Mỗi người thầy tại Arena Multimedia đều có một chất rất riêng không lặp lại. Nếu như bạn nhớ tới Th.s Trần Anh Khoa với những hình xăm cá tính, tới Mr “gió lốc” Trần Quốc Lợi cùng khả năng nói liên thanh… thì các bạn sẽ không thể nào không ấn tượng về “Người thầy xanh lá” nổi bần bật trong phong cách rất “Đỗ Hiệp”. Nhưng Arena đảm bảo đó vẫn chưa phải điều duy nhất. Hãy cùng khám phá về người thầy đầy thú vị này nhé!
“Thầy xanh lá”
– Họ và tên: Đỗ Văn Hiệp
– Tên gọi khác: Công chúa Xử nữ, Thầy xanh lá
– Năm sinh: 13/09/1984
– Đặc điểm nhận dạng: Đầu nấm, quần áo “lòe loẹt” sắc màu
– Công việc hiện tại: Giảng viên Mỹ thuật cơ bản Kì 1 – Arena Multimedia, Chủ nhiệm CLB Họa sĩ trẻ Việt Nam
– Sở thích: Du lịch và ăn đồ ngọt
– Thành tích:
+ Một trong hai họa sĩ tiêu biểu của Việt Nam tham gia “Silk journey to Art” tại Bắc Kinh – Trung Quốc; tham gia các sự kiện trong và ngoài nước.
+ Giải Nhất Hội Mỹ Thuật Việt Nam (2013),
+ Cá nhân tiêu biểu xuất sắc ngành văn hóa (2013), Giải Nhất Mỹ Thuật Khu vực Hà Nội năm 2014
– Câu nói yêu thích: “Nghệ thuật là niềm vui”
Nghệ thuật đến với thầy như thế nào? Có điều gì thú vị trên con đương tìm đến “chân lí chói trang” ấy của cuộc đời thầy không?
Nghệ thuật đến với mình bởi 1 chữ “ép”. Khi đang tung tăng trong tháng hè lớp 3 thì bố mình “bắt” đi học vẽ. Lúc đầu nghĩ điều đó sẽ đánh một dấu chấn to đùng cho mấy tháng hè yêu quý. Nhưng càng học thì càng thích và khi thấy tranh mình luôn được chọn để triển lãm tại Cung văn hóa thì tự hào vô cùng. Có lần nghe hàng xóm nói chuyên “Sao nó không đi làm?” / “Nó làm họa sĩ đó thôi” / “Họa sĩ đâu có biên chế?”… Lúc đó, mình nghĩ họa sĩ chẳng phải một nghề và nếu mình sinh ra vào 1000 năm trước chắc sẽ được coi trọng lắm. Nhưng mình vẫn luôn có một tình cảm đặc biệt dành cho những mảng màu và cây bút. Và bây giờ, có lẽ đó là con đường đúng đắn – 1 con đường mình chọn cho riêng mình.
Thầy Hiệp cùng các đại diện tiêu biểu của 25 nước tại sự kiện “Silk Journey to Art” – Trung Quốc (9/2015)
Những triển lãm cá nhân của thầy Đỗ Hiệp luôn nhận được sự chú ý của cộng đồng
Cơ duyên nào đưa thầy đến với Arena? Tại sao thầy lại lựa chọn Arena để làm việc?
Con đường thẳng của mình có lẽ là Đại học kiến trúc cơ. Tuy nhiên, môi trường nhà nước chắc không phải là môi trường mình “sống vui” được. Thật may mắn là thời gian đó mình gặp được người bạn và đã giới thiệu Arena. Và bây giờ đã hơn 3 năm gắn bó.
Sự chuyển tiếp từ một người nghệ sĩ sang một “anh giáo” có điều gì khác biệt? Khó khăn thầy gặp phải là gì?
Khi trở thành một người thầy thì dĩ nhiên phải “chỉnh chu” hơn rồi. Bởi nếu đơn thuần chỉ là một người nghệ sĩ thì sẽ làm việc theo cảm hứng, cảm tính là nhiều. Giờ đây, mình chú ý hơn tới kiểm soát thời gian cho cuộc sống và công việc một cách khoa học, năng động hơn và cũng thú vị hơn.
Là người được Arena “chọn mặt gửi vàng” để giảng dạy khóa học đầu tiên của học viên. Thuận lợi và khó khăn của trách nghiệm này theo thầy là gì?
Tiếp cận với những con người mới, đặc biệt là những “đứa trẻ” đầy nhiệt huyết và háo hức với đam mê của chúng thì quá tuyệt vời rồi. Tuy nhiên, tâm thế đứng lớp với những người mới cũng là một điều khó khăn. Cái quan trọng là phải giữ vững được niềm đam mê đó và định hướng cho các bạn. Đồng thời phải liên kết được các thành viên trong một tập thể gắn bó với nhau. Bởi không thoải mái thì sẽ khổ cho cả thầy và trò đúng không?
Cùng thầy Selfie
Theo đánh giá của sinh viên, được học trong lớp thầy Hiệp sẽ rất vui. Phong cách hay quan điểm giảng dậy của thầy là gì?
Mình luôn thích có sự trao đổi. Ngồi nghĩ không thì không bao giờ làm “ra chuyện”. Khi bắt đầu làm việc cùng nhau, sẽ có những ý tưởng hay những quan điểm trái chiều. Nó tạo lên một không gian đa sắc. Nhiệm vụ của mình là tạo ra “màu vẽ”, còn vẽ như thế nào sẽ do các bạn sinh viên mà ra. Mỗi sinh viên lại có một thế mạnh riêng, nắm bắt và phát triển nó là điều mình luôn chú trọng. Mình không muốn tạo ra “những chiếc dép giống nhau” bởi như thế sẽ không đi được. Tìm những hương vị “hoang sơ”, cho thêm chút vị của luật lệ và quy tắc nghệ thuật để kiểm soát nó thì sẽ tạo ra những điều khác biệt. Thêm nữa, mình thích có một chút âm nhạc trong quá trình giảng dạy. Mỗi ngày, nghe một bản nhạc thầy hoặc trò thích cũng có chút thú vị đấy chứ. Âm nhạc là sợi dây kết nối không giới hạn. Đơn giản là vậy.
Làm thế nào để thầy còn trở thành “cây cầu” kết nối giữa Học viên và nhà trường?
Với mình, mỗi lớp lại có những con người với cá tính khác nhau nên hãy khám phá nó và căn cứ vào đặc điểm họ có để kết nối chính họ thôi. Sống trong cả hai môi trường (nhà trường và sinh viên) chẳng phải sẽ thoải mái và vui vẻ khi dung hòa được cả hai môi trường đó. Tuy nhiên, đó không phải là công việc của một người thầy mà nó là bản năng và điều mình thật sự thích thú.
Từ một người cha ấm áp tới một người thầy thân thiện
Luôn là nhân vật và đề tài hấp dẫn cho những bộ ảnh chế, thầy nghĩ gì về điều này?
Cái này thì phải nhận lỗi về mình trước, bởi có lẽ thầy không tạo nguồn thì chắc học trò cũng không dám đâu. Nhớ chuyến đi Quan Lạn vừa rồi, mình giả bộ để hù mấy học trò nhưng không may bị chụp lại và ngay buổi tối hôm đó, 1 bộ sản phầm truyền thông “quái dị” được tung lên. Ngay cả các đồng nghiệp thân thiết cũng góp phần không nhỏ trong những ý tưởng “để đời” như vậy. Nhưng nó tạo nên niềm vui và kỉ niệm. Mình nghĩ “không ai yêu thì chẳng ai làm gì”, mình trân trọng và quý mến nó. Tất nhiên trong giới hạn chịu đựng thôi nhé. (Thầy cười lớn)
Trêu trò, trò trêu
Thầy có nghĩ những trò đùa trên làm giảm đi cái “uy” của một người thầy hay không? Tại sao?
Tất nhiên, vui thì hết mình nhưng cũng luôn phải có “kỉ luật thép”. Ngoài giờ có thể thoải mái và vui vẻ nhưng khi học tập phải nghiêm túc. Nghiêm túc không phải là ngồi ngoan nghe giảng mà quan trọng là ở tinh thần tích cực và ý thức học tập. Ví dụ nếu như lên lớp mà các bạn không làm bài tập, mình sẽ để các bạn tự học và tự xử lí nội dung học hôm đó… Đôi lúc, nghĩ lại mình cũng nghiêm ngặt kha khá. (Cười)
Gần như không thấy lần đi chơi nào thiếu vắng bóng thầy Hiệp. Thầy đánh giá như thế nào về những chuyến đi chơi của Arena?
Ban đầu là thích đi cùng tập thể, sau đó trường cũng “tạo cơ hội” phân công việc để có “cớ” chuyến nào cũng đi. Và lần nào đi cũng là những kỉ niệm tuyệt vời. Nó là không gian kết nối mọi người, Ngay cả những vấn đề gặp phải cũng là những điều thú vị. Ví dụ như “Mất tích” tạm thời là truyền thống trong mỗi chuyến đi khiến cho mọi người nháo nhào hết cả. Hay chuyến đi Bản Lác vừa rồi thì độ quẩy vẫn hừng hực dưới cơn mưa rào rừng núi. Mình như được trẻ lại và mọi căng thẳng ở thành phố tấp nập được đốt cháy hết bởi nhiệt huyết với Arena.
Khi đi chơi, thầy còn “nghịch” hơn trò
Thầy là người “đa sắc” theo nghĩa đen với phong cách ăn mặc nổi “bần bật”. Quan điểm của thầy như thế nào?
Màu sắc như một cách để thể hiện cá tính và cảm xúc. Mình không đi theo một nguyên tắc nào cả, tùy vào cảm hứng thôi. Có những lúc cả người là màu xanh nên bị sinh viên gọi là “Thầy xanh lá”. Nhưng có sao, hãy cứ là chính mình thôi. Bên cạnh đó, mình cũng quan tâm tới thời gian mặc, phối các màu như thế nào, chất liệu ra sao để cho phù hợp với từng hoàn cảnh.
Một sản phẩm của học sinh được xây dựng từ nguồn cảm hứng về người thầy thú vị
Nguồn cảm hứng
Như một bản nhạc của những “nốt thăng” nhưng đã có bao giờ người thầy của Arena có những “khoảng trầm” chưa? Thầy giải quyết nó như thế nào?
Có chứ. Có những lúc cảm hứng dâng trào, mình có thể tổ chức 7 triển lãm liền trong 3 tháng. Nhưng cũng có những lúc mình bị “hẫng” và stress nặng nề. Vẫn còn nhớ có lần sau 1 triển lãm cá nhân, mình bắt đầu rơi vào trạng thái bất định và không còn biết mình hứng thú với điều gì. Thiếu cảm hứng thì người họa sĩ sẽ không thể làm được điều gì cả, giống như vẽ một bức tranh sơn dầu mà không có mực vậy. Với mình, thời gian đó rất khó khăn. Sau 7 tháng, mình phải tự rèn lại thói quen “cầm bút”, xem nhiều tranh hơn và chú ý những điều nhỏ nhặt xung quanh hơn.
Nhưng đã làm việc thì chẳng ai bằng
Là một người “cầm bút” dạy những người “cầm chuột”, thầy có thấy khó khăn nào không?
Phải xác định rằng, học đồ họa không phải là học phần mềm. Phần mềm chỉ là đôi tay mà cái quan trọng phải là cái đầu. Bạn vẫn phải dùng tư duy để phối sắc, xử lí không gian… Bút hay chuột cũng chỉ là một công cụ để thể hiện ý tưởng trong đầu mình mà thôi. Giống như luyện võ, phải tập bổ củi, gánh nước mới có sự dẻo dai. Cũng như vậy, đồ họa thì cũng đều cần phải có tư duy. Vẽ không phải là cách duy nhất nhưng là cách nhanh nhất để rèn luyện tư duy. Người làm nghệ thuật không khác nhau, nếu có thì chỉ có khác ở chỗ một người cầm bút một người cầm chuột mà thôi.
Thông thường Basic Art phải học trong thời gian rất dài nhưng ở Arena chỉ học trong hơn một tháng, thầy nghĩ gì về điều này?
Đúng vậy, thường một kì Basic Art có thời gian học khá dài, có lúc học tới cả năm. Nhưng thời gian “dạy dỗ” ở Arena lại ngắn. Khi nhận được “đề bài” này từ phòng Đào tạo, mình cũng thấy khoai lắm. Tuy nhiên, thử thách đó cũng rất thú vị. Mình luôn cố gắp áp dụng tất cả những điều mình học được từ sách vở, từ thực tế,… để cho vào bài giảng của mình, cập nhật và “làm mới” bài giảng sao cho học sinh hiểu nhanh nhất. Theo cá nhân mình, làm nghệ thuật thì học không bao giờ là đủ cả. Mình, hay rất nhiều người đi trước giờ đây đều vẫn phải học, nên khó có thể nói thời gian là ngắn hay dài. Mà điều quan trọng là chữ “ngộ” – cho các bạn biết các bạn cần học gì, theo hướng như thế nào. Mình nghĩ, hãy cứ thử thay đổi cách học theo kiểu “Trường kì kháng chiến” vốn có của xưa nay. Và những thành quả của mình cũng “ổn” lắm đấy chứ! (Cười lớn)
Cảm ơn thầy đã dành thời gian chia sẻ cùng Arena!Tuổi trẻ, ai cũng có những đam mê và hoài bão của riêng mình. Và càng hạnh phúc hơn khi trong hành trình theo đuổi đam mê đó ta có những người làm bạn đồng hành thú vị. Chắc hẳn, theo cách rất riêng của mình, thầy Hiệp sẽ luôn là một người thầy, một người anh và một người bạn vô cùng đáng kính và ấm áp ở cạnh mỗi Arenaties phải không?
(Mỹ Linh)
Tự hào là cái nôi đào tạo nhân lực hàng đầu, Arena Multimedia đào tạo bài bản, toàn diện nghề Thiết kế Mỹ thuật Đa phương tiện, đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng lớn của các ngành quảng cáo, truyền thông, giải trí kỹ thuật số.Gia nhập cộng đồng sáng tạo cùng chúng tớ: