Vào sáng ngày 28.11, Arena Multimedia đã tổ chức Workshop: Thiết kế Game tại cơ sở 80 Trúc Khê, Đống Đa, Hà Nội. Là Workshop thứ 2 nằm trong chuỗi sự kiện “Nghề thiết kế có phải dành cho tôi?”, chương trình lần này vẫn nối tiếp các hoạt động trải nghiệm ở kỳ trước, đồng thời xây dựng chủ đề hoàn toàn mới dưới sự dẫn dắt của một vị khách mời dày dặn kinh nghiệm.
Game Design là quá trình phát triển trò chơi, từ lúc chỉ mới ấp ủ ý tưởng cho tới khi được sáng tạo để trở thành một tựa game hoàn chỉnh. Nghe qua thì khá đơn giản nhưng thực ra giai đoạn tiến hành sẽ phải trải qua rất nhiều công đoạn phức tạp: làm bối cảnh, thiết lập cách chơi, xây dựng thử thách, nhào nặn nhân vật, vv… tất cả yếu tố này đều cần đảm bảo phù hợp với nền tảng trò chơi cụ thể như: board game, card game, nhập vai, chiến thuật… Bởi vậy, Game Designer được xem là vị trí công việc mang tính nghệ thuật khi kết hợp giữa thiết kế với mỹ thuật để tạo ra các sản phẩm game chất lượng cao, mang tới trải nghiệm mới lạ cho người chơi.
Mở cánh cửa khám phá ngành Game Design
Tại khuôn khổ Workshop “Nghề thiết kế Game”, thầy Lê Quang Khải – khách mời sự kiện, đồng thời cũng là giảng viên học kỳ 3D Game Design của Arena Multimedia đã đề cập đến rất nhiều khía cạnh khác nhau thuộc lĩnh vực thú vị này. Trong số đó, không thể bỏ qua câu chuyện cơ hội và thách thức dành cho mỗi cá nhân khi dấn thân vào “địa hạt” ngành Game Design.
Sự phát triển của thị trường làm game trong những năm trở lại đây đã khiến công chúng định nghĩa lại về tính nghiêm túc của nó. Hòa nhịp với sự phát triển của thế giới, các công ty game bắt đầu rục rịch mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam, nguồn đầu tư đổ vào việc phát triển game cao hơn gấp nhiều lần so với giai đoạn đầu khi trò chơi điện tử du nhập vào nước ta. Nhìn thấy tiềm năng ở lĩnh vực này, thầy Lê Quang Khải chia sẻ: “Đã qua rồi cái thời Game Designer bị coi là “những kẻ lông bông suốt ngày cắm đầu vào màn hình máy tính”. Giờ đây, họ trở thành đội ngũ đóng vai trò chủ chốt của ngành công nghiệp giải trí kỹ thuật số. Và rõ ràng, chúng ta hoàn toàn có thể tin vào tương lai tươi sáng khi trở thành một Game Designer.”
Thế nhưng, để nắm bắt được cơ hội trên không phải điều dễ dàng: “Thách thức lớn nhất mà bạn phải đối diện đó là sự đòi hỏi về trình độ chuyên môn. Nghề Game Design bao gồm nhiều mảng như biên tập màn chơi (level editing), dựng chuyển động hoạt hình (animating), kỹ thức mỹ thuật, minh họa, kỹ thuật phần mềm và âm thanh… Một Game Designer không cần chuyên sâu tất cả, nhưng nhất định phải có cái nhìn bao quát về mọi chi tiết để tạo ra Game.” – Thầy Lê Quang Khải nói.
Đồng thời, anh cũng không quên phân biệt người thiết kế Game và Game thủ để giúp các bạn trẻ nhận định chính xác hơn: “Sự khác nhau chủ yếu có lẽ là ở tâm thế và cách “chơi”. Bạn chơi game chỉ để giải trí, bạn chỉ có vài tựa game yêu thích. Nhưng Game Designer thì khác. Ngoài việc chơi ra, họ còn phải tìm hiểu ưu điểm, khuyết điểm trong thiết kế. Một khi sống với nghề thiết kế game, sự hứng thú với công việc là tối cần thiết và quan trọng là phải biết cách nuôi dưỡng sự hứng thú đó.” Vị diễn giả cũng nói thêm rằng, khi Game trở thành công việc nghiêm túc, bạn không thể giữ tâm lý vừa làm vừa chơi mà cần đi theo định hướng công việc để nghiên cứu và tìm ra phân khúc thị trường, nắm bắt xu hướng, chú ý nhiều hơn đến tiểu tiết, sáng tạo không ngừng. Đó mới thực sự là Game Designer chuyên nghiệp.
Sắm vai Game Designer học cách diễn hoạt nhân vật
Tại lớp học thực hành, để giúp các bạn trẻ tham gia sự kiện hình dung rõ hơn về một trong số rất nhiều công việc mà Game Designer đảm nhiệm, thầy Lê Quang Khải đã giới thiệu quy trình thực hiện nhân vật Game và hướng dẫn gắn chuyển động cơ bản cho chúng.
Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của nhân vật game trong trải nghiệm của người chơi. Ngày nay, nhu cầu của Game thủ là muốn đắm mình vào thế giới tràn ngập CGI và kỹ xảo 3D rộng lớn. Vì thế, việc tạo nên một nhân vật với cử chỉ và tạo hình phù hợp sẽ là công cụ tuyệt vời để truyền tải thông điệp mà nhà làm game muốn gửi gắm đến người chơi.
Thông qua nhiều ví dụ sinh động, thầy Lê Quang Khải đã bóc tách những giai đoạn thực hiện Model Game. Theo đó, bước đầu tiên là tìm ý tưởng và phác thảo nhân vật Game. Công việc này đòi hỏi độ tỉ mỉ để các chi tiết không làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc dựng hình 3D sau này. Nối tiếp sau đó sẽ là: Dựng Model đối tượng trên phần mềm Maya, tạo chi tiết, cắt, sắp xếp, chỉnh sửa UV maps, vẽ trắng đen và lên màu cho texture, làm rigging (gắn xương) và cuối cùng là làm Animation (chuyển động).
Để giúp các bạn trẻ hình dung rõ hơn về quá trình tạo dựng nhân vật 3D cho Game, thầy Lê Quang Khải cũng không quên thị phạm cách tạo chuyển động cho chúng. Thiết kế model là một chuyện, còn để nó có sức sống lại là điều hoàn toàn khác. Bởi vậy, kỹ thuật đưa animation vào nhân vật trở thành giai đoạn không thể thiếu khi thực hiện bất kỳ tựa game nào. Ở lớp học thực hành nghề lần này, các newbie đã bước đầu được làm quen với giao diện 3D Max – phần mềm thiết kế những vật thể 3 chiều, kết hợp cả hiệu ứng ánh sáng, phản chiếu, bóng đổ,… Không thể phủ nhận, 3D Max là một công cụ tuyệt vời để thiết kế nhân vật game, với vô số tính năng tích hợp sẵn, hỗ trợ mô phỏng tóc, da, vải, lông thú. Bên cạnh đó trong 3D Max, có một công cụ rất hữu ích tạo chuyển động mềm mại linh hoạt là: Inverse Kinematics và Forward Kinematics. Với tính năng này, bạn có thể làm ra các chuyển động hoạt hình giống với thực tế. Chúng giống như một bộ xương được lắp ráp bên trong các nhân vật game, giúp thiết kế chuyển động sinh động hệt như con người. Lớp học trải nghiệm kết thúc bằng sự hứng thú của các bạn trẻ khi lần đầu tiên được làm việc với model 3D game và tự mình thổi hồn cho nó.
Lời khuyên dành cho những bạn trẻ muốn nghiêm túc theo đuổi ngành Game Design
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong thị trường Game Việt Nam, vị khách mời của Workshop không chỉ hướng dẫn các bạn trẻ tham gia hoạt động trải nghiệm nghề mang còn mang đến nhiều lời khuyên hữu ích dành cho những ai muốn theo đuổi nghiêm túc công việc này. Theo anh, để trở thành một Game Designer giỏi cần hội tụ nhiều yếu tố:
Thứ nhất, thành thạo kiến thức: Người thiết kế game luôn phải thành thạo những kiến thức đồ họa cơ bản, am hiểu và sử dụng các phần mềm chuyên dụng như Adobe Photoshop, Adobe Illustrator, Adobe InDesign, Flash, After Effect,… Muốn có được những ý tưởng tốt và sử dụng được các công cụ chuyên nghiệp thì bạn nên tham gia các khóa học thiết kế game chuyên nghiệp. Ở đây, bạn sẽ được đào tạo về hình thành tư duy tạo dựng game, những yếu tố để hoàn thiện một bản tác phẩm hoàn chỉnh.
Thứ hai, biết để ý và quan sát tỉ mỉ từng chi tiết: Kỹ năng quan sát của một người làm thiết kế là vô cùng quan trọng, để tái hiện game một cách sống động và chân thật. Hoàn thiện được game đòi hỏi sự hoàn hảo dù là tiểu tiết, nếu như vậy sẽ mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho người chơi.
Thứ ba, không ngừng học hỏi và sáng tạo: Ngay cả khi chơi game cùng đòi hỏi cần phải vận dụng trí óc để đưa ra các chiến thuật chơi game táo bạo, thông minh. Vậy nên, để trở thành “cha đẻ” của những trò chơi game này, các game designer phải không ngừng học hỏi và sáng tạo. Để thu hút mọi người quan tâm đến game của bạn, bạn phải làm sao cho giao diện thật sống động, đánh thẳng vào sở thích của người dùng.
Dĩ nhiên, ngoài ba điều trên đây thì vẫn còn rất nhiều yếu tố khác tạo nên sự thành công của một Game Designer, mà theo như điều thầy Lê Quang Khải nói: “Bất kỳ ai cũng có thể thử sức với ngành nghề này, nhưng để gắn bó lâu dài, bạn phải thực sự cầu tiến và hoạch định chính xác lộ trình phát triển cho bản thân.”
Bạn Đặng Hoài Sơn – Một khán giả chia sẻ cảm nhận sau khi tham gia sự kiện: “Hơn cả chơi game, mình thực sự có niềm hứng thú và hiếu kỳ về cách mà các chuyên gia tạo ra những trò chơi đình đám. Đó là lý do mình đăng ký chương trình với hy vọng bước đầu hiểu hơn bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực này. Điều khiến mình cảm thấy thích thú nhất chính là phần hướng dẫn thực hành cơ bản với thầy Lê Quang Khải. Nhân dịp này, mình cũng có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với ban tư vấn tuyển sinh của Arena Multimedia để giải đáp thắc mắc về ngành Multimedia Design nói chung.”
Kết
Là một trong các lĩnh vực có bước tiến đột phá trong thị trường ngành công nghiệp sáng tạo vào những năm trở lại đây, Game Design đang trở thành từ khóa được các bạn trẻ ưu ái đưa vào danh sách đáng lưu tâm khi lựa chọn ngành nghề. Vì vậy, Arena Multimedia hy vọng, Workshop: Thiết kế Game – Workshop thứ hai nằm trong chuỗi sự kiện “Nghề Thiết kế có phải dành cho tôi?” đã phần nào giải đáp thấu đáo các khúc mắc bấy lâu nay của bạn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mang đến vô số sự kiện trải nghiệm chuyên sâu, tạo cầu nối để các bạn gặp gỡ và đối thoại với những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm đang làm việc trong ngành công nghiệp sáng tạo. Hẹn gặp lại!
******
Để được tư vấn về chương trình đào tạo và các hình thức ưu đãi khuyến học tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh tại Arena gần bạn nhất:
HÀ NỘI
Email: [email protected]
* ARENA Trúc Khê
80 Trúc Khê, Q. Đống Đa
Tel: 1800 1542
* ARENA Phạm Văn Bạch
D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
Tel: 1800 1542
* ARENA Trần Phú
110 Trần Phú, Q. Hà Đông
Tel: 1800 1542
TP.HCM
Email: [email protected]
* ARENA Nguyễn Đình Chiểu
212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3
Tel: 1800 1525
* ARENA Nguyễn Kiệm
778/10 Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận
Tel: 1800 6325
* ARENA Tân Kỳ Tân Quý
Số 6 Tân Kỳ Tân Quý (gần Etown), Q.Tân Bình
Tel: 1800 2074