Gặp NSND Hà Bắc vào một buổi chiều thứ 6 tươi tắn, khác hẳn với mường tượng của tôi về một người nghệ sĩ tuổi 60, ông vẫn tươi tắn, vẫn say sưa chia sẻ, hăng hái lập luận và phản biện. Thời gian vẫn chưa thể đặt những vết hằn lên niềm đam mê của ông. Và với hoạt hình, với nghệ thuật, người nghệ sĩ ấy vẫn còn nhiều say mê và duyên nợ lắm.
Nguyên tinh thần của một người nghệ sĩ hiện đại, ham tìm tòi, NSND Hà Bắc đã giúp tôi được mở mang bằng góc nhìn của người làm nghệ thuật, của thế hệ đi trước về Multimedia Design, một ngành học rất mới mẻ và đang phát triển mạnh mẽ, có ứng dụng phong phú trong lĩnh vực Thương mại, Quảng cáo, Giáo dục, Nghệ thuật và Giải trí.
Từ chính kinh nghiệm cá nhân, theo ông, Multimedia Design là gì và vai trò của nó trong đời sống ra sao?
Multimedia Design được hiểu nôm na là Mỹ thuật ứng dụng với sự hỗ trợ, chắp cánh của công nghệ. Đã gọi là ứng dụng thì nó có mặt ở khắp nơi trong cuộc sống. Làm Multimedia Design là làm nghệ thuật ứng dụng đa chiều, có thể thấy sản phẩm của ngành này ở các sản phẩm in ấn như sách báo, tạp chí, truyền hình, thiết kế nội thất, video, clip giáo dục,… cũng là những sản phẩm của Multimedia Design.
Cũng chính bởi thế nên ngành này cơ hội việc làm phong phú do yêu cầu tuyển dụng nhiều. Mức lương cũng có thể đánh giá là ổn và cao hơn một số ngành khác.
“Multimedia Design cũng hay đó chứ” – NSND Hà Bắc thẳng thắn
Vậy giữa mỹ thuật ứng dụng và nghệ thuật có gì khác nhau? Người làm Multimedia Design có thể coi là người nghệ sĩ chưa?
Người làm Multimedia Design sẽ đi chuyên sâu ở mảng sử dụng công cụ để thể hiện ý tưởng, hướng đến những sản phẩm mang tính ứng dụng thực tế. Với người làm Multimedia Design kỹ thuật đã nâng lên mức chuyên nghiệp nhưng thường hạn chế ở chiều sâu của nghệ thuật nên tuy sẽ có một số điểm tương đồng, nhưng mỹ thuật ứng dụng có phạm vi liên quan đến thương mại, giải trí và phục vụ đời sống thiết thực nhiều hơn là mục đích nghệ thuật đơn thuần.
Còn người làm nghệ thuật là những nghệ sĩ, hướng đến những sản phẩm, mang tính phát hiện, đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà. Với người làm nghệ thuật thì việc hiểu các công cụ cũng rất quan trọng.
Hoạt hình và Multimedia Design thì sao? Từ con mắt của một cây đại thụ đã sống với những thăng trầm và những bước phát triển của làng hoạt hình Việt Nam, hoạt hình và Multimedia Design có mối liên hệ gì, thưa ông?
Với Multimedia Design thì hoạt hình là một trong những mảng chính quan trọng. Nó thuộc phần 3D Animation. Nhưng kiến thức Multimedia Design thiên nhiều về công cụ và kỹ thuật để làm phim hoạt hình.
Một bộ phim hoạt hình được hình thành từ 3 thành tố cơ bản là kỹ thuật, mỹ thuật và tài chính. Kỹ thuật ở đây chính là kiến thức các bạn có được thông qua học tập Multimedia Design. Mỹ thuật là yếu tố thẩm mỹ, tính sáng tạo, giá trị nhân văn, cái tôi người nghệ sĩ đóng góp vào trong bộ phim. Còn tài chính thì chắc các bạn biết rồi (cười).
Kỹ thuật là một trong ba chân kiềng quan trọng của hoạt hình. Kỹ thuật nay càng ngày càng phát triển, đem lại nhiều công năng để các bạn làm hoạt hình. Như nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới nói, kỹ thuật không bị hạn chế, kỹ thuật có thể mở đến vô tận, hạn chế lại nằm ở người nắm bắt công cụ. Nên tôi vẫn thường nói với các bạn học Đại học Sân khấu Điện ảnh và Nghệ thuật Quân đội là “hãy đi học về Multimedia”. Không hiểu công cụ thì sao mà có thể làm tốt sản phẩm của mình chứ.
NSND Hà Bắc và hội đồng ban giám khảo cuộc thi CHẤT Hà Nội do Arena Multimedia tổ chức
Vậy con đường từ kỹ thuật đến nghệ thuật thì sao? Senior Animation tại Sparx Virtous Trần Thanh Tuấn có chia sẻ rằng: “Nhân lực Việt đủ sức thực hiện những dự án siêu phẩm nhưng để nguồn nhân lực này có trình độ cao về chất lượng và số lượng thì rất cần sự chung tay sẻ chia của rất nhiều người.” Và “Một khi hoạt hình Việt Nam xuất hiện nhiều Animator có trình độ cao thì hiển nhiên các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tới tìm hiểu, đầu tư vào lĩnh vực này nhiều….”. Từ kinh nghiệm cá nhân của ông, suy nghĩ này liệu có thực tế không?
Cũng có thể nói đó là một hướng đi mới cho hoạt hình Việt Nam. Tuy vậy hiện nay, hoạt hình Việt nhiều “thợ” hơn là “thầy”, tìm người sử dụng các công cụ thì không khó, nhưng tìm người sáng tạo mà thực sự tâm huyết với hoạt hình lại khó. Bởi một sản phẩm hoạt hình thực sự có giá trị không chỉ là gửi tới một thông điệp ý nghĩa nhân văn, bài học giá trị, mà còn phải có cái tôi của người nghệ sĩ, tính nghệ thuật, những đóng góp mới mẻ cho kho tàng nghệ thuật nước nhà.
Chưa kể, kinh phí là để làm ra một sản phẩm hoạt hình là một vấn đề nan giải. Nhưng chúng ta cứ lần lượt đi chắc từng bước đã.
NSND Hà Bắc và các NSND, NSUT khác tại lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2012
Từng là giảng viên môn Kịch bản tại kỳ 4 Arena Multimedia cũng như từng xem qua một số sản phẩm của các bạn học viên, ông đánh giá ra sao về khả năng của học viên Arena?
Với tư cách là một người làm nghệ thuật, tôi phải thừa nhận là các bạn đã làm rất khá so với khoảng thời gian 6 tháng một học kỳ ít ỏi. Sinh viên có những sản phẩm “sạch” mà người khó tính cũng xem được, điều đó chứng tỏ là tại Arena, trò giỏi và thầy giỏi. Ở một khía cạnh khác thì kiến thức tại Arena Multimedia cũng khá thiết thực và đúng hướng khi kiến thức này đáp ứng được yêu cầu của xã hội.
Nhưng muốn trở thành một người nghệ sĩ làm hoạt hình độc lập với các phim hoạt hình có giá trị thì các bạn còn cần phải cố gắng rất nhiều nữa.
Cảm ơn ông về những chia sẻ này. Chúc ông luôn giữ được lửa nhiệt huyết với hoạt hình Việt Nam.
(Phương Dung)