Vào ngày 28/11/2021 vừa qua, workshop với chủ đề: Nghề VFX và các cơ hội việc làm đã được tổ chức tại cơ sở Arena Tân Kỳ Tân Quý. Buổi chia sẻ đã mang đến cho các bạn trẻ cái nhìn tổng quan về ngành VFX cũng như cơ hội việc làm của ngành này thông qua chia sẻ từ Đạo diễn/Nhà sản xuất Nguyễn Việt Anh và đồng thời là Giảng viên kỳ Film Making tại Arena Multimedia.
VFX là gì?
Với sự phát triển cuộc cách mạng công nghệ cũng lĩnh vực Truyền thông & Giải trí ở thời điểm hiện tại, VFX đã và đang trở thành một trong những ngành nghề thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ có đam mê với điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói riêng.
Visual Effects-VFX (Kỹ xảo Điện ảnh) là quá trình thực hiện và xử lý các hiệu ứng hình ảnh, dựa trên sự kết hợp với các cảnh quay thật được thực hiện trên phim trường. Việc ứng dụng VFX vào các tác phẩm điện ảnh giúp đoàn làm phim tiết kiệm được một khoảng thời gian và chi phí khổng lồ, cũng như góp phần hạn chế những nguy hiểm có thể xảy ra đối với diễn viên. Tóm lại, nói một cách dễ hiểu, VFX làm cho những điều không có thật trở nên thật nhất, hay có thể nói một cách hoa mỹ hơn, VFX giúp các nhà sản xuất hiện thực hóa những điều không tưởng mà có khi đến bạn cũng không thể tưởng tượng.
Với xuất phát điểm từ một phần hỗ trợ chất lượng hình ảnh, VFX từng bước trở thành một lĩnh vực quan trọng trong ngành công nghiệp hậu kỳ của thế giới, anh Việt Anh chia sẻ: “Ngành công nghiệp VFX xuất phát từ bộ phận hỗ trợ cho đến bây giờ, nó đang đạt đến đỉnh cao nhất định, trở thành một ngành nghề chuyên nghiệp.”
Các thể loại VFX phổ biến
CGI (Computer Generated Imagery)
CGI – Computer Generated Imagery là thuật ngữ chung để mô tả những kỹ thuật VFX được tạo ra bằng phần mềm máy tính. CGI được sử dụng để chỉ các hình ảnh đồ họa máy tính, có thể dưới dạng 2D hoặc 3D, tuy nhiên, CGI thường được biết đến gắn liền với 3D VFX.
Tạo hình 3D (3D Modeling) là quy trình được nhắc đến nhiều nhất trong CGI. Đây là quá trình tạo ra bản 3D của bất kỳ vật thể, bề mặt hay bối cảnh môi trường xung quanh nào trong phim ảnh hoặc các video. CGI VFX được nhận biết dễ dàng nhất khi các nghệ sĩ sử dụng chúng để tạo ra những thứ không có thật, chẳng hạn như hình ảnh về quái vật. Bên cạnh đó, kỹ thuật này còn được ứng dụng để tạo nên những khung cảnh vô cùng tinh tế và chân thật, đó có thể là hình ảnh một sân vận động đầy ắp đám đông cổ vũ, một khu rừng hay bất kỳ nơi nào mà đoàn làm phim không thể quay một cách trực tiếp. Ngoài ra, CGI còn có thể khiến cho một diễn viên trông trẻ hơn tuổi thật, như nhân vật của Robert De Niro trong tác phẩm The Irishman.
Compositing
Compositing là công đoạn kết hợp các cảnh quay thật trên phim trường với những hình ảnh được tạo ra từ nhiều nguồn khác nhau thông qua VFX, giúp người xem có cảm giác như thể chúng đều được thực hiện trên cùng một góc quay, màu sắc và ánh sáng. Compositing có rất nhiều công đoạn khác nhau như Rotoscoping, Keying, Matchmoving, Matte Painting, Tracking, Rig Removal và CGI Compositing. Những người làm Compositing được ví như “phù thủy” trên màn ảnh bởi thông qua đôi bàn tay tài năng của họ, những hình ảnh xuất hiện trên phim trở nên diệu kỳ một cách hoàn toàn tự nhiên, khiến người xem tin rằng tất cả những gì họ nhìn thấy là hoàn toàn chân thật.
Motion Capture
Motion Capture (gọi tắt là Mocap), được biết đến là công nghệ bắt chuyển động của người hoặc vật. Đây là quy trình ghi lại những chuyển động rồi đưa vào máy tính xử lý, sản phẩm được tạo ra cuối cùng là những hình ảnh chuyển động do máy tính tạo ra. Công nghệ Motion Capture dựa chủ yếu vào những cảm biến hoặc các bộ đồ bắt chuyển động được gắn trên người diễn viên nhằm mục đích ghi lại các chuyển động một cách chính xác và chân thật nhất. Tuy nhiên, phương pháp này không chỉ được áp dụng trên diễn viên mà còn được dùng để ghi lại chuyển động của camera, giúp cho các hình ảnh và nhân vật nhận được cái nhìn cận cảnh và cụ thể hơn từ các góc quay của camera.
Những kỹ năng cần có đối với một VFX Artist
Sau khi hoàn thành các khóa học hay tốt nghiệp tại bất kỳ môi trường đào tạo nào, bạn đều có thể tham gia vào rất nhiều vị trí khác nhau trong lĩnh vực VFX. Tuy vậy, có hai nhóm kỹ năng quan trọng cần có để trở thành một VFX Artist: Kỹ năng chuyên môn và Kỹ năng mềm.
Đối với một VFX Artist, kỹ năng chuyên môn vô cùng quan trọng và là yếu tố tiên quyết. Kỹ năng chuyên môn thuộc về khả năng sử dụng thuần thục các công cụ, phần mềm trong quá trình tự học hoặc tham gia đào tạo tại các trường về về Kỹ xảo Điện ảnh, Hoạt hình 3D và Games. Bạn có thể tham khảo danh sách các phần mềm dưới đây để bắt đầu cho sự nghiệp học hành của mình, tuy nhiên nếu là người tự học về VFX, bạn cần có sự hiểu biết nhất định về từng phần mềm tùy theo công việc và vị trí mà mình mong muốn phát triển sau này.
Một sản phẩm đẹp, ấn tượng, được đánh giá cao phải là một sản phẩm không chỉ hay ở mặt nội dung, mà còn phải thỏa mãn thị giác người xem cả về mặt hình ảnh. Chính vì thế, ngay thời điểm hiện tại, kỹ xảo điện ảnh đang được ứng dụng rất nhiều trong điện ảnh, truyền hình, quảng cáo, game, MV ca nhạc,… Tuy nhiên, hiện nay để thực hiện một dự án phim lớn, chất lượng cao thì số lượng nhân sự VFX chuyên nghiệp lại không đủ đáp ứng. Bởi không phải ai cũng kiên trì và đủ khả năng để để theo đuổi lĩnh vực này.
Theo anh Việt Anh, việc nắm vững các kiến thức VFX cơ bản không khó, nhưng một khi xác định sống với nghề này, bạn cần phải nghiên cứu và tìm ra định hướng lâu dài cho mình. Anh Việt Anh tâm sự: “Những ngày đầu khi anh bước chân vào nghề này anh nghĩ VFX chỉ có như thế, nhưng khi anh được xem một video nọ, anh nhận ra mình có rất nhiều để làm, để học về ngành nghề này. Vậy là anh bắt đầu việc nghiên cứu và bổ sung kiến thức. Học với anh là tự thay đổi suy nghĩ của mình chứ không phải xem người ta học cái nào rồi mình học, mình phải tìm ra đâu là cái mình đi được lâu dài.”
Bên cạnh vững vàng về mặt chuyên môn, bạn cũng cần thường xuyên trau dồi những kỹ năng mềm để có thể sống tốt và sống lâu với nghề. Ngành VFX là công việc đòi hỏi sự tham gia của một tập thể lớn các Artist, sống trong môi trường làm việc liên tục, vì thế công việc này hiển nhiên đòi hỏi ở bạn sự giao tiếp và kết nối tốt. Bên cạnh đó, đây là những kỹ năng không bao giờ thừa vì nhờ có nó, bạn có thể sẽ được cân nhắc lên các vị trí quản lý hay những cấp bậc cao hơn. Nghía qua danh sách kỹ năng mềm dưới đây để bắt đầu hành trình rèn luyện song song bên cạnh các kỹ năng chuyên môn bắt buộc.
- Kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp tốt và tinh thần chịu thay đổi.
- Thích nghi nhanh với sự thay đổi không ngừng của ngành nghề.
- Thường xuyên cập nhật các xu hướng mới để tạo nên các sản phẩm phù hợp thời cuộc.
- Tổ chức và hoàn thành công việc với chất lượng tốt nhất.
- Đảm bảo tính đúng hẹn cho các công việc được giao.
- Tiếp nhận ý kiến đóng góp với tinh thần cởi mở nhất.
Dù công nghệ đến từ máy móc vô tri vô giác nhưng nó đòi hỏi người sử dụng phải có một sự tinh tế về văn hóa nghệ thuật để có thể thổi hồn và cảm xúc vào những thước phim, tạo nên sự sinh động, đầy sức hút, khiến người xem không thể rời mắt khỏi màn hình dù chỉ một giây. Để trở thành một bậc thầy trong lĩnh vực kỹ xảo điện ảnh không chỉ đòi hỏi trình độ, chuyên môn cao, am hiểu kiến thức về đồ họa, kỹ thuật dựng phim, bạn còn phải có tính sáng tạo, thẩm mỹ và sự tinh tế trong từng chuyển động.
Cơ hội nghề nghiệp của ngành VFX tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, VFX đang dần được chú trọng và áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực thuộc Truyền thông & Giải trí. Tuy nhiên thị trường ngành Kỹ xảo điện ảnh Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển vì thiếu hụt nguồn nhân lực một cách trầm trọng. Tại buổi workshop, đạo diễn Việt Anh cũng nhấn mạnh cơ hội việc làm rộng mở trong lĩnh vực này nếu như bạn tay nghề cứng và sở hữu kỹ năng tốt.
Theo thông tin từ bộ phận tuyển dụng của các đơn vị Studio tại Việt Nam, một thực tế rằng bộ phận tuyển dụng đã phải rất đau đầu khi ngày đêm tìm kiếm nhân sự cho công ty. Nhiều vị trí đăng tin tuyển dụng liên tục 2-3 tháng vẫn chưa tìm được người. Trong đó những vị trí thường xuyên được tuyển dụng nhưng không yêu cầu quá cao về đầu vào gồm có Roto Artist, Compositing Artist, Modelling Artist và Texturing Artist. Các vị trí như Animator, LookDev Artist hay cao hơn là VFX Supervisor, CG Supervisor được các Studio tích cực săn đón nhưng ít khi tuyển được nhân sự tốt vì yêu cầu kỹ năng cao và tốt.
Bên cạnh đó, phần thu nhập của những Artist làm trong ngành này cũng khá được các bạn trẻ quan tâm. Được biết, đối với sinh viên vừa tốt nghiệp và bắt đầu đảm nhiệm các vị trí công việc cụ thể trong lĩnh vực VFX, mức thu nhập thông thường sẽ khoảng 9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với những bạn có năng lực tốt hơn thì mức lương sẽ dao động khoảng từ 12 triệu – 15 triệu đồng/tháng ngay trong thời gian đầu đi làm. Hơn thế nữa, sau khoảng thời gian dài làm việc cùng mức độ am hiểu và những trải nghiệm tích lũy được trong ngành công nghiệp Kỹ xảo Điện ảnh, bạn hoàn toàn có thể thăng tiến đến cấp bậc Supervisor/Director và chạm tay vào mức thu nhập đáng mơ ước lên đến 50 triệu đồng/tháng.
Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, vị khách mời của chương trình đã mang đến nhiều lời khuyên hữu ích dành cho các bạn trẻ muốn theo đuổi nghiêm túc công việc này. Theo anh Việt Anh, khi đã xác định dấn thân vào ngành VFX, bạn có thể xin vào làm trong một công ty hậu kỳ và trải nghiệm từ những việc cơ bản. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể nhận việc part-time hay tham gia vào các dự án nhỏ để dễ hình dung cách vận hành của ngành VFX.
Trò chuyện cùng Đạo diễn/Nhà sản xuất Việt Anh
Câu hỏi: Mình lớn tuổi có thể theo đuổi VFX được không? Các công ty có đặt nặng vấn đề tuổi tác khi tuyển dụng những nhân sự trong VFX không?
Trả lời:
Sáng tạo không giới hạn gì cả ngay cả tuổi tác. Anh có một dự án sắp tới mà nó khó, theo em, em nghĩ anh sẽ đi tìm một bạn trẻ tuổi mới vào nghề hay tìm một người có kinh nghiệm và hướng dẫn anh ấy làm theo hướng của mình. Khi em đặt trọng trách đó là việc của em, em sẽ nhìn mình cần người làm việc, cần người tin tưởng. Với cá nhân anh, người lớn tuổi ghi điểm nhiều hơn vì họ có trách nhiệm trong việc.
Câu hỏi: Motion Graphic và VFX khác nhau như thế nào?
Trả lời:
VFX là việc tạo ra các hiệu ứng hình ảnh để hỗ trợ video/phim ảnh trong khâu hậu kỳ, còn Motion Graphic là mình tạo ra các hình ảnh chuyển động song song cùng một lúc. Các hiệu ứng của Motion Graphic thường tạo ra sự kích thích về hình ảnh và thu hút thị giác của người xem, có thể lấy ví dụ vụ như các video quảng cáo ngắn trên mạng. Về mặt ngắn hạn, những video này luôn tạo ra sức hút mạnh hơn so với các bộ phim được đầu tư quay dựng công phu. Phim hiện thực phải có cảm xúc và sự chi phối của nhiều yếu tố khác nữa. Còn với các video Motion Graphic, nó ngắn hơn, dồn dập hơn, thu hút sự chú ý của người xem nhanh hơn nên mọi người thường xem đi xem lại và chia sẻ hằng ngày trên mạng xã hội.
Câu hỏi: Học VFX có cần phải biết code hay không?
Trả lời:
Đa số các vị trí trong VFX nói chung và Compositor nói riêng không nhất thiết phải biết code. Tuy nhiên, kỹ năng code là một vũ khí lợi hại cho Artist phát triển lên những vị trí đặc thù hơn được biết tới như Technical Artist hay Technical Director. Vì thế, học VFX không nhất thiết phải biết code nhưng nếu có kỹ năng hay nền tảng cơ bản về code, đó sẽ là lợi thế để bạn phát triển sự nghiệp lâu dài.
Câu hỏi: Trong quá trình học VFX có cần trang bị một chiếc máy tính cấu hình cao không?
Trả lời:
Trong khuôn khổ học tập đối với ngành VFX, 3D Animation hay Thiết kế Game, các bạn chỉ cần một chiếc máy tính phổ thông với cấu hình cơ bản, mức giá chỉ tầm 20 triệu là có thể đáp ứng tốt cho nhu cầu học tập của mình. Sau này khi chính thức đi làm, các bạn chắc chắn sẽ phải nâng cấp máy thêm một vài lần nữa để đáp ứng với tính chất công việc đặc thù.
Câu hỏi: Tại Việt Nam, em có thể học Kỹ xảo điện ảnh bài bản và chuyên sâu ở đâu để có thể ra làm nghề chuyên nghiệp?
Trả lời:
Ở Việt Nam, ngoài chương trình đào tạo làm phim cơ bản ở Arena Multimedia, các bạn có thể tham khảo khóa học VFX Học viện Kỹ xảo điện ảnh và Hoạt hình MAAC,, với chương trình được thiết kế chi tiết tất cả các nguyên tắc cơ bản và kỹ thuật tiên tiến của nghệ thuật VFX. Học viên được sử dụng các công cụ và công nghệ mới nhất, được giảng dạy bởi các chuyên gia trong ngành và có được sự hiểu biết thấu đáo về quy trình sản xuất phim mới nhất.
Đặc biệt, từ tháng 12/2021, MAAC Global chính thức triển khai tại Việt Nam chương trình học chuyển tiếp (Credit Transfer) cho các học viên Arena Multimedia chuyển sang học tiếp các khóa đào tạo chuyên sâu và bài bản tại Học viện Kỹ xảo Điện ảnh & Hoạt hình MAAC. Chương trình này giúp các học viên đã tốt nghiệp khóa ADIM tại Arena miễn giảm được 1 năm học và qua đó tiết kiệm một nửa chi phí khi tham gia học chuyển tiếp các chương trình đào tạo chuyên sâu ngành Game Art & Design, VFX và 3D Animation. Chương trình dành riêng cho học viên Arena trên toàn quốc.
******
Để được tư vấn về chương trình đào tạo và các hình thức ưu đãi khuyến học tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh tại Arena gần bạn nhất:
HÀ NỘI
Email: [email protected]
* ARENA Trúc Khê
80 Trúc Khê, Q. Đống Đa
Tel: 1800 1542
* ARENA Phạm Văn Bạch
D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
Tel: 1800 1542
* ARENA Trần Phú
110 Trần Phú, Q. Hà Đông
Tel: 1800 1542
TP.HCM
Email: [email protected]
* ARENA Nguyễn Đình Chiểu
212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3
Tel: 1800 1525
* ARENA Nguyễn Kiệm
778/10 Nguyễn Kiệm, Q. Phú Nhuận
Tel: 1800 6325
* ARENA Tân Kỳ Tân Quý
Số 6 Tân Kỳ Tân Quý (gần Etown), Q.Tân Bình
Tel: 1800 2074