Đồ họa là con đường nhanh chóng và hiệu quả nhất để đưa bộ phim đến gần với công chúng, góp phần quan trọng trong việc truyền tải, dẫn dắt cốt truyện, “hạ gục” người xem bằng các yếu tố thị giác ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Sự kiện “Đồ họa trong Điện ảnh” diễn ra vào ngày 27.07.2019 thu hút đông đảo các bạn trẻ tham dự, từ rất sớm khán phòng đã chật kín người.
Ứng dụng Đồ họa vào phim Lịch sử
Tại sao Việt Nam lại không có những bộ phim cổ trang, cung đấu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc? Trong khi đó, sử Việt với bề dày 4000 năm qua các thời kỳ Ngô, Đinh, Lý, Trần, Lê, Hồ, Nguyễn, … thời nào cũng có những bí mật hậu cung kịch tính mà khi chuyển thể thành phim, ngoài mang lại tính giải trí đồng thời cũng truyền tải được những giá trị văn hóa, lịch sử Việt Nam đến khán giả trong nước và quốc tế.
Nói về vấn đề trên Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ: “Làm phim xã hội dễ lắm, nó không có nhiều quy chuẩn, mặc gì, nói gì, đạo cụ như thế nào cũng được, nhưng phim lịch sử lại khác, đòi hỏi khắt khe về bối cảnh, cách ăn nói, đi đứng, phục trang, … và việc đưa đồ họa vào phim càng phải được chú trọng để có thể tạo sự hài hòa tổng thể giữa các chi tiết, từ kịch bản, mạch phim đến phân cảnh”.
Khi nói về công việc thiết kế đồ họa, mọi người sẽ hình dung làm việc trong tiếp thị hoặc quảng cáo, làm trang web, logo và tạo tài liệu quảng cáo cho in ấn hoặc kỹ thuật số. Nhưng có cả một thế giới thiết kế đồ họa khác, đó là truyền hình và phim ảnh. Và chúng ta không chỉ nói về áp phích phim – poster (mặc dù chỉ cần đứng một mình, đó có thể đã là những tác phẩm nghệ thuật xuất sắc).
Trước đây mọi người hay nghĩ kỹ thuật đồ họa là phần gia công sau cùng của một bộ phim, nhưng trên thực tế không phải như vậy, từ lúc bắt đầu dự án phim cho đến khi phim được công chiếu, yếu tố đồ họa đã góp một phần công sức không nhỏ vào đấy. Là người chịu trách nhiệm về mặt đồ họa của bộ phim, bắt buộc bạn phải có kiến thức về mỹ thuật, thiết kế, nội thất, hiểu về kịch bản.
Nhà thiết kế đồ họa nổi tiếng cho phim, Annie Atkins, đã nhanh chóng chỉ ra rằng, trong phim và truyền hình, thiết kế đồ họa mở rộng đến cả những chi tiết nhỏ nhất từng phút như tờ báo mà một diễn viên đọc trong một cảnh, và bao bì hàng hóa trong một cửa hàng trưng bày tất cả đều phải phù hợp với thể loại và giai đoạn lịch sử mà câu chuyện được đặt ra. Đó là tất cả về việc tạo ra một thế giới xác thực, đáng tin cậy. Thiết kế là một phần hoàn toàn thiết yếu của quá trình kể chuyện đó.
Các poster quảng bá phim Phượng Khấu dành được nhiều sự quan tâm từ công chúng, háo hức đón chờ bộ phim công chiếu
Chính thiết kế đặc biệt của trang phục đã làm nên sức cuốn hút của bộ phim Phượng Khấu.
Như trong phim “Phượng Khấu” để tái hiện lại quang cảnh cung đình triều Nguyễn, ứng dụng kỹ thuật đồ họa hình ảnh không chỉ dừng lại ở việc tạo ra các phân cảnh nội – ngoại, tạo hình trang phục mà còn đi sâu vào việc tạo hình chi tiết mỹ thuật kiến trúc, phối màu, bố cục ánh sáng, … để có thể phù hợp với vai diễn, tính cách nhân vật đúng với nguyên tác lịch sử.
“Đừng nghĩ làm đồ họa cho phim chỉ có thiết kế logo, poster, typography, …. mà nó còn có hàng tỷ công việc khác, nếu bạn chịu khó nghiên cứu thì sẽ bứt phá được giới hạn bản thân mình và khám phá ra nhiều thứ hay ho đấy” – Ngô Lê Duy (ở giữa) – Graphic Designer phim Phượng Khấu chia sẻ.
Vai trò của Đồ họa trong Điện ảnh
Một bộ phim công chiếu, đa phần khán giả chỉ biết đến Đạo diễn; Nhà sản xuất, Diễn viên mà ít quan tâm đến các bộ phận khác trong đoàn phim, những anh hùng thầm lặng cống hiến sau hậu trường, trong số đó có thể kể đến bộ phận đồ họa cho phim, chịu trách nhiệm truyền tải hình ảnh bộ phim đến gần với công chúng hơn và cung cấp các sản phẩm vật lý, để diễn viên và khán giả cảm nhận được mạch câu chuyện được dẫn dắt sinh động và hấp dẫn như thế nào.
Tại buổi talkshow Giám đốc dự án phim Phượng khấu – Nguyễn Nguyên Hoàng tiết lộ: “Để có thể kiếm được tiền từ nhà đầu tư, thu hút những diễn viên nổi tiếng, có thể nói 45{b4d7861bc4ace284223a290b44341f7c57539798d7460e71679da0aaf3462b93} yếu tố quyết định vào visual đồ họa, đây là thứ đánh vào tâm trí khách hàng, là công cụ marketing hiệu quả nhất, vì khách hàng chỉ tin vào những thước ảnh thực tế, tin vào cái đẹp”.
Trong giai đoạn tiền kỳ, vai trò của đồ họa là rất quan trọng. Người phụ trách phần này phải tham gia ngay từ đầu và can thiệp nếu cần thiết để đảm bảo cho ra những sản phẩm không bị lỗi hình ảnh và kỹ thuật. Điều này đảm bảo cho việc xử lý hậu kỳ được thuận lợi, tránh tình trạng phải chỉnh sửa chắp nối tạo ra một sản phẩm không hoàn hảo.
Cơ hội nghề nghiệp khi thị trường việc làm đang khan hiếm nguồn lực
Theo dự đoán của Hàn Quốc, 5 năm nữa nền điện ảnh Việt Nam sẽ có mức doanh thu đứng top thứ 5 ở khu vực Châu Á bởi vì chúng ta có đến 90 triệu dân và hiện giờ chúng ta chỉ mới khai thác 20{b4d7861bc4ace284223a290b44341f7c57539798d7460e71679da0aaf3462b93} nguồn tài nguyên hiện có. Theo đó là nhu cầu xây rạp chiếu phim mỗi năm đều tăng, nghĩa là việc làm về đồ họa trong điện ảnh sẽ rất cao có thể đáp ứng nhu cầu giải trí của của khán giả.
Đồ họa (thiết kế đồ họa và kỹ thuật đồ họa) đang thiếu một lực lượng rất lớn, đặc biệt chuyên về cổ phong Việt Nam. Chúng ta đang có một kho tàng về mặt hình họa, và đoàn làm phim Phượng Khấu là một trong những đơn vị tiên phong phát hiện ra mỏ báu vật lộ thiên mà chưa ai khai phá này.
“Không có gì nhanh bằng việc mang một sản phẩm đồ họa kết hợp giá trị văn hóa của đất nước ra thế giới, làm cho bạn bè quốc tế biết đến chúng ta, và đây chính là nhiệm vụ của các bạn yêu đồ họa, yêu văn hóa Việt Nam” – Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh bộc bạch.
Hy vọng với những chia sẻ của các diễn giả tại buổi talkshow “Đồ họa trong Điện ảnh” sẽ tiếp thêm ngọn lửa đam mê về nghề cho các bạn trẻ, giúp các bạn lựa chọn được hướng đi phù hợp cho chính mình. Và nếu bạn đang quan tâm đến lĩnh vực thiết kế, kỹ thuật đồ họa, làm phim và muốn tìm kiếm một nơi đào tạo uy tín để hiện thực ước mơ, có thể tham khảo thêm thông tin tại đây nhé!
Tống An