Vừa qua, Arena Multimedia Hà Nội đã tổ chức buổi Hội thảo chuyên đề Packaging Designs với những chia sẻ hữu ích từ anh Nguyễn Thạch Nguyên – Giám đốc thiết kế BOND Packaging. Những designer trẻ đã thu nhận được rất nhiều điều mới mẻ về thiết kế bao bì từ góc nhìn của khách hàng và những nhà thiết kế bao bì chuyên nghiệp.
Thiết kế bao bì nhãn mác không còn là một ngành mới trên thế giới, tuy nhiên tại Việt Nam, lĩnh vực này mới thực sự được chú trọng trong chục năm trở lại đây khi thị trường sản phẩm có sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Bao bì, nhãn mác có thể trở thành một nhân viên bán hàng trực tiếp hiệu quả và chuyên nghiệp nhất của công ty. Điều đó hoàn toàn có thể nếu công ty sở hữu mẫu thiết kế bao bì, nhãn mác ấn tượng và bắt mắt cho sản phẩm của mình. Các công ty tại Việt Nam đã nắm bắt được xu hướng này và sẵn sàng đầu tư, nên lĩnh vực này hứa hẹn là thị trường đầy tiềm năng cho các designer trẻ.
Buổi hội thảo bắt đầu tại sảnh lớn của Arena Trần Thái Tông với sự tham gia đông đảo của các bạn học viên và designer trẻ
Giữa vô vàn các loại sản phẩm bày bán trên gian hàng, một sản phẩm với hình thức bao bì đẹp và thu hút thường sẽ dành được sự quan tâm của người mua hàng nhiều hơn. Bao bì, nhãn mác không chỉ đơn thuần có chức năng bảo quản, bảo vệ sản phẩm mà còn là công cụ đắc lực trong việc bán hàng trực tiếp và đặc biệt đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp của nhãn hàng. Theo BOND Packaging, bao bì nhãn mác giúp thu hẹp khoảng cách giữa nhà sản xuất và người mua hàng, tạo ra lợi nhuận nhanh chóng và hiệu quả. Đặc biệt trong những môi trường cạnh tranh như ở siêu thị – khách hàng chỉ có không quá 5 giây cho sản phẩm, thì vai trò gây ấn tượng của bao bì là không thể phủ nhận.
Khán giả chăm chú lắng nghe những ý kiến từ chuyên gia trong ngành
5 TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ MỘT BAO BÌ TỐT
Dựa vào những bản điều tra thị trường cũng như kinh nghiệm trong nghề, anh Nguyễn Thạch Nguyên đã đúc rút ra 5 tiêu chí để đánh giá một bao bì thiết kế tốt.
- 1. Gây sự chú ý
Cách một loại bao bì “tự bán mình” chính là sự vượt trội về màu sắc, hình dáng… Anh Nguyên đưa ra một ví dụ cụ thể về dòng dầu gội Rejoice. Giữa muôn vàn các loại dầu gội chọn bao bì màu đen tạo liên tưởng đến mái tóc chắc khỏe và suôn mượt, Rejoice khác biệt với màu xanh nõn “kì quặc”. Ngay lập tức, dầu gội Rejoice nổi bật nhất trên kệ bày tại siêu thị và chiếm luôn ngôi vị “Dầu gội đầu bán chạy nhất”.
Bao bì màu xanh đặc biệt của Rejoice
- 2. Tính rõ ràng của thông điệp. Yếu tố quyết định giá trị của bao bì chính là thông điệp
Rất nhiều bao bì trên Behance có thiết kế đẹp, nhưng hầu hết đều không mang tính thương mại. Vì designer lúc nào cũng thích ít text. Tuy nhiên, có những text không thể bỏ qua, chính là thông tin cơ bản của sản phẩm: Bạn là ai? Bạn khác biệt như thế nào với các sản phẩm cùng loại? Bạn mang lại giá trị gì cho khách hàng? Designer nên nhớ: đưa sản phẩm không hiệu quả cho khách hàng 1 lần thì họ sẽ không tìm đến bạn nữa. Chỉ cần bạn giúp họ bán được hàng thì xấu – đẹp về mặt nghệ thuật không quan trọng.
Nếu khách hàng không đưa đủ thông điệp cho bạn thì bạn phải hỏi. Đừng từ chối text. Phải luôn hỏi: sản phẩm là gì, khách hàng muốn gọi tên sản phẩm đó như thế nào?
Anh Thạch Nguyên đang chỉ ra sơ suất về thông điệp trong một mẫu bao bì khi chữ Shampoo viết quá nhỏ, khó nhìn khiến khách hàng nhầm tưởng thành nước rửa tay
- 3. Phù hợp với thị trường
Thị trường có những định hướng cho từng dòng sản phẩm. Anh Nguyên nhận định: “Khi sản phẩm của bạn mang vẻ ngoài khác với cách tiếp nhận vốn có của thị trường, nó sẽ bị đào thải.”
Vì vậy, designer phải tìm hiểu về nhu cầu của thị trường cũng như thị hiếu của khách hàng. Thị trường Việt Nam rất đặc thù với những nhãn hàng quen thuộc và những kiểu thiết kế đã trở thành truyền thống. Vì vậy, bao bì phá cách có thể khiến khách hàng hiểu sai về sản phẩm, giảm hiệu quả chung.
- 4. Định hướng thiết kế dựa trên sản phẩm
Những sản phẩm xuất hiện đầu tiên trên thị trường đã xây dựng những mô tuýp trong thiết kế bao bì, tạo nên “mindset” ở khách hàng. Designers cần tận dụng điều đó để thiết kế của mình không bị lạc lõng so với sản phẩm cùng loại.
Ví dụ tiêu biểu là thiết kế bao bì của bánh gạo Richy. Bao bì trong suốt với dấu ấn Châu Á đã trở thành dấu hiệu riêng của bánh gạo trên thị trường. Tuy nhiên, Richy có thiết kế Châu Âu với màu xanh và đỏ hiện đại. Tuy sạch đẹp, gọn gàng nhưng nhìn qua, khách hàng không biết đó có phải là bánh gạo hay không. Mindset sản phẩm đã được thành lập thì rất khó thay đổi.
Sự khác biệt của bao bì Richy so với các loại bánh gạo khác lại là bất lợi khi bán hàng
- 5. Tính tiện dụng của bao bì.
Xu hướng mới và tiềm năng nhất của thiết kế bao bì chính là tích hợp, vừa là bao bì vừa là dụng cụ. Đi đầu ở Việt Nam là nhãn hàng Orion với những mảnh ghép đồ chơi tặng kèm.
Một trong những mẫu bao bì tiện dụng được giới thiệu trong buổi hội thảo
Trong 5 tiêu chí BOND Packaging đưa ra, 3 tiêu chí đầu rất quan trọng, trong khi đó tiêu chí thứ 4 mang tính quyết định và tiêu chí thứ 5 đang trở thành xu hướng trên thế giới.
Một khán giả đã đưa ra câu hỏi cho anh Thạch Nguyên : “Có nên dựa vào giá của sản phẩm để thiết kế cho phù hợp ? “Cần phải hỏi khách hàng xem họ đang cạnh tranh với ai, giá như thế nào để từ đó thiết kế cho chuẩn xác. Giá phần nào nói lên họ đang ở phân khúc nào.”
Một khán giả chia sẻ quan điểm của mình
QUY TRÌNH THIẾT KẾ MỘT BAO BÌ HIỆU QUẢ
Cũng trong buổi hội thảo này, BOND Packaging cũng chia sẻ quy trình sản xuất một bao bì hiệu quả đang được áp dụng trong công ty này. Quy trình gồm 6 bước, được phân chia rất rõ ràng :
Bước 1 : Trao đổi với khách hàng
Đây là bước rất quan trọng nhưng thường bị designer xem nhẹ. Hiểu được ý đồ của khách hàng coi như bạn đã đi được 1/3 chặng đường. Từ những câu hỏi đơn giản như : Họ muốn gọi sản phẩm là gì, muốn thiết kế theo định hướng truyền thống hay hiện đại… đến những câu phức tạp : Họ muốn cạnh tranh với ai, cạnh tranh như thế nào… Từ đó, designer sẽ có định hướng thiết kế mô phỏng hoặc đối lập sao cho phù hợp.
Bước 2: Tìm hiểu background
Background cần tìm hiểu là cách trình bày ở siêu thị và ở các đại lý. Thiết kế cần tương thích với những không gian cụ thể này để tạo hiệu ứng tốt nhất. Ngoài ra, designer cần biết xu hướng thiết kế bao bì trên thế giới và trong nước để theo kịp thị hiếu của khách hàng.
Bước 3: Xuống siêu thị
Bước này nhằm tạo cơ hội cho designer tiếp cận trực tiếp với người mua sản phẩm để tìm hiểu nhu cầu và một số định kiến của họ đối với bao bì. Từ đó đề ra phương hướng thiết kế cụ thể. Các khâu tìm hiểu thị trường này chiếm rất nhiều thời gian của dự án thiết kế, với BONDpackaging có thể lên tới hơn 1 tháng.
Bước 4: Vẽ tay
Theo chia sẻ của BOND Packaging, họ cung cấp cho tất cả nhân viên những thông số và kết quả nghiên cứu thị trường đã thu thập được. Mọi người có thời gian suy nghĩ và thể hiện tất cả ý tưởng của mình bằng bản vẽ tay, sau đó trình bày trước tập thể công ty. Những ý tưởng xuất sắc nhất sẽ được chọn làm option gửi khách hàng.
Bước 5: Thiết kế trên máy
Từ bản vẽ tay, bước này vốn quan trọng nhưng áp lực sẽ được giảm nhẹ đi nhiều phần. Designer dễ dàng thể hiện ý tưởng của mình trên máy và có thể chau chuốt hơn trong sản phẩm.
Bước 6: In bao bì mẫu
Có lẽ nhiều nhà thiết kế bao bì sẽ bỏ qua bước này vì chi phí lặt vặt và tưởng chừng không cần thiết. Tuy nhiên, in bao bì mẫu không hề đắt đỏ. Mặt khác, từ thiết kế trên máy đến bản in trên các chất liệu luôn có sự sai lệch nhất định. Đôi khi designer khó nhận ra sự bất hợp lí trong thiết kế của chính mình. In bao bì mẫu chính là hạn chế các lỗi sai, đồng thời là sản phẩm trực quan để thuyết phục khách hàng.
Mục đích của 6 bước này chính là chia nhỏ các khâu ra để công việc thiết kế chuyên nghiệp hơn. Không phải lúc nào bạn cũng tràn đầy ý tưởng hoặc khách hàng sẽ hài lòng với mọi kiến nghị của bạn. Vì vậy, chuyên nghiệp chính là cứu cánh khiến cho bạn không bị rơi vào “thế bí”, khách hàng sẽ luôn muốn đến tìm bạn lần tiếp theo.
Nhiều bạn tỏ ra thích thú với 6 bước thiết kế của BOND Packaging
NHỮNG LỜI KHUYÊN CHO DESIGNERS
Cuối buổi hội thảo, bạn Nguyễn Thị Thùy Linh (Linh Kem) – một cựu học viên Arena Multimedia, đã chia sẻ những kinh nghiệm của cô khi thiết kế bao bì cho khách hàng. Thùy Linh cũng gửi gắm những lời khuyên rất thực tế đến các bạn học viên và designers trẻ muốn tiếp cận lĩnh vực này.
Nguyễn Thị Thùy Linh nói về những mẫu thiết kế bao bì trước đây của cô
Hãy đọc các tài liệu liên quan đến ngành thiết kế bao bì trên thế giới và ở trong nước và tài liệu liên quan đến thị trường, marketing vì xu hướng thiết kế thực chất bắt đầu từ yêu cầu của thị trường. Thiết kế phải truyền tải được thông tin về mặt hàng đó.
Không chắc ăn, hãy từ chối. Nếu như khách hàng đưa ra đề bài khó mà thời gian quá gấp gáp, hãy từ chối! Vì khách hàng có thể chỉ đến với bạn một lần nếu như họ nhận được thiết kế thiếu sự đầu tư.
Bạn Nguyễn Hồng Giang (D1409M) chia sẻ: “Tôi ưa thích các kiểu bao bì bắt mắt. Sau buổi workshop ngày hôm nay, tôi nhận ra rằng bao bì chuẩn là bao bì vừa ý khách hàng, thích hợp với người tiêu dùng. Điều này khá “phũ” với dân thiết kế, nhưng rất phù hợp với nghề”
Quan trọng nhất, designer đừng dễ dãi với thiết kế của mình! Một mặt, không buông tuồng, cẩu thả, thiết kế không chỉ là công việc mà còn là nghệ thuật. Mặt khác, đừng tầm thường hóa sản phẩm của mình, hãy dựa vào hiểu biết mà “định giá” chính xác.
Học viên Arena Multimedia được nhận quà từ BOND Packaging
Thông báo tuyển dụng của BOND Packaging
BOND luôn tuyển vị trí designer
Yêu cầu: Portfolio cá nhân và 1 tháng thử việc
Theo anh Nguyên: “Vào làm nhân viên rất dễ, trụ lại mới khó!”.
Bạn có thể liên hệ với anh Nguyễn Thạch Nguyên bất cứ lúc nào để có cơ hội thực hành những kỹ năng cần thiết của designer trong một môi trường năng động, chuyên nghiệp!