Trong 3 buổi học vào tháng 12 vừa qua, Lớp học trải nghiệm với chủ đề “Nghệ thuật Typography trong thiết kế” diễn ra tại Arena Hồ Văn Huê đã giúp các bạn tham dự cảm nhận được sức mạnh của con chữ và ứng dụng trong các sản phẩm thiết kế từ đơn giản đến phức tạp.
Typography là một thuật ngữ trong ngành Thiết kế đồ họa được cấu thành bởi “typo” (chữ cái) và “graphic” (đồ họa). Theo đó, typography là nghệ thuật hình thành và sắp xếp con chữ để chúng trở nên hấp dẫn hơn khi hiển thị trên các sản phẩm như sách báo, tạp chí, quảng cáo, bộ nhận diện thương hiệu,…
Với sự hướng dẫn của cô Huỳnh Thanh Cẩm Lynh – Giảng viên Arena Multimedia, ba buổi học Lớp học trải nghiệm: Nghệ thuật Typography trong thiết kế diễn ra vào các ngày 9, 11 và 13.12.2024 tại Arena Hồ Văn Huê đã mang đến nhiều kiến thức và trải nghiệm thú vị cho các bạn tham dự, gồm cả sinh viên và những người đi làm trong và ngoài ngành Thiết kế. Kết thúc 3 buổi học, các bạn đã tự tay tạo nên được những sản phẩm thiết kế chữ ấn tượng, mang màu sắc cá nhân và thông điệp riêng.
Hãy cùng Arena Multimedia điểm lại những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích được cô Cẩm Lynh chia sẻ trong Lớp học trải nghiệm vừa qua nhé!
Vai trò của Typography trong thiết kế
Mở đầu buổi học, cô Cẩm Lynh đã giới thiệu khái niệm về Typography cũng như quá trình hình thành và phát triển của bộ môn này trong lịch sử thiết kế. Từ đó cô đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của con chữ – hình ảnh nói chung và typography nói riêng, trong nhiều lĩnh vực như truyền thông – giải trí, quảng cáo, in ấn, báo chí,… “Con chữ là yếu tố không thể thiếu trong thiết kế đồ họa. Nếu bạn muốn truyền tải thông điệp nào đó đến mọi người thì bên cạnh hình ảnh, con chữ sẽ giúp nói rõ ý tưởng và cảm xúc hơn trong thiết kế”, cô Cẩm Lynh nhấn mạnh.
Theo cô Lynh, mục đích của Typography có thể kể đến như: Truyền tải thông tin; Tạo sự nhất quán và đồng nhất trong xây dựng hình ảnh thương hiệu; Tạo cảm xúc; Tạo điểm nhấn; Tạo sự độc đáo và cá nhân hóa; Gợi ý và dẫn mắt người đọc.
Sau khi giúp các bạn nắm rõ mục đích của Typography và lấy các ví dụ minh họa, cô Cẩm Lynh tiếp tục đưa các bạn làm quen với những khái niệm chuyên sâu hơn, bao gồm 3 chủng loại hình ảnh thường dùng trong đồ hoạ: Geometric (hình học), Organic (hình ảnh có phương hướng) và Geoganic (kết hợp giữa chữ và hình khối). Hiểu được những chủng loại hình ảnh này sẽ giúp các bạn dễ dàng kết hợp hình ảnh và con chữ với nhau trong thiết kế Typography, để mang đến những tác phẩm độc đáo.
Cô Lynh chia sẻ: “Theo nhiều nghiên cứu khoa học, hình ảnh tác động lên não người rất nhanh, nhưng con chữ sẽ giúp chúng ta ghi nhớ thông điệp lâu hơn. Vì vậy hình ảnh và con chữ được kết hợp với nhau là điều rất ấn tượng trong thiết kế”.
Với vai trò quan trọng như vậy, dễ hiểu tại sao chúng ta lại gặp rất nhiều thiết kế Typography trong cuộc sống, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Trải qua hàng trăm năm phát triển, các nghệ sĩ đã sáng tạo ra rất nhiều typeface (định dạng bảng chữ cái có cùng chung một đặc tính thiết kế) khác nhau, với những ý nghĩa khác nhau. Do đó nhiệm vụ của người học Typography không chỉ để nhận biết các loại typeface mà còn hiểu được lịch sử, ý nghĩa, câu chuyện đằng sau những typeface này, để từ đó kết hợp với các hình ảnh phù hợp nhằm truyền tải thông điệp riêng.
Các loại typeface cơ bản
Trong phạm vi ba buổi học của Lớp học trải nghiệm lần này, cô Cẩm Lynh đã giới thiệu những loại typeface cơ bản nhất, cũng như lịch sử ra đời và phát triển để các bạn tham dự hiểu được rằng tại sao cần phải sử dụng đúng loại typeface cho từng câu chuyện thương hiệu. Theo đó có 3 loại typeface cơ bản gồm:
- Serif (kiểu chữ có chân): thể hiện sự cổ điển, trang trọng.
- San-Serif (kiểu chữ không chân): thể hiện sự hiện đại, đơn giản.
- Script (kiểu chữ cá nhân hóa): thể hiện tính cá nhân, mang nét đặc tả.
Đi sâu vào phân tích từng loại typeface, cô Cẩm Lynh đã đưa các bạn tham dự nhìn lại lịch sử hàng trăm năm của thiết kế chữ, với những kiểu chữ cứ ngỡ là “hiện đại” nhưng thật ra đã ra đời từ tận thời kỳ Phục hưng ở châu Âu (thế kỷ 15 – 16). Ví dụ như trong bộ Serif chúng ta có:
- Humanist Serif ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 15 tại Ý, mô phỏng kiểu chữ viết tay và thể hiện sự ấm áp, gần gũi, tương phản nhẹ nhàng;
- Old Face Serif ra đời vào khoảng thế kỷ 16 ở Pháp, cũng mô phỏng kiểu chữ viết tay nhưng trục ít nghiêng hơn và thể hiện tính lịch sự, cổ điển, quy cách chuẩn mực;
- Transitional Serif ra đời vào thế kỷ 17 tại Anh, vẫn mang phong cách của thời Phục Hưng nhưng đã được thiết kế lại có chủ đích hơn nhằm phục vụ thương mại, với các đặc điểm như nét cuối sắc nét, mỏng, phương trụ đứng/ ngang rõ ràng…
Trong khi đó bộ San-Serif ra đời muộn hơn vào khoảng thế kỷ 18 – 19, thời điểm cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất phát triển mạnh mẽ và lan rộng ra toàn châu Âu. Nhờ có cách mạng công nghiệp, ngành truyền thông – quảng cáo không ngừng lớn mạnh, đòi hỏi các thiết kế chữ cần phải hiện đại hơn, mang tính thương mại hóa cao hơn.
Ví dụ như Grotesk San-Serif ra đời tại châu Âu vào thế kỷ 18, đã mang tính mạnh mẽ, chắc chắn hơn, giúp chúng hiệu quả trong việc nhấn mạnh tiêu đề, khẩu hiệu trong quảng cáo; Neo Grotesk San-Serif ra đời ở Mỹ vào thế kỷ 20, có đặc điểm chữ khá giống Grotesk nhưng hiện đại hơn, đồng thời có sự uyển chuyển chiều ngang, đường cong hơi ít lại.
“Các kiểu chữ đều ra đời trong bối cảnh lịch sử nhất định, mang những nét ý nghĩa riêng và phạm vi ứng dụng của nó cũng có giới hạn. Do đó mỗi khi quyết định sử dụng loại typeface nào, các bạn cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng cũng như giải thích được câu chuyện và cơ sở lý luận cho lựa chọn của mình”, cô Cẩm Lynh chia sẻ với các bạn tham dự.
Tìm hiểu bố cục Typography trong thiết kế
Một trong những nguyên tắc thiết kế chữ “kinh điển” được cô Cẩm Lynh thường xuyên nhắc nhở trong ba buổi học đó chính là “Hãy kéo người xem vào trong nội dung thiết kế của bạn”. Muốn làm được điều đó, cần phải phối hợp rất nhiều yếu tố như màu sắc, bố cục, tỷ lệ, nội dung,… trong thiết kế của bạn. Trước tiên cô Cẩm Lynh hướng dẫn mọi người tìm hiểu về bố cục Typography, thông qua các khái niệm như:
- Sự cân bằng (Balance) là trạng thái mà ở đó thiết kế tạo nên cảm giác ổn định, thuận mắt. Tuy nhiên đôi khi designer cũng sẽ tạo ra sự mất cân bằng có chủ đích nhằm mang đến điểm nhấn cho thiết kế. Có 3 loại Balance đó là Symmetrical Balance (đối xứng): thể hiện sự nghiêm túc; Asymmetrical Balance (bất đối xứng): thể hiện sự năng động, thoải mái; Off-Balance (mất cân bằng): gây ấn tượng mạnh.
- Điểm hội tụ (Focal Point) là điểm có visual impact (tác động trực quan) lớn nhất trong thiết kế, đồng thời điểm bắt mắt nhất và nhìn thấy đầu tiên trong thiết kế. Trong một thiết kế, chỉ nên có một Focal Point và designer phải làm Focal Point càng rõ càng tốt mà tránh phạm phải các nguyên lý thị giác khác.
Theo cô Cẩm Lynh, tất cả những điều này này đều được xây dựng theo nguyên tắc khoa học và tâm lý học hành vi con người, do đó nó có thể áp dụng trong tất cả loại hình thiết kế để đạt được mục đích của designer.
Tìm hiểu về bố cục typography chắc chắn không thể bỏ qua nguyên tắc thiết kế khoảng cách chữ, đó là Kerning. Đây là thuật ngữ để chỉ khoảng cách giữa các ký tự kế nhau trong cùng 1 typeface và đặc biệt quan trọng trong thiết kế logo. Nếu không có Kerning thì sẽ không có khoảng cách giữa các chữ cái, chữ có thể nằm quá sát nhau hoặc quá xa nhau, phá hỏng bố cục của thiết kế. “Khoảng cách giữa các ký tự không đều sẽ mang đến hiệu ứng thị giác làm cho thiết kế bị méo, chông chênh và không chuyên nghiệp”, cô Lynh giải thích.
Để xử lý được Kerning trong thiết kế typography, cô Cẩm Lynh gợi ý các bạn nên áp dụng nguyên tắc Geometric đã được tìm hiểu trong buổi 1, với ba hình học cơ bản là: tròn, vuông và tam giác. Các cặp chữ cùng loại hình học nên được giãn cách ra, ngược lại thì có thể xích lại gần nhau. Điều này có được là dựa trên hiệu ứng thị giác mà các cặp hình học này tác động lên mắt người xem.
Tạm kết
Trong buổi học cuối cùng, cô Cẩm Lynh tập trung sửa chữa bài tập về nhà cho các bạn tham dự, góp ý và chỉnh sửa những lỗi còn mắc phải. Lớp học có nhiều bạn không ở trong ngành thiết kế, là sinh viên trái ngành hoặc người đi làm nhưng trải qua ba buổi học, sản phẩm cuối cùng mà các bạn mang đến đã khiến cô Cẩm Lynh bất ngờ và dành lời ngợi khen.
Kết thúc khóa học, cô gửi lời nhắn nhủ đến mọi người: “Khoa học công nghệ ngày càng hiện đại, tiêu biểu như AI (Trí tuệ nhân tạo) đã hỗ trợ con người rất nhiều trong công việc thiết kế. Tuy nhiên việc truyền tải thông điệp, cảm xúc, câu chuyện vẫn rất cần đến chất xám của designer – điều mà AI không thể nào thay thế. Cô hy vọng sau này các bạn sẽ có thể khai thác hết mọi kiến thức, công cụ về thiết kế nói chung để áp dụng trong công việc của mình, chứ không riêng gì typography”.
Qua ba buổi học đầy bổ ích, bạn Huỳnh Thúc Bảo – sinh viên Đại học Văn Lang chia sẻ: “Tuy chỉ là một lớp học trải nghiệm song em cảm thấy ba buổi “Nghệ thuật Typography trong thiết kế” rất thú vị, giúp em làm quen với nhiều bạn bè mới và học hỏi kiến thức hấp dẫn hơn, thay vì chỉ tự học ở nhà như trước đây. Em hy vọng có thể tham dự thêm nhiều Lớp học trải nghiệm của Arena trong tương lai”.
Thúc Bảo và nhiều bạn khác cứ yên tâm bởi Arena Multimedia vẫn còn rất nhiều chủ đề hấp dẫn cho các Lớp học trải nghiệm trong tương lai. Hãy cùng đón chờ và đừng bỏ lỡ cơ hội trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm cùng Arena, bạn nhé!
Cảnh An
***
Để được tư vấn về chương trình đào tạo và các hình thức ưu đãi khuyến học tại Arena Multimedia, vui lòng liên hệ Ban tuyển sinh tại Arena gần bạn nhất:
TP.HCM
Email: [email protected]
* ARENA Nguyễn Đình Chiểu
212-214 Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3
Tel: 1800 1525
* ARENA Hồ Văn Huê
43R/12 Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận
Tel: 1800 6325
* ARENA Tân Bình
Số 6 Tân Kỳ Tân Quý (gần Etown), Q.Tân Bình
Tel: 1800 2074
* ARENA Quận 6
136 Lê Tuấn Mậu (CV Phú Lâm), Q.6
Tel: 1800 2046
HÀ NỘI
Email: [email protected]
* ARENA Đống Đa
41 Vũ Ngọc Phan, Q. Đống Đa
Tel: 1800 1542
* ARENA Cầu Giấy
D29 Phạm Văn Bạch, Q. Cầu Giấy
Tel: 1800 1542
* ARENA Hà Đông
110 Trần Phú, Q. Hà Đông
Tel: 1800 1542
* ARENA Long Biên
564 Nguyễn Văn Cừ, Q. Long Biên
Tel: 1800 1542