Vào ngày 24/9 vừa qua, Workshop Skill Up thứ hai nằm trong khuôn khổ cuộc thi Show It NOW 2022 đã diễn ra với chủ đề “Thiết kế và Video – Nhịp điệu (Rhythm). Chương trình có sự góp mặt của hai vị khách mời đặc biệt là Creative Director Lê Đức Hiệp và Đạo diễn Võ Thanh Hòa.
Xoay quanh câu hỏi: “Bằng cách nào để tạo ra sản phẩm ấn tượng?”, Workshop tập trung làm rõ một yếu tố quan trọng nhưng lại rất hay bị bỏ qua trong quá trình thực hiện một thiết kế/video, đó là nhịp điệu. Bằng vốn kinh nghiệm phong phú sau nhiều năm làm nghề, hai vị khách mời đã hướng dẫn các bạn trẻ cách xây dựng tiết tấu và sử dụng chất liệu phù hợp để truyền tải thông điệp đến khán giả hiệu quả. Nhân đây, mời các bạn cùng Show It NOW 2022 khám phá thế giới nhịp điệu thông qua những giải mã siêu thú vị của Creative Director Lê Đức Hiệp và Đạo diễn Võ Thanh Hòa nhé.
Nhịp điệu là gì?
Hoạt động ở hai lĩnh vực khác nhau là Điện ảnh và Thiết kế, đạo diễn Võ Thanh Hòa cùng Creative Director Lê Đức Hiệp có những cách định nghĩa riêng về Nhịp điệu, thế nhưng giữa họ đều chung một suy nghĩ, rằng nhịp điệu là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên thành công của một sản phẩm sáng tạo.
Với đạo diễn Võ Thanh Hòa: “Nhịp điệu trong phim ảnh cũng giống như biểu đồ hình sin, biến thiên lên xuống, có đoạn cao trào thì sẽ có đoạn trầm lắng đưa khán giả trải nghiệm qua vô vàn cung bậc cảm xúc khác nhau. Đó chính là tính nghệ thuật không thể thiếu của môn nghệ thuật chiều thứ bảy.”
Từ góc nhìn của Creative Director Lê Đức Hiệp, nhịp điệu là một quy tắc bất thành văn trong các lĩnh vực thuộc về nghệ thuật thị giác, từ thiết kế đồ họa, nhiếp ảnh đến kiến trúc, hội họa: “Nhịp điệu là một sợi dây liên kết hài hòa và hợp lý tất cả các thành phần trong một tác phẩm, ví dụ như hình dạng, phông chữ, màu sắc, v.v… để tạo nên một đường dây dẫn dắt, đưa con mắt người xem dễ dàng lướt qua từng nội dung, từng chi tiết, khiến tác phẩm của mình không chỉ đẹp mà còn có hồn hơn khi truyền tải thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm tới người xem.”
Không chỉ dừng lại ở định nghĩa, hai vị khách mời cũng cho thấy sự khác khác biệt của những tác phẩm có và không có nhịp điệu. Về phần đạo diễn Võ Thanh Hòa, một bộ phim thiếu nhịp điệu là một bộ phim quá nhanh khiến khán giả mệt mỏi hoặc quá chậm khiến khán giả ngáp ngắn ngáp dài. Anh đưa ví dụ, trong nguyên tắc làm phim hành động, nếu thời lượng phim trung bình 120 phút thì sẽ có khoảng 10 trận đánh với 4 trận lớn và 6 trận nhỏ. Đây là công thức mà các biên kịch thường áp dụng ở rất nhiều bộ phim hành động và sự thật là nó đã thành công trong việc giữ vững sự hứng thú của khán giả từ phút đầu tiên đến giây cuối cùng. Vì vậy, một bộ phim hay phụ thuộc rất nhiều vào nhịp điệu.”
Trong thiết kế cũng có rất nhiều tác phẩm không nhịp điệu, tuy nhiên đối với Art Director Lê Đức Hiệp, tác phẩm không có nhịp điệu là tác phẩm lung tung về bố cục, cẩu thả về đường nét, rối loạn về màu sắc, đó không phải là một artwork tốt, thậm chí với những con mắt khó tính thì họ còn không coi đó là artwork, người ta chỉ coi đó là bản nháp mà thôi: “Một tác phẩm đồ họa tốt được tạo ra bởi rất nhiều yếu tố: màu sắc, texture, hình khối, không gian,… hãy cố gắng tạo ra sự hài hòa cho ít nhất hai đến ba yếu tố để tạo ra nhịp điệu hài hòa cho tác phẩm” – Anh Lê Đức Hiệp dành lời khuyên đến các bạn trẻ không chuyên.
Muốn đưa nhịp điệu vào tác phẩm nghệ thuật phải làm sao?
Những người làm sáng tạo chuyên nghiệp luôn biết cách đưa nhịp điệu vào tác phẩm nghệ thuật. Theo quan điểm của Art Director Lê Đức Hiệp, muốn thiết kế có nhịp điệu thì trước hết phải đi nhiều, xem nhiều nhằm mở rộng tầm hiểu biết và nuôi dưỡng ý tưởng. Sau đó mới tiến hành nghiên cứu thật sâu những chất liệu phục vụ cho đề tài mà bạn sẽ thực hiện. Muốn đưa nhịp điệu vào trong một tác phẩm thiết kế, cần giải mã được ba câu hỏi: “Hiệu ứng thị giác bạn muốn đem lại cho người xem là gì? Muốn gợi lên suy nghĩ gì? Muốn truyền đạt thông điệp gì?” Khi trả lời được ba điều trên, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy các chất liệu tạo nhịp điệu phù hợp cho tác phẩm. “Quan trọng hơn cả, bạn phải biết điểm nhấn tác phẩm nằm ở đâu, vì nó là cái đầu tiên đập vào mắt khán giả” – Anh nhấn mạnh. Có rất nhiều cách để tạo điểm nhấn, ví dụ như dùng những màu sắc nổi bật, đặt vật thể ở vị trí trung tâm hay dùng các đường cắt điều hướng để tập trung sự chú ý vào một hướng duy nhất.
Tiếp nối câu chuyện đưa nhịp điệu vào trong tác phẩm, đạo diễn Võ Thanh Hòa bày tỏ tư duy là điều quan trọng để hình thành nên nhịp điệu của riêng bạn. Anh đã chia sẻ những việc cần làm để rèn luyện tư duy khi làm phim và video.
Thứ nhất, người làm phim thì phải xem phim để học hỏi cách kể chuyện của các đạo diễn, biên kịch tài năng. Xem phim có hệ thống sẽ giúp bạn xây dựng góc nhìn riêng và dần hình thành tư duy làm phim. Hãy ngồi trước màn ảnh với tâm thế của một người muốn thu nhận kiến thức chứ không đơn giản là “enjoy cái moment này”, đồng thời tự đặt câu hỏi: Nếu là PD (Project Director) thì mình sẽ làm như thế nào? Chính những sự tưởng tượng đó sẽ làm dày vốn kiến thức và ý tưởng cho bạn.”
Thứ hai, tập viết xuống điều mà bạn thấy hay. Hãy luôn ghi chú những điều khiến mình thấy ấn tượng hoặc cắt các đoạn phim bạn thích lưu giữ làm tư liệu tham khảo.
Thứ ba là không ngừng học hỏi. Nếu có điều kiện, bạn có thể đăng ký các khóa học chuyên môn, còn không thì hãy học từ chính bộ phim mà bạn xem. Càng tích lũy và nghiên cứu, bạn sẽ có tư duy điện ảnh và biết cách kể chuyện lôi cuốn người xem.
Những lỗi cần tránh khi đưa nhịp điệu vào tác phẩm nghệ thuật
Tại Workshop lần này, hai vị khách mời cũng chỉ ra những lỗi sai mà các bạn trẻ thường mắc phải khi đưa nhịp điệu vào trong tác phẩm. Theo đạo diễn Võ Thanh Hòa, lỗi sai đầu tiên là các bạn không xác định rõ được mục tiêu khi làm video: “Có hai lý do dẫn đến điều này, vì chính bạn cũng chưa biết chắc thông điệp mình muốn truyền tải là gì, hoặc vì bạn muốn nhồi nhét quá nhiều thứ vào tác phẩm. Trong trường hợp này, tôi có lời khuyên là hãy nghĩ đơn giản, đừng cố gắng làm phức tạp hóa vấn đề. Đơn giản và tinh tế mới là nghệ thuật.” Lỗi sai thứ hai khiến video mất đi nhịp điệu là thiếu âm thanh: “Phim ảnh giống như một cuộc rượt đuổi hòng bắt lấy cảm xúc của người xem. Chúng ta có hai công cụ để làm được điều đó là hình ảnh và âm thanh. Đầu tư hình ảnh mà quên mất âm thanh đồng nghĩ là bạn tự chặt mất một bên bánh xe khiến nó trở nên vô cùng khập khiễng.” Cuối cùng, hãy cố gắng làm tốt nhất trong khả năng của bạn, đừng bao giờ bỏ cuộc: “Hãy cứ làm đi, kể cả khi kết quả không như ý ban đầu bạn mong muốn.”
Tiếp lời Đạo diễn Võ Thanh Hòa, Creative Director Lê Đức Hiệp nói về cách để hạn chế lỗi sai khi đưa nhịp điệu vào tác phẩm: “Điều quan trọng là bạn phải biết kiểm soát các yếu tố. Nếu bạn cứ ôm đồm, thấy cái gì đẹp cũng muốn bỏ hết vào tác phẩm thì tự nhiên sẽ mất đi phong cách cá nhân, làm người xem mệt mỏi và quá tải với hàng tá thông tin mà bạn muốn truyền đạt.”
Kết
Kết thúc Workshop Skill Up số hai nằm trong khuôn khổ cuộc thi Show It NOW 2022, hai vị khách mời cũng là hai giám khảo của hạng mục Thiết kế và Video nhắn nhủ đến các bạn thí sinh.
Creative Director Lê Đức Hiệp: “Tôi đang rất háo hức để được xem các Gen Z thể hiện ra sao về chủ đề cuộc thi “Việt Nam: Hương – Vị – Sắc”. Hãy kể những điều chân thực nhất về cuộc sống của bạn, quê hương, con người, bạn bè, trường lớp, tôi rất muốn được lắng nghe, chiêm ngưỡng và trải nghiệm vẻ đẹp của dải đất hình chữ S này thông qua chính lăng kính của các bạn trẻ.”
Đạo diễn Võ Thanh Hòa: “Tuy mỗi năm một chủ đề nhưng “Show It NOW” vẫn luôn là tiêu chí quan trọng nhất mà cuộc thi sáng tạo này hướng đến. Hãy Show Yourself – Các bạn là ai, các bạn muốn làm gì trong cuộc sống nghệ thuật này. Hương – Vị – Sắc là ba thành tố mà chúng ta có thể dùng cả năm giác quan để cảm thụ và thể hiện nó qua đa dạng hình thức. Chúng tôi rất mong chờ để cảm thụ những điều đó chung với các bạn, điều đó mới là chân ái của cuộc thi năm nay.”
Thông qua hai Workshop nâng cấp kỹ năng, Show It NOW 2022 hy vọng các bạn đã tìm thấy nguồn cảm hứng để bắt tay vào thực hiện tác phẩm của mình. Đã đến lúc cho mọi người biết bạn là ai, tác phẩm của bạn có gì hay, Việt Nam của bạn có hương gì, vị gì và sắc gì? Hẹn gặp lại ở chặng cuối của Show It NOW 2022.
Xem lại điểm nhấn đáng chú ý của Workshop Skill Up #1: Vẽ và Nhiếp ảnh: Hơi thở cuộc sống.
Show It NOW là cuộc thi sáng tạo nghệ thuật thường niên do Arena Multimedia tổ chức. Nơi đây ghi nhận những tài năng trẻ không chuyên cùng tranh tài ở bốn hạng mục: Vẽ – Nhiếp ảnh – Thiết kế và Video để từ đó phát hiện, bồi dưỡng và giúp những hạt giống tiềm năng của ngành Multimedia Design phát triển. Mang theo uy tín cùng những thông điệp tích cực được lan tỏa qua từng năm, Show It NOW 2022 đã quay trở lại cùng chủ đề “Việt Nam: Hương – Vị – Sắc”. Với tổng giải thưởng lên đến 1 tỷ đồng, cơ hội đang chia đều cho tất cả các thí sinh. Nếu bạn muốn khẳng định tài năng và mang vẻ đẹp Việt Nam giới thiệu rộng rãi đến công chúng, thì hãy cùng chúng tôi Show It NOW ngay hôm nay! Gửi tác phẩm dự thi TẠI ĐÂY |