Bùng nổ với 200.000 lượt xem trong tập “Tử chiến thành Đa Bang 2: Sắt”, dự án Việt sử kiêu hùng đã làm nức lòng người hâm mộ bởi lối kể chuyện bằng tranh minh hoạ trực quan và đậm chất sử thi. Dự án được khởi xướng bởi nhóm bạn trẻ mê sáng tạo và yêu sử đến từ nhóm Đuốc Mồi với sự góp mặt của các học viên Arena trong vai trò cốt lõi dự án.
Tập phim “Tử chiến thành Đa Bang 2: Sắt” được thực hiện trong vòng 3 tháng
Đôi nét về nhóm Đuốc Mồi:
Từ ý tưởng nhỏ muốn diễn hoạt lại nội dung lịch sử đơn thuần với giọng đọc của diễn viên lồng tiếng Đạt Phi – chủ kênh Hùng Ca Sử Việt, khi bắt tay vào làm, các chàng trai Đuốc Mồi nhận ra còn có thể làm hay hơn nữa. Thế là họ bắt đầu đi tìm người, kiếm đối tác, cố vấn.
Lúc bắt đầu, nhóm chỉ có Trần Tuấn (trưởng dự án) và 2 chàng học viên Arena: Kỷ Thế Vinh (đạo diễn, kiêm dựng phim, diễn họa) cùng họa sĩ Diệp Xương Vỹ. Sau đó, họ tìm thêm một họa sĩ nữa là Lê Vũ Quang.
Với 4 thành viên, nhóm cho ra mắt clip đầu tiên – Võ Tánh – và bắt đầu tuyển thêm người. Tính đến nay, dự án đã có 1,6 triệu lượt xem trên Youtube.
Họ lấy tên Đuốc Mồi với mong muốn lan toả tri thức dưới góc nhìn mới qua Multimedia Design, bản thân chúng ta không mất gì mà tất cả đều sáng.
|
Đóng vai trò người anh trong nhóm, anh Trần Tuấn (Trưởng dự án) đã kết nối những người anh em cùng chí hướng với mình trong buổi trò chuyện đặc biệt này. Đây là một phiên bản chưa từng xuất hiện trên các trang thông tin, báo đài khi chính những người trong cuộc kể về câu chuyện rất đời của họ.
Để biết câu chuyện đó như thế nào, độc lạ ra sao, mời các bạn cùng theo chân phóng viên Arena tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!
Cùng xem trực tiếp buổi trò chuyện độc – lạ với 3 chàng ngự lâm đã khơi xướng nên dự án “Việt sử kiêu hùng” tại đây.
KHI NGƯỜI TRONG CUỘC KỂ VỀ DỰ ÁN VIỆT SỬ KIÊU HÙNG
Trần Tuấn (Trưởng dự án): Cùng nhìn lại một chút về quá khứ, tại sao lúc đó Vinh lại chọn dạng Animation để khởi đầu cho dự án Việt sử kiêu hùng (VSKH)?
Thế Vinh (Đạo diễn): Ai cũng biết làm phim về lịch sử Việt Nam rất tốn chi phí, thành ra trong thời điểm đó nếu như muốn làm những sản phẩm về lịch sử, và muốn kể được câu chuyện thì phương pháp diễn hoạt là lựa chọn phù hợp nhất với nhóm lúc này, từ tiềm lực về kinh phí, nhân lực và trình độ chuyên môn.
Trần Tuấn: Khi làm Animation để thể hiện tính kiêu hùng của lịch sử, là dạng từ trước nay chưa từng có ai làm, Vinh hãy chia sẻ những trở ngại mà em gặp phải?
Thế Vinh: Thay vì nghĩ khó khăn, hãy xem đó là thách thức, một yếu tố để mình trải nghiệm và thể nghiệm thì sẽ tìm ra được phương pháp thích hợp để giải quyết mọi vấn đề.
Animation không hoàn toàn là hoạt hình, mà nó là sự kết hợp giữa hình ảnh, âm thanh và lồng tiếng để cho ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Tiên quyết là yếu tố hình ảnh, phải thể hiện nét vẽ như thế nào để ấn tượng và đủ sức hút lôi kéo người ta đi vào câu chuyện của mình. Đặc biệt, hình ảnh phải mang một màu sắc khác, ấn tượng theo hơi hướng sử thi, thì nó mới liên kết với câu chuyện kể về lịch sử.
Những trận chiến lịch sử hào hùng được thể hiện vô cùng trực quan và hấp dẫn trong Tử chiến thành Đa bang
Trần Tuấn: Có khi nào em hoài nghi năng lực bản thân không? Hướng giải quyết của em thế nào?
Thế Vinh: Khi áp lực công việc nhiều quá, trễ deadline, hay khi bị bế tắc trong một sản phẩm nào đó chưa như ý muốn thì em thường nghi ngờ năng lực của mình: “Tôi có đủ giỏi để đi tiếp với ngành này hay không?”; “Tôi có thể tạo được chỗ đứng riêng trong lĩnh vực này không?”. Đây là những câu hỏi mà em nghĩ ai trong quá trình làm nghề, trao dồi kiến thức và tạo ra những sản phẩm cũng sẽ hỏi. Có một câu nói rất hay mà em rất thích: “Mình làm cái gì mà càng ngày càng giỏi lên thì cái đó phù hợp với mình và ngược lại”, vì có thể ban đầu mình thấy thích, rồi dần dần cảm thấy không thích nó nữa vì cực quá. Thật sự mà nói, cái sở thích nhất thời sẽ biến mất, cái quan trọng còn đọng lại là kỹ năng, mình càng làm giỏi thì sẽ càng cảm thấy mình có giá trị khi làm ra nó.
Thứ hai em nghĩ đó là về tư duy, nó liên quan đến những trải nghiệm của bản thân và sự lựa chọn. Phải xác định cho mình một tư duy vững chắc: “Tôi làm được thì sẽ như vầy, còn nếu làm không được, tôi có sẵn sàng chấp nhận cái hậu quả của nó hay không?!”, khi trả lời được câu hỏi đó thì chúng ta sẽ bước tiếp được.
Trần Tuấn: Dưới góc nhìn của người làm artist, theo Vỹ đặc trưng của yếu tố hình họa trong VSKH là gì?
Xuân Vỹ (Artist): Yếu tố hình họa trong VSKH không có gì mới lạ, trong game, truyện tranh, những kiểu này cũng được vẽ rất nhiều. Thật ra đây là lần đầu tiên em trải nghiệm nó, vì từ trước đến giờ cũng chỉ vẽ những thứ linh tinh chứ không có bài bản. Đây cũng là lần đầu tiên em làm việc có hệ thống, có nghiên cứu kỹ càng nên tất cả mọi thứ đều phải cố gắng hết sức mình.
KHI NHỮNG TRẢI NGHIỆM THỰC TẾ CỦA TOÀN EKIP ĐƯỢC VẬN DỤNG TRIỆT ĐỂ VÀO DỰ ÁN
Trần Tuấn: Vẽ nó có nhiều công đoạn và có nhiều người cùng tham gia, vậy khi kết hợp nhiều họa sĩ khác nhau cùng làm một việc thì nó sẽ như thế nào?
Xuân Vỹ (Artist): Thật sự đây là một khó khăn, khi làm việc ai cũng sẽ có cái tôi của riêng mình, nhưng ngay từ ban đầu em đã xác định gạt bỏ cái tôi đó, bắt đầu chia việc, bạn này hợp vẽ “line”, thì bạn kia sẽ tô màu. Về một mặt nào đó, việc đồng nhất style từ đầu đến cuối phim vẫn sẽ đảm bảo ít nhất 60 – 70{2fbbcdce6fba7ceca857f06e76ee977e945822970f76c6e598e150c203d39bd9}, nhưng xen kẽ ở đó vẫn nhận ra một vài sự khác biệt nhất định, mặc dù nó nhỏ thôi nhưng những bạn vẽ nhiều, biết nhiều, nhìn vào sẽ thấy ngay.
Trần Tuấn: Khi thử nghiệm nhiều sản phẩm, có những lúc buộc phải bỏ nó thì Vỹ có cảm thấy tiếc không?
Xuân Vỹ: Mặc dù rất tiếc, nhưng những sản phẩm em vẽ không phù hợp với tiêu chí đề ra thì bắt buộc phải bỏ thôi. Nếu mình tiếc cái đó, một hai đòi để vào phim thì nó sẽ phá phim và làm ảnh hưởng đến công sức của mọi người.
Trần Tuấn: Trong quá trình làm phim, hai bạn đã bao giờ rơi vào tình huống làm ra những sản phẩm khác với ý định ngay từ ban đầu của mình hay không?
Xuân Vỹ: Khi vẽ một nhân vật mình nghĩ thế nào nó sẽ ra như vậy, còn khi vào phim, nhân vật đó phải có tính cách, biểu cảm và lúc tô màu bạn còn phải để ý đến background phía sau nhân vật để không bị đối lập với các màu sắc khác trong tổng thể câu chuyện mà mình đang kể. Có rất nhiều thứ phát sinh khi các bạn trải nghiệm và trực tiếp làm thì mới biết được.
Thế Vinh: Khi bắt đầu làm thì em còn mơ hồ lắm, chỉ biết định hình sản phẩm của mình sẽ như vậy thôi. Rồi mình sẽ tự nghĩ ra một cách đặc biệt để làm sản phẩm đó. Thường là mình sẽ học hỏi những quy trình của nước ngoài để mình áp dụng cho nhóm. Nhưng khi làm rồi mới biết, thật ra nó không hoàn toàn phù hợp trong điều kiện nhất định cho một nhóm nào cả.
Hiện tại, đa số những nhóm làm phim ở Việt Nam còn rất mới và ít đầu tư về yếu tố nhân lực, thời gian và kỹ thuật. Để theo đuổi được ngành này, mọi người phải thay đổi tư duy và tạo ra những phương pháp riêng biệt cho mình. Đặc biệt là yếu tố về nhân lực, khi một người mà cáng đáng hết tất cả các công việc thì chất lượng sẽ ngày càng giảm xuống và áp lực công việc ngày càng tăng lên, người đó thì làm việc ngày càng nhiều. Khi đuối về mặt tư duy, đuối về sáng tạo và thể lực thì không thể nào giải quyết được chất lượng.
Nên việc mình cố gắng cho một người cáng đáng hết tất cả khối lượng công việc để nó đồng “style” là một điểm chết mà chúng ta hay mắc phải. Lúc đó chúng ta sẽ nhận về một cái file tệ về mặt chất lượng, trễ về thời gian và không thể chỉnh sửa được vì bản thân người đó hết sức rồi.
Chúng ta vừa được nghe những câu chuyện phía sau về hậu trường của dự án Việt sử kiêu hùng, thật sự đầy gian truân và vất vả để đi đến chặng đường hôm nay. Nhưng phần hấp dẫn của buổi trò chuyện vẫn còn ở phía sau, hãy đón chờ tiếp phần hai để xem góc nhìn của giới trẻ về việc làm sáng tạo hiện nay như thế nào nhé.
(Còn tiếp)
Phần 2: Góc nhìn thẳng rất đời của những người trẻ làm sáng tạo
Tống An – Quỳnh Như