Sau hai buổi workshop về lĩnh vực VFX và Food Stylist & Commercial Photographer nhận về sự quan tâm đông đảo từ các bạn trẻ yêu thích Mỹ thuật đa phương tiện. Vào ngày 05/12/2021, buổi chia sẻ cuối cùng trong chuỗi workshop “Multimedia: Chọn nghề gì bây giờ?” đã được tổ chức với chủ đề “Nghề thiết kế Game có phải dành cho tôi?”. Tại đây, bộ đôi diễn giả: anh Hoàng Hải An (Game Artist) và chị Đỗ Lê Như Quỳnh (Senior Recruiter tại SPARX* – A Virtuos Studio) đã cung cấp những kiến thức khái quát nhất về ngành thiết kế Game cũng như xu hướng và cơ hội việc làm trong lĩnh vực này đến với người tham dự.
Nghề thiết kế Game và những thông tin cơ bản cần biết
Thiết kế Game là gì?
Theo chia sẻ từ diễn giả Hoàng Hải An, nghề thiết kế Game thường được biết đến với cụm từ Game Development và Game Design. Trong đó, Game Development là khái niệm gắn liền với công việc phát triển Game nói chung, liên quan đến code, lập trình và Game Designer sẽ là những người thiết kế các quy tắc, luật lệ trong trò chơi. Ngoài ra, Game Art (Làm mỹ thuật cho Game) – phân mảng vô cùng quan trọng trong quá trình sản xuất một trò chơi cũng là phần rất được các bạn trẻ quan tâm vì sự liên quan mật thiết đến nghệ thuật, sáng tạo.
Một số thể loại Game phổ biến (Game Genres)
Trên thị trường tồn tại nhiều thể loại Game với đa dạng thể loại và quy tắc. Game hành động nhập vai, Game Đấu Đội Võ Đài, Game dàn trận chiến thuật,… là một số thể loại phổ biến được nhiều người biết đến.
- Đối với Game hành động nhập vai (RPG – ARPG: Role Playing Game – Action Role Playing Game), đây là thể loại Game mà người chơi phải trở thành nhân vật có sẵn trong Game, thực hiện nhiệm vụ, xử lý tình huống theo quy tắc, giới hạn của Game.
- Về Game đấu đội võ đài (MOBA: Multiplayer Online Battle Arena), các tựa Game MOBA đời hỏi người chơi phân chia thành 2 đội, mỗi đội gồm từ 3 đến 5 thành viên, nhiệm vụ mà trò chơi đặt ra là yêu cầu người chơi phá hủy tháp chính của địch. DOTA, LoL, Heroes of Newerth, Vain Glory, Heroes of The Storm là những cái tên tiêu biểu cho thể loại Game đấu đội võ đại.
- Về Game dàn trận chiến thuật, thời gian thực (RTS: Real Time Strategy) và theo lượt (TBS: Turn Based Strategy) là hai thể loại chính của dòng Game này. Thời gian thực (RTS) là tất cả các phe cùng giao chiến một lúc với các tựa Game nổi bật như Starcraft, Dune, Command & Conquer. Theo lượt (TBS) là từng người chơi sẽ đi trong giới hạn của mình, sau đó đến lượt người tiếp theo. Heroes of Might & Magic, Cờ Vua là những trò chơi nổi tiếng của thể loại Game dàn trận chiến thuật theo lượt.
- Game FPS (First Person Shooter) cũng là thể loại nhận về sự quan tâm đông đảo từ cộng đồng Game thủ, đây là những tựa Game hành động, đối kháng mà người chơi chỉ nhìn thấy tay và vũ khí của bản thân. Thông thường Game FPS sẽ kết hợp yếu tố RPG với một số trò chơi điển hình như Doom, Half Life vì người chơi được nhập vai vào nhân vật có câu chuyện. Đối với một số tựa Game FPS khác như CS:GO, đây là thể loại Game FPS thuần với nhân vật rỗng (Avatar).
Hệ máy (Platform) phổ biến để chơi Game
Trong quá trình trải nghiệm bất kỳ tựa Game nào, người chơi đều quan sát có hai phần chính đó là hệ máy hay hệ thống chơi khi (Platform) và thể loại Game (Genres). Bốn hệ thống máy phổ biến với các Game thủ hiện nay bao gồm PC, Console, Mobile và Tabletop.
- Thứ nhất, về PC (Personal Computer) – máy tính cá nhân là hệ thống chơi phổ biến nhất trên thị trường. Mọi thể loại Game đều có thể chơi được trên hệ máy này, thông thường những thể loại dành cho PC luôn phải tính toán đến mức độ cấu hình nhỏ nhất của máy có thể đáp ứng được các yêu cầu trong quá trình chơi Game.
- Thứ hai, Console không còn là khái niệm xa lạ với cộng đồng game thủ nhằm chỉ những máy chơi Game chuyên dụng có sẵn màn hình hoặc kết nối với các thiết bị màn hình lớn như PlayStation, XBOX, Wii,…. Mỗi máy Console sẽ có một cấu hình chuyên biệt, cho phép trải nghiệm các tựa Game sở hữu chất lượng đồ họa cao. Ngoài ra, vì mỗi hệ máy đều có cấu trúc kỹ thuật khá tương đồng, do đó khi phát triển Game chỉ cần xác định hệ máy là có được thông tin cấu hình chính xác, không cần xác định cấu hình nhỏ nhất tương tự các thể loại Game dành cho PC.
- Thứ ba, hệ máy Mobile (thiết bị di động) được biết đến nhiều nhất là điện thoại thông minh và tablet. Đặc trưng của hệ máy Mobile nằm ở cấu hình thấp, màn hình nhỏ, tuy nhiên điều này không ảnh hưởng quá nhiều đến chất lượng hình ảnh mà chủ yếu gây cản trở cho quá trình thiết kế nút điều khiển (UI: User Interface) do hạn chế về kích thước màn hình.
- Cuối cùng, Tabletop là hệ máy thường được sử dụng trong các tựa Game có các vật phẩm, quân chơi thật như cờ tướng, cờ vua, Game Miniature, Game bài,… Đây là những tựa Game luôn có từ hai người chơi trở lên trong cùng một không gian, không cần nhiều yếu tố về kỹ thuật số, tốc độ đường truyền Internet hay màn hình điện thoại.
Các phân mảng chính trong ngành Game
- Game Play/Story Development: Đây là phần đầu tiên của một dự án Game. Vai trò của người Game Play là thiết kế, xây dựng lối chơi và câu chuyện của Game. Game Play giữ vai trò quyết định thể loại, thế giới, thời gian, địa điểm, hệ máy dùng để chơi Game. Thông thường, vị trí này sẽ hợp tác cùng Scripting Designer (Lập trình Game) nhằm kiểm tra tính thực thi hóa các ý tưởng Game về mặt kỹ thuật, nhờ đó có thể kịp thời điều chỉnh sai sót hoặc tìm ra hướng đi khác phù hợp hơn với kịch bản Game.
- Game Art Development: Nhiệm vụ của vị trí Game Art Development là phát triển sản phẩm hoàn chỉnh về mặt hình ảnh, mỹ thuật, dựa vào các yếu tố đã được Game Play đưa ra như thời gian, địa điểm, quy tắc,… Hiểu đơn giản, Game Art Development sẽ nắm giữ vẻ đẹp thẩm mỹ của các dự án, đây là công việc mô hình hóa đối tượng được tạo ra bởi ý tưởng của Game Play. Game Art Development gồm 3 thể loại chính: Game 2D, 3D và Tabletop.
- Game Technology: Vị trí Game Technology chỉ áp dụng với những thể loại Game sử dụng sản phẩm công nghệ khi chơi (ngoại trừ Tabletop). Đây là phần mà Coder (Lập trình viên) sẽ tiến hành lập trình trong Engine giúp Game có thể hoạt động và hiển thị đúng với yêu cầu được đề ra.
- Game Merchandise: Các sản phẩm kèm theo như truyện tranh, tượng, poster… Nếu là các tựa Game trên hệ máy Tabletop, đây chính là phần chính để chơi Game.
Thị trường Games Việt Nam và nhu cầu tuyển dụng nhân sự tại SPARX* – A Virtuos Studio
SPARX* – A Virtuos Studio hiện là một trong những Studio hàng đầu Việt Nam ở lĩnh vực Kỹ xảo điện ảnh (VFX), Hoạt hình (Animation) và Mỹ thuật 3D (3D Art). Kể từ trở thành một phần của Tập đoàn Virtuos có trụ sở tại Singapore vào năm 2011, SPARX* – A Virtuos Studio luôn là địa điểm dừng chân mơ ước của người trẻ khi mong muốn dấn thân vào ngành công nghiệp Kỹ xảo điện ảnh, Hoạt hình 3D & Games.
Chia sẻ tại sự kiện về xu hướng nhân sự lĩnh vực Games trong thời kỳ dịch bệnh, chị Đỗ Lê Như Quỳnh – Senior Recruiter tại SPARX* – A Virtuos Studio cho rằng: “Trong khoảng thời gian dịch bệnh, các bạn chơi Game trên nhiều nền tảng khác nhau, nhu cầu phát triển lĩnh vực Game rất lớn. Điều này dẫn đến nhu cầu nhân lực của ngành hiện tại vẫn đang rất cao. Vì thế, các bạn không cần phải lo quá nhiều về việc nghề nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.”
Bên cạnh đó, chị còn cung cấp thêm thông tin về nhu cầu tuyển dụng tại SPARX* – A Virtuos Studio nhằm minh chứng cho tiềm năng phát triển của lĩnh vực này tại thị trường Việt Nam: “Trong hai năm qua, dự án về rất nhiều do đó nhu cầu nhân sự tăng hơn so với giai đoạn trước dịch bệnh. Trong thời gian dịch bệnh, khoảng 2-3 tháng, Studio tuyển dụng từ 20 đến 40 nhân sự. Vì thế, cơ hội dành cho các bạn ở những vị trí khác nhau là rất lớn.”
Như vậy, thông qua chia sẻ từ chị Đỗ Lê Như Quỳnh, chúng ta có thể khẳng định thực tế nhu cầu nhân sự lĩnh vực Games tại thị trường Việt Nam vẫn luôn rộng mở chờ đón các bạn trẻ. Điều quan trọng nhất là các bạn cần trang bị kiến thức, kỹ năng và sự hiểu biết cơ bản về những vị trí nghề nghiệp trong mảnh đất đầy màu mỡ này.
Q&A cùng khách mời
Câu hỏi: Đối với Game Artist có cần phải phải yêu thích việc chơi Game đó hay không?
Trả lời: Anh Hoàng Hải An – Game Artist
Muốn thực hiện một dự án Game đòi hỏi rất nhiều yếu tố kỹ thuật, nếu không thích chơi Game đó thì khi tham gia vào những vấn đề chuyên sâu bản thân người Artist sẽ gặp phải những giới hạn. Chính điều này sẽ làm cho thiết kế hay sản phẩm của bạn mất dần yếu tố cảm xúc, có thể bạn vẫn hoàn thành sản phẩm nhưng bản thân sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc khi thực hiện dự án đấy.
Lúc đầu, bản thân anh cũng không hiểu rõ việc này cho đến khi anh bắt đầu thực hiện dự án Game đầu tiên. Khi đấy anh làm Game đánh bài nhưng anh lại không biết chơi bài và cũng không thích những thể loại Game này. Mặc dù anh vẫn hoàn thành tốt dự án nhưng anh cảm thấy bản thân không thể phát triển được.
Do đó, anh nghĩ nếu các bạn lựa chọn Game thì tốt nhất các bạn phải yêu thích phong cách của sản phẩm đó. Khi các bạn làm việc, tâm lý ảnh hưởng rất nhiều đến cách thức chúng ta tạo ra thành phẩm cuối cùng, vì thế cần phải yêu thích để biết mình đang làm gì và việc bản thân làm ra cũng sẽ hiệu quả hơn.
Câu hỏi: Không biết vẽ có thể trở thành họa sĩ Game hay không?
Trả lời: Hoàng Hải An – Game Artist
Đối với anh, biết vẽ hay không, các bạn đều có thể trở thành Họa sĩ Game. Những phần hình khối cơ bản trong Game như: bề mặt các đồ vật cứng, con robot, vũ khí, xe cộ, máy móc sẽ yêu cầu tư duy về cái đẹp. Trên thực tế, tồn tại nhiều Artist sở hữu kỹ năng về 3D rất tốt nhưng họ tự nhận bản thân không giỏi vẽ tay. Do đó, yếu tố quan trọng là các bạn cần có tư tuy về lắp đặt, sắp xếp các hình khối. Đồng thời, cùng sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, chúng sẽ hỗ trợ rất nhiều cho người Artist trong quá trình làm việc. Yếu tố duy nhất mà công nghệ không thể thay thế con người là khả năng tư duy sáng tạo và năng lực cảm nhận cái đẹp. Vì thế, các bạn cần nỗ lực phát triển tư duy thẩm mỹ của bản thân, phải nắm bắt điều gì có thể làm cho khán giả đại chúng cảm thấy đẹp vì 90% trong số họ không phải là họa sĩ, 10% còn lại là những người có hiểu biết về hội họa, và rất ít người có thể biết rõ về chuyên môn của bạn.
Xem thêm: Chương trình học kỳ 3B về thiết kế Games tại Arena Multimedia. Tại học kỳ này, học viên sẽ được nghiên cứu các thể loại game, cách phát triển game; Thiết kế nhân vật cho game; Học chuyên sâu quy trình xây dựng hình và làm vật liệu, chất liệu, giả lập bề mặt, điêu khắc 3D, xây dựng bối cảnh và đạo cụ cho game.
Câu hỏi: Thị trường Artist chuyên nghiệp cần yếu tố gì?
Trả lời: Chị Đoàn Lê Như Quỳnh – Senior Recruiter tại SPARX* – A Virtuos Studio
Đối với chị, việc các bạn vẽ đẹp và sở hữu nền tảng kỹ năng tốt là điều cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, muốn biết bản thân giỏi hay không thì các bạn cần tìm hiểu xem thị trường cần gì, phải biết được rằng bản thân cần đi sâu đến mức độ nào thì có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó.
Nhìn chung, đầu tiên các bạn cần có nền tảng vững chắc. Thứ hai, cần có định hướng tốt cho bản thân, phải hiểu được rằng công ty đang tuyển nhân sự thế nào và làm sao thể hiện kỹ năng bản thân đang có sẽ phù hợp với công ty. Trong quá trình tuyển dụng, yếu tố kỹ năng và giải thưởng mà các bạn đạt được lúc học tập là lợi thế nổi bật. Tuy nhiên, yếu tố quyết định đến sự lựa chọn của nhà tuyển dụng còn tùy thuộc vào mức độ phù hợp của các bạn với vị trí mà họ họ cần.
Câu hỏi: Bối cảnh (Background) và nhân vật trong Game do hai người đảm nhiệm phải không?
Trả lời: Anh Hoàng Hải An – Game Artist
Những người làm về nhân vật được gọi là Character Artist. Còn trong các dự án Game luôn có rất nhiều bối cảnh khác nhau và người thực hiện phần này được gọi chung là các Environment Artist. Khi các bạn thực hiện những dự án chuyên nghiệp thì sẽ có từng bộ phận riêng biệt. Ví dụ, cụ thể hơn trong phần thiết kế nhân vật sẽ có vị trí Modelling, chuyên về màu sắc, chất liệu là vị trí Texture, về gắn xương là Rigging,…
Nhìn chung, để hoàn thành dự án đảm bảo chất lượng từ hình ảnh đến nội dung thì người Artist phải trong trạng thái thoải mái nhất và một dự án không thể chỉ dựa vào một người. Khi các bạn làm Game, một số vị trí mà nếu như người đó gặp vấn đề thì sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, điển hình như vị trí Game Director. Đặc điểm của ngành Game là tính chuyên môn hóa, khi dấn thân vào làm việc các bạn sẽ phát hiện có rất nhiều phần khác nhau, do đó có một số phần mà người Artist không có khả năng vẽ vẫn có thể làm được.
Câu hỏi: Những tiêu chí, yêu cầu tuyển dụng ứng viên ở mảng Game mà SPARX* đặt ra?
Trả lời: Chị Đoàn Lê Như Quỳnh – Senior Recruiter tại SPARX* – A Virtuos Studio
Đầu tiên, chị cần phải biết các bạn quan tâm, yêu thích đến vị trí cụ thể nào? Từ đó, chị sẽ xác định yêu cầu rõ ràng của vị trí công việc đó và những tiêu chuẩn về kiến thức, kỹ năng cần phải có ở một ứng viên.
Về tổng quan, bất cứ lĩnh vực nào cũng cần các bạn thật sự yêu thích và đam mê, chỉ như vậy thì các bạn mới có thể hoàn thành tốt trách nhiệm của bản thân. Thứ hai, đó là kiến thức nền tảng, bên cạnh khả năng vẽ đẹp các bạn cần sở hữu tư duy logic, tiếp xúc với nhiều phần mềm chuyên ngành trước đó và hình dung được ý tưởng của bản thân. Yếu tố quan trọng thứ ba, đó là ngoại ngữ, phần lớn các tài liệu chuyên ngành đều sử dụng tiếng Anh, các bạn phải có khả năng đọc hiểu để tự tìm tòi học hỏi kiến thức về ngành. Ngoài ra, cơ sở đào tạo lĩnh vực này tại Việt Nam vẫn còn khá ít, do đó ngoại ngữ có thể được xem là yếu tố ảnh hưởng lớn đến cơ hội học tập và làm việc sau này của các bạn.
Tạm kết
Như lời chia sẻ cuối buổi đến từ chị Đỗ Lê Như Quỳnh – Senior Recruiter tại SPARX* – A Virtuos Studio: “Đây là ngành nghề rất tiềm năng nhưng cũng tồn tại nhiều thử thách, đó là tính đào thải rất nhanh, rất khó và yêu cầu khả năng tìm tòi, học hỏi rất lớn. Do đó, các bạn cần cố gắng, kiên trì, phải hiểu rõ vì sao mình yêu thích và lựa chọn con đường này, liệu rằng bản thân có dám chấp nhận đánh đổi công sức để bước tiếp hay không?”
Arena Multimedia hy vọng buổi workshop đã góp phần mang lại cơ hội cho các bạn trẻ tiếp cận góc nhìn thực tế và hình dung những đặc điểm tổng quan nhất về ngành thiết kế Game. Từ đó, các bạn có thể lựa chọn các định hướng học tập và trải nghiệm phù hợp với đam mê và sở trường của bản thân.
Duy Diệu
******
Để được tư vấn về chương trình đào tạo và các hình thức ưu đãi khuyến học tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh tại Arena gần bạn nhất:
HÀ NỘI
Email: [email protected]
* ARENA Trúc Khê
80 Trúc Khê, Q. Đống Đa
Tel: 1800 1542
* ARENA Phạm Văn Bạch
D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
Tel: 1800 1542
* ARENA Trần Phú
110 Trần Phú, Q. Hà Đông
Tel: 1800 1542
TP.HCM
Email: [email protected]
* ARENA Nguyễn Đình Chiểu
212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3
Tel: 1800 1525
* ARENA Nguyễn Kiệm
778/10 Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận
Tel: 1800 6325
* ARENA Tân Bình
Số 6 Tân Kỳ Tân Quý (gần Etown), Q.Tân Bình
Tel: 1800 2074