Đó là điều mà cả cả hai đạo diễn kỳ cựu Bùi Thạc Chuyên và đạo diễn trẻ Đỗ Quốc Trung (Giảng viên học kỳ 3 – làm phim kỹ thuật số, Arena Multimedia Hà Nội) đều khuyên các bạn trẻ trong buổi hội thảo với chủ đề Nghệ thuật Nhiếp ảnh – Điện ảnh đã được tổ chức vào tháng 2 năm 2015. Sự kiện này nằm trong khuôn khổ chuỗi hội thảo “Định hướng nghề nghiệp – Managing Your Career” do Trung tâm văn hóa Hoa Kỳ – AC (thuộc Đại sứ quán Hoa Kỳ) tổ chức. Cũng trong buổi hội thảo hỗ trợ nghề nghiệp này, hai đạo diễn đã giải đáp nhiều câu hỏi xung quanh việc làm phim, truyền cảm hứng điện ảnh cho các bạn trẻ.
Con đường đến với phim
Mở đầu câu chuyện điện ảnh, hai đạo diễn đã chia sẻ mối nhân duyên dẫn họ đến với điện ảnh, những kỷ niệm về ngày đầu làm phim. Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên vẫn còn nhớ, bộ phim đầu tay mà anh làm năm 1991 quay bằng băng từ, rất khó để có thể ghi hình sắc nét. Qua hơn hai chục năm, anh tưởng như đã mất những thước phim quý giá này nhưng bất ngờ thay gần đây anh lại tìm lại được. Bình thường băng từ chỉ 5-7 năm sẽ mủn, mà phim như mang sức mạnh thần kỳ, nay vẫn còn nguyên, chỉ có điều màu đã bay mất.
Hai đạo diễn đã chia sẻ mối nhân duyên dẫn họ đến với điện ảnh
Đạo diễn trẻ Đỗ Quốc Trung đến với điện ảnh qua sân khấu. Khi còn bé, anh thường đến Nhà hát Tuổi Trẻ xem ké, xem các diễn viên trình diễn, khóc, cười. Khi Trung tâm TPD mở ra cách đây khoảng 10 năm, Trung lên Trung tâm và xem bộ phim “Những đứa trẻ thiên đường” của điện ảnh Iran. Trung miêu tả: “Mình ngồi xem, rợn người, chưa bao giờ thấy những hình ảnh đánh động mình đến thế. Cảnh cậu bé Iran khóc, cậu bé chẳng làm gì cả, mình chỉ nhìn vào đôi mắt của cậu bé ấy thôi mà cứ khóc mãi, ám ảnh mãi. Những điều này trước đây mình ngồi ở tầng 2 nhà hát mình không thấy được, khi họ diễn cảnh khóc, cảnh buồn, có vung chân vung tay đấy, nhưng mình cũng không cảm nhận được nhiều như vậy”.
Đạo diễn trẻ Đỗ Quốc Trung đến với điện ảnh qua sân khấu
Vậy là mình mong muốn làm một câu chuyện gì đó như thế, thời đó sân khấu, đèn không có, nhà mình có một cái máy ảnh nhỏ thì cứ làm phim thôi, diễn viên thì nhờ bạn đóng hộ”.
Khi Quốc Trung lên trung tâm TPD học làm phim, anh không xác định, không có tham vọng mơ ước làm phim gì cả, chỉ là khi học hành mệt mỏi, anh muốn làm phim, kể những câu chuyện của mình – những câu chuyện mà bình thường nói chẳng ai nghe. Không ngờ nó lại là cú huých rất lớn, dẫn lối Trung vào con đường làm phim chuyên nghiệp sau này.
“Tôi thi vào trường đại học Sân khấu Điện ảnh, những phim làm ra dần nhiều lên, nhận được nhiều lời khen, tôi nhận ra mỗi người có một góc nhìn khác nhau, nó thôi thúc tôi cần học hỏi thêm. Dù khó khăn nhưng tôi đã trót yêu nên muốn gắn bó trải nghiệm cùng nó”.
Tại sao xem phim nước ngoài đều rất tự nhiên, vậy mà phim Việt Nam lại có cảm giác như đang diễn, dàn dựng? Làm thế nào để đạo diễn có thể truyền cảm hứng, giúp diễn viên diễn xuất chân thực nhất?
Đáp lại câu hỏi hóc búa này, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên dí dỏm trả lời: “Tại Việt Nam, các đạo diễn thường hô Chuẩn bị… Máy quay… Sẵn sàng… Diễn! thế nên diễn viên diễn là đúng rồi. Còn ở nước ngoài thì sao, họ thường hô Stand by… Action (Hành động) . Để tránh chuyện này chúng tôi thường hô: Bắt đầu!”.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên
Rồi anh giải thích một phần diễn xuất thô cứng của phim Việt xuất phát từ chuyện… không có phim để quay. Ví dụ một phim nhựa bình thường ở nước ngoài quay hết 180.000 m phim, phim dài 100 phút = 3.000 phút phim quay, quay 180.000m để lấy 3.000m phim đó.
Điện ảnh Việt Nam đâu thể có điều kiện như vậy, bình thường phim nhà nước sẽ quay 9.000m lấy 3.000m, từ đó dẫn đến cách cắt phim ra từng mảnh, quay từng mảnh một.
Quay 180.000m là quay liên tục một cảnh, một hành động từ đầu đến cuối, diễn viên được diễn liên tục từ 2-3 phút, quay bằng nhiều góc máy, còn phim Việt cắt từng câu thoại để quay. Diễn viên không thể có tâm trạng liền mạch để diễn. “Tôi không bao biện cho điện ảnh Việt Nam nhưng khó khăn vè vật chất, thiết bị đã tạo ra những thiệt hại khá lớn”.
Một phần diễn xuất thô cứng của phim Việt xuất phát từ chuyện… không có phim để quay
“Tôi đã từng làm diễn viên, có lần tôi đóng vai một gã si tình, nhìn vào mắt em gái say đắm. Nhưng thực tế khi đó quay bằng thước phim cũ quá đát, họ phải bật đèn thật mạnh để đủ sáng mà quay, họ tương một cái đèn pha vào mặt tôi, hai má tôi cảm thấy như bị nướng chín, nóng ran. Tôi chỉ nhìn say đắm em ấy được 2s, rồi nước mắt chảy ra, không thể nhìn được nữa”.
Còn đạo diễn Đỗ Quốc Trung thì chia sẻ anh rất khâm phục diễn viên Phương Thanh khi nhập vai tù nhân, chị đã vào tù ăn ở, học theo cách ăn nói, hành xử, đúc kết thành những trải nghiệm cá nhân. Do đó khi xem phim, khán giả thấy đó như một tù nhân chân thực chứ không phải cô diễn viên đang diễn xuất, sau này đến thời kỳ phim mỳ ăn liền diễn viên không thể diễn sâu sắc như vậy. Cũng có nhiều diễn viên điện ảnh vừa là diễn viên kịch, họ không thể dễ dàng bỏ cái áo điện ảnh để thành diễn viên kịch rồi lại lên phim rời bỏ cái áo kịch một cách dễ dàng được.
Tôi hi vọng các bạn sẽ có cái nhìn trung thực nhất với bản thân mình
“Chúng ta không nên quá sốt ruột vì nghệ thuật cũng như thể thao ấy, không thể vội vàng, tài năng không có nhiều và cần phải có thời gian, như thời tôi còn nhỏ, Phan Đăng Di, mới bắt đầu tập làm phim và đến giờ có những tác phẩm nổi bật, có những quả ngọt”. Quốc Trung tâm sự.
“Khi các bạn làm phim, tôi hi vọng các bạn sẽ có cái nhìn trung thực nhất với bản thân mình, các bạn rèn luyện cái nhìn cho thật sắc bén, tinh tế, tình cảm. Làm gì cũng thế thôi, không phải chỉ làm phim đâu, làm gì cũng đều phải chú ý nhận thức, hiểu biết thế giới, nhìn và có cái nhìn của bản thân, chứ không phải cái nhìn của người khác, có thể cái nhìn của chúng ta nhỏ thôi, méo méo, hay cái nhìn màu tím màu đỏ nhưng nó phải là cái nhìn của chúng ta”.
Vì lý do gì phim đoạt giải thưởng, phim nghệ thuật lại không thu hút khách? Phải làm gì để thay đổi tình trạng này?
Với câu hỏi này đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chia sẻ tâm huyết: “Bạn hỏi một câu mà dân làm phim cứ tranh cãi nhau suốt, làm phim để cho khán giả xem hay phim chỉ có mình hiểu nhưng mình thích. Ở châu Âu phim được chia ra phim tác giả và phim thương mại, phim được coi như một bộ môn nghệ thuật, còn ở Mỹ chỉ có phim hay và phim dở. Mỗi đạo diễn khi làm phim cần đặt mục tiêu khán giả của mình là ai, có phải là số đông hay không, không phải làm phim giỏi là có thể làm phim ăn khách đâu, tôi không ngạc nhiên vì phim đầu tiên của mình Sống trong sợ hãi chỉ bán được vài trăm vé, vì nó không phải là món ăn của quảng đại quần chúng… nhưng tôi mong sẽ có ngày càng càng nhiều khán giả uyên bác”. Tình trạng chung trên thế giới những phim bán được nhiều vé đều là những phim vui vẻ dành cho giới trẻ.
Phim hay thì còn tùy thuộc hay với ai, thời điểm nào…
Thế nào là khán giả uyên bác? Ở châu Âu khán giả có thẩm mĩ phim rất cao, bởi họ được tiếp xúc với nhiều phim, nhiều liên hoan phim đẳng cấp. Ví dụ Rotterdam một liên hoan phim nổi tiếng, cổ vũ cho những trào lưu cách tân, tìm kiếm các tài năng, điện ảnh, tuy nhiên nó bình dân, không cung đình, kiểu cách như Cannes.
Trong 9 ngày LHP, hàng chục ngàn khán giả khắp nơi trên thế giới để xem phim, mỗi buổi sáng hay buổi chiều, khán giả xếp hàng dài ở những quầy vé, họ mua những băng vé dài, cứ mỗi đoạn là một vé khác nhau, họ mang theo nước, bánh mì chạy từ rạp này sang rạp kia xem phim cả ngày, họ được trải nghiệm tất cả các nền điện ảnh, các nền văn hóa khác nhau, của các đạo diễn khắp nơi trên thế giới… Đó là những khán giả uyên bác… yêu điện ảnh và biết thưởng thức điện ảnh.
Còn đối với đạo diễn Đỗ Quốc Trung, anh cho rằng không nên tham lam, có người xác định làm phim bán được nhiều vé, có người xác định làm phim để kể câu chuyện của mình, có người làm phim quảng bá du lịch. Không phải những phim ít người xem là phim dở, vì có những dãy núi phải lui ra xa mới có thể nhìn thấy độ kì vĩ, tác phẩm nghệ thuật cần thời gian nhất định mới biết giá trị đến đâu. “Đối với những người muốn qua phim để trải nghiệm, khám phá những ngôn ngữ điện ảnh mới, sáng tạo đều hiểu cái mới thì khó có thể thuyết phục đông đảo khán giả ngay, có khi chỉ 1-2 người có gu thẩm mĩ cao mới nhìn ra được, “và khi đã đi theo con đường đó khán giả ít xem phim anh thì anh cũng đừng có buồn. Khán giả cũng nên rõ ràng, không phải một phim mọi người cứ bảo hay thì phải đông người xem, phim hay thì còn tùy thuộc hay với ai, thời điểm nào… điều này sẽ còn trành cãi dài dài”.
Lý tưởng của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và đạo diễn Đỗ Quốc Trung là gì, hai anh mong muốn đạt được gì trong nghề?
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên thừa nhận câu hỏi về lý tưởng cũng là câu hỏi của chính anh, lý tưởng của mình khi làm phim là gì, trên thế giới này cũng chỉ có vài người xác định được. Anh cho rằng mình không phải thiên tài nên anh vẫn tìm kiếm lý tưởng. Điện ảnh đánh động năng lượng sống và ý thức (cái đầu) và tình cảm (trái tim) của con người. Có những người đạo diễn rất tình cảm, cả đời chỉ làm phim tình cảm, ví dụ như đạo diễn phim Boyhood – Richard Linklater – ông ấy nhận thấy điện ảnh của ông ấy chỉ là như thế, lý tưởng của ông ấy là như thế. Boyhood là phim mới nhất nhưng trước đó ông ấy cũng đã có nhiều phim tình cảm, lãng mạn. Ông không để ý đến các thủ pháp kỹ thuật, mà toàn quay những đúp dài 15 phút, hai nhân vật cứ nói chuyện thôi, mà vẫn hay…
Khán giả cũng cần giữ gìn linh cảm, đừng để bị ô nhiễm
Còn đối với đạo diễn Đỗ Quốc Trung anh chia sẻ: “Lý tưởng rất khó nói, con người thay đổi hàng ngày hàng giờ. Phim đầu tay của tôi đoạt giải Khán giả bình chọn ở YxineFf, phim tôi tâm huyết và yêu thích nhất thì không đoạt giải, phim tôi không thích nhiều lắm lại đoạt giải cao, mặt tôi cứ lầm lì suốt cả buổi họp báo. Lý tưởng có thể thay đổi theo thời gian, rất rộng và khó nắm bắt, quan trọng là hành trình đi tìm lý tưởng, và trải nghiệm cuộc sống.
Nhân đây tôi có nhớ đến một lần tôi đến một triển lãm mỹ thuật, có một bức tranh nhưng tôi không hiểu, khi đó tôi đang là sinh viên năm nhất, một thầy giáo có nói với tôi “Cần gì phải hiểu, tranh thì cần gì phải hiểu” và điều đó khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Sau này xem phim, có nhiều phim tôi không hiểu hết, nhưng tôi cứ xem và cứ nghĩ về nó mãi. Khi mà phim đã nói về những điều quá rộng tôi nghĩ mình nên tin vào cảm xúc của mình, không phải người ta bảo hay thì mình mới xem, lý tưởng đôi khi là cảm xúc của mình, rất thành thực. Cứ đến thư viện rút ra một phim, xem hay thấy có cảm xúc, thế là phim hay thôi”.
Đạo diễn Đỗ Quốc Trung cũng nhấn mạnh: “Khán giả cũng cần giữ gìn linh cảm, đừng để bị ô nhiễm, cũng giống như nghe nhạc, nấu ăn. Nếu bạn nghe nhạc thị trường, ăn các món chán bạn cũng không phân biệt được các món ăn, không nấu được ngon, cái lưỡi cũng hỏng đi, ca sĩ nghe nhạc chán cũng sẽ hát phô. Khán giả nên xem những tác phẩm hay để hiểu hơn về phim và cũng là để nâng cao giá trị cảm nhận của bản thân”.
Kết thúc một buổi talk ý nghĩa về làm phim, tất cả những kiến thức thú vị có được sẽ tạo điều kiện cho bạn tìm thấy niềm đam mê đích thực mà mình muốn có! Nếu muốn làm phim thì cứ làm thôi! Chúc các bạn thành công!