Tháng 7 vừa rồi, dàn “anh tài” giới thiết kế đã quy tụ về Arena Trúc Khê để tham gia Multimedia Talk với chủ đề Graphic Design. Xuất hiện tại buổi tại buổi talk show là hai vị khách mời đến từ Outline Agency: anh Nguyễn Anh Đức và anh Nguyễn Thế Lai. Buổi hội thảo càng về cuối càng sôi nổi và “kết cục” thì bùng nổ trong tràng cười sảng khoái, vỗ tay rôm rả của cả khán phòng tầng 4, 80 Trúc Khê, Hà Nội.
Multimedia Talk xoay quanh mối quan tâm chung của nhiều bạn trẻ có đam mê với Graphic Design như định hướng phát triển nghề, những kinh nghiệm làm nghề, “bí kíp” thành công khi là freelancer, cách cải thiện tư duy sáng tạo, vấn đề năng lực và bằng cấp…
Tất cả đều được hai vị khách mời giải đáp ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu dưới cách thức tương tác, dẫn dắt và định hướng, điều đó đã khiến buổi trò chuyện thêm hiệu quả, lí thú.
Vạn sự khởi đầu “nan”
Từng vừa học vừa làm chuyên ngành đồ họa 5 năm, làm Designer trong các công ty thiết kế, rồi lại tách ra làm Freelance và đến bây giờ tự lập Agency riêng… anh Đức và anh Lai có rất nhiều kinh nghiệm chia sẻ với các bạn học viên.
Buổi trò chuyện bắt đầu với một vài câu hỏi khá “nhẹ gánh” như Graphic Design là gì? Làm thế nào để định nghĩa một cách cơ bản và dễ hiểu nhất về ngành này? Làm thế nào đễ khắc phục, cải thiện khả năng vẽ tay?… “Xử lý” những câu hỏi này, hai vị khách mời đã lựa chọn “giải pháp” lấy ví dụ từ thực tiễn, qua đó nội dung được đề cập đến trở nên dễ hiểu hơn và đồng thời, không khí buổi trò chuyện cũng phần nào bắt đầu sôi nổi.
Luyện vẽ – luyện tư duy: những tiêu chí học tập hiệu quả
Các bạn học viên bắt đầu “đào sâu” hơn vào những thắc mắc đang “day dứt” trong mình. Những câu hỏi liên tục được đặt ra: “Em vẽ tay không đẹp thì phải làm thế nào?” “Em muốn sử dụng khả năng thiết kế đồ họa để thỏa mãn đam mê làm game, sản xuất phim hoạt hình, em hi vọng có thể nhận được sự định hướng và tư vấn của hai anh về quyết định này?”. “Em mới học Arena, và em thích vẽ tay và đang vẽ theo phong cách Manga Nhật Bản, vậy em nên phát triển như thế nào?”
“Đối mặt” với vấn đề này, anh Nguyễn Anh Đức hào hứng chia sẻ:
Thứ nhất, để vẽ giỏi, anh cho rằng chỉ cần luyện vẽ thật nhiều hoặc có thể đăng kí học vẽ tại các trung tâm. Tuy nhiên, với đặc thù của ngành thiết kế đồ họa, designer không cần phải vẽ quá đẹp, vẽ quá giỏi, vẽ chuẩn từng chi tiết vì mình không phải họa sĩ, đối với những người làm thiết kế đồ họa , vẽ phục vụ cho việc phác thảo ý tưởng, nhân vật, làm storyboard… Vậy nên vấn đề vẽ thật đẹp, thật giống cảnh thật không yêu cầu quá khắt khe, quan trọng là ý tưởng và khả năng thiết kế,
Thiết kế góp phần tạo ra game, các game cũng giúp rèn luyện bộ não để thiết kế
Giải đáp thắc mắc thứ hai, anh Đức chỉ rõ: trong sản xuất phim hoạt hình và làm game, những người làm thiết kế đồ họa đóng góp vào khâu quan trọng: từ thiết kế, tạo hình nhân vật, vẽ bối cảnh, giao diện của từng cảnh game… làm poster, ấn phẩm phát hành game… Làm nghề nào cũng vậy, đam mê là quan trọng, có đam mê, có khát khao, tự đánh giá được điểm mạnh của bản thân để phát triển nó từ đó thành công mới có cơ hội xuất hiện. Nhưng điều quan trọng nhất là nền tảng – trước hết phải nắm được những kiến thức cơ bản thì làm việc gì cũng “ổn cả”.
Đối với bạn thích vẽ Manga, Anh Đức và anh Lai khuyên bạn có thể đi theo hướng họa sĩ vẽ minh họa sách – báo, sản phẩm, vẽ concept… Tuy nhiên vẽ Manga có một điều nguy hiểm là phong cách vẽ quá giống nhau, nếu bạn không dần dần thoát ra vào tạo được phong cách riêng thì bạn sẽ không có chỗ đứng trong nghề, đồng thời bạn cũng cần rèn luyện khả năng vẽ máy, sử dụng wacom cho thành thạo…
Một vấn đề khác được gợi lên cũng khiến khá nhiều bạn “gật gù” đồng tình, đó là: làm thế nào để nâng cao khả năng tư duy sáng tạo? Trước khi đi vào giải thích thắc mắc này, anh Đức khẳng định: có hai loại tư duy cần thiết và là tiêu chí vô cùng quan trọng để làm nên “thiết kế đồ họa” đó là Tư duy Thiết kế và Tư duy Sáng tạo.
Tư duy thiết kế là những nguyên tắc thiết kế cơ bản (cách sử dụng vật liệu, bố trí màu sắc, bố cục…) – đương nhiên, đây là yếu tố mang tính bắt buộc mà một designer phải có và các bạn sẽ được học ở Arena. Bên cạnh đó, yếu tố tác động cao hơn cả chính là Tư duy sáng tạo. Là một designer thì cần phải biết suy nghĩ, cần tìm ra những cách thức triển khai theo nhiều hướng, có khả năng sáng tác, xâu chuỗi kết hợp nhiều thứ vào với nhau – và đây là một yếu tố “khó” cần được rèn luyện và trau dồi liên tục.
Một số cuốn sách giúp bạn học cách sáng tạo theo đúc kết của anh Đức
Anh Đức cũng hướng dẫn các bạn học viên về “bí quyết luyện tập tư duy sáng tạo”. Anh nhấn mạnh: tư duy sáng tạo không có một trường lớp nào đào tạo cả vì vậy muốn bản thân trở nên “mạnh” hơn thì chính các bạn phải tự rèn luyện, cách rèn luyện dễ nhất chính là “đọc sách” và thực hành những gì sách dạy. Khách mời của talk show đã giới thiệu một vài đầu sách từ cấp độ đơn giản đến phức tạp nhưng vô cùng thú vị cho các bạn như “một nửa của 13 là 8”, tư duy như Leonardo de Vinci, tư duy đột phá… và đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, sức mạnh của “Mindmap”… Anh chỉ rõ, nếu “biết cách” học và rèn luyện đúng hướng, các bạn sẽ có thể tự trang bị cho mình một “khả năng” sáng tạo đáng nể.
“Bí kíp” làm nghề và làm nghề giỏi
Không chỉ là những định hướng về cách học, cách hiểu, cách tư duy mà buổi trò chuyện còn là nơi giải đáp những trăn trở cho những học viên đã bắt đầu “dấn thân” vào con đường lập nghiệp với thiết kế đồ họa.
Một bạn học viên tích cực chia sẻ: “Em đã bắt đầu đi làm từ lâu nhưng cho đến thời điểm hiện tại, em vẫn gặp một số khó khăn trong quá trình hoàn thành sản phẩm: luôn gặp phải tình trạng không “thỏa mãn” với những bản thảo thiết kế. Em vẫn phải làm đi làm lại nhiều lần nhưng vẫn không thể hiện được hết ý tưởng trong đầu mình, dẫn đến chậm trễ khá nhiều. Vậy có cách nào để khắc phục?”.
Thắc mắc này có thể hiểu chung là cách sắp xếp thời gian làm việc và cách nâng cao hiệu quả công việc, rút ngắn “thời gian bản thảo”. Anh Đức và anh Lai phân tích: trước tiên cần phải tận dụng “tối đa” chức năng của công cụ Mindmap, vạch rõ được “đường đi” “lối về” rồi thì mọi việc sẽ trôi chảy hơn khá nhiều.
Một “bí quyết” quan trọng là: nghiêm khắc với bản thân, hạn chế tối đa việc chậm deadline. Hướng giải quyết đưa ra là cần phải “phân kì” công việc. Đặt ra các giai đoạn trong một “quá trình việc” với những mục đích cụ thể và cố gắng “ép” bản thân một cách “tối đa” hoàn thành nó. “Cái khó ló cái khôn” một khi đã bị “giới hạn” thì khả năng của con người sẽ tự nhiên mà “phát huy”.
Ngoài ra, “biết người biết ta trăm trận trăm thắng” hiểu rõ nhu cầu, mong muốn của khách hàng thì sẽ dễ dàng hơn cho việc sáng tạo ý tưởng từ đó quá trình cho ra đời sản phẩm thiết kế sẽ nhanh chóng và tránh được rủi ro “chậm deadline”.
Đơn giản + nhanh + gọn + dễ hiểu = logo, poster hiệu quả
“Bàn” về vấn đề thiết kế poster và logo, câu hỏi được gửi đến từ một bạn nữ là học viên của Arena Multimedia: “Làm thế nào để thể hiện một cách tốt nhất ý tưởng của mình trong poster và logo?”.
Xu hướng thiết kế hiện nay là đơn giản và “nhanh hiểu” vì vậy một poster, logo hiệu quả là một sản phẩm tuân thủ đúng nguyên tắc “hoặc”: hoặc cái này, hoặc cái kia. Không nên “bê đặt” “nhồi nhét” quá nhiều nội dung trên một tác phẩm logo, poster, đặc biệt, vấn đề mấu chốt là: nắm rõ yêu cầu của khách hàng.
Thông điệp tại logo và poster là sợi dây kết nối doanh nghiệp với công chúng, làm được điều đó thì tức là sản phẩm thiết kế của bạn thành công.
Thiết kế đồ họa: kĩ năng, kĩ xảo, kĩ thuật
Muốn học tốt ngành thiết kế đồ họa thì cần có những kĩ năng gì? Rất khó để có thể đưa ra một câu trả lời đầy đủ, chính xác bởi thành công trong Graphic Design được làm nên bởi nhiều yếu tố. Nắm vững kĩ năng chuyên môn, nâng cao kĩ năng sáng tạo, sử dụng tốt công cụ và máy móc, tích cực rèn luyện trau dồi, bổ sung kĩ năng mềm, biết lắng nghe và lắng nghe có hiệu quả… đặc biệt là phải kiên nhẫn, phải có đam mê – tất cả những điều đó nằm ở chính bản thân người desiger.
Năng lực và bằng cấp
Các công ty tuyển dụng bây giờ có yêu cầu về bằng cấp hay không? Nếu chỉ học những khóa học nhỏ lẻ thì tỉ lệ được tuyển dụng liệu có cao?
Ngành thiết kế đồ họa trọng năng lực là chính, khi tuyển dụng các nhà tuyển dụng không đòi hỏi bằng cấp của bạn đầu tiên. Trong mắt của một công ty tư nhân, bạn không cần có “quá nhiều” bằng cấp hoặc tốt nghiệp thật nhiều trường Đại học nhưng bạn phải có trình độ, phải làm cho nhà tuyển dụng thấy được khả năng và tiềm năng cùng đam mê của bạn. Nhờ đó “tỉ lệ” nhận việc của bạn mới cao và cơ hội “tự thỏa thuận” thu nhập cho chính bản thân mình mới lớn.
Một tấm bằng đối với công ty Nhà nước, nó sẽ quyết định tới vị trí, mức lương và khả năng nhận việc cao sau khi ra tốt nghiệp. Nhưng đối với công ty tư nhân, bằng cấp không ảnh hưởng tới lương, thưởng và vị trí mà vấn đề quyết định là năng lực.
Chia sẻ trong tiếng cười và sự hài hước, anh Đức và anh Lai đều là người được đánh giá cao trong nghề nhưng cả hai đều “xem nhẹ” vấn đề bằng cấp. Tốt nghiệp năm 2008 nhưng anh Lai mới lấy bằng năm vừa rồi còn anh Đức thì “vẫn chưa”.
Anh Nguyễn Thế Lai luôn nhiệt tình trả lời các câu hỏi
Học hỏi và thường xuyên trau dồi vẫn là yếu tố không thể quên và luôn luôn phải đặt ra trong con đường lập nghiệp.
Multimedia Talk kết lại bằng một phương châm nghề không thể thiếu trong Graphic Design: Ước mơ, Đam mê thì phải hành động. Nếu bạn ước mơ và mong muốn, khát khao chinh phục nó thì đừng “ngồi đó”, hãy hành động ngay đi, hãy chứng tỏ rằng: Tôi làm được và tôi làm tốt.
Multimedia chào đón thành viên mới tràn đầy năng lượng và đam mê