Đi sâu vào buổi trò chuyện, ở phần 2 này chúng ta sẽ được nghe nhiều hơn những câu chuyện thực tế về quá trình làm nghề của người đi trước, họ đã trải nghiệm, đã thất bại và đã đứng lên. Những hướng rẽ nào phù hợp dẫn đến thành công dành cho sinh viên mới ra trường? Hãy tìm cho mình câu trả lời qua cuộc trò chuyện sau:
Dự án “Việt sử kiêu hùng” đều được từng thành viên trong “Đuốt Mồi” xây dựng bằng tất cả tâm huyết, sức trẻ và khát vọng truyền cảm hứng sử Việt đến cộng đồng.
Trần Tuấn: Giữa việc đi làm, thực tập cho một công ty lớn rồi từ từ leo lên; hay tham gia các đội nhóm, những dự án ở bên ngoài với quy mô nhỏ dù bấp bênh về tiền bạc nhưng lại có cơ hội to hơn, hướng đi nào để bắt đầu sự nghiệp tốt nhất?
Xuân Vỹ: Cái này hoàn toàn phụ thuộc vào lựa chọn của các bạn, nhiều bạn sinh viên sẽ ưu tiên đến việc ra ngoài kiếm tiền. Em lúc trước cũng vậy, nhưng làm được một thời gian thì thấy sự sáng tạo của mình đang từ từ bị chai sạn. Nhưng em vẫn chấp nhận làm ở công ty đó để xem mình còn học hỏi được cái gì ở đây hay không. Sau khi cảm thấy không còn cái gì để học nữa thì mình xin nghỉ việc. Sau đó em làm freelancer bắt đầu nhận thiết kế poster, brochure, thật sự kinh phí rất bấp bênh nhưng nó cực kỳ thoải mái, sự sáng tạo và tư duy được cũng được nâng cao. Khi làm một việc đúng với sở thích, nó sẽ cho mình một năng lượng tích cực.
Thế Vinh: Khi các bạn rời ghế nhà trường để đi làm, thì đó phải là một quyết định được chuẩn bị kỹ càng chứ không phải tức thời. Mình phải có sự chuẩn bị kiến thức về phần mềm, tư duy, đặc biệt trước khi quyết định chuyện quan trọng như thế này, phải xin góp ý từ những người đã từng làm chuyện này rồi, từ các thầy cô, những người các bạn gửi email hàng đêm mà vẫn sẵn sàng trả lời.
Ví dụ như ở Arena, sẽ có rất nhiều môn, mỗi môn được gom vào một khóa học. Thường một dự án các bạn tham gia bên ngoài nó sẽ phù hợp với một khóa học đấy. Các bạn phải nắm vững kiến thức trong khóa học đó trước rồi mới ra ngoài làm dự án liên quan. Vì thật sự, có nhiều bạn thấy đồ án của mình đạt kết quả tốt được mọi người yêu thích nên nghỉ học và bắt đầu đi làm, nhưng khi đi làm một thời gian bạn sẽ cảm thấy mình bị thiếu kiến thức về cái này hoặc cái kia và ước chi nếu mình có được kiến thức này thì sản phẩm sẽ tốt hơn rất nhiều.
Khi làm một việc đúng với sở thích, nó sẽ cho mình một năng lượng tích cực” – hoạ sỹ Xuân Vỹ chia sẻ
Trần Tuấn: Làm sao để biết môi trường đó phù hợp với mình?
Thế Vinh: Thường mọi người sẽ bỏ quên một yếu tố, đó chính là ai sẽ trả lương cho bạn khi mà mình chưa có kinh nghiệm. Vì khi đi xin việc, lúc nào doanh nghiệp cũng đòi hỏi bạn kinh nghiệm 1 hoặc 2 năm, mà thật ra cái chính họ cần xem là sản phẩm mà các bạn đã làm trước đó. Vì trước khi nhận một nhân viên vào làm, công ty ấy sẽ phải cân nhắc đến việc nhân viên đó kiếm được bao nhiêu tiền cho họ. Nếu khoảng thời gian các bạn ở trong trường không có tham gia và làm ra những sản phẩm chất lượng và ấn tượng thì bạn sẽ không bao giờ có cơ hội để xin vào làm việc ở các công ty lớn.
Sự thật ở ngành của mình, nếu như làm việc mà chỉ quan tâm đến mức lương thì không bao giờ phát triển được. Từ công việc đó nó phải cho mình một cái gì nữa để đi lên, học tập và phát triển, thì lúc đó mình mới mưu cầu mức lương cao hơn.
Trần Tuấn: Bằng cách này hay cách khác, chỗ đó sẽ sẵn sàng dạy cho bạn để bạn có thể học hỏi nhiều hơn. Bạn được làm, được trải nghiệm, cảm thấy mình giỏi hơn mỗi ngày.
Bạn thích chỗ làm việc đó, bạn tích cực, bạn làm việc thấy vui vẻ với mọi người, một cái không khí mà bạn thích ở đó hơn là về nhà, thì đó là một môi trường mà tôi nghĩ rất phù hợp với bạn. Còn với những môi trường mà bạn cảm thấy khó chịu, tạo cho bạn cảm xúc tiêu cực mỗi ngày. Bạn bị bắt làm mỗi ngày cùng một việc mà người ta không chỉ bạn cái sai, hay không chỉ bạn cách khắc phục để làm tốt hơn thì đó là những môi trường không phù hợp, nên rời bỏ càng sớm càng tốt.
Thế Vinh: Đồng ý với anh Tuấn, thường những môi trường công ty, các bạn làm khoảng 1 – 2 năm sau sẽ bị “ỳ” tại bạn sẽ làm những thứ hàng ngày lặp đi lặp lại, và sẽ không có những mức độ phát triển cao hơn nữa. Rất nhiều người tới một định mức nào đó họ sẽ nghỉ việc ở công ty và đi làm dự án riêng, họ có thể tự ra ngoài mở studio hoặc xin vào làm ở những công ty có môi trường nước ngoài chuyên nghiệp hơn.
Em hay nói vui “mình là người làm nghề chứ không phải làm công”. Việc mình càng ngày càng làm ra nhiều sản phẩm và càng ngày càng tốt lên nó sẽ đánh giá mức độ thành công trong cuộc sống, ít nhất đây là cái tư duy để đi xa hơn sau này. “Đến một lúc nào đó các bạn sẽ là người tự trả lương cho mình” và chuyện làm cái gì để kiếm ra tiền sẽ không còn quan trọng nữa, mà chuyện làm cái gì để có được sản phẩm tốt hơn mới quan trọng vì “có sản phẩm tốt thì tự động mình sẽ có nhiều tiền hơn”.
“Mình là người làm nghề chứ không phải làm công” – đạo diễn Thế Vinh
Trần Tuấn: Lời khuyên dành cho những bạn đang muốn theo đuổi con đường nghệ thuật?
Xuân Vỹ: Đối với lĩnh vực vẽ, bạn hãy xác định rõ mình đang muốn gì, vì cái đó rất quan trọng. Có rất nhiều bạn học hết cái này đến cái kia, cuối cùng cũng không biết mình đang muốn và làm cái gì. Hãy học thật chắc và vững phần kiến thức căn bản vì nó cực kỳ quan trọng. Có rất là nhiều bạn vẽ theo tùy hứng, không có bài bản và cũng không chịu nâng cấp bản thân mình lên nên vẫn cứ dậm chân tại chỗ.
Thế Vinh: Muốn làm cái gì thì cũng phải học từ cái cơ bản trước, và cái cơ bản nó nằm ở trường được thầy cô dạy. Quan trọng lúc thầy cô dạy thì mình phải lưu ý thật kỹ và hãy quan trọng chuyện thực hành của nó hơn là học kỹ lý thuyết để lấy điểm. Thật sự mình tốt hay không là việc mình càng ngày càng làm được nhiều thứ tốt đẹp hơn, và đánh giá này phải do những người có chuyên môn tốt hơn mình, cộng đồng mà mình theo dõi công nhận nó. Có như vậy mới biết ưu và khuyết điểm của mình như thế nào để phát triển và khắc phục nó.
Trần Tuấn: Anh cũng có vài lời khuyên cho các bạn. Ở mảng sáng tạo này, không nên xem việc kiếm tiền là trọng tâm, mà hãy quan tâm đến việc tạo ra một sản phẩm hoặc cùng với những người anh em tạo ra sản phẩm độc đáo và khác biệt để lưu danh credit của mình vào đó.
Từ sinh viên mà nhảy ra đi làm, công việc đầu tiên, người sếp đầu tiên sẽ cực kỳ quan trọng, vì họ là người tạo cho mình phong cách làm việc, một kiến thức nền tảng ngay từ ban đầu.Trước đó nếu bạn chưa đủ khả năng thì bạn có thể đầu tư thời gian và công sức cho một đồ án thật là chỉnh chu để tạo portfolio hoặc tham gia vào những dự án bên ngoài, chỉ cần có nhiệt huyết và muốn làm thì họ sẽ sẵn sàng dạy bạn, chấp nhận chuyện bạn không có kinh nghiệm
Cảm ơn các anh đã dành thời gian tham gia buổi trò chuyện này, chúc các anh có nhiều sức khỏe, thành công, và dự án của mình sẽ ngày càng phát triển, mở rộng quy mô hơn!
Tống An – Quỳnh Như