Tiếp nối Multimedia Talk về Văn hóa & Thiết kế, Workshop “Phóng sự ảnh” là sự kiện tiếp theo nằm trong chuỗi hoạt động của cuộc thi Show It NOW 2019. Những câu chuyện và lời khuyên thú vị được đúc rút từ quá trình sáng tạo của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Nhân Quyền đã giúp ích rất nhiều cho các bạn trẻ đam mê và muốn theo đuổi nghiệp cầm máy.
Trong hai tiếng trò chuyện cùng Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Nhân Quyền, nội dung Workshop không chỉ dừng lại ở chủ đề phóng sự ảnh mà còn được mở rộng ra nhiều khía cạnh khác nhau. Thông qua những câu hỏi của khán giả, anh lần lượt gỡ rối từng nút thắt và đưa đến một cái nhìn toàn diện hơn đối với lĩnh vực nhiếp ảnh.
Anh có lời khuyên nào dành cho những người mới bắt đầu với nhiếp ảnh không?
Tôi muốn gửi đến các bạn mới bắt đầu một điều khá thực tế, rằng trước khi bạn có thể yêu và gắn bó lâu dài với nhiếp ảnh, bạn sẽ phải hy sinh rất nhiều thứ: Đó là tiền bạc, là thời gian, mồ hôi, xương máu. Thế nhưng nếu bạn thật sự có lòng muốn học hỏi, kiên trì và cầu tiến thì tôi tin bạn sẽ chạm được vào điều bạn muốn.
Thật ra trước đây tôi từng là học sinh chuyên văn, nhưng phận đời đẩy đưa trở thành nghệ sĩ nhiếp ảnh, giáo viên dạy nhiếp ảnh thay vì gắn bó với các áng văn thơ trữ tình. Tôi yêu những khoảnh khắc đời thường và luôn khát khao đi đến tận cùng mọi cảm xúc trong đời sống. Nhiếp ảnh là hơi thở, là tình yêu, ở đó tôi tìm thấy chính mình. Chẳng ai đánh thuế đam mê bao giờ, vậy nên các bạn đừng ngại trải nghiệm khi vẫn còn trẻ.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Nhân Quyền
Dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa ảnh của thế hệ trước so với thế hệ 9x bây giờ, đó là giới trẻ ngày nay có xu hướng chỉnh màu cho ảnh chụp sự kiện để nó mang nhiều sắc thái hơn. Anh có ủng hộ việc này và liệu nó có làm mất đi tính chân thực của ảnh báo chí?
Nghệ thuật nhiếp ảnh là biến đối tượng đẹp hơn bản thân đối tượng đang có, vì vậy với ảnh báo chí nếu bạn không kéo màu quá đà, không cắt cúp thô bạo thì theo tôi việc này không thành vấn đề. Điều bạn cần quan tâm hơn cả chính là 5 yếu tố tạo nên linh hồn cho ảnh báo chí: Ở đâu? Lúc nào? Ai? Như thế nào? Tại sao?
Sự thú vị còn nằm ở chỗ, ảnh báo chí là cảm xúc của lí trí, cực kỳ lý trí, tôn trọng tối đa sự thật diễn ra trước mắt. Bởi thế nên ống kính sẽ luôn chuyển động để tìm kiếm giây phút điển hình và tài năng người cầm máy cũng được chứng minh qua các khoảnh khắc đắt giá ấy. Ảnh báo chí sẽ không còn là chính nó nếu chúng ta quá duy mỹ, áp đặt người xem vì lúc ấy nó dường như đã hoàn toàn mất đi tính hiện thực rồi.
Đến với Workshop có rất nhiều bạn đã theo đuổi nhiếp ảnh được một thời gian khá dài nhưng vẫn đang tiếp tục tìm hướng đi để phát triển bản thân.
Đối với phóng sự ảnh báo chí, việc làm quen và hiểu sâu về một câu chuyện hay một nhân vật là vô cùng quan trọng. Sau nhiều năm tác nghiệp, anh có thể chia sẻ một vài phương pháp để tiếp cận nhân vật và tạo ra những bức ảnh như ý không?
Câu hỏi này lại khiến tôi nhớ về một nhân vật đặc biệt mà tôi đã từng chụp, đó là em Lê Thị Thắm. Cô bé bị chất độc màu da cam, mất đi đôi tay từ lúc lọt lòng và phải viết bằng chân. Tôi chỉ mất đúng 3 tiếng để hoàn thành bộ ảnh nhưng đã dùng tận hai năm để tìm hiểu, làm quen và trở thành một người bạn thực sự của Thắm.
Đối với thể loại ký phóng sự, nghiên cứu đối tượng là điều đặc biệt quan trọng. Bạn phải hiểu không gian họ sinh sống, hiểu cả thói quen và giờ giấc sinh hoạt của họ để lựa chọn ra góc chụp phù hợp. Đặc biệt, trong bất kỳ trường hợp nào, bạn cũng cần biết chủ động với sự vật, sự việc hòng chớp lấy khoảnh khắc đắt giá. Đây chính là cách tôi áp dụng để tạo ra những bức ảnh ưng ý nhất.
“Chơi nhiếp ảnh thì dễ, gắn bó lâu dài với nhiếp ảnh mới khó.” – Nhiếp ảnh gia Trần Nhân Quyền.
Ánh sáng có phải là công cụ quyền lực nhất trong nhiếp ảnh không?
Nói về nhiếp ảnh, trước nhất phải nói về ánh sáng, ngay trong từ Photography đã thể hiện rõ ràng điều đó.
– Photo là ánh sáng.
– Graphy là định hình bằng ánh sáng.
Như vậy, nghệ thuật nhiếp ảnh là nghệ thuật sao chép bằng ánh sáng, nghệ thuật vẽ bằng ánh sáng
Đối với nhiếp ảnh, ánh sáng là khách thể quan trọng bậc nhất. Nhiếp ảnh quyết định chi tiết đối tượng: Ánh sáng thay đổi, chi tiết thay đổi, màu sắc thay đổi thì cảm xúc của con người cũng thay đổi. Nhiếp ảnh khác biệt so với mắt người vì nó có thể tạo ra sự mộng mơ bằng cách pha màu tự nhiên. Đó là lý do vì sao, bạn nhìn trong ảnh thấy mặt nước Hồ Gươm ánh lên dưới ráng chiều hoang hôn hay dòng thác buông mình giữa đại ngàn hùng vĩ hệt như dải lụa đào, điều mà không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn thấy bằng mắt thường.
Lời khuyên của tôi dành cho các bạn đó là hãy tập quan sát thật nhiều, sau đó phải hiểu chiếc máy ảnh như hiểu đôi mắt mình. Bởi nhiếp ảnh là sự hòa quyện giữa chủ thể sáng tạo và chiếc máy ảnh, nên hãy biến nó thành trái tim, thành khối óc mỗi khi tác nghiệp.
Khán giả chiêm ngưỡng các tác phẩm của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Nhân Quyền trong giờ giải lao.
Anh có nhắc đến pha màu tự nhiên, vậy đó là gì?
Màu sắc có sự tương phản, sắc nằm trong độ, độ càng thấp sắc càng nhạt và ngược lại, độ càng cao, sắc càng đậm. Sở dĩ gọi là pha màu tự nhiên là vì sự hòa màu của nhiếp ảnh phụ thuộc vào tự nhiên. Ví dụ, nếu bạn chụp phong cảnh thì sẽ có hai khoảng thời gian đẹp nhất để bấm máy đó là bình minh và hoàng hôn. Thú vị hơn nữa, bình minh mùa xuân không giống bình minh mùa đông hay hoàng hôn miền núi lại khác hoàn toàn miền biển. Như vậy, màu sắc quyết định thời gian, không gian và ngược lại.
Trả lời một bạn trẻ, anh cho rằng: “Ranh giới giữa nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và không chuyên đó là họ biết cách “săn” khoảnh khắc đẹp thay vì ăn may.”
Anh có thể cho biết làm cách nào để hình thành bố cục cho một bức ảnh?
Bố cục là hướng tới cái đẹp. Trong tất cả các yếu tố tạo nên nhiếp ảnh thì bố cục bộc lộ phẩm chất của người sáng tạo nhiều nhất. Bố cục ảnh có nhiều dạng khác nhau như cân đối, một phần ba, nhưng nhìn chung cho dù bạn chụp toàn, trung, hay cận thì bố cục của một bức ảnh trong vẫn phải thoáng rộng.
Nếu bạn muốn xây dựng bố cục cho ảnh và yêu thích tạo hình, bạn phải rèn luyện năng lực quan sát vì thông qua đó, bạn mới có thể tìm ra phương pháp sáng tạo thích hợp. Ví dụ như bức ảnh “Thương nhớ đồng quê”, tôi đã chờ đợi trong 6 tiếng đồ hồ để chớp được khoảnh khắc ấy, ánh sáng ấy, bố cục ấy, khi tất cả sự sắp xếp chỉ hòa trong 1 giây thôi. Bạn cũng cần phải nhớ rằng, bất luận có làm gì, thì khung hình của chúng ta phải là khung hình chủ quan, tiêu cự gần hơn, tốc độ nhanh lên, sống với đối tượng, hòa vào đối tượng thì mới mong tạo ra một tấm ảnh có tình.
“Thương nhớ đồng quê” – Bức ảnh mà nhiếp ảnh gia Trần Nhân Quyền đã chờ đợi gần nửa ngày để chớp được một khoảnh khắc đẹp.
Em muốn tự học nhiếp ảnh nhưng không biết phải làm cách nào để rèn luyện và phát triển kỹ năng? Vì vậy, em rất muốn nghe thêm lời khuyên từ anh.
Bạn hãy tự làm giám khảo cho chính bản thân, tự chọn lấy một bức ảnh ưng ý nhất của mình rồi đặt chúng bên cạnh ảnh do nghệ sĩ chuyên nghiệp thực hiện để dễ dàng so sánh. Rồi bạn sẽ nhìn thấy mình mạnh ở đâu, yếu chỗ nào và cần phải khắc phục những gì.
Về kỹ năng, bạn cần hiểu rõ thông số kỹ thuật, thao tác đối với máy ảnh. Về cảm xúc, thế giới bạn nhìn, bạn cảm phải sâu sắc, vì nếu chúng ta hời hợt thì sẽ chỉ tạo ra những bức ảnh hời hợt.
Tôi đã từng giống như bạn, luôn tự hỏi ảnh mình chụp bao giờ sẽ đẹp, để rồi sau những lần thử nghiệm, nghiên cứu, thành công có, thất bại có, tôi nhận ra rằng dựa trên góc rễ, tinh hoa người đi trước là cơ sở chắc chắn nhất. Bằng nhận thức, bằng tư duy bạn có thể tiến những bước tuy chậm nhưng vững chãi.
Vị khán giả đặc biệt có mặt tại Workshop từ rất sớm.
Có những bức ảnh khi chụp mình cảm thấy nó rất đẹp, thế nhưng lúc mở ra xem lại thì bỗng thấy nó không hề đẹp như mình tưởng. Tại sao lại như vậy thưa anh?
Tôi chắc chắn cảm giác này sẽ mãi mãi đi theo một người đam mê nhiếp ảnh, bởi nếu không có nó bạn sẽ không thể làm được gì cả. Đôi mắt của ta luôn chuyển động để đi tìm cái đẹp, và đôi khi chúng trở nên tham vọng và cầu toàn hơn rất nhiều. Đừng lo lắng cũng đừng nản chí nếu muốn tiến xa trong lĩnh vực nhiếp ảnh, mình phải yêu cái bình thường nhất trước mới có thể làm nên nhiều thứ vĩ đại đại chứ!
Workshop là không gian kết nối các tâm hồn yêu nhiếp ảnh, là cơ hội để giao lưu và giúp những tay máy trẻ tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.
Workshop “Phóng sự ảnh” là sự kiện nằm trong khuôn khổ Show It NOW – cuộc thi dành cho những gương mặt tài năng, có niềm đam mê cháy bỏng với lĩnh vực thiết kế,vẽ , nhiếp ảnh và video. Bộ nhớ Show It NOW 2019 vẫn còn đủ dung lượng để cho bạn lưu giữ “màu thanh xuân”, và nói cho mọi người biết bạn là ai, bạn nhìn thế giới này như thế nào. Vì vậy, đừng vì bất kỳ lý do gì làm cản trở nhịp đam mê. Hãy gửi bài thi về cho chúng tôi ngay hôm nay để có cơ hội nhận được nhiều giải thưởng hấp dẫn. Thông tin chi tiết xem tại đây. |
Giang Hoàng