Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề, anh Vũ Trung Hiệp – CEO Linkstar Communications đã mang đến nhiều câu chuyện thú vị xung quanh văn hóa và ứng dụng văn hóa vào thiết kế tại sự kiện “Văn hóa & Thiết kế” do Arena Multimedia tổ chức vào 6/6 vừa qua.
Hành trình hồi sinh văn hóa Việt vào thiết kế Việt
Câu chuyện tái hiện lại văn hóa vào trong các thiết kế bao giờ cũng có sức hút mạnh mẽ, bởi lẽ với những điều vốn đã là truyền thống, tín ngưỡng được “gieo trồng” ngàn năm thì sẽ mãi vững bền, dễ làm lòng người rung động. Thông qua những ví dụ cụ thể, anh Vũ Trung Hiệp đã kể lại hành trình tìm kiếm các dấu ấn nổi bật khi đưa vào thiết kế.
Anh Vũ Trung Hiệp bắt đầu câu chuyện của mình bằng những dự án dụng dựng văn hóa dân gian vào trong thiết kế hiện đại.
“Năm 2015, một dự án mang tên Hoa văn Đại Việt do nhóm Đại Việt Cổ Phong khởi xướng thực hiện đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ phía cộng đồng, với cách thể hiện mới mẻ là sử dụng công nghệ vector để vẽ lại họa tiết thời đại trước. Nhằm mục tiêu tạo nguồn nguyên liệu phong phú cho sáng tạo, giờ đây bạn có thể nhìn thấy chúng trên rất nhiều sản phẩm ứng dụng khác nhau như quần áo, giày dép, khăn quàng…”
Hai năm sau đó, dự án “Họa sắc Việt” của nhà thiết kế đồ họa Trịnh Thu Trang lại tiếp tục gây tiếng vang, anh Hiệp chia sẻ: “Đây là dự án đầu tiên số hóa tranh hàng Trống – dòng tranh gắn liền với đời sống người dân nhưng thật đáng buồn khi chỉ được lưu giữ trong bảo tàng hay các bộ sưu tập. Trong khi đó, một lý do dẫn đến khó khăn khi hình thành bản sắc riêng của nền thiết kế Việt là vì nước ta đang rất thiếu nguyên liệu mang màu sắc truyền thống. Vậy nên, việc khai thác, lưu giữ có sự tham gia của công nghệ như vậy là rất đáng hoan nghênh.”
Đánh giá về hai dự án này, diễn giả Vũ Trung Hiệp cho biết: “Sự kết hợp giữa văn hóa và thiết kế là cách hữu ích để bảo tồn truyền thống. Mặt khác, việc đưa giá trị dân gian vào đời sống mang tới nhiều gợi ý hay ho cho giới trẻ, mang cả hơi thở nghệ thuật dân tộc vào cuộc sống đương đại.”
Phần lớn khán giả là các bạn trẻ đến từ nhiều trường đại học khác muốn gặp gỡ và đối thoại trực tiếp với diễn giả Vũ Trung Hiệp
Ứng dụng văn hóa vào trong các thiết kế hiện đại
“Việt Nam có một nền văn hóa lâu đời, đa dạng nhưng chúng ta chưa định vị được rõ ràng bản sắc chứ không phải các giá trị văn hóa mất đi đâu.” – Anh Hiệp chia sẻ. Vì vậy, bên cạnh phục dựng truyền thống, việc ứng dụng nó vào thiết kế hiện đại cũng rất cần thiết. Đó là lý do vì sao trong các thiết kế dành cho sự kiện, anh Vũ Trung Hiệp luôn cố gắng đưa đến nét đặc trưng riêng, phù hợp nhất với tính chất và yêu cầu của khách hàng.
“Nếu bạn nhận dự án đòi hỏi phải làm nổi bật được văn hóa vùng miền, bạn sẽ xoay sở như thế nào? Câu hỏi ấy luôn khiến đội ngũ sáng tạo của tôi trăn trở trong quá trình hình thành nên các ấn phẩm truyền thông cho Hội chợ du lịch Quốc tế – VITM Cần Thơ 2019. Bám sát vào chủ đề “Du lịch xanh”, chúng tôi thống nhất sử dụng hai màu: xanh dương và xanh lá cây làm chủ đạo đồng thời chọn ra một số hình ảnh biểu tượng nằm ẩn ở phía sau nhằm tạo ấn tượng với người chiêm ngưỡng. Tôi nghĩ, hiểu được câu chuyện vùng miền là điều cần thiết nếu muốn truyền tải thông điệp, nâng cao vai trò, vị thế của du lịch Cần Thơ nói riêng và Đồng Bằng sông Cửu Long nói chung.”
Một bạn khán giả yêu thích đặc biệt với văn hóa Nhật Bản có nhiều thắc mắc về cách đất nước này thổi hồn cho các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, công trình kiến trúc và thiết kế.
Dưới góc nhìn của anh Vũ Trung Hiệp, văn hóa không chỉ là giá trị cổ xưa mà còn là “các giá trị hiện tại, nên hiểu văn hóa rộng hơn, là văn minh của thế giới”. Chính vì vậy, tại sự kiện Brand Walkers La La Land Year End Party 2018, anh đã sử dụng cái tên của bộ phim đình đám “La La Land – vùng đất của những kẻ mộng mơ” để phát triển ý tưởng cho đêm tiệc cuối năm này. “Buộc phải có concept để quy tụ tất cả mọi người, chúng tôi đặt ra câu chuyện chung rằng trên dặm đường kinh doanh luôn bắt đầu từ những giấc mơ cháy bỏng. Đối với hoạt động cộng đồng, các thiết kế thường sẽ hướng tới sự gần gũi, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực. Cuộc thi ảnh La La Face ra đời như thế, để tìm kiếm hai gương mặt trang bìa đại diện cho hai nhân vật chính như trong bộ phim đình đám đạt giải Oscar 2017”.”
Văn hóa không chỉ nằm yên trên những ấn phẩm thiết kế mà còn phải xuất hiện sinh động trong bài trí, sắp xếp sự kiện. Giữa không gian mở của Multimedia Talk, anh say sưa kể về Swisstouches La Luna Resort Lauching – tên chương trình trải nghiệm nghỉ dưỡng phong cách Thụy Sỹ: “Chúng tôi muốn đưa mọi người đến với đất nước nổi tiếng này thông qua những bộ trang phục truyền thống, bánh sừng bò phết cùng món bơ thơm ngậy, giai điệu phát ra từ chiếc kèn Alphorn và các điệu múa tương tác chỉ có tại mảnh đất Thụy Sỹ.”
Một bạn trẻ may mắn nhận được phần quà đến từ chương trình
“Người làm Marketing và Thiết kế phải hiểu được văn hóa thì mới có thể truyền tải giá trị thương hiệu và bảo vệ được ý tưởng của mình trước khách hàng”
Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, mỗi chúng ta đều có chung nỗi băn khoăn trước nguy cơ bị hòa tan ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là văn hóa và nghệ thuật. Bởi vậy, vấn đề truyền tải bản sắc dân tộc vào thiết kế ứng dụng luôn đặt ra nhiều thách thức lớn cho Designer, và câu chuyện làm sao để đưa nó đến gần hơn với công chúng cũng là điều khiến Marketer phải lưu tâm.
Theo anh Hiệp, sáng tạo trên nền văn hóa là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với Designer trong hành trình tìm về nguồn cội, phục dựng “hồn” Việt, bản sắc Việt: “Tìm ra cái độc đáo là điều tiên quyết để tạo ấn tượng với khách hàng. Nhưng sự độc đáo ấy còn phải gắn liền với bản sắc văn hóa địa phương thì mới đem lại giá trị lớn cho thiết kế. Ngày nay, chúng ta cần xây dựng nét riêng, hòa nhập nhưng không hòa tan khi cạnh tranh với các sản phẩm thiết kế nước ngoài đang xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam”.
Bên cạnh đó, Marketer cần định hướng đúng đắn về thiết kế tiếp thị phù hợp với văn hóa thị trường để từ đó dễ dàng làm việc với bộ phận thiết kế, cùng tạo ra nhiều sản phẩm mãn nhãn. Designer và Marketer phải đồng hành cùng nhau trên hành trình đưa văn hóa đến gần hơn với công chúng. Bởi lẽ, nét phong tục xây đắp nghìn năm hay lối sống độc đáo của từng khu vực không chỉ dừng lại trên các thiết kế mỹ thuật ứng dụng mà còn ẩn hiện trong mỗi câu chuyện, mỗi sự kiện mà người làm thương hiệu kể cho khách hàng. Đúng như lời anh Vũ Trung Hiệp nói: “Người làm Marketing và Thiết kế phải hiểu được văn hóa thì mới có thể truyền tải giá trị thương hiệu và bảo vệ được ý tưởng của mình trước khách hàng.”
Bên cạnh các bạn sinh viên, sự kiện cũng thu hút không ít Marketer tham gia để tìm cảm hứng cho chiến dịch truyền thông sắp tới.
Thông qua Multimedia Talk, các bạn trẻ đã có cái nhìn toàn diện hơn về sự kết hợp giữa hai lĩnh vực này để cho ra đời thêm nhiều ý tưởng mới, sản phẩm mới mang đậm dấu ấn truyền thống nhưng vẫn không kém phần hiện đại, xuất phát từ cuộc sống và quay trở về phục vụ cho cuộc sống.
Những câu chuyện về văn hóa và thiết kế vẫn chưa được kể hết, nhưng chắc chắn rằng mỗi người đã tìm thấy cho mình một câu lời về cảm hứng và chất liệu sáng tác.
Multimedia Talk: “Thiết kế & Văn hóa” là sự kiện nằm trong khuôn khổ Show It NOW – cuộc thi dành cho những gương mặt tài năng, có niềm đam mê cháy bỏng với lĩnh vực thiết kế,vẽ , nhiếp ảnh và video. Bộ nhớ Show It NOW 2019 vẫn còn đủ dung lượng để cho bạn lưu giữ “màu thanh xuân”, và nói cho mọi người biết bạn là ai, bạn nhìn thế giới này như thế nào. Vì vậy, đừng vì bất kỳ lý do gì làm cản trở nhịp đam mê. Hãy gửi bài thi về cho chúng tôi ngay hôm nay để có cơ hội nhận được nhiều giải thưởng hấp dẫn. Thông tin chi tiết xem tại đây. |
Giang Hoàng