Ra nước ngoài học tập chuyên môn, chu du khắp nơi tìm nguồn cảm hứng, hay ngồi một chỗ nhưng dịch chuyển ngay trong chính công việc của mình… chúng tôi gọi họ là những anh chàng, cô nàng “xê dịch”.
“Xê dịch” để trưởng thành
Khúc Thúy An có lẽ là cô gái đi nhiều nhất Arena. Là một thiết kế của công ty Torrecid có trụ sở tại Vĩnh Phúc, Thúy An thường xuyên phải đi công tác nhiều tỉnh thành. Hôm trước thấy Thúy An check-in facebook tại sân bay Nội Bài hôm sau đã thấy cô nàng lên đường đi Quảng Ninh, vài hôm nữa Thúy An đã lại ở Thanh Hóa gặp mặt khách hàng rồi lại quay vào TP Hồ Chí Minh… Nhiều đến chóng mặt, chúng tôi đùa nhau rằng, chẳng mấy chốc mà Thúy An sẽ đi hết tất cả các tỉnh thành Việt Nam.
Ngay tại thời điểm viết bài này, Thúy An vừa trở về sau chuyến đi tập huấn tại Trung Quốc (một trong số 32 chi nhánh của Torrecid trên toàn thế giới). Những ngày ở nước ngoài, An đã được học những hiệu ứng, mẫu mã thiết kế mới về gạch men của tập đoàn để áp dụng tại Việt Nam.
Thúy An trong chuyến đi Trung Quốc. Dù di chuyển nhiều nhưng Thúy An luôn tươi tắn, rạng ngời
Mới chỉ bước chân vào Torrecid qua sự giới thiệu của Bộ phận Hỗ trợ việc làm của Arena Multimedia từ tháng 8/2014, công việc đã cuốn Thúy An đi và biến cô trở nên năng động, hoạt bát, trẻ trung hơn hẳn. Nếu như trước đây, Thúy An chỉ làm một số công việc thiết kế 2D, là con cưng của gia đình thì giờ Thúy An phải tự lập mọi thứ. Những chuyến đi liên tục đã trở thành chuyện thường ngày với cô gái xinh xắn này. Ngoài thiết kế cô còn trau dồi thêm rất nhiều kiến thức, kỹ năng về sale, marketing, tự tin thuyết trình dự án bằng tiếng Anh…
“Vì em thường làm việc với những người rất giỏi, có tầm nhìn, đứng đầu các công ty/tập đoàn nên em học hỏi được rất nhiều mọi nhìn nhận, mọi lời nói, cách đàm phán và nhiều khi thuyết phục họ”.
Những chuyến đi giúp Thúy An mạnh mẽ và trưởng thành hơn nhiều
Tự nhận mình có cái duyên khá đặc biệt với Torrecid, Thúy An hài lòng với môi trường công việc hiện tại, nó giúp cho Thúy An chững chạc và trường thành hơn bao giờ hết: “21 tuổi, em biết rằng mình cũng không còn ngây ngô để cứ ngông cuồng, nhưng tất nhiên là chưa “già” để mà xoay cuồng với vòng xoay của cuộc sống. Em vẫn còn rất nhiều sức trẻ để làm những điều mình thích, đi đến những nơi mình muốn đến và trải nghiệm những điều mới mẻ”.
Là con gái, thường phải công tác một mình đã có lúc Thúy An mệt mỏi, đi nhiều khiến An không có thời gian bên gia đình. Những lúc như vậy Thúy An lại nghỉ ngơi trong chốc lát để nhìn nhận lại con đường mình đang đi, cần cố gắng những gì, bỏ những gì, “chưa bao giờ em nghĩ ngừng hết công việc”.
Xê dịch đôi khi là cái duyên khó đoán trước
Khác với Thúy An, Nguyễn Thị Phương không đi nhiều, đi liên tục, những bước dịch chuyển của chị chậm mà chắc, chị “xê dịch” ngay trong chính ngành thiết kế.
Tốt nghiệp ngành Sư phạm Mỹ thuật (Cao đẳng Sư phạm Trung ương), với tham vọng và quyết tâm theo đuổi nghề thiết kế, Phương đã đăng ký học tiếp Arena Multimedia. Sau một thời gian tắm mình trong môi trường Arena, nắm vững các kiến thức cơ bản về đồ họa, Phương bắt đầu tìm việc và đã trúng tuyển vào công ty Tecmo Koei Software Việt Nam.
Nói về lần thi tuyển của mình chị Phương tâm sự: “Hoàn toàn mình không có kế hoạch, hay mục tiêu gì, mọi thứ đều là diễn ra hết sức tự nhiên và may mắn. Ban đầu mình cũng ứng tuyển rất nhiều công ty và tưởng sẽ làm thiết kế quảng cáo 2D thôi, nhưng không ngờ lại trúng tuyển Tecmo Koei và chuyển sang làm về 3D”.
Phương trong chuyến đi 6 tháng ở Nhật
Vào công ty, Phương được đào tạo trong hai tháng về 3D rồi ngay sau đó phân công vào các tổ chế tác vi tính, vừa học vừa làm, nhớ lại quãng thời gian này Phương chia sẻ: “Khi đó mình hoàn toàn chưa biết gì về 3D. Mình chỉ biết vẽ tay và có cảm quan về mỹ thuật thôi, nên phải cố gắng luyện thêm rất nhiều”.
Vậy mà từ một người học yếu nhất trong khóa đào tạo, Phương trở nên thành thạo dần, trở thành sub-leader (tổ phó) được cử sang công ty mẹ ở Nhật Bản học trong 6 tháng, rồi trở về nước đảm nhiệm vị trí leader (tổ trưởng).
Chuyến đi Nhật cũng là lần đầu tiên Phương ra nước ngoài. Tại đây Phương được đào tạo về cách thức quản lý mỗi dự án, từ khi tiếp nhận đến lúc bàn giao, cách thức kiểm soát thời gian, chất lượng để áp dụng ở Việt Nam. Chuyến đi cũng đem đến cho Phương những trải nghiệm mới về một đất nước văn minh hiện đại, không khói bụi, tàu xe ồn ào; những người đồng nghiệp rất nghiêm túc trong công việc nhưng ngoài đời thường lại vô cùng dễ mến.
Vì đam mê VFX nên luôn chuyển động
Nguyễn Anh Đức (học viên lớp D1202M) – được các anh chị Đào tạo mô tả là “Cao to lừng lững, mái tóc lòa xòa đỏ rực, ăn mặc rộng thùng thình, chuyên đeo kính mà không có mắt kính” – thì lại có khá nhiều bước đi trong quá trình học tập. Niềm yêu thích kỹ xảo đã dẫn Đức tới nhiều môi trường khác nhau và thôi thúc Đức làm những điều mới mẻ.
Yêu thích đồ họa, đặc biệt là VFX (Kỹ xảo điện ảnh) Đức bắt đầu nền tảng đồ họa tại Curtin University (Úc). Khi về Việt Nam, Đức tiếp tục theo học tại Arena Multimedia trong hai năm, đồng thời tự học qua các tutorial trên mạng. Hiện tại Đức vừa làm Freelance vừa học trực tuyến Master Classes tại Gnomon School of Visual Effects (Mỹ).
Tuy có hình ảnh dễ gây chú ý, song đối với mọi người, Đức lại khá kín tiếng, chỉ im ỉm làm việc. Cùng với team của mình, công việc của Đức ở khắp nơi trên thế giới. Thường thì Đức tìm việc tại các trang mạng freelancer, thỏa thuận được hợp đồng nào thì làm cái nấy, có thể là logo, intro, chỉnh sửa clip,kỹ xảo, motion graphics… thanh toán tiền qua mạng, làm các clip hấp dẫn thu tiền từ quảng cáo trên Youtube. Khi về nước, mối công việc càng nhiều hơn vì được bạn bè, khách hàng tín nhiệm giới thiệu
Một số sản phẩm “nghịch ngợm” của Đức. Xem thêm các sản phẩm khác tại đây
Theo đuổi VFX với Đức không dễ dàng; mọi thứ từ học tập, làm việc Đức đều phải tự lập, nhưng “nhiệt” VFX không bao giờ hạ. Nói như Đức là “Cứ biết được cách nào làm về VFX là lại phê, lao vào tìm hiểu và làm thử”. Tự nhận là người hay “bày trò” Đức thường xuyên mày mò làm ra các sản phẩm cầu kỳ, sáng tạo, kiếm được bao nhiêu tiền lại đi mua máy móc phục vụ cho các “trò” mới và chuẩn bị cho những bước đi dài hơi sau này.
Khúc Thúy An, Nguyễn Thị Phương, Nguyễn Anh Đức đại diện cho nhiều bạn học viên không chịu “sống chậm”, “sống dừng” mà luôn tranh thủ từng giờ, từng phút để khám phá bản thân và trải nghiệm những điều mới. Với thế hệ 8X, 9X tinh thần “xê dịch” là cần thiết. “Xê dịch” không nhất thiết là bạn phải bước chân di chuyển, đến một miền đất lạ. Trong thế giới phẳng hiện nay, chỉ cần có kiến thức, kỹ năng, bạn có thể có mặt ở bất cứ đâu, làm được bất cứ điều gì. Có “xê dịch” thì mới có thể đến đích, chuyển động chính là bước đầu tiên để vươn đến thành công, ước mơ. Vậy còn bạn, bạn có đang “xê dịch”?