“Với chiếc điện thoại trên tay, bất kỳ ai cũng có thể trở thành một người làm báo. Bạn có thể viết tin, chụp một bức hình hoặc đưa một đoạn video clip lên mạng xã hội giống như một phóng viên. Mỗi công dân trở thành một nhà báo, mỗi chiếc điện thoại thông minh trở thành một đài phát thanh truyền hình theo cách hiểu truyền thống. Và lúc này báo chí, truyền hình không đủ sức cạnh tranh với mạng xã hội. Vì vậy, đối với báo chí hiện nay thay vì chạy đua theo mạng xã hội để làm tin tức thì báo chí phải sản xuất ra các nội dung rất đặc biệt mà những người bình thường không làm được”.
Đó là chia sẻ của nhà báo Lê Quốc Minh trong hội thảo chuyên đề “Digital Media Innovation & IP on Digital Content – Sáng tạo Kỹ thuật số và Sở hữu Trí tuệ” do CLB Doanh nhân sáng tạo (VCE), Arena Multimedia và Học viện Báo chí Tuyên truyền đồng tổ chức sáng ngày 29/11/2016 tại Hà Nội. Tham gia diễn thuyết còn có sự góp mặt của Luật sư Sở hữu trí tuệ Tám Trần (Công ty IPCOM) cũng như sự hiện diện của đại diện các đơn vị tổ chức và hơn 200 sinh viên chuyên ngành báo chí và Multimedia.
Giám đốc thương hiệu Arena Multimedia phát biểu mở đầu Hội thảo
Công nghệ và mạng internet tạo ra thách thức đối với tất cả các hãng truyền thông
Trong buổi hội thảo, nhà báo Lê Quốc Minh đã mang đem đến cho các sinh viên những thông tin bổ ích về những tờ báo, hãng tin nổi tiếng, họ ứng dụng khóa học kĩ thuật như thế nào để phát triển như ngày hôm nay. Bằng việc đưa ra những ví dụ là những tác phẩm báo chí đoạt giải Pulitzer, những tác phẩm tiên phong tạo nên một xu hướng mới cho báo chí hiện đại hay những xu hướng mới như Mega Story (Long Form), Data journalism, Tech-media hybrid, “gonzo scoops”,… anh đã chỉ ra quá trình sáng tạo, đổi mới không ngừng và vị thế được củng cố của những tờ báo, hãng tin nổi tiếng như The New York Times, Thompson Reuters hay The Guardian.
Hai thập niên trở lại đây, chúng ta chứng kiến sự ra đời của hàng loạt sản phẩm truyền thông kỹ thuật số, các nền tảng, các thiết bị tiêu dùng, cách thức tiêu dùng mới mẻ. Những đột phá trong sản phẩm điện thoại thông minh khiến người dùng smart phones có cơ hội tiếp cận những tiện ích thông tin di động và nội dung giải trí vô cùng phong phú. Sự phát triển của công nghệ số cũng khiến thế giới báo chí truyền thông điện tử có những thay đổi chưa từng có. Thời gian gần đây, báo chí hiện đại tiếp nhận thêm những thuật ngữ mới: Báo chí di động, Báo chí Dữ liệu, Báo chí sáng tạo, Báo chí xã hội, Đa nền tảng,… Công chúng vừa là người tiêu thụ vừa là người sản xuất tin. Những thiết bị cầm tay hiện đại làm cho địa điểm để tiêu thụ và sáng tạo nội dung số trong một thế giới luôn sẵn sàng kết nối trở nên linh hoạt hơn bao giờ hết. Những thay đổi này tạo ra nhiều thách thức đối với tất cả các hãng truyền thông, tòa soạn báo…
Nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng biên tập báo VietnamPlus chia sẻ nội dung của sáng tạo kỹ thuật số trong lĩnh vực truyền thông báo chí
“Nếu như truyền thông, báo chí chỉ là những bài viết vài nghìn chữ, chèn một số ảnh đẹp minh họa, một số video đính kèm…sẽ không thu hút được độc giả”, anh Minh khẳng định. Điều đó đặt ra bài toán buộc các hãng truyền thông, báo chí phải tự đổi mới và sáng tạo. Không chỉ là những bài viết đơn thuần mà tác phẩm phải tạo ra xu hướng trên thế giới. Các ví dụ minh chứng cho xu hướng của báo chí hiện đại như “Snow Fall” của The New York Times
(http://www.nytimes.com/2016/06/12/magazine/mecca-goes-mega.html?_r=0) hay Data journalism của Thomson Reuters (http://china.fathom.info) tích hợp từ nội dung, hình ảnh, đồ họa, animation, video, dữ liệu data khổng lồ,… tất cả mọi thứ được đưa vào một sản phẩm rất phức tạp đã làm cho hội trường choáng ngợp. Báo chí đột nhiên trở thành mảnh đất rất màu mỡ cho những người sản suất nội dung multimedia.
Các tờ báo lớn trên thế giới đã chuyển mình rất nhanh, tạo ra guồng máy sáng tạo không ngừng. “Năm 2014, Thomson Reuters đã lập một quỹ và sử dụng quỹ đó để khuyến khích sáng tạo. Họ tạo ra thước đo sáng tạo cho các đơn vị, bầu ra những người dẫn đầu về mặt sáng tạo, tạo chiến dịch truyền thông để kích thích sự sáng tạo“, anh Minh dẫn chứng.
Trong khi đó, tờ The Guardian lại mong muốn tạo ra những yếu tố mang tính cốt lõi. Đơn vị này không ngừng mở rộng trên các nền tảng mới và mạnh mẽ hơn, tạo ra sự kết nối mở giữa nhà báo và độc giả. Vì vậy, tờ báo này có thể xây dựng được một cộng đồng độc giả trung thành.
Buzzfeed là trang tin cung cấp tin tức đời sống hàng ngày cũng đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây. “Thành công của trang web này đến từ việc họ tập trung vào những chủ đề gần gũi, quen thuộc, kích thích sự tham gia của độc giả. Họ cũng là đơn vị đi tiên phong trong việc sáng tạo các nội dung gốc, tập trung làm mạnh về hình ảnh và video”, anh Minh chia sẻ thêm.
Buổi hội thảo thu hút đông đảo sự quan tâm của giảng viên và các bạn sinh viên
Ở Việt Nam, báo điện tử VietnamPlus là đơn vị tiên phong, luôn đi đầu và có những ý tưởng sáng tạo. Nhà báo Lê Quốc Minh đã chia sẻ những thành tựu Vietnamplus đạt được, trong đó phải kể đến sự ra đời của ứng dụng đọc tin tức trên điện thoại di động không-thông-minh, hoạt động hiệu quả trên 500 loại điện thoại khác nhau; bản tin bằng nhạc Rap (RapNewsPlus) cũng như hàng loạt dự án kết hợp giữa nội dung, công nghệ và thương mại cho nền tảng công nghệ số, đặc biệt là Mobile.
Trước sự phát triển chóng mặt của công nghệ thì truyền thông báo chí cũng phải tiếp cận và áp dụng kỹ thuật số vào trong quá trình tác nghiệp của mình. Anh Minh cho rằng, “báo chí hiện đại phải là sự kết hợp của rất nhiều phương thức khác nhau để trở thành một tác phẩm có độ phức tạp cao”. Độc giả không chỉ dừng lại ở nhu cầu đọc mà họ cần được nghe, nhìn. Do đó, báo chí cần đến công nghệ để phát triển và thu hút độc giả. Sự gắn kết giữa truyền thông với thiết kế đa phương tiện và lập trình giúp tác phẩm báo chí trở nên sống động, trực quan hơn. Nhà báo không chỉ cần có nội dung tốt mà phải biết cách truyền tải nội dung đó bằng những cách thức độc đáo để tạo nên sự tương tác với người đọc.
Trong thời đại công nghệ số, nhà báo, phóng viên cần phải có kỹ năng nghiệp vụ và kỹ năng sử dụng công nghệ. Trên thế giới thường cứ 4 phóng viên, nhà báo sẽ có 1 nhân viên công nghệ, kỹ thuật. Tỷ lệ này ở tờ New York Times là 2:1. Vai trò của Mỹ thuật Đa phương tiện trong truyền thông báo chí ngày càng quan trọng, mang đến nhiều cơ hội cho các nhà thiết kế đa phương tiện phát triển. Đó là mảnh đất màu mỡ để họ làm việc và sáng tạo. Tuy nhiên, để làm tốt, nhà thiết kế đa phương tiện cần có thêm tư duy báo chí. Sáng tạo phải đi liền với bảo vệ sản phẩm chất xám của bản thân Sự phát triển của công nghệ số tạo ra nhiều cơ hội “vàng” cho các nhà truyền thông và nhà thiết kế đa phương tiện. Đi kèm với đó những thử thách không hề nhỏ. Việc vi phạm bản quyền các tác phẩm nội dung số đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Với thế giới luôn luôn kết nối mọi lúc – mọi nơi – mọi thiết bị, làm thế nào để không vi phạm quyền sử hữu trí tuệ khi chia sẻ những nội dung trên mạng và làm thế nào để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với những sản phẩm mình làm ra? Những thắc mắc trên đã được Luật sư sở hữu trí tuệ Tám Trần giải đáp trong buổi hội thảo. Luật sư Sở hữu trí tuệ Tám Trần chia sẻ cách bảo vệ bản quyền nội dung số Theo chị, tài sản trí tuệ là một loại tài sản dân sự bao gồm 3 quyền năng chính: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt. Trong đó nhấn mạnh đến đặc trưng của quyền tác giả, bao gồm tính không hữu hình và tính giới hạn. Về thời gian, tác phẩm nội dung số chỉ được bảo hộ trong một thời hạn nhất định. Sau khi hết hạn bảo hộ, tác phẩm thuộc về công chúng ai cũng có thể sử dụng. Mọi người có quyền khai thác kinh tế mà không phải trả tiền bản quyền. Tuy nhiên, quyền nhân thân của tác giả sẽ được bảo vệ vĩnh viễn. Về không gian, sản phẩm nội dung số chỉ được bảo hộ trong phạm vi một quốc gia cụ thể vì quyền lực nhà nước được giới hạn trong lãnh thổ quốc gia đó. Cùng với đó, chị cũng đưa ra mô hình quản lý tài sản nội dung số bao gồm 4 bước cơ bản: Tạo ra – Xác lập quyền – Khai thác – Bảo vệ. Đặc biệt, luật sư Tám Trần lưu ý, đối với những sản phẩm công nghệ số, bản thân sản phẩm ngay sau khi được sáng tạo dưới hình thức vật chất nhất định (đã hiện thực hóa ý tưởng) sẽ mặc định được bảo hộ quyền Sở hữu Trí tuệ, không cần thiết phải đăng kí. Luật sư Tám Trần đưa ra lời khuyên đối với những bạn trẻ: “Nếu sau này nhỡ có bị vi phạm về quyền Sở hữu Trí tuệ thì cứ “lu loa” lên vì đôi khi người ta thường nói “Vì nhục mà chết”. Hai diễn giả nhiệt tình giải đáp những câu hỏi thắc mắc của các bạn sinh viên Giao lưu với các bạn sinh viên, hai diễn giả cũng cởi mở chia sẻ những kinh nghiệm của mình về phẩm chất của nhà báo trong môi trường truyền thông số, về vấn đề bản quyền của những ý tưởng sáng tạo nói chung, tác phẩm báo chí nói riêng. Khép lại phần hỏi đáp, trả lời câu hỏi của một học viên Arena, “làm thế nào để các bạn có thể bảo vệ những sáng tạo của mình mà không lo bị copy”, nhà báo Lê Quốc Minh bật mí: Điều thú vị ở chỗ các đơn vị, cá nhân nếu sáng tạo không ngừng nghỉ thì các đơn vị khác có sao chép ý tưởng và sản phẩm cũng không theo nổi. Hơn nữa các nền tảng chia sẻ nội dung kỹ thuật số hiện nay như YouTube, Facebook ngày càng tinh vi, có thể tự phát hiện (detect) ra các nội dung sao chép và block các tài khoản đó. Chị Tám Trần bổ sung ví dụ cụ thể mới nhất khi một đài truyền hình lớn bị YouTube khoá tài khoản Facebook sau khi bị một cá nhân khiếu kiện. Anh Minh khuyến khích các bạn trẻ hãy chấp nhận rủi ro để không ngừng sáng tạo. Bản chất sáng tạo đã hàm chứa sự rủi ro rồi. Và anh tin rằng: Sáng tạo và Công nghệ là con đường tốt nhất để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Ông Đinh Trí Dũng trao tặng 2 suất học bổng trị giá 8 triệu đồng cho 2 sinh viên xuất sắc của
Học viện Báo chí tuyên truyền
Buổi hội thảo kết thúc với phần bốc thăm may mắn đầy thú vị. Hai học bổng khóa học “Thiết kế đồ họa” trị giá 8 triệu đồng; kính thực tế ảo VR và balo…là những món quà ý nghĩa dành tặng các bạn có con số may mắn nhất. Những khuôn mặt tươi tắn, nụ cười rạng rỡ kết lại một buổi Hội thảo chuyên đề đầy thành công.
(Mai Vũ)