Ngoài việc phô diễn kỹ thuật và công nghệ hiện đại cuốn hút ánh nhìn thì cách tạo chiều sâu cảm xúc trong từng khuôn hình cũng được các nhà làm phim chú trọng. “Sáng tạo không chỉ dừng ở việc làm đẹp, mà làm cho nó thật sự có nghĩa” – đó là thông điệp mà đạo diễn Guillaume Faugère muốn gửi gắm đến các bạn trẻ trong hội thảo chuyên đề “Creative StoryTelling with your Camera” vào sáng 29/12/2016 vừa qua.
Chàng đạo diễn người Pháp – Guillaume Faugère
Buổi trò chuyện thu hút khá nhiều bạn trẻ đến tham dự
Tập trung vào cảm xúc người xem và dùng công nghệ để kể câu chuyện có nghĩa
Ngày nay, một thách thức lớn của người kể chuyện trong thời đại số là thu hút người xem trọn vẹn tác phẩm mà không nhấn nút “pause”. Vì mỗi năm, thời gian người xem kiên nhẫn thưởng thức hết các đoạn clip ngày càng rút ngắn. Vậy làm thế nào để sáng tạo?
Đạo diễn Guillaume đã chia sẻ quy trình anh viết kịch bản phim hoàn toàn độc đáo và bất ngờ. Theo anh, bước đầu tiên người sáng tạo phải cân nhắc thật kỹ về ý tưởng của mình, sau đó viết ra tất cả những điều đó vào ban đêm và nuông chiều bản thân bằng tách cà phê chẳng hạn để kích thích phần sáng tạo. Nhưng sáng hôm sau không cần đọc lại mà vứt thẳng vào sọt rác. Tiếp đó viết lại bản thứ 2, vì não luôn nhớ những điều tốt đẹp nhất, sáng tạo nhất. Cuối cùng, đưa bản ấy cho các đồng nghiệp để họ góp ý, sau đó chỉnh sửa một cách chỉnh chu và đưa vào thực hiện”.
Bên cạnh đó, dưới góc nhìn của nhà làm phim, anh luôn chú trọng đến cách truyền tải thông điệp hơn sự pha trộn không chủ đích như một mannequin không linh hồn. “Chúng ta phải biết cách dùng công nghệ để kể câu chuyện có nghĩa” – anh nói thêm.
Dựa trên quan điểm về điểm nhìn, các góc quay sẽ có những ý nghĩa khác nhau nếu người cầm máy biết vận dụng triệt để. Chẳng hạn, góc máy ngang tầm sẽ thể hiện tốt góc độ cận cảnh nhân vật, cho phép miêu tả nhân vật theo lối trung thực nhất về ngoại hình cũng như biểu cảm nội tâm thông qua đôi mắt của họ. Hay góc máy cao sẽ làm cho cảnh rộng bao la, mang lại cảm xúc mạnh mẽ cho người xem và thường dùng thể hiện nhân vật phản diện hay kẻ yếu thế. Và ngược lại, góc máy thấp tạo sự uy nghi và mang tính đề cao, hình tượng hóa nhân vật nhiều hơn.
Sáng tạo trong kể chuyện bằng hình ảnh
Vượt qua mọi giới hạn từ chất liệu có sẵn và những gì thường thấy, người làm phim có thể sáng tạo cách thể hiện các cảnh quay một cách mới mẻ với sự hỗ trợ đắc lực từ công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (CGI) hoặc từ chính những gì xung quanh bạn.
Theo đạo diễn Guillaume Faugère, nhân tố giúp người cầm máy sáng tạo trong làm phim chính là các chuyển động sáng tạo và cách sắp đặt bối cảnh quay (diễn viên, đồ vật, bối cảnh…). Vậy cụ thể những sự sáng tạo này được áp dụng, thể hiện như thế nào? Trước hết, đó là sự lựa chọn từng khung hình, liên quan chặt chẽ tới câu chuyện bạn định kể. Nhưng sự liên quan là chưa đủ, mà vượt lên trên là sự thấu hiểu của bạn với cách thức cảm nhận của người xem với chuyển động của nhân vật và camera.
Những cảnh quay đắt giá trong “Giải cứu binh nhì Ryan”
Ví dụ như việc vác máy quay trên vai để truyền tải sự căng thẳng của một số bối cảnh trong phim SAVING PRIVATE RYAN. Khán giả sẽ cảm thấy mình thực sự đứng giữa cuộc chiến, xung quanh hỗn độn và rất hiểm nguy bởi sự rung lắc trong khung hình cùng âm thanh bom đạn dồn dập.
Nhưng không phải những khung hình sáng tạo đều xuất phát từ sự chuyển động của camera, mà ngoài ra phải kể đến việc tập trung mạnh vào sự chuyển động của diễn viên với từng nét diễn xuất để gây ảnh hưởng đến cảm nhận người xem như ghi lại được sự chuyển động của đám đông trong phim KUROSAWA hay sự im lặng bình yên nhưng đáng sợ trong 12 YEARS OF SLAVE. Chỉ với một góc camera cố định, khung hình vẫn sống động bởi sự chuyển động của nhân vật phía sau tạo nên sự đối nghịch giữa sự đau đớn của người nô lệ và cách mọi người bình thản đi qua. Tất cả bình thường như bữa cơm hằng ngày, một sự thật hiển nhiên đã lột tả cảm giác khủng khiếp của chế độ đó.
Công nghệ – trợ thủ đắc lực nhưng không quyết định tất cả
Trong thời đại kỹ thuật số hiện nay, không thể không nhắc đến sự trợ giúp của công nghệ trong việc hỗ trợ khả năng sáng tạo của Nhà làm phim. Từ sức mạnh kỹ thuật của những thước phim gần đây đến những những công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính (CGI) ở cả 2 bên bờ Thái Bình Dương, không Nhà làm phim nào có thể phủ nhận vai trò của công nghệ trong điện ảnh.
Khó phân biệt đồ họa 3D và sản phẩm thật khi áp dụng công nghệ CGI (trích trong phim “Ninja Rùa”)
Nhưng sự can thiệp sâu rộng của CGI và công cụ hiện đại làm dấy lên một câu hỏi: Đối với Nhà làm phim, Người làm sáng tạo cái gì là quan trọng hơn? Khả năng quay những cảnh quay đầy ảo diệu, rất đẹp đẽ hay việc sử dụng những công nghệ phù hợp, liên quan đến kịch bản để để làm nổi bật lên các phần cảm xúc của câu chuyện bạn định kể qua phim.
Và điều đó cũng ảnh hưởng rất nhiều đến ngân sách sản xuất phim. Theo chàng đạo diễn người Pháp, đối với các nhà làm phim quốc tế, việc làm giảm chi phí cũng là một sự sáng tạo: “Ngay cả Hollywood, họ luôn ưu tiên chọn những cách quay sáng tạo, đơn giản, ít tốn kém nhất. Ví dụ, họ thường dùng sự phản chiếu của gương để ghi lại hình ảnh các bước chân đang đến gần, hoặc dùng hố nhỏ để biến tấu các góc quay gần mặt đất…”
Và còn nhiều kiến thức khác về các kỹ thuật quay và vận dụng góc máy, ánh sáng để sáng tạo các kể chuyện bằng camera sẽ được đạo diễn Guillaume chia sẻ tại các buổi học trong chương trình đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện tại Arena Multimedia. Nếu bạn yêu thích nghề làm phim và muốn dấn thân vào công việc đầy sáng tạo này, hãy gia nhập cộng đồng Arena ngay hôm nay và tỏa chất đam mê sản xuất nhé!
(Quỳnh Như)