Trong những ngày diễn ra triễn lãm Davines Art Series số 7 với chủ đề “Be The Change”, khách tham quan không khỏi ngạc nhiên và choáng ngợp trước những tác phẩm mà các nghệ sĩ đưa đến trưng bày. Trong đó không thể không nhắc tới Chú Tễu cao 3,5m được tạo ra từ hơn một vạn chiếc ống hút nhựa. Đây là sản phẩm do họa sỹ Đỗ Hiệp cùng các học viên Arena Multimedia thực hiện với mong muốn giúp người xem hiểu hơn về sự ảnh hưởng của rác thải đến đời sống văn hóa. Hôm nay, hãy cùng gặp gỡ và lắng nghe nhiều câu chuyện thú vị của những người đứng sau tác phẩm này.
Chào họa sĩ Đỗ Hiệp, chúc mừng anh và các bạn học viên đã có một tác phẩm triển lãm thành công. Mọi người rất tò mò rằng xuất phát từ đâu mà anh lại có ý tưởng này?
Họa sĩ Đỗ Hiệp: Chủ đề của triển lãm Davines Art Series số 7 là “Be The Change” – “Hãy tạo ra sự thay đổi bạn muốn thấy trên thế giới này.” Qua các tác phẩm, thông điệp mà những nghệ sĩ muốn truyền tải đến công chúng rất rõ ràng: Hạn chế rác thải nhựa, tái chế/tái sử dụng nhằm bảo vệ môi trường của chúng ta. Có vậy, thiên nhiên, môi trường sống mới trở nên tươi đẹp hơn. Thế nên để lựa chọn một thứ gì đó phù hợp với chủ đề về môi trường thì tôi thường nghĩ tới chất liệu thể hiện đầu tiên. Ý tưởng chợt lóe lên trong đầu khi tôi quan sát những hoạt động đời sống xung quanh, và tôi nhận thấy mỗi một con người, mỗi một âm thanh, một tiếng nói, mỗi một cái miệng đều ngậm một cái ống hút, rồi chúng lại bị vứt ra ngoài đường sau khi sử dụng xong, tôi nghĩ đây sẽ là một chất liệu tốt, và tôi sẽ dùng nó với số lượng khủng để có thể tác động thẳng vào thị giác người xem.
“Những cú hút” – tác phẩm được Họa sĩ Đỗ Hiệp và các bạn đến từ Arena Multimedia thực hiện.
Tên tác phẩm “Những cú hút” có phải cũng bắt nguồn từ đây không thưa anh?
Họa sĩ Đỗ Hiệp: Đúng vậy, khi nhắc đến ống hút, người ta sẽ liên tưởng ngay tới những âm thanh mà nó tạo ra. Ban đầu tôi nghĩ rất nhiều cái tên khác nhau dành cho tác phẩm này, cuối cùng BTC chương trình đã quyết định lựa chọn “Những cú hút” cho dễ nhớ. Thật ra cái tên mà tôi thích nhất là “Rộttttt”- nó giống như tiếng chúng ta hút nước hằng ngày, âm thanh tưởng chừng vô hại nhưng ẩn chứa nhiều mối nguy sau này. Những chiếc ống hút sử dụng một lần sẽ bị vứt ra ngoài môi trường, từ nay chúng là đồ bỏ đi, không được sử dụng nữa, rồi đến một ngày chúng sẽ quay trở lại, tấn công các thế hệ sau này. Đó chính là ý nghĩa của cái tên “Những cú hút”, mà cụ thể ở đây là hơn một vạn cú hút.
Tác phẩm nêu lên vấn nạn thường trực, nhưng cũng đầy day dứt: Sự “bành trướng” của rác thải nhựa không chỉ xuất hiện trong cuộc sống con người mà còn gây ô nhiễm môi trường văn hóa.
Vậy tại sao anh lại chọn hình tượng Chú Tễu chứ không phải một thứ gì khác?
Họa sĩ Đỗ Hiệp: Trong vấn đề về môi trường này tôi nghĩ tới vấn đề về văn hóa, về sự tương tác giữa môi trường và văn hóa. Chú Tễu là một hình tượng rất đặc trưng trong văn hóa Việt Nam, nó là sản phẩm tinh thần mà người nông dân đã tạo ra, gắn liền với nghệ thuật múa rối nước. Tôi liên kết ống hút và chú Tễu, hai hình ảnh đó gần như là sự tương tác giữa một cái cũ và một cái mới, một hình ảnh cũ của văn hóa và một hình ảnh mới của thực tại – môi trường. Đối với tôi mỗi một cái ống hút sẽ tác động trược tiếp đến hôm nay, ngày mai, không chỉ với đời sống mà còn tới văn hóa của chúng ta nữa.
”Những cú hút” là tác phẩm lấy hình ảnh chú Tễu – nhân vật quen thuộc của văn hóa nghệ thuật truyền thống người Việt – bị “bao vây” giữa một vạn ống hút nhựa màu.
Anh có thể nói rõ một chút, sự tác động của rác thải nhựa đến văn hóa ở đây là gì?
Họa sĩ Đỗ Hiệp: Trước tiên là về mặt cơ học, về lâu dài chúng ta sẽ thấy nó ảnh hưởng đến môi trường và chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến văn hóa. Nó tác động tới đất đai, nguồn nước rồi sau đó là kết cấu của các vật liệu. Khi môi trường bị ảnh hưởng, nguồn nguyên liệu cũng sẽ dần trở nên khan hiếm, vậy lấy đâu ra đẻ xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu con người. Khi những yếu tố trên bị ô nhiễm môi trường bị tác động thì đời sống tinh thần của chính bạn và tôi cũng sẽ thay đổi ít nhiều nhưng là theo chiều hướng xấu.
Một vấn đề xa hơn ở phía sau đó chính là hành động vô ý thức của chúng ta khi sử dụng và vô tư vứt bỏ rác thải ra ngoài môi trường. Văn hóa không phải thứ gì xa xôi, văn hóa vôn dĩ rất đơn giản. Chúng ta dùng một chiếc túi ni lông hay không dùng nó đã là ý thức và ý thức đó được gọi là văn hóa.
Họa sĩ Đỗ Hiệp bên cạnh “Những cú hút” tại buổi khai mạc triển lam Davines Art Series số 7.
Thông điệp mà anh muốn truyền tải thông qua tác phẩm này tại triển lãm Davines Art Series số 7 là gì?
Họa sĩ Đỗ Hiệp: Đừng có hút nữa, tôi nói đùa đấy. (cười)
Thực ra vấn đề chính khi làm tác phẩm này, tôi muốn chia sẻ quan điểm của mình đến với mọi người. Mỗi người chúng ta chỉ cần có một chút ý thức nhỏ trong thói quen thì cách hành xử đối với văn hóa, đối với môi trường cũng sẽ khác đi rất nhiều. Một hành động nhỏ hôm nay sẽ quyết định đến tương lai xa hơn, giống như từng chiếc ống hút tạo ra một tác phẩm lớn vậy.
Tác phẩm thu hút sự chú ý của nhiều khán giả.
Quay trở lại quá trình làm tác phẩm, anh và các bạn học viên Arena Multimedia đã mất bao nhiêu thời gian để hoàn thành nó?
Họa sĩ Đỗ Hiệp: Chúng tôi đã làm Chú Tễu trong vòng ba tuần, từ lúc thu thập ống hút cho tới khi hoàn thành tất cả.
Vậy thì công đoạn nào là mất nhiều thời gian và công sức nhất?
Họa sĩ Đỗ Hiệp: Công đoạn mất nhiều thời gian nhất chắc là gắn ống hút lên khung, có những hôm các bạn ở lại xưởng đến tận mười giờ đêm, sương xuống nhanh, trời thì lạnh. Những múi keo đòi hỏi sự tỉ mỉ để bao phủ hết phần khung lớn cũng như đảm bảo ống hút không bị rơi ra trong quá trình vận chuyển
Còn các bạn học viên thì sao?
Nhóm học viên: Thầy nói đúng nhưng chưa đủ, đối với chúng mình mất công mất sức và đáng sợ nhất chính là lúc rửa ống hút. Số lượng ống hút đã dùng một lần thu thập được về rất lớn, đến ngày mở ra để làm sạch thì có đủ các loại mùi. Chúng mình vừa rửa, vừa nghĩ đến hành động vô tư vứt xả bừa bãi rác nhựa, ngần này đã vậy, huống hồ là những “núi rác” con người xả ra ngoài môi trường hàng giờ, hàng ngày.
Các bạn học viên đang gắn những chiếc ống hút vào khung của Chú Tễu
Thầy trò có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ nào đó trong quá trình cùng nhau thực hiện tác phẩm này được không?
Họa sĩ Đỗ Hiệp: Đó là những bữa xì xụp húp mì tôm ở xưởng cùng nhau, bọn trẻ không thích ăn ngoài, chỉ muốn mua đồ về, thay phiên đứng bếp, cãi cọ tranh luận rồi kỳ kèo xem ai phải rửa bát. Bên chiếc bàn ăn, chúng tôi nói rất nhiều chuyện, từ công việc, học tập đến tác phẩm. Chúng tôi đều có thời gian biểu khác nhau, thế nhưng lúc ấy ai cũng muốn nhanh chóng hoàn thiện Chú Tễu nên tuy gấp rút vẫn cảm thấy rất vui.
”Không có món gì ngon hơn mì tôm ở xưởng thầy Hiệp”
Nhóm học viên: Còn một kỷ niệm khác đó là lúc đi thu gom ống hút, chúng mình thực sự không nhớ nổi đã đến bao nhiêu quán cà phê trong thành phố xin được đặt thùng góp ống hút, có chỗ nhiệt tình lắm nhưng cũng có chỗ cứ làm khó tụi mình hoài. Thật ra chú Tễu không chỉ có mỗi công sức của thầy trò chúng mình đâu, mà trong đó còn có tấm lòng ủng hộ của rất nhiều quán cà phê nữa. Nếu không có họ, chưa chắc Tễu đã thành hình, oai phong và bệ vệ đứng giữa phố sách Hà Nội trong ngày triển lãm. Chúng mình chân thành cảm ơn những anh chị đã nhiệt tình hỗ trợ nhóm suốt thời gian qua.
Ở triển lãm Davines năm ngoái, anh cũng từng gây ấn tượng với tác phẩm “Đôi mắt” làm từ những chiếc chai nhựa, năm nay anh lại kết “Chú Tễu” bằng ống hút. Có cảm giác dường như anh không bao giờ cạn kiệt ý tưởng với những chất liệu mà người ta bỏ đi?
Họa sĩ Đỗ Hiệp: Tại vì khi nhắc đến chủ đề về môi trường thì tôi thường rất quan tâm tới chất liệu, tôi thích mở nó, dán nó, dùng chính những thứ người ta vứt đi để đánh lại ý thức của người ta. Quan điểm của tôi đó là tôi không muốn tạo ra những bãi rác mới nữa, mình có thể dùng rác để tạo ra một tác phẩm chứ không phải trong quá trình làm tác phẩm lại tạo ra một đống rác mới.
Họa sĩ Đỗ Hiệp cho biết, ban đầu chú Tễu chỉ cao 1,9m, nhưng không gian triển lãm ngoài trời nên tác giả nâng lên 3,5m để gây ấn tượng mạnh với mọi người.
Nếu được dùng ba từ để nói về tác phẩm “Những cú hút”, anh sẽ dùng ba từ gì?
Họa sĩ Đỗ Hiệp: Từ đầu tiên và cũng là kỳ vọng mà tôi muốn đưa đên cho khán giả đó là “Ngợp” – Ngợp về thị giác, ngợp về cảm xúc khi chiêm ngưỡng Chú Tễu cao hơn 3m được tạo ra từ những chiếc ống hút nhỏ li ti, chúng giống như những kim tiêm nhỏ đánh thẳng vào ý thức người xem.
Từ thứ hai là “Bổ” – Nó vừa bổ ích cho môi trường, bổ ích cho khán giả và bổ ích cho những người tham gia sáng tạo tác phẩm
Từ thứ ba là “Xinh”, tôi không tự khen nó đẹp đâu nhé, cái này là mọi người đến xem cùng công nhận đấy. (cười)
Chú Tễu làm bằng ống hút nhựa sáng lấp lánh trong đêm.
Anh có thể chia sẻ một chút về cảm xúc mỗi lần tham gia triển lãm Davines không?
Họa sĩ Đỗ Hiệp: Vừa mệt mà vừa vui. Thứ nhất là có cơ hội để kết nối các bạn học viên lại với nhau. Thứ hai là mình có thể chia sẻ những quan điểm, góc nhìn của bản thân đến mọi người, đến học trò của mình. Bởi khi các bạn làm cũng chính là cách các bạn hiểu ra vấn đề thay vì đi bên ngoài, liếc qua hời hợt. Mỗi lần làm, tôi lại nghĩ ra một vấn đề để cùng học viên làm được là vì vậy, cảm giác các bạn trẻ cũng đang đóng góp một phần vào trong chính những sự thay đổi nhỏ từ ý thức.
Họa sĩ Đỗ Hiệp cùng Hiệu trưởng Arena Multimedia – Ông Đinh Trí Dũng và các bạn học viên.
Cảm ơn anh và các bạn học viên về những chia sẻ.
Chuỗi hoạt động nghệ thuật thường niên Davines Art Series là một phần trong chiến dịch thường niên “Tôi gìn giữ vẻ đẹp” do Davines Việt Nam, Tạp chí Đẹp và Trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia phối hợp tổ chức nhằm tìm kiếm, chia sẻ và tôn vinh những thông điệp, dự án, hành động ý nghĩa trong việc gìn giữ cái đẹp qua lăng kính nghệ thuật.
Davines Art Series lần thứ 7 với chủ đề “Be The Change – Hãy tạo ra sự thay đổi bạn muốn thấy trên thế giới này!” là tiếng chuông cảnh tỉnh về vấn đề môi trường và rác thải nhựa.
Giang Hoàng