Sáng ngày 05/06/2015 vừa qua, đông đảo các bạn trẻ yêu nhiếp ảnh đã đến tham dự hội thảo chuyên đề “Commercial Photography – Nhiếp ảnh thương mại” tại Arena Multimedia (cơ sở 212 – 214 Nguyễn Đình Chiểu, P.6, Q.3, TP HCM). Chuyện đời, chuyện nghề và những thăng hoa trong công việc mà 2 nhiếp ảnh gia Cao Tú và Hoàng Miên mang lại đã góp phần thành công không nhỏ cho buổi trò chuyện đầy thân mật và bổ ích này.
Ngành nhiếp ảnh có những thể loại nào không phải ai cũng nắm rõ, kể cả những người làm ảnh lâu năm. Nhiếp ảnh chân dung, phong cảnh, đường phố không phải là các thể loại nhiếp ảnh mà chúng chỉ là những chủ thể của nhiếp ảnh. Dựa trên hệ thống nhiếp ảnh Hoa Kỳ và phân theo khía cạnh nghề nghiệp, nhiếp ảnh thường được chia làm ba thể loại: thương mại, truyền thông và nghệ thuật.
Về nhiếp ảnh thương mại, bản thân hai chữ thương mại cũng định nghĩa được thể loại này. Đây là hướng đi của các nhiếp ảnh gia chuyên chụp quảng cáo cho sản phẩm, thời trang, thiết bị… những thứ liên quan trực tiếp đến đồng tiền. Các nhiếp ảnh gia thương mại cần trang bị kỹ năng quản trị kinh doanh vì công việc của họ cũng giống các chủ doanh nghiệp khác, sản phẩm và dịch vụ của họ là hình ảnh.
Nghề nhiếp ảnh không chỉ đơn giản bởi cái bấm máy là có ngay tấm hình đẹp. Nhất là trong lĩnh vực thương mại, nhiếp ảnh gia phải sáng tác dựa trên concept, đơn đặt hàng. Những khó khăn và những câu chuyện đằng sau tấm ảnh ấy chỉ có người trong nghề mới hiểu được. Và trong hội thảo chuyên đề về “Commercial Photography – Nhiếp ảnh thương mại” lần này, các nhiếp ảnh gia đã có buổi trò chuyện xung quanh về nghề này, chia sẻ kinh nghiệm trước đông đảo các bạn trẻ đam mê nhiếp ảnh đến tham dự.
Mỗi bức ảnh thương mại là cả quá trình lao động
Khác với ảnh nghệ thuật, những người làm ảnh thương mại không được tự sáng tạo mà phải thực hiện theo ý khách hàng. Không ít những cuộc tranh luận giữa người làm nghệ thuật và người kinh doanh để cho ra những bức ảnh mang tính thương mại này. Quy cho cùng, để có những bức ảnh mang ý nghĩa nhất định đến người dùng thì phải trải qua rất nhiều khâu chuẩn bị như: lên ý tưởng, gửi khách hàng duyệt (đối với trường hợp làm theo đơn đặt hàng), bố trí cảnh chụp, thực hiện, chỉnh sửa, in ấn/đăng tải trên các kênh mua bán ảnh (shutterstock, istockphoto, fotolia, bigstock…).
Nhưng đối với anh Cao Tú, một nhiếp ảnh gia nhiều năm trong nghề thì đây là công việc mà anh làm với chính đam mê mà còn mang lại cho anh nguồn thu nhập ổn định để lo cho gia đình nhỏ của mình. Anh chia sẻ: “Chụp ảnh thương mại không khó cũng chẳng dễ. Nếu bạn có một số kinh nghiệm nhất định trong việc chụp đa dạng chủ đề, về các kỹ thuật máy, ứng dụng công cụ hỗ trợ phù hợp, góc máy, bố cục tốt thì sẽ cho ra cbức hình ưng ý. Tuy nhiên, ảnh đẹp mà không bán được thì không gọi là ảnh thương mại. Làm sao bức ảnh mang lại giá trị kinh tế, phục vụ tốt cho nhu cầu khách hàng về mặt thiết kế đồ hoạ, quảng cáo là một điều không dễ dàng chút nào”.
Yếu tố tiên quyết của một bức ảnh thương mại đó chính là độ nét, hình trong trẻo, nền trắng và nhìn đẹp mắt. So với các trường phái khác trong lĩnh vực nhiếp ảnh, ảnh thương mại mang tính ứng dụng cao có thể kể đến như thời trang, ảnh cưới, event, nội thất, hay phục vụ trong thiết kế đồ hoạ, quảng cáo nhãn hàng, phẩm, đồ ăn… Chính sự lồng ghép và đa dạng “đất diễn” mà công việc chụp ảnh thương mại đang dần phát triển và “hot” hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, khi người người đổ xô cầm máy thì việc trở thành nhiếp ảnh gia trở nên quá dễ dàng. Vậy điều gì tạo sự khác biệt giữa chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp? Và nghề nhiếp ảnh có phải ai cũng làm được?
“Ở bất cứ lĩnh vực nào, ảnh được chụp ra phải truyền tải được thông điệp, ý nghĩa nào đó. Bởi đơn giản, nhiếp ảnh là một trong những bộ môn nghệ thuật khắc hoạ, lưu giữ những điều gì đẹp nhất, độc đáo nhất của đời sống. Và ảnh thương mại cũng vậy. Nếu bạn chụp bánh trung thu mà không diễn tả được không khí đêm rước đèn, ánh đèn lấp loá, vị ngọt ngào của bánh thì bức ảnh đó không đạt. Cũng như trong ảnh cưới, người thợ phải diễn tả được tình cảm, cái hồn của chủ thể qua các bố trí góc hình, màu sắc, phong cảnh… Điều đó đòi hỏi người cầm máy phải có con mắt nghệ thuật, trải nghiệm nhất định cũng như cảm xúc khi thực hiện bộ ảnh đó. Nếu bạn có đam mê thực sự và nghiêm túc với nghề thì thành công sẽ tự đến trong tương lai gần” – thầy Tính trải lòng.
Câu chuyện của chàng trai bén duyên với Nhiếp ảnh
Đến với nhiếp ảnh như một sự tình cờ. Chàng Photographer Hoàng Miên trước đây không đam mê nhiếp ảnh từ nhỏ. Chỉ khi anh học thiết kế đồ hoạ, anh mới có ý định học nhiếp ảnh để bổ sung cho công việc thiết kế của mình. Từ khi làm quen với nhiếp ảnh, anh học được cách quan sát mọi thứ, bắt đầu biết nhìn trời ngắm đất và bắt đầu đi sáng tác. Anh chia sẻ thêm: “Thông qua chiếc máy ảnh, tôi nhìn mọi thứ bằng một cảm xúc khác và tìm ra được niềm vui mới trong cuộc sống. Người ta nói nếu như được làm công việc mà mình thích thì cũng như không làm việc vậy. Tôi cảm thấy mình may mắn vì đã chọn được 1 công việc mà có thể sống và cháy hết mình với nó. Làm nghề nhiều năm, càng đi sâu vào nhiếp ảnh, tôi càng cảm thấy có quá nhiều thứ mình chưa biết và còn rất nhiều thứ phải học. Có thể nói, bạn rất dễ để tiếp cận với nhiếp ảnh, nhưng để làm việc nghiêm túc và xây dựng được một thương hiệu trong lĩnh vực này không phải là 1 điều đơn giản”.
Anh đến với nhiếp ảnh khá nhanh và thuận lợi. Chỉ sau 1 năm học thiết kế và nhiếp ảnh, anh đã mở một công ty riêng chuyên về chụp hình quảng cáo đến nay cũng đã gần 6 năm. Khi bước vào nghề, anh nhận lời chụp ảnh cưới miễn phí cho một người bạn. Anh là một trong những người đi đầu về phong cách chụp tự nhiên trong các bộ ảnh cưới. Nhờ sự đột phá ấy, anh dần khẳng định tên tuổi của mình trong giới nhiếp ảnh.
Hiện nay con đường nghệ thuật của anh đã tiến thêm những bước chuyển mới. Anh dần đi sâu vào lĩnh vực chụp ảnh quảng cáo. Tuỳ vào mức độ công việc, mối quan hệ cũng như vị thế của đối tác mà chi phí anh đưa ra khác nhau. Đối với khách hàng tên tuổi, chịu đầu tư thì kinh phí cho bộ ảnh hơn 10.000 USD, và ngược lại.
Đã từng gặp những trường hợp kiện tụng vì bản quyền hình ảnh, anh chia sẻ thêm: “Trước khi bạn bắt tay vào những dự án, điều quan trọng nhất đó chính là hợp đồng giữa bạn và khách hàng. Không có quy định nào cố định trong việc này mà quy định đó phải do bạn đặt ra như: sử dụng hình ảnh đã chụp với mục đích phi thương mại (dùng làm porfolio, đăng tải trên web cá nhân…), thời hạn sử dụng trong bao lâu, quyền sở hữu sẽ thuộc về ai… Người làm nghệ thuật đôi khi phải rất tỉnh táo trong vấn đề này để tránh những điều không hay về sau”.
Đối với anh cũng như với những người trong giới thì nghề nhiếp ảnh vừa là công việc, vừa là cuộc chơi. Họ yêu công việc, đầu tư vào máy móc và siêng năng lao động để cho ra những khoảnh khắc đẹp nhất, ý nghĩa nhất đến người xem. Anh thổ lộ: “Nhiếp ảnh với anh là một ngọn núi cao mà tôi đang leo lên, từng ngày, để dần chinh phục nó và cắm lên đó một lá cờ mang tên HOÀNG MIÊN PHOTOGRAPHER”.
Hãy học khi người khác ngủ, lao động khi người khác lười nhác, chuẩn bị khi người khác chơi bời. Và bạn sẽ có giấc mơ khi người khác chỉ ao ước! Đó là điều mà những người đi trước nhắn nhủ các bạn trẻ khi bước vào con đường làm nghệ thuật. Với nhu cầu truyền thông giải trí ngày càng gia tăng thì nhu cầu văn thể mỹ của con người cũng dần được nâng lên hàng đầu. Điều đó đồng nghĩa với cơ hội việc làm luôn là mảnh đất hứa đầy tiềm năng dành cho những ai thực sự đam mê, thực sự nghiêm túc. Hy vọng sau buổi trò chuyện này, các bạn hiểu được lĩnh vực nhiếp ảnh thương mại và có cái nhìn chân thật về nghề để tìm được cho mình lối đi đúng đắn về quyết định nghề nghiệp sau này.
Xem thêm hình ảnh của buổi Hội thảo tại đây.
Chương trình Đào tạo Chuyên gia Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia (AMSP) giúp người học khám phá tiềm năng sáng tạo, mở ra cơ hội nghề nghiệp trong những lĩnh vực năng động nhất như thiết kế đồ họa, thiết kế website, quảng cáo, sản xuất phim ảnh kỹ thuật số, biên tập âm thanh, hoạt hình 2D, 3D.Nhiếp ảnh là một trong những môn học thuộc Học kỳ I – Thiết kế đồ hoạ của chương trình AMSP tại Arena Multimedia. Học kỳ này giúp học viên nắm vững các kiến thức về thị giác và các kiến thức liên quan đến hình ảnh, tạo tiền đề đi sâu vào thế giới rộng lớn Mỹ thuật Đa phương tiện.Tìm hiểu về Học kỳ I tại Arena Multimedia. |