena Multimedia, các tác phẩm thể hiện góc nhìn và tư duy mới mẻ giàu sức sáng tạo của thí sinh về lối sống xanh đã thu hút không ít sự quan tâm của các bạn trẻ đến tham quan. Đây đều là những tác phẩm nhận về đánh giá cao ở cả nội dung lẫn kỹ thuật thể hiện từ dàn ban giám khảo nổi tiếng của Show It NOW 2021.
Bên cạnh đó, những thí sinh chiến thắng ở các hạng mục Thiết kế – Nhiếp ảnh – Vẽ – Video cũng góp mặt trong buổi đầu tiên của tuần lễ triển lãm, được trao giải bởi hai Creative Director nổi tiếng – anh Phạm Minh Hoàng (Người Đá) và anh Nguyễn Sơn Tùng.
Workshop: Nghệ thuật kể chuyện trong thiết kế
Cũng trong ngày đầu tiên của tuần lễ triển lãm, Workshop: Nghệ thuật kể chuyện trong thiết kế đã được diễn ra với sự góp mặt của hai nhân vật nổi tiếng: Creative Director Phạm Minh Hoàng (Người Đá) và Creative Director Nguyễn Sơn Tùng.
Hiểu sao cho “chuẩn” về nghệ thuật kể chuyện trong thiết kế
Storytelling (Kể chuyện) là cụm từ ắt hẳn không còn xa lạ với cộng đồng yêu sáng tạo, mỗi người sẽ có cách hiểu và hướng khai thác câu chuyện khác nhau tùy vào mục đích và dự án cụ thể. Đối với anh Phạm Minh Hoàng – chàng Creative Director ghi dấu ấn qua các dự án nổi bật như: Loài Plastic, Converse City Forest,… anh cho rằng: “Nội tại từ storytelling vốn dĩ đã truyền tải đầy đủ ý nghĩa, quan trọng là mình cần xác định storytelling bao gồm những bước nào và nên hiểu thế nào cho chính xác. Theo anh, kể chuyện trong thiết kế là thông qua sự kết hợp giữa các yếu tố như hình ảnh, âm thanh, ánh sáng nhằm thể hiện và truyền tải thông điệp cụ thể đến người xem. Đây chính là cái đích cuối cùng của việc kể chuyện trong thiết kế.”
Đồng quan điểm, Creative Director Nguyễn Sơn Tùng cũng cho rằng kể chuyện trong thiết kế là việc giúp người xem đồng cảm với câu chuyện mà mình sáng tạo nên. Tuy nhiên, anh nhấn mạnh hơn vào phương diện ý tưởng thiết kế, anh khẳng định: “Người làm sáng tạo thường rơi vào trạng thái “bí” ý tưởng. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta có thể tìm kiếm ý tưởng thiết kế từ những câu chuyện khắp mọi nơi xung quanh cuộc sống. Đây là nguồn ý tưởng dồi dào mà chúng ta nên sử dụng. Thông qua nguồn chất liệu này, chúng ta có thể kể câu chuyện bằng nhiều phương thức khác nhau như: âm thanh, hình ảnh, ngôn từ.”
Trên thực tế, việc kể chuyện trong thiết kế tồn tại nhiều phương diện. Chúng ta cần phải xác định rõ ràng việc kể chuyện sẽ hướng đến đối tượng như thế nào. Anh Phạm Minh Hoàng chia sẻ thêm: “Câu chuyện không bao giờ là của riêng bản thân người thiết kế. Chúng ta sẽ bắt gặp trường hợp một nhóm người cùng kể về một câu chuyện hay thậm chí, bản thân chúng ta phải kể câu chuyện của người khác.”
Trong thiết kế thương mại, anh Hoàng nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ làm việc cùng khách hàng với vô vàn yêu cầu khác nhau, mỗi đối tượng sẽ đòi hỏi một chút về câu chuyện của họ. Có những dự án anh từng thực hiện phải trải qua năm đến bảy tầng khách hàng. Nhiệm vụ của anh là kết nối từng câu chuyện, pha trộn chúng trở thành ly “cocktail” hấp dẫn, có thể sử dụng được. Đây chính là thực tế của thiết kế thương mại.”
Như vậy, từ chia sẻ của hai vị Creative Director, ta có thể nhận thấy yếu tố kể chuyện đóng vai trò vô cùng quan trọng trên hành trình theo đuổi lĩnh vực sáng tạo của mỗi cá nhân. Kể chuyện chính là cách thức thể hiện ý tưởng, người thiết kế phải giúp người xem hiểu rõ và đồng cảm với ý tưởng mà mình truyền tải thông qua sản phẩm.
Định hướng truyền tải câu chuyện trong thiết kế
Về định hướng truyền tải câu chuyện trong thiết kế, mỗi người nghệ sĩ sẽ sở hữu quan điểm làm nghề hoàn toàn khác biệt, từ đó dẫn đến định hướng trong việc truyền tải câu chuyện cũng khác nhau.
Đối với Creative Director Nguyễn Sơn Tùng, anh tự nhận bản thân là người không thích “bắt trend” và tập trung hơn vào việc định hình phong cách cá nhân. Do đó, hầu hết các sản phẩm thiết kế được ra đời thông qua bàn tay và khối óc sáng tạo của vị Creative Director trẻ tuổi này đều ẩn chứa sức hấp dẫn riêng biệt. Anh Tùng chia sẻ: “Với vai trò người Artist, anh thường xuyên được mời để kể về câu chuyện của chính mình. Anh sẽ dựa vào câu chuyện của riêng anh và đưa chúng vào sản phẩm của khách hàng. Khi là Artist, chúng ta sẽ tự do kể về câu chuyện của bản thân, không bị động bởi yêu cầu của khách hàng.”
Đôi chút khác biệt so với Nguyễn Sơn Tùng, Người Đá – Phạm Minh Hoàng chia sẻ về định hướng truyền tải câu chuyện trong thiết kế dựa trên mối quan hệ giữa người thiết kế và khách hàng, cụ thể là phía Agency: “Khi làm việc cùng Agency, có ba yếu tố quan trọng cần chú tâm đến: thứ nhất, chúng ta cần hiểu khách hàng của mình là ai; thứ hai: phải xác định rõ ràng đối tượng mà Agency muốn hướng đến thông qua sản phẩm thiết kế; thứ ba, tại sao Agency lựa chọn cộng tác cùng chúng ta mà không phải người khác. Đây chính là ba yếu tố hình thành nên định hướng kể chuyện, tức là chúng ta phải dung hòa cả ba yếu tố này trong quá trình tìm kiếm và thể hiện câu chuyện. Mục đích cuối cùng là sản phẩm thiết kế tạo ra phải mang câu chuyện của cả bản thân mình, khách hàng và người dùng.”
Nhìn chung, mỗi nghệ sĩ sẽ sở hữu một lối đi riêng trong thiết kế, từ đó hình thành các định hướng kể chuyện khác nhau. Cụ thể, với vai trò của người Artist đã tạo dựng thành công thương hiệu cá nhân, đa phần các công ty sẽ tự tìm đến và “đặt hàng” câu chuyện mang màu sắc của chính Artist đấy. Với phương diện hợp tác cùng Agency, chúng ta phải hoạt động dựa trên yêu cầu từ phía khách hàng, lúc này điều quan trọng nằm ở năng lực vận dụng các kỹ năng nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu mà họ đưa ra.
Làm sao để khai thác câu chuyện trong thiết kế?
Theo chia sẻ từ hai vị khách mời, sau khi nhận bản tóm tắt các yêu cầu từ khách hàng (Brief), chúng ta không nên bắt đầu thực hiện sản phẩm ngay lập tức mà cần cụ thể hóa mọi thứ, càng cụ thể hóa, quá trình thiết kế về sau càng trở nên thuận lợi.
Đầu tiên, cần xác định đúng khách hàng cần câu chuyện như thế nào, quy mô ra sao. Tiếp đến, người thiết kế phải nắm bắt chính xác nền tảng dùng để truyền tải câu chuyện, đó có thể là kênh Youtube, TikTok, Facebook hay bất cứ phương tiện truyền thông nào. Thứ ba, phải hiểu về đối tượng người dùng cuối cùng (Audience) của khách hàng (Agency), ngôn ngữ và phương thức kể chuyện sẽ phụ thuộc vào đối tượng người dùng này. Cuối cùng, đó là vấn đề về định giá, việc kể chuyện trong thiết kế phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố chi phí.
Trên phương diện tổng thể, đây được xem là 4 yếu tố cơ bản đầu tiên vô cùng cần thiết giúp người thiết kế dần hiểu rõ hơn cách thức khai thác câu chuyện. Tuy nhiên, việc xác định chính xác khách hàng mong muốn điều gì cũng như làm thế nào có thể tìm kiếm và duy trì sự cụ thể hóa lại phải sử dụng nhiều phương thức khác nhau. Vậy đó là những phương thức nào?
Phương thức xác định sự mong muốn của khách hàng
Trong thiết kế, chúng ta cần xác định rõ ràng hai đối tượng khách hàng, đó là phía Agency và phía người dùng, người xem cuối cùng (Audience). Agency là người sẽ chi tiền thực hiện dự án thiết kế, còn Audience là đối tượng trực tiếp sử dụng và trải nghiệm sản phẩm. Như vậy, trong quá trình thiết kế, chúng ta cần sáng tạo câu chuyện thỏa mãn được hai đối tượng khách hàng này, đồng thời phải thể hiện câu chuyện của riêng mình.
“Trên thực tế, công việc của người làm thiết kế không chỉ đơn thuần tạo ra những sản phẩm ấn tượng về mặt thị giác mà chúng ta cần quan tâm nhiều hơn đến vai trò của yếu tố kể chuyện. Nếu chỉ suy nghĩ về việc “đẹp là được”, đây là ý niệm rất sai lầm.” – Chia sẻ từ Creative Director Phạm Minh Hoàng. Theo anh, phương thức tốt nhất để xóa bỏ sai lầm này và xác định chính xác sự mong muốn của khách hàng đó là tiến hành giai đoạn Research (Nghiên cứu).
Trên thị trường, các công ty quy mô lớn thường dành phần chi phí rất nhiều cho giai đoạn Research nhằm tìm kiếm, khảo sát mong muốn, nhu cầu và mối quan tâm của người dùng. Điển hình, trước khi trình làng ấn phẩm thiết kế chính thức của một app đặt hàng, các công ty phải tiến hành nghiên cứu cách thức vận hành, giao diện của chúng có phù hợp với thị hiếu người dùng hay không, sau đó sẽ tiến hành thiết kế và chỉnh sửa. Giai đoạn Research (Nghiên cứu) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quy trình sáng tạo.
Tuy nhiên, không phải lúc nào khách hàng cũng là các công ty quy mô lớn sở hữu nguồn vốn khổng lồ để đầu tư vào công đoạn nghiên cứu. Lúc này, Artist bắt buộc phải tự tìm hiểu thông tin về người dùng, tự tìm kiếm insight, câu chuyện mà khách hàng và người dùng quan tâm, yêu thích. Trong thiết kế, tư duy “chỉ đẹp là được” không bao giờ tạo ra thành quả thật sự, nếu dùng lối suy nghĩ này ứng dụng vào các tổ chức lớn hơn thì Artist sẽ đối diện với nguy cơ bị đào thải rất cao.
Ngoài ra, một phương thức khác trong việc xác định mong muốn của khách hàng và người dùng được Creative Director Nguyễn Sơn Tùng chia sẻ thêm tại buổi workshop, đó là cách thức trò chuyện và tương tác với khách hàng. Anh Tùng tâm sự: “Đa phần khách hàng của anh là các công ty start-up, do đó anh thường xuyên cùng họ đi cafe ngồi kể chuyện. Chúng ta có thể trò chuyện để hiểu thêm lý do vì sao họ xây dựng thương hiệu này, thông điệp họ muốn truyền tải đến người dùng là gì,… Thay vì chỉ cần “đẹp là được”, đây chính là những thông tin tạo nên ý tưởng về câu chuyện trong thiết kế, là nội dung để các bạn xác định mình cần phải làm gì.”
Như vậy, thông qua chia sẻ của hai vị diễn giả, ta có thể nhận thấy phương thức Research (Nghiên cứu) giữ vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình thiết kế. Có nhiều cách thức research khác nhau, nhưng nhìn chung mục tiêu hướng đến cuối cùng vẫn là kể câu chuyện có sức đồng cảm với người dùng, thể hiện được cả 3 yếu tố về khách hàng, người dùng và người thiết kế.
Kinh nghiệm duy trì sự “cụ thể hóa”
Tương tự phần chia sẻ trước đó, cụ thể hóa về khách hàng, người dùng, về nền tảng là những cơ sở cần thiết đầu tiên trên hành trình xây dựng câu chuyện thiết kế hoàn hảo. Vậy làm sao để duy trì sự cụ thể hóa?
“Đối với anh, phần lớn điều này xuất phát từ sự quan sát, chúng ta phải thường xuyên quan sát, thường xuyên trò chuyện với những người xung quanh. Chính những yếu tố mang tính văn hóa dân gian, mang tính bản địa của từng địa phương mà chúng ta đặt chân đến sẽ là chất liệu tạo nên rất nhiều câu chuyện. Sau đó, chúng ta cần chọn lọc hình ảnh, chi tiết đắt giá để đưa vào thiết kế giữa vô vàn câu chuyện mà chúng ta bắt gặp. Và đây chính là sự cụ thể hóa.” – Tâm sự từ Creative Director Nguyễn Sơn Tùng.
Dựa trên tâm sự từ chàng giám đốc sáng tạo tài năng – Nguyễn Sơn Tùng, ta có thể khẳng định trải nghiệm thực tế là từ khóa then chốt của quá trình cụ thể hóa trong thiết kế. Từ trải nghiệm, chúng ta sẽ chắt lọc, cô đọng câu chuyện và mang vào những thiết kế bằng phương thức thể hiện, truyền tải của riêng mỗi người. Đây là cách thức đơn giản nhất giúp các Artist duy trì sự cụ thể hóa và luyện tập trau dồi ý tưởng.
Câu chuyện từ những Case Studies thực tế
Tại buổi workshop, bên cạnh việc mang đến những chia sẻ thú vị về nghệ thuật kể chuyện trong thiết kế, hai vị diễn giả còn dành thời gian lý giải về các case studies thực tế, góp phần giúp người tham gia hình dung rõ ràng hơn về ý tưởng khởi đầu của một sản phẩm, cũng như quá trình hoàn thiện câu chuyện thiết kế trong một dự án cụ thể.
Câu chuyện về sự hình thành của “Đồng bào Việt phục” – một trong những dự án thiết kế cộng đồng nhận được sự quan tâm lớn của người yêu sáng tạo thời gian gần đây có thể khiến nhiều người bất ngờ.
Theo chia sẻ từ Creative Director Nguyễn Sơn Tùng: “Xuất phát điểm của dự án bắt đầu từ bản đồ án tốt nghiệp của một cựu thí sinh Show It Now. Trong quá trình tìm kiếm ý tưởng, bạn có nhờ đến sự hỗ trợ của anh. Tuy nhiên, anh nghĩ mình cần phát triển dự án này hơn thế nữa, không chỉ dừng lại ở bản đồ án tốt nghiệp. Và lúc này, anh nhận thấy mình cần đưa ra một góc nhìn mới về văn hóa các dân tộc thiểu số, góp phần quảng bá văn hóa của họ đến với giới trẻ thông qua góc nhìn và hình ảnh mới mẻ hơn. Ngoài ra, phong trào Việt phục thời gian gần đây vô cùng lớn mạnh, tuy nhiên câu chuyện về trang phục của người đồng bào vẫn còn rất ít, mặc dù câu chuyện và văn hóa của họ luôn gắn với từng giai thoại vô cùng thú vị. Đây là lý do ra đời của dự án này.”
Bên cạnh câu chuyện về “Đồng bào Việt phục”, Người Đá – Phạm Minh Hoàng cũng mang đến workshop những chia sẻ chân thành về dự án tạo ra tiếng vang lớn của thương hiệu Converse Việt Nam mà anh may mắn là một trong hai Artist chính, đó là dự án Converse City Forest.
Theo như chia sẻ của anh, City Forest là dự án nằm trong chiến dịch toàn cầu của Converse nhằm quảng bá cho loại sơn mới ra đời có tác dụng lọc sạch không khí và loại giày được sản xuất bằng phương pháp sử dụng vải thừa tái chế. Yêu cầu mà thương hiệu đưa ra là một bản thiết kế với hình ảnh vừa thể hiện yếu tố con người, văn hóa của quốc gia bản địa, vừa tôn vinh ý thức bảo vệ môi trường.
Để hoàn thiện bản thiết kế, Người Đá đã phải thực hiện tổng cộng 14 bản sketch, trải qua nhiều lần góp ý, chỉnh sửa, thậm chí từng nghĩ đến việc từ bỏ. Cuối cùng, bản sketch thứ 14 của anh đã được nhãn hàng lựa chọn. Câu chuyện của bản thiết kế này xuất phát từ ký ức về những buổi chiều hoàng hôn nô đùa cùng các bé thiếu nhi nơi con ngõ nhỏ ở vùng quê thuở còn bé. Anh đã mang vào bức tranh yếu tố văn hóa đặc trưng của cả ba miền đất nước, hình ảnh được nhân cách hóa trở nên “cute” theo đúng yêu cầu khách hàng.
Có thể thấy, từ những dự án thực tế đã tạo dựng được tiếng vang lớn, ta có thể nhận ra rằng nghệ thuật kể chuyện trong thiết kế luôn muôn màu, muôn vẻ. Mỗi thành tố nhỏ nhất xuất phát từ cuộc sống đều có thể trở thành chất liệu cho câu chuyện thiết kế. Quan trọng nhất, người Artist phải tìm ra sự giao thoa giữa 3 yếu tố: câu chuyện khán giả cần, câu chuyện khách hàng muốn kể và ngôn ngữ thiết kế của chính họ.
Từ đó, người thiết kế mới có thể tìm được tiếng nói chung và sự đồng cảm với khách hàng, chính sự kết nối và đồng cảm sẽ tạo ra những thành quả nghệ thuật vượt ngoài sự mong đợi. Như lời Creative Director Phạm Minh Hoàng chia sẻ về dự án Converse City Forest: “Đôi lúc anh vẫn không hiểu tại sao bản thiết kế đấy lại được chọn.”
Thực hành Storytelling Design cùng diễn giả
Sau khi lắng nghe những chia sẻ hữu ích về tầm quan trọng của nghệ thuật kể chuyện trong thiết kế, cũng như kinh nghiệm thực chiến của bộ đôi diễn giả qua nhiều dự án sáng tạo đình đám. Người tham gia tiếp tục có cơ hội rèn luyện kỹ năng triển khai câu chuyện trong thiết kế thông qua phần thực hành Storytelling Design.
Người tham dự lần lượt được chia thành hai nhóm riêng biệt tương ứng với sự dẫn dắt của hai vị Creative Director tài năng. Lúc này, các bạn sẽ tự mình trải nghiệm cách thức tìm kiếm ý tưởng thiết kế, học tập phương thức phân tích insight và hành động của khách hàng nhằm đưa ra những định hướng thiết kế đúng đắn.
Đặc biệt, các bạn còn được lắng nghe phân tích chi tiết về phương pháp đào sâu ý tưởng thiết kế nhằm mang đến những câu chuyện phù hợp và thú vị nhưng cũng không kém phần táo bạo và mới mẻ. Đôi lúc, chỉ cần một từ hoặc cụm từ đơn giản đã có thể chuyển hóa trở thành một ý tưởng độc đáo. Như vậy, thông qua phần thực hành, người tham dự đã có cơ hội nhận thấy tầm quan trọng của quá trình brainstorming và việc xác định chính xác keyword sẽ giúp con đường phát triển ý tưởng thiết kế trở nên thuận lợi hơn rất nhiều.
Trò chuyện cùng hai vị Creative Director tài năng
Câu hỏi: Digital Artist không biết vẽ tay thì có cản trở gì hay không?
Trả lời:
Creative Director Phạm Minh Hoàng
Thật ra anh nghĩ vấn đề này khá đơn giản, thiếu kỹ năng gì thì mình sẽ bổ sung về kỹ năng đó. Hiện tại có nhiều lớp nền tảng cơ bản về hội họa sở hữu quy trình và cách tiếp cận rất nhanh, quan trọng là các bạn có kiên trì hay không. Câu trả lời của anh là các bạn cần phải đi học, nếu có điều kiện thì đăng ký lớp học, nếu không thì bắt đầu tìm một quy trình nào đó mà học theo.
Creative Director Nguyễn Sơn Tùng
Khi học thiết kế và được một số công ty mời vào vị trí Designer thì anh bắt đầu nhận ra việc thiếu kiến thức về mỹ thuật, hội họa hay vẽ tay là một điểm yếu của mình. Đó là lý do vì sao anh bỏ hết tất cả để sang Nhật học về nền tảng mỹ thuật, hội họa. Thiếu điều gì, mình cần phải bồi đắp điều đó. Vẽ tay vô cùng quan trọng, bởi vì giai đoạn chập chững vào nghề, các bạn cần thể hiện ý tưởng của mình trên trang giấy, việc các bạn sketch hình ảnh trên giấy cũng giúp người khác dễ dàng nắm bắt ý tưởng của bạn hơn. Vẽ là phải vẽ đúng, giúp cho người khác hiểu, do đó các bạn cần phải học tập và trau dồi về điều này.
Câu hỏi: Vẽ tay có thể rèn luyện được hay không và có cần năng khiếu hay không?
Creative Director Phạm Minh Hoàng
Anh nghĩa năng khiếu chỉ phục vụ cho khoảng 5-10% thành quả mà thôi. Thậm chí, đôi lúc vì các bạn chưa tiếp cận với quy trình đó nhiều, vì vậy các bạn cho rằng bản thân không có năng khiếu. Tuy nhiên, trên thực tế anh đã chứng kiến nhiều trường hợp sau khi học qua thì có thể ứng dụng kỹ năng vẽ trên rất nhiều chất liệu khác nhau. Đây là câu chuyện của kỹ năng và rèn luyện nhiều hơn là vấn đề của năng khiếu, các bạn hoàn toàn có thể thay đổi. Nếu có năng khiếu mà không sở hữu kiến thức nền tảng thì cũng chẳng mang lại hiệu quả gì đáng kể.
Creative Director Nguyễn Sơn Tùng
Anh cho rằng việc rèn luyện đóng vai trò quan trọng nhất. Bản thân anh khi ra đường và thường xuyên quan sát, đây cũng là cách luyện tập hình thành ý tưởng. Việc rèn luyện đóng vai trò quan trọng, năng khiếu vẽ chỉ là một phần vô cùng nhỏ. Các bạn có thể chỉ cần vẽ được, không cần nhất thiết phải vẽ đẹp. Vẽ là đủ và đúng, sau đó mới cần đến đẹp và độc, sau này trưởng thành hơn thì có điên. Bây giờ, trước hết các bạn cần tập trung vào vẽ đủ và đúng.
Câu hỏi: Làm sao để định hình được phong cách cá nhân?
Trả lời:
Creative Director Phạm Minh Hoàng
Thông thường, phương pháp truyền thống là hãy học hỏi từ người nghệ sĩ mà mình thần tượng, xem nhiều phong cách. Nhưng đối với anh, anh không làm như thế.
Thành thật, trước đây anh không thích artstyle hiện tại của mình. Tuy nhiên, lúc anh thực hiện các artwork, đăng tải trên các diễn đạt và nhận về phản hồi, ý kiến đóng góp của mọi người thì anh thay đổi quan điểm về artstyle của bản thân. Qua nhiều phong cách đăng tải, anh bắt đầu nhận ra rằng trái ngược với phong cách mình yêu thích nhưng không mang lại nhiều hiệu quả, có những phong cách mà bản thân vốn dĩ không thích nhưng lại có thể làm được rất nhanh, thể hiện hiệu quả và sản xuất một cách thoải mái. Từ đây, anh dần cân nhắc nhiều yếu tố và bắt đầu chọn artstyle mà mình cảm thấy thoải mái nhất, không tốn nhiều thời gian sản xuất, dễ xem với người dùng phổ thông, phong cách mà bản thân không bị áp lực quá nhiều.
Vì vậy, bước đầu tiên chính là hãy cứ thử. Các bạn thử nhiều và hãy chú ý phong cách nào cho bạn cảm xúc thoải mái nhất thì các bạn nên dừng lại và giành nhiều thời gian trải nghiệm hơn.
Creative Director Nguyễn Sơn Tùng
Việc định hình phong cách phải trải qua thời gian dài. Trước đây, anh thường theo dõi những người thành công và nghệ sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực mà mình yêu thích. Anh buộc bản thân phải xem sản phẩm đó và bắt đầu phân tích những sản phẩm của người mà mình ngưỡng mộ. Tìm hiểu xem điểm mạnh và điểm yếu trong sản phẩm của họ là gì. Dù trong bất kỳ lĩnh vực nào, cũng phải cần sự chỉnh sửa và phát triển, như vậy mới có thể hình thành phong cách riêng của bản thân. Nhìn chung, phong cách cá nhân không cần vội vàng, đây là chặng đường rất dài.
Bài viết: Duy Diệu
******
Để được tư vấn về chương trình đào tạo và các hình thức ưu đãi khuyến học tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh tại Arena gần bạn nhất:
TP.HCM
Email: [email protected]
* ARENA Nguyễn Đình Chiểu
212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3
Tel: 1800 1525
* ARENA Nguyễn Kiệm
778/10 Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận
Tel: 1800 6325
* ARENA Tân Kỳ Tân Quý
06 Tân Kỳ Tân Quý, Q. Tân Bình
Tel: 1800 2074
HÀ NỘI
Email: [email protected]
* ARENA Trúc Khê
80 Trúc Khê, Q. Đống Đa
Tel: 1800 1542
* ARENA Phạm Văn Bạch
D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
Tel: 1800 1542
* ARENA Trần Phú
110 Trần Phú, Q. Hà Đông
Tel: 1800 1542