Vào ngày 17/10 vừa qua, trong khuôn khổ tuần lễ thiết kế sáng tạo Vietnam Halography 2021, Arena Multimedia kết hợp cùng Halography Việt Nam đã tổ chức buổi Online Workshop: Production Design for Film and Screen – Hiện thực hóa trường quay từ trí tưởng tượng với sự tham gia của chị Lan Zi, chị Kelly và anh Ki – ba chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Production Design. Tại đây, hơn 200 bạn trẻ đã được lĩnh hội những kiến thức tinh hoa, đồng thời, được lắng nghe những lời khuyên hữu ích về lĩnh vực này từ bậc đàn anh đàn chị trong nghề.
Production Design có thể định nghĩa ngắn gọn là công việc sẽ liên quan tới định hình, thiết kế, setup, chỉ đạo về mỹ thuật tạo nên bối cảnh ghi hình trong các dự án điện ảnh, MV, TVC… Dù đây là ngành nghề có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai, nhưng tại Việt Nam, Production Design lại ít được biết đến nếu như không phải dân trong ngành. Hiểu được điều này, Arena Multimedia đã mời đến ba Art Director/Production Designer dù trẻ nhưng lại dắt túi rất nhiều kinh nghiệm và thành tựu trong lĩnh vực Production Design: chị Lan Zi, chị Kelly và anh Ki để mang đến góc nhìn trực quan, cũng như những kiến thức nhất định mà bạn cần phải biết nếu muốn “dấn thân” và theo đuổi ngành nghề này.
Nếu bạn đã bỏ lỡ cơ hội tham gia buổi workshop truyền cảm hứng này, thì dưới đây là những ý chính của buổi talkshow mà Arena Multimedia giúp bạn “nhặt về mang cất” chờ ngày sử dụng nhé!
Production Design – Ngành nghề “cũ người mới ta” tại Việt Nam
Không còn là cái tên xa lạ với những bạn trẻ ưa tìm hiểu về lĩnh vực này nói riêng, giới giải trí nói chung, chị Lan Zi là Art Director/Production Designer của rất nhiều sản phẩm Music Video gây sốt trên khắp các diễn đàn mạng xã hội như: Thằng Điên – JustaTee x Phương Ly, Để Mị Nói Cho Mà Nghe – Hoàng Thuỳ Linh,… Đến với buổi Online Talkshow, chị Lan Zi đã tận tình chia sẻ về những khái niệm, định nghĩa cơ bản cần biết về nghề Production Designer, mang đến cho các bạn trẻ tham dự góc nhìn trực quan nhất về ngành nghề này.
Theo chị, ngày nay có không ít bạn trẻ còn có sự nhầm lẫn giữa công việc của Art Director (AD) và Production Designer (PD) bởi những sự tương đồng nhất định. Vì vậy, với vốn kinh nghiệm dày dặn và bề dày từng trải trong ngành của mình, chị đã dành thời gian đầu trong buổi talkshow để giúp các bạn phân biệt rõ ràng công việc của hai vị trí này, từ đó phác thảo ra chân dung của một Production Designer và nhiệm vụ của một PD trong đoàn làm phim, giúp các bạn trẻ thuận lợi hơn khi lựa chọn công việc của mình trong tương lai.
Nói về sự khác nhau trong công việc của Art Director và Production Designer, chị Lan Zi phân tích: “Về công việc của một AD, đây là vị trí định hướng mỹ thuật của một MV, thiên về các dự án quảng cáo sản phẩm nhiều hơn. Còn nếu sản phẩm là phim điện ảnh thì chúng ta sẽ dùng đến chức danh PD. Bởi việc thiết kế cho phim bao gồm rất nhiều khâu. Một AD có thể làm việc độc lập với một ekip khi quay MV, tuy nhiên khi làm phim sẽ cần tới một đội ngũ mỹ thuật phía sau. Điểm khác nhau giữa hai công việc này đó là khi làm việc trong một đoàn làm phim, PD sẽ là người đứng đầu tổ thiết kế, trong đó có cả AD. Theo đó, AD sẽ biến ý tưởng về nghệ thuật, concept của PD thành bối cảnh để mọi người có thể quay được.”
Từ chia sẻ ban đầu của chị Lan Zi, có thể thấy rằng trách nhiệm của một PD trong đoàn làm phim phần lớn liên quan đến khâu quản lý. Vậy công việc cụ thể của một PD sẽ làm trong một dự án là gì? Đó là:
- Lên mood and board, lookbook của dự án dựa theo ý của đạo diễn và kịch bản.
- Lên kế hoạch và truyền đạt ý tưởng của mình thông qua các bản phác thảo, minh hoạ, phối cảnh, hình ảnh, mô hình, storyboard, sketch…
- Hệ thống lại khối lượng công việc và phân chia xuống cho từng team cũng như yêu cầu nhân sự phù hợp với sản xuất.
- Theo dõi tiến trình làm việc và trao đổi với các bộ phận liên quan để đưa ra thiết kế và định hình phong cách phù hợp nhất cho các nhân vật cũng như mỗi cảnh phim.
- Giám sát quá trình làm việc để xử lý những vấn đề phát sinh trong quá trình làm phim.
Điều kiện cần và đủ để trở thành một PD giỏi?
Thực tế, Production Design là công việc thiên về sáng tạo, đòi hỏi trí tưởng tượng kết hợp vốn kiến thức chuyên môn nhất định, nhưng bấy nhiêu là chưa đủ, từ kinh nghiệm của mình, chị Lan Zi chỉ ra những phần kỹ năng mềm nhất định một người PD cần có:
“Yêu cầu của một PD là người phải vừa có khả năng quản lý, vừa có khả năng giao tiếp, vừa có khả năng mỹ thuật và có kiến thức chung về mặt xã hội, văn hóa, lịch sử. Mỗi dự án mang một câu chuyện khác nhau. Vì vậy, bạn phải hiểu về nó thì mới có thể làm được. Đặc biệt, PD phải có khả năng bao quát hoạt động của những người xung quanh để giữ được không khí làm việc tốt nhất cho bộ phận của mình nói riêng và đoàn làm phim nói chung.”
Từ kinh nghiệm làm nghề, 3 khách mời của talkshow đã đúc kết 3 điều một PD chuyên nghiệp phải luôn luôn để tâm trong quá trình làm việc
- Luôn đặt mình vào vị trí của nhân vật. Mình sẽ có cảm xúc thế nào trong hoàn cảnh đó? Sẽ cử động sao?
- Có cái nhìn bao quát, cẩn thận và ở nhiều góc độ cho từng set cảnh từ đạo cụ cho tới bối cảnh. Ví dụ như đạo cụ đó an toàn cho diễn viên không? Màu sắc có phù hợp với cảnh quay hay không? Có tạo được cảm xúc khi nhìn vào hay không?
- Liên tục tìm kiếm nguồn cảm hứng từ mọi khía cạnh trong cuộc sống. Từ phim ảnh, âm nhạc, văn học, cuộc sống thường nhật. Khi luôn nghĩ tới bối cảnh thì các bạn sẽ đưa ra được ý tưởng cho nó.
Học nghề Production Designer bài bản: Chọn trường như thế nào?
Không chỉ riêng với lĩnh vực Production Design, mà ở bất kì ngành nghề nào thì câu hỏi “Nên đi học bài bản hay bắt đầu ngay với công việc để vừa học vừa làm” luôn được đưa ra tranh luận. Là người đi trước với kinh nghiệm phong phú, chị Lan Zi đưa ra lời khuyên thiết thực cho thế hệ trẻ đang muốn theo đuổi ngành nghề này:
“Nếu có điều kiện thì em nên đi học bài bản. Nếu các em đã biết được mình muốn làm gì ở độ tuổi từ 16 đến 18, thì ở giai đoạn này cũng không thể tìm được công việc thực tế, vậy nên hãy đầu tư thời gian cho việc học các chuyên ngành có liên quan. Trong trường hợp em đã có nền tảng cơ bản trong mỹ thuật từ việc học thiết kế đồ hoạ, thiết kế nội thất thì hãy xin tham gia vào các dự án như Kelly đã chia sẻ để thực hành. Việc có kiến thức được đào tạo một cách bài bản giúp ích được mình rất nhiều khi ra làm nghề. Không phải ai cũng có khả năng tự học từ thực tế, vậy nên nếu có cơ hội hãy chọn đào tạo bài bản để được lắng nghe từ những chuyên gia.”
Hiện tại, ở Việt Nam vẫn chưa có trường dạy bài bản về Production Design. Tuy có các lớp về tạo hình sân khấu tại Đại học Sân khấu Điện ảnh, nhưng vẫn chưa thật sự có chương trình đào tạo chuyên sâu. Vậy nên, để có thể tiếp cận với những kiến thức, kỹ năng tốt hơn trong nghề, các bạn trẻ yêu thích công việc này và muốn học một cách bài bản đều có xu hướng tìm đến những ngôi trường ở nước ngoài.
Ở phần 2 của chương trình, anh Ki, người được biết đến với vai trò là Art Director/Production Designer của những dự án tiêu biểu như: Người Bất Tử, Thưa Mẹ Con Đi chia sẻ với các bạn trẻ về kinh nghiệm chọn trường và những lưu ý khi làm portfolio, tiến thân vào ngành Production Design thông qua con đường đào tạo bài bản:
“Để kiểm tra mức độ đáng tin cậy và chất lượng của trường mà mình lựa chọn thì các bạn có thể xem qua bảng xếp hạng. Có trường sẽ được xếp hạng dựa trên tổng quát, cũng có trường được xếp hạng dựa trên chuyên ngành. Khi chọn được trường rồi thì các bạn nên lưu ý 3 vấn đề: Hạn nộp hồ sơ, yêu cầu của trường và danh sách các môn mà mình sẽ được học. Hãy dành thời gian ít nhất một năm để chuẩn bị portfolio. Bởi có nhiều trường sẽ yêu cầu portfolio khá đa dạng như cần có bản vẽ, phải có sản phẩm, hay có quá trình thiết kế. Các trường sẽ không quan trọng quá nhiều vào sản phẩm mà muốn biết được cách bạn suy nghĩ, giải quyết vấn đề như thế nào.”
Ngoài ra, từ kinh nghiệm cá nhân của mình, anh Ki cũng chia sẻ với các bạn trẻ 3 tips để có thời gian học tập hiệu quả nhất khi ở trường và vững tin bước chân vào nghề Production Design sau này:
- Có kế hoạch học tập. Bởi có một số môn sẽ bắt buộc cần học về mảng Production Design, có những môn chỉ là bổ trợ. Khi có kế hoạch học tập cụ thể, bạn sẽ biết được mình cần dành thời gian tập trung cho các môn mà sau này sẽ giúp ích cho công việc của một Production Designer.
- Hãy tham gia thật nhiều phim ngắn nếu có cơ hội. Việc này sẽ giúp các bạn làm quen với môi trường làm việc chuyên nghiệp an toàn và thoải mái nhất. Điều đó cũng sẽ giúp các bạn học và tránh được những sai sót sau này trong quá trình làm nghề, tránh ảnh hưởng tới cả đoàn phim.
- Làm những công việc dù là nhỏ nhất. Việc biết cách sơn một cái bàn, thêu một bông hoa trên trang phục sẽ giúp bạn quản lý được chi phí, thời gian tốt hơn, và đưa ra những phương án tối ưu nhất cho đoàn làm phim khi bắt đầu làm Production Designer.
“Tay ngang” bước chân vào nghề Production Design như thế nào?
Trong phần thảo luận về “Học nghề Production Design ở đâu, bắt đầu từ đâu?”, chị Kelly, một Production Designer “tay ngang” dùng đam mê và nỗ lực để thành công trong ngành, tên tuổi gắn liền với những dự án tiêu biểu như Kong: Skull Island, Da 5 Blood,… chia sẻ ba cách để có thể tự học, tự trau dồi tri thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực Production Design:
- Tìm một và tham gia một cộng đồng nào đó có cùng đam mê về làm phim, luôn “lăn xả” từ những vị trí nhỏ nhất để được để học hỏi kinh nghiệm.
- Hãy tham gia từ những dự án nhỏ nhất như phim ngắn. Bởi các đoàn làm phim ngắn sẽ cho bạn cơ hội được rèn luyện những kỹ năng thiết kế. Mở thêm cơ hội để thử sức với nhiều thể loại phim khác nhau. Bạn cũng sẽ học được cách làm việc với mức chi phí hạn hẹp.
- Chịu khó mở rộng mối quan hệ có ích cho công việc của mình trong tương lai. Lợi thế lớn nhất của các bạn “tay ngang” đó là dù không được học hành bài bản, nhưng việc bắt tay vào làm việc thực tế sẽ cho bạn những bài học xương máu và đáng nhớ.
Bên cạnh đó, vấn đề làm cách nào để có thể tìm kiếm và kết nối được với các đoàn làm phim, từ đó tìm kiếm cho mình cơ hội việc làm là một trong những mối quan tâm lớn nhất của các bạn trẻ khi có ý định bước vào nghề PD. Từ kinh nghiệm của mình, anh Ki đem đến góc nhìn của mình:
“Có một cách đó là hãy xem phần credit của các bộ phim và xem Production Designer của đoàn là ai, rồi tìm và liên lạc với họ qua mạng xã hội. Có thể làm quen qua cách giới thiệu mình là một người mới trong ngành đang tìm kiếm cơ hội, và hỏi liệu mình có thể làm trợ lý cho người đó được không. Sẽ có rất nhiều người trả lời và sẵn sàng giúp đỡ bạn. Đó cũng là cách mình bước vào nghề Production Design ở Việt Nam.”
“Ngoài cách của anh Ki thì mình có thể tìm kiếm các cộng đồng làm phim ở Việt Nam. Ví dụ như ở Hà Nội thì có TPD – là một trung tâm đào tạo tài năng cho các bạn trẻ muốn làm phim, hoặc các câu lạc bộ làm phim. Ngoài những người lớn mà mình có thể liên hệ để học hỏi và xin việc, thì cũng có thể làm quen các bạn cùng tuổi để kết hợp làm việc với nhau.” – Chị Kelly bổ sung.
Những hiểu lầm lớn nhất về công việc của Production Designer
Production Design tuy không còn là ngành mới nhưng chưa thật sự phổ biến tại Việt Nam, nên không thể tránh được những hiểu lầm về nghề. Qua nhiều năm làm việc, các khách mời đã chỉ ra 2 điều mà mọi người thường hay nhầm lẫn nhất khi nói về Production Design. Điều này không chỉ giúp các bạn muốn theo nghề hiểu rõ hơn công việc của mình, mà còn giúp các bạn làm việc ở các vị trí khác trong đoàn làm phim tránh được nhầm lẫn về đồng nghiệp, từ đó phối hợp làm việc hiệu quả hơn.
Với anh Ki, điều mà người ngoài ngành hay nhầm lẫn nhất về Production Design có liên quan đến vai trò của PD trong đoàn làm phim: “Mọi người hay nhầm rằng Production Design phải quản lý cả phần phục trang và phần make up. Nhưng thật ra đây là 2 tổ riêng biệt hoàn toàn trong đoàn làm phim. Có thể ở Việt Nam sẽ có một số đoàn nhỏ gộp lại để tiết kiệm chi phí. Nhưng thực chất thì DP không phụ trách việc costume design, mà DP chỉ hỗ trợ thôi.”
Còn đối với chị Lan Zi, không ít người hiểu sai về kỹ năng chuyên môn của một PD: “Nhiều người mặc định rằng, một PD phải thật là giỏi về 3D hoặc các kĩ năng thể hiện sketch, rồi vẽ bối cảnh trên máy. Nhưng thật ra là không cần. Cái mà một PD phải giỏi chính là mindset trong đầu của họ như thế nào. Phải làm sao để thể hiện cho mọi người biết được ý tưởng của mình, đồng thời phải thạo kỹ năng quản lý, kỹ năng sắp xếp công việc nữa. Còn nếu muốn làm hoạt phim 3D hay artbook về sau thì có thể tìm một hoạ sĩ đúng chuyên môn hơn.”
Áp lực, thách thức đối với một Production Designer và cách giải quyết
Teamwork chiếm 50% của công việc của một Production Designer. Việc giữ được tinh thần của cả đội để có thể phối hợp ăn ý khi quay phim trong một thời gian dài là điều rất quan trọng. Đây chính là thách thức, cũng như áp lực đối với một Production Designer.
Chị Kelly chia sẻ về những khó khăn gặp phải khi làm việc ở vị trí PD: “Làm phim thật sự không thể làm một mình mà là một môn nghệ thuật theo nhóm, đòi hỏi phải có sự làm việc nhuần nhuyễn và thành thục với từng tổ trong đoàn. Có những người lớn hơn, cũng có những người nhỏ hơn, mình phải có cách làm việc với từng cấp bậc và dung hòa ý kiến của tất cả mọi người.”
Ngoài ra, vì công việc của PD gắn liền đến từng chi tiết nhỏ và có sức ảnh hưởng đến tất cả các công đoạn, từng nhân sự trong đoàn; vì thế, áp lực về việc “không được phạm sai lầm” đối với một PD là rất lớn.
“Một sai lầm nhỏ của mình sẽ ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận khác nhau. Có đoàn làm phim lên đến hàng trăm, hàng nghìn người. Nếu mình phạm sai lầm, thì cả đoàn phải đợi, tiêu tốn thêm tiền của, thời gian và đó là một dạng áp lực rất lớn.”, chị Kelly chia sẻ.
Với bề dày kinh nghiệm 7 năm trong ngành, từng hợp tác với các đoàn làm phim trong và ngoài nước, sau khi nói về những khó khăn và áp lực một PD phải đối mặt, chị Kelly cũng đưa ra các tips để có thể teamwork hiệu quả và các cách để tối thiểu hóa những lỗi nhỏ trong quá trình làm việc:
- Chuẩn bị kỹ càng trong quá trình tiền kỳ, từ bản vẽ, kế hoạch, tất cả phải cụ thể và được đạo diễn duyệt qua, có như vậy mình mới có sự tự tin nhất định để thể hiện thật tốt vai trò của một PD.
- Hệ thống công việc thật tốt. Phải cụ thể hóa ra được việc một set có bao nhiêu công đoạn cần làm, mỗi công đoạn cần bao nhiêu người, từng chi tiết nhỏ trong một set được sắp xếp như thế nào, cái gì làm trước cái gì làm sau sau, công việc của từng tổ như thế nào,… Tất cả phải được hoạch định rõ ràng và chi tiết thì mới có thể vận hành và hoạt động trơn tru, tạo hiệu ứng tốt nhất.
- Phải nhìn xa trông rộng để tiên liệu được những vấn đề có thể sẽ xảy ra và nếu trong tình huống xấu, mình phải chấp nhận và học cách bình tĩnh để xử lý tình huống linh hoạt theo cách tốt nhất có thể.
Lời khuyên dành cho các bạn trẻ muốn theo đuổi Production Design
Trước khi kết thúc chương trình, ba vị khách mời cũng không quên dành cho các bạn trẻ đang muốn bắt đầu tìm hiểu và bước chân vào nghề Production Design những lời khuyên chân thành và hữu ích.
- “Phải có NIỀM TIN. Chỉ cần có niềm tin, ta có thể vượt qua mọi chướng ngại vật và thực hiện được điều mình mong muốn” – anh Ki.
- “TRÂN TRỌNG những người xung quanh mình. Bởi công việc của mình không phải là một dự án cá nhân. Mà là một dự án tập thể. Và nếu có một cái tôi quá cao thì hãy xem xét lại. Bởi cái tôi trong nghệ thuật thì được, nhưng cái tôi trong làm việc nhóm thì không ổn. Hãy trân trọng những người làm việc cùng mình. Bởi không có họ thì sẽ không có sản phẩm, không có họ thì ý tưởng của mình cũng sẽ không thể hiện thực được. Nên hãy bảo vệ những người trong team của mình.” – chị Lan Zi.
- “BIẾT LƯỢNG SỨC MÌNH. Đừng quá tham lam, đừng ép mình nhận quá nhiều dự án rồi lấy dự án này chồng lên dự án kia. Cuối cùng thì vì áp lực quá nhiều, sức khoẻ không có sẽ ảnh hưởng tới tất cả các dự án.” – chị Kelly.
Ngoài ra, dù thành phố đã bắt đầu thiết lập “bình thường mới” để khôi phục các hoạt động kinh tế, văn hoá. Với tính chất công việc của ngành Production Design, sự bùng phát của dịch bệnh trở thành nỗi lo sợ của các bạn trẻ vừa chập chững bước vào nghề. Hiểu được tâm lý này, chị Lan Zi và Kelly có một vài lời khuyên gửi tới các bạn trẻ để thêm phần vững tâm.
“Loài người rất giỏi tồn tại và phát triển. Dịch kéo dài bao lâu thì cũng sẽ đến lúc giải quyết được thôi. Trong khoảng thời gian không làm việc thì mình sẽ học hỏi và nghỉ ngơi thêm. Tận dụng khoảng thời gian này để tạo cho bản thân những kiến thức mới, chuẩn bị cho bản thân cơ hội để phát triển thêm. Đừng để khoảng thời gian này trôi đi vô ích. Công việc của PD gần như liên quan tới tất cả các ngành như xã hội, giải trí, văn hoá, chính trị, tâm lý. Mình có thể không chuyên sâu nhưng phải hiểu. Bởi không gian trong phim ở giai đoạn nào của xã hội, tâm lý diễn biến ra sao mình cũng phải hiểu. Các bạn hãy nhớ rằng không bao giờ người giỏi bị bỏ quên dù mình đi chậm hơn các bạn đồng trang lứa. Nên hãy liên tục trau dồi bản thân, tận dụng khoảng thời gian này để bổ sung kiến thức.” – Chị Lan Zi chia sẻ.
“Như chị Lan Zi nói, đây là khoảng thời gian mọi ngành nghề đều bị ảnh hưởng chứ không riêng gì PD. Bình thường mình đi làm đã khá là bận rộn và mệt nên đôi khi không có thời gian để đọc sách, nghe nhạc hay xem phim. Vậy nên trong khoảng thời gian này tốt nhất là hãy đầu tư cho kiến thức. Đọc và tìm hiểu thêm về xã hội, về lịch sử. Và những kiến thức này sẽ phục vụ rất nhiều cho công việc của mình trong tương lai.” – Chị Kelly trả lời.
Tạm kết
2 tiếng chia sẻ của buổi workshop về chủ đề Production Design có thể chưa giải thích hết được những thắc mắc, những tò mò của các bạn trẻ về công việc không mới nhưng hẳn còn rất lạ này. Nhưng chắc chắn, chị Lan Zi, chị Kelly và anh Ki đã phần nào giúp các bạn trẻ có những kiến thức cơ bản về nghề như: nhiệm vụ của một PD trong đoàn làm phim, cách học tập hiệu quả để trở thành một PD, hay giải đáp cho câu hỏi “tay ngang thì có thể trở thành PD được không?”, v.v…
Qua sự hưởng ứng và tham gia nhiệt tình của các bạn học viên, Arena Multimedia và Vietnam Halography rất vui khi đã có thể góp phần giúp các bạn trẻ có một cái nhìn cụ thể, rõ ràng hơn về một công việc rất có tiềm năng phát triển trong tương lai, từ đó có thêm định hướng phát triển sự nghiệp. Sắp tới, Arena Multimedia sẽ tiếp tục tổ chức những talkshow, workshop với nội dung đa dạng hơn cùng những khách mời có tên tuổi trong làng Sáng tạo để cùng đồng hành với các bạn trong quá trình phát triển kỹ năng mềm lẫn kiến thức chuyên môn. Hãy theo dõi website và fanpage của Arena để không bỏ lỡ bất kì thông tin nào nhé.
Lưu Ly
******
Để được tư vấn về chương trình đào tạo và các hình thức ưu đãi khuyến học tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh tại Arena gần bạn nhất:
TP.HCM HÀ NỘI
Email: [email protected] Email: [email protected]
Tel: 1800 1542
* ARENA Nguyễn Đình Chiểu * ARENA Trúc Khê
212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3 80 Trúc Khê, Q. Đống Đa
Tel: 1800 1525
* ARENA Nguyễn Kiệm * ARENA Phạm Văn Bạch
778/10 Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
Tel: 1800 6325
* ARENA Tân Kỳ Tân Quý * ARENA Trần Phú
06 Tân Kỳ Tân Quý, Q. Tân Bình 110 Trần Phú, Q. Hà Đông
Tel: 1800 2074
Website: https://www.arena-multimedia.vn
Fanpage: https://www.facebook.com/arena.multimedia.vn
YouTube: https://www.youtube.com/c/ArenaMultimediaVietNam
Instagram: https://www.instagram.com/arena.multimedia
Behance: https://www.behance.net/arena-multimedia
Pinterest: https://www.pinterest.com/arenamultimedia