Là đồ án cuối kỳ 3 của nhóm Five One, học viên lớp A1507K1 tại Arena Multimedia HCM, phim ngắn “Mặt nạ” đã kể về một trong những nguồn gốc căn nguyên về căn bệnh vô cảm thời hiện đại.
Tuy chỉ là những người trẻ, tuổi đời chưa quá ba mươi nhưng những gì các bạn trẻ được tận mắt chứng kiến hoặc tự thân trải nghiệm đã khiến bản thân phải suy nghĩ rất nhiều. Từng nhìn thấy những ánh mắt vô hồn, thái độ lạnh hơn băng của những người qua đường khi thấy một người nước ngoài bị giựt ba lô, đang luống cuống cần giúp đỡ giữa đất trời xa lạ, từ những trăn trở đó, nhóm Five One quyết định chọn chủ đề xã hội nhạy cảm này để thể hiện trong đồ án cuối kỳ Làm phim tại Arena Multimedia.
Theo thầy Bùi Đình Lâm, giảng viên hướng dẫn nhóm làm đồ án đã có những nhận xét: “Về mặt tổng thể, phim đã diễn tả được nội dung chính muốn truyền đạt. Góc quay và dựng phim khá. Kịch bản hay, nói đúng hiện trạng xã hội hiện đại, kết cấu chặt chẽ. Song, cần chú ý đến diễn xuất và kết hợp âm thanh hỗ trợ nội dung thì phim sẽ tròn trịa hơn”.
Thông minh trong cách chọn mặt nạ làm đạo cụ chính để thể hiện tinh thần phim và che đi phần diễn xuất của mình, câu chuyện đã phần nào lột tả được hiện trạng tiêu cực ngày nay với những tình tiết khiến người xem lặng người vì quá thật, quá đời thường. Hãy nghe những người trong cuộc kể chuyện làm phim, làm người dưới góc nhìn tuổi trẻ qua cuộc trò chuyện sau:
Chào các bạn, hãy giới thiệu một chút về nhóm và chức năng của các thành viên trong nhóm.
Nhóm Five One gồm 6 thành viên, 5 năm và 1 nữ. Mỗi người có thế mạnh riêng có thể bồi khuyết lẫn nhau. Bạn Duy Linh chuyên văn, có khả năng viết lách nên chịu trách nhiệm phần kịch bản. Bảo Ngân vẽ tốt, đảm nhiệm phần thiết kế 2D (vẽ painting bìa tiểu luận, logo, poster…). Về phần kỹ năng quay phim, bạn Ngọc Thơ và Hữu Hoàng có khả năng nắm bắt nhanh, nghiên cứu góc quay tốt, có thể thể hiện cả phân đoạn dài. Riêng về kỹ xảo, trong nhóm có bạn Bách Thắng rất thích tìm hiểu về công nghệ VFX, có thể đáp ứng những yêu cầu mà nhóm đưa ra. Và bạn gái cá tính duy nhất trong nhóm là cô nàng Huỳnh Như, một thư ký trường quay rất có tâm, luôn gắn kết các thành viên và chăm chút đến từng chi tiết nhỏ của sản phẩm.
Các thành viên nhóm Five One (từ trái qua): Lê Ngọc Thơ, Trương Bách Thắng, Mai Duy Linh, Dương Bảo Ngân, Nguyễn Hữu Hoàng và Trương Huỳnh Như
Theo đánh giá của các giảng viên, việc sản xuất phim ngắn với đề tài xã hội sẽ khó hơn nhiều so với làm TVC. Vì sao các bạn lại chọn hướng đi này?
Xuất phát từ những tình huống tha hóa trong xã hội, bệnh vô cảm hiện hữu ở khắp nơi khiến nhóm mình nghĩ phải một lần lên tiếng. Qua tìm hiểu căn nguyên, họ – những người núp sau tấm mặt nạ chính là nạn nhân của tiêu cực, bị xã hội xô đẩy, va đập đến mức tổn thương hoặc lo sợ nên cố thu mình vào vỏ bọc để tự bảo vệ. Và đó là động lực thôi thúc nhóm chọn đề tài này cho đồ án cuối kỳ 3.
Những hình ảnh khiến ta phải rợn người suy ngẫm
Quá trình làm việc của nhóm Five One ra sao? Có gặp khó khăn gì không?
Tác phẩm này ra đời nhờ vào sự chăm bẵm của từng thành viên trong nhóm. Khởi nguồn từ ý tưởng chung, khâu biên tập chắp bút kịch bản và mọi người cùng nhau đóng góp, chỉnh sửa. Sau đó cả nhóm phát triển góc quay, khung hình và bắt đầu ghi hình, xử lý hậu kỳ… Cũng có những lúc va vấp, gặp khó khăn bởi cơ sở vật chất, kinh phí nhưng nhóm mình đã cố gắng vun vén để cho ra sản phẩm hoàn thiện nhất có thể. Ngoài ra, như đánh giá của các giảng viên thì đây là đề tài xã hội khá nhạy cảm, mang tính ngôn luận cao, đòi hỏi kỹ năng cũng như kiến thức rộng mới có thể truyền tải được.
Từng chi tiết tình huống được góp nhặt từ chính hiện thực đời thường
Thẳng thắn nhận xét về tác phẩm của mình, các bạn tự đánh giá nó như thế nào?
Tuy không được đào tạo chuyên sâu về ngành truyền thông, nhưng các thành viên trong nhóm cũng ý thức được phần nào trách nhiệm của công dân trẻ. Nhóm đã cố gắng truyền tải nội dung với kỹ thuật làm phim góp nhặt từ kiến thức trên lớp và tự học bên ngoài. Song, vẫn không thể tránh khỏi những sai sót từ phần diễn xuất và âm thanh. Đây là cơ hội để các thành viên trải nghiệm thực tế và định hướng nghề nghiệp sau này và cũng là dịp để mọi người hiểu nhau hơn.
Cảm ơn nhóm Five One đã có những chia sẻ rất thật. Chúc nhóm sẽ tiếp tục cho ra những sản phẩm chất lượng và các thành viên tìm được hướng đi nghề nghiệp cho mình.
Mời các bạn xem qua phim ngắn “Mặt nạ” do nhóm Five One thực hiện.
(Quỳnh Như)