“Chúng tôi chỉ muốn tồn tại để được trở về nhà”
“Vietnam a country, not a war”– Lần đầu nhìn thấy dòng chữ viết trên tấm namecard của Ted Engelmann, chúng tôi đã ngay lập tức cảm mến tấm lòng vị nhiếp ảnh gia này dành cho Việt Nam. Suốt hơn 30 năm qua, không thể đếm xuể số lần ông trở lại dải đất hình chữ S để ghi nhận những khoảnh khắc đặc biệt về chiến tranh, con người nơi đây và thật đặc biệt khi cuộc hành trình ấy một lần nữa được chính vị cựu binh người Mỹ kể lại trong Talkshow: “Ký ức Việt Nam của Ted”
Ted Engelmann tham gia vào lực lượng không quân Hoa Kỳ khi mới 19 tuổi. Ban đầu, cuộc sống trôi qua khá êm đềm cho tới lúc chiến tranh nổ ra và ông được giao nhiệm vụ đến Việt Nam trong vòng một năm: “Đối với những binh lính trẻ tuổi, chiến tranh là thứ hoàn toàn xa lạ. Tại sao chúng tôi lại ở đây? Điều gì sẽ diễn ra? Mục đích duy nhất của chúng tôi khi thực hiện nhiệm vụ ở đây đó là tồn tại để được về nhà.” – Ted nói.
Lúc ấy, ông trực thuộc đội không quân kiểm soát hỗ trợ sư đoàn bộ binh số 1 thuộc lữ đoàn 3 của Mỹ ở vùng Lai Khê, cách Sài Gòn 35 dặm về phía Tây Bắc với công việc chính là phát hiện, kiểm soát và thông báo cho các phi công lái máy bay địa điểm thả bom xuống phía dưới: “Có lần, tôi ngồi trên máy bay rải thuốc diệt cỏ tại vùng Biên Hòa, những vệt rừng xám xịt phía dưới khiến tôi hoảng sợ. Trong phút luống cuống, ngón tay tôi che mất một phần ống kính, nhưng tất cả cảnh vật đều hiện rõ trên bức hình in ra. Chúng tôi đã rải mà không biết đây là một thứ hóa chất độc hại gây nguy hiểm cho môi trường và con người.”
Ở buổi Talkshow, ông kể cho khán giả nghe về nhiều kỷ niệm thời chiến, trong đó, có một ký ức để lại dấu ấn khó phai trong lòng vị cựu binh người Mỹ: “Phi công và tôi luôn giữ hai chiếc bản đồ: dùng để xác định khu nhà dân và nơi giấu vũ khí. Ban chỉ huy luôn nghĩ rằng, chúng tôi thả bom theo vị trí tấm bản đồ thứ nhất thế nhưng họ chẳng bao giờ đạt được mục đích bởi chúng tôi luôn thả theo tấm bản đồ thứ hai.” Ted Engelmann nói rằng, ông chưa từng muốn giết người hay đại diện cho bất kỳ tôn giáo ủng hộ cho việc này, đó là lý do mà lực lượng ông luôn tránh khu vực có trẻ em và phụ nữ sinh sống. “Nếu cấp trên biết việc này, có lẽ chúng tôi đã phải vào tù” – Ted chia sẻ.
Trong túi quần của chàng lĩnh Mỹ trẻ tuổi luôn mang theo một chiếc camera nhỏ chỉ cần hai ngón tay để sử dụng. Vì vậy, Ted có thể vừa lái xe vừa chụp hình. Ông hay tự nhận mình không phải nhiếp ảnh gia mà chỉ là anh lính hàng không có sở thích ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt xung quanh. Ấy vậy mà từ đó đến nay, chiếc máy ảnh đã theo Ted Engelmann trở lại Việt Nam hơn 20 lần, ghi lại từng khoảnh khắc, cảm xúc về đất nước nước này và chia sẻ chúng trong những triển lãm của mình.
Hành trình đưa cuốn nhật ký Đặng Thùy Trâm trở về với gia đình sau 35 lưu lạc
Trên hành trình khám phá Việt Nam, Ted Engelmann nhặt nhạnh từng câu chuyện , lưu giữ từng hồi ức về những con người ông có cơ duyên gặp gỡ. Đặc biệt trong đó là kỷ niệm với gia đình bác sĩ – liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.
Ted kể, ông được biết về cuốn nhật ký khi dự hội thảo về chiến tranh Việt Nam tổ chức tại Mỹ. Ở hội thảo, một cựu binh tên Frederic Whitehurst nói về cuốn nhật ký mà ông có được trong trận càn ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) năm 1970. Trong trận càn ấy, Frederic đã nhận ra dấu vết còn lại của một trạm xá quân giải phóng, đã rời đi cùng những người thương binh, giữa đám tro tàn còn sót lại một cuốn sổ nhỏ, kích thước bằng chiếc máy ghi âm. Người lính Mỹ đã không tiêu hủy nó khi được phiên dịch người Việt tên Hiếu nói rằng: Đừng đốt, trong cuốn số đó đã có lửa rồi.
Sau khi biết về cuốn nhật ký cùng tên và dòng địa chỉ ngắn ngủi: “Bác sĩ Đặng Ngọc Khuê (bố bác sĩ Trâm) công tác Bệnh viện Đông Anh”, ông Ted đã liên lạc với tổ chức Quaker (Mỹ) tại Việt Nam nhờ họ tìm giúp gia đình chủ nhân.
Ông chính là người đầu tiên, vào năm 2005, đem đến cho gia đình liệt sĩ Đặng Thùy Trâm đĩa CD chứa những hình ảnh của cuốn nhật ký, làm bùng nổ câu chuyện đầy xúc động về nữ liệt sĩ – bác sĩ này. Cũng như với anh em nhà Whitehurst, gia đình chị Trâm luôn xem Engelmann như người thân.
Hơn 35 năm lưu lạc, cuối cùng cuốn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã trở về với gia đình. Không ai trong căn phòng bé nhỏ cầm nổi lòng mình khi lật giở từng trang, nhìn thấy nét chữ mảnh, nghiêng nghiêng. Ted Engelmann không giấu nổi lòng mình: “Tôi thật sự có một cảm xúc rất đặc biệt khi gặp mẹ của bác sĩ Đặng Thùy Trâm và những người thân của chị. 35 năm trước, khi Trâm đang viết nhật ký thì tôi cũng có mặt ở Sông Bé để chụp những bức ảnh về chiến tranh. Vậy mà bây giờ…”
Ted Engelmann nói nhiều điều, cuối cùng ông vẫn dừng lại trước tấm ảnh có lời tựa “Vietnam a country, not a war” để khẳng định nơi đây là đất nước có nhiều thứ hơn những cuộc chiến tranh tàn khóc. Vội vã ra về để kịp chuyến bay trở về Mỹ, ông vẫn ngoái nhìn cùng nụ cười thường trực trên môi “Tôi sẽ còn trở lại, hẹn gặp các bạn vào lúc ấy”.
Giang Hoàng