Vào ngày 25.3 vừa qua, trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedia đã tổ chức buổi Livestream với chủ đề “Ngành SÁNG TẠO – Có phải dành cho TÔI?” với sự tham gia của Chuyên gia hướng nghiệp, Tiến sĩ Phoenix Hồ – Giám đốc điều hành của Hướng nghiệp Sông An, nhằm giúp các bậc phụ huynh có cái nhìn khách quan trong việc định hướng nghề nghiệp cho con em và giúp các bạn trẻ thấu hiểu sở, thích thế mạnh của mình. Hãy cùng Arena Multimedia khám phá phần đầu tiên của chương trình trong sự dẫn dắt của TS Tâm lý Phoenix Hồ để nghe cô giải đáp về các nhóm đặc tính nghề đặc biệt mà bạn đang sở hữu nhé.
Thạc Sĩ Phoenix Hồ (Hồ Phụng Hoàng) – Sáng lập và Giám đốc Điều hành của Doanh nghiệp Xã hội Hướng nghiệp Sông An. Cô rất yêu thích công việc đào tạo nhân lực trong chuyên ngành tư vấn hướng nghiệp cũng như đồng hành cùng phụ huynh trực tiếp giúp các bạn trẻ xây dựng kỹ năng tạo động lực nhằm tìm kiếm nghề nghiệp phù hợp.
Câu hỏi: Em là người thuộc các nhóm nào trong sáu nhóm đặc tính nghề của mật mã Holland?
TS Phoenix Hồ: Trước khi các bạn bắt đầu khám phá sau nhóm đặc tính nghề của mật mã Holland, tôi muốn lưu ý rằng mỗi bạn sẽ có nhiều hơn một đặc tính, chúng đồng hành song song và bổ trợ lẫn nhau, vì vậy hãy thật thoải mái lắng nghe để thấu hiểu con người mình.
Nhóm nghề Kỹ thuật:
Đặc tính đầu tiên của người thuộc nhóm Kỹ thuật đó là thích sự thao tác với công cụ và máy móc, họ không có thiện cảm với các hoạt động giáo dục hay trị liệu.
Nhóm Nghiên cứu:
Đặc tính của người thuộc nhóm Nghiên cứu là suy nghĩ rất nhiều và cực kỳ thích làm việc với ý tưởng. Họ dành sự ưu tiên cho các hoạt động cần điều tra, tìm hiểu, tự học.
Nhóm Nghệ thuật:
Tương tự như nhóm Nghiên cứu, người thuộc nhóm ngành Nghệ thuật cũng thích làm việc với ý tưởng, tuy nhiên, họ có sự ưu tiên cho các hoạt động chưa rõ ràng, họ thích sự tự do và không thích những gì đã được hệ thống hóa. Họ có niềm đam mê đặc biệt với các hoạt động đòi hỏi sự vận dụng, ứng biến của vật liệu, ngôn ngữ để tạo ra sản phẩm nghệ thuật đặc sắc. Nhóm Nghệ thuật đề cao sự tự do.
Nhóm Xã hội:
Người thuộc nhóm Xã hội có sự ưu tiên cho những hoạt động đòi hỏi phải làm việc với người khác để thông báo, huấn luyện, chữa lành, giác ngộ,vv…Điều quan trọng nhất của nhóm Xã hội là họ thích làm việc với con người và họ sẵn sàng giúp đỡ nếu ai đó gặp phải khó khăn.
Nhóm Quản lý:
Người thuộc nhóm Quản lý ưu tiên các hoạt động đòi hỏi sự ảnh hưởng và chi phối lên người khác để họ đạt được các mục tiêu của tổ chức hoặc lợi ích về kinh tế. Vậy nên, những người
thuộc nhóm Quản lý rất phù hợp với các nghề nghiệp có tính chất bán hàng, tổ chức sự kiện, Marketing.
Nhóm Nghiệp vụ:
Người thuộc nhóm Nghiệp vụ thích làm việc cùng dữ liệu với đặc tính ưu tiên cho những hoạt động đòi hỏi phải làm việc với con số, sự trật tự và rõ ràng. Họ thực hiện mọi thứ rất tỉ mỉ, chi tiết, cẩn thận hoặc làm theo hướng dẫn của người khác. Họ không đòi hỏi sự tự do thậm chí chưa hề có thiện cảm với sự tự do.
Bản dịch từ John L. Holland (1973). RIASEC hexagon of The Holland Codes, bởi Phoenix Ho, 2011
Câu hỏi: Thưa cô Phoenix Hồ, vậy làm sao để em có thể biết được có những công việc cụ thể nào trong các nhóm ngành mình phù hợp để có thể lựa chọn?
TS Phoenix Hồ: Bản đồ thế giới nghề nghiệp phân loại công việc dựa trên 4 đối tượng chính mà mỗi người muốn tiếp xúc, gồm dữ liệu, sự vật, ý tưởng và con người. Từ 4 đối tượng trên, sắp xếp các công việc thành 6 cụm, 12 vùng và 26 nhóm ngành nghề (xem ảnh chi tiết).
Bắt đầu với nhóm màu đỏ “Quản trị & Bán hàng”: Những người có đặc tính nghề nghiệp hay sở thích thuộc về nhóm này thì sẽ có thiên hướng làm những ngành bao gồm: dịch vụ liên quan việc làm (quản lý nhân sự, quản lý giáo dục/huấn luyện…); Tiếp thị và bán hàng (nhân viên quảng cáo, bảo hiểm, bất động sản, quản lý tiếp thị, bán hàng, du lịch…); Quản lý (nhân viên quản lý tài chính, tổng quản lý, quản lý khách sạn); Điều chỉnh và bảo vệ (cảnh sát, thanh tra…).
Nhóm màu tím “Vận hành kinh doanh”: Những người có đặc tính nghề nghiệp hay sở thích thuộc về nhóm này thì sẽ có thiên hướng làm những ngành bao gồm: Truyền thông và hồ sơ (nhân viên tòa án, thư ký, nhân viên lưu giữ hồ sơ…); Giao dịch tài chính (kế toán/kiểm toán, thu ngân, chuyên gia phân tích tín dụng/ngân sách, nhà định giá bất động sản…); Phân phối và truyền tin (nhân viên kiểm soát không lưu, giám sát nhà kho…).
Nhóm màu xám “Kỹ thuật”: Những người có đặc tính nghề nghiệp hay sở thích thuộc về nhóm này thì sẽ có thiên hướng làm những ngành bao gồm: Vận tải (phi công, phi hành gia, tài xế, thuyền trưởng…); Nông lâm (nhà nuôi trồng thủy sản, quản lý trang trại…); Máy tính và thông tin (lập trình viên, phát triển website…); Xây dựng và bảo trì (thợ mộc, thợ điện, lính cứu hỏa, thợ sửa ống nước…); Các nghề thủ công (đầu bếp, thợ may, nhân viên pha chế rượu…); Chế tạo và gia công (thợ in, nhân viên vận hành nhà máy nước, thợ hàn…).
Nhóm màu xanh dương “Khoa học công nghệ”: Những người có đặc tính nghề nghiệp hay sở thích thuộc về nhóm này thì sẽ có thiên hướng làm những ngành bao gồm: Kỹ sư và Công nghệ (kiến trúc sư, kỹ sư, nhà hoạch định sản xuất, giám định viên…); Khoa học tự nhiên và công nghệ (nhà sinh vật học, công nghệ thực phẩm, địa lý học, khí tượng thủy văn, nhà vật lý học…); Công nghệ y khoa (bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, chuyên gia nhãn khoa, dược sĩ…); Chẩn đoán và điều trị y khoa (bác sĩ gây mê, nha sĩ, chuyên gia vật lý trị liệu, bác sĩ đa khoa, bác sĩ thú y…).
Nhóm màu vàng “Nghệ thuật”: Những người có đặc tính nghề nghiệp hay sở thích thuộc về nhóm này thì sẽ có thiên hướng làm những ngành bao gồm: Nghệ thuật ứng dụng trực quan (họa sĩ phim hoạt họa, thiết kế thời trang, họa sĩ đồ họa, nhiếp ảnh gia…); Nghệ thuật biểu diễn và sáng tạo (diễn viên, nhạc sĩ, diễn viên múa, người mẫu thời trang, nhà văn…); Nghệ thuật ứng dụng về nói và viết (bình luận viên, biên tập viên, thông dịch viên, phóng viên, thủ thư…).
Nhóm màu xanh lá cây “Xã hội”: Những người có đặc tính nghề nghiệp hay sở thích thuộc về nhóm này thì sẽ có thiên hướng làm những ngành bao gồm: Chăm sóc sức khỏe (nhân viên làm các dịch vụ y tế); Giáo dục (huấn luyện viên, quản lý giáo dục, giáo viên…); Dịch vụ cộng đồng (tư vấn viên, luật sư, nhân viên xã hội…); Dịch vụ cá nhân (thợ làm tóc, tiếp viên hàng không, nhà thẩm mỹ học…).
Câu hỏi: Những đặc tính cần có nếu muốn học Arena Multimedia là gì thưa Chuyên gia tâm lý?
TS Phoenix Hồ: Để học được những ngành học ở Arena Multimedia thì điều kiện tiên quyết là một trong ba nhóm ngành cao nhất trong nhóm 6 đặc tính nghề phải có nhóm nghệ thuật, bạn thích tự do, thích làm việc với ý tưởng để cho ra sản phẩm thuộc về nghệ thuật. Hãy đi cụ thể hơn vào bốn ngành học mà Arena Multimedia đang giảng dạy để tìm hiểu kỹ hơn:
Về “Graphic Design” đòi hỏi ba nhóm đặc tính sau đây: Nghệ thuật; Kỹ thuật; Quản lý.
Tại sao tôi lại đề cập tới ba nhóm này? Bởi thiết kế đồ họa cần rất nhiều kỹ năng, thời gian làm việc với những cây bút chì, những dụng cụ trên máy tính để bạn có thể thiết kế, đưa ý tưởng từ trong đầu ra ngoài, vì vậy rất cần kỹ năng nhóm Kỹ thuật. Đồng thời bạn cũng cần khả năng làm việc với nhiều người khác trong một dự án, thuyết phục người khác về ý tưởng của mình, đó là lý do nhóm quản lý xuất hiện.
Về “Thiết kế web và ứng dụng kỹ thuật số” đòi hỏi hai nhóm đặc tính:
-
Nhóm nghệ thuật
-
Nhóm nghiên cứu: Khi nghệ thuật có ý tưởng sáng tạo thì nghiên cứu sẽ bổ trợ để tìm tòi nhằm đưa ra phương án phù hợp để triển khai ý tưởng đó. Làm Coding, viết code, mật mã
Về “Làm phim Kỹ thuật số và thiết kế Game” đòi hỏi 3 nhóm đặc tính:
-
Nhóm nghệ thuật
-
Nhóm quản lý
-
Nhóm nghiên cứu
Về “Hoạt hình 3D” đòi hỏi hai nhóm đặc tính:
-
Nhóm nghệ thuật
-
Nhóm nghiên cứu
Các bạn cần chú ý, học ở Arena Multimedia, nhóm nghệ thuật là nhóm cần phải xuất hiện, có thể không phải là nhóm cao nhất nhưng phải bắt buộc phải hiện diện.
Câu hỏi: Em rất thích ngành Mỹ thuật Đa phương tiện nhưng lại sợ không có đủ sự sáng tạo, và nếu như một ngày em không còn cảm hứng để sáng tạo nữa thì phải làm thế nào?
TS Phoenix Hồ: Theo một nghiên cứu gần đây nhất về sự bền bỉ của Tiến sĩ Tâm lý học Angela Duckwoth – Giảng viên ngành tâm lý Đại học Pennsylvania (Hoa Kỳ) và là người tiên phong nghiên cứu về những yếu tố ảnh hưởng tới sự thành công của con người: Năng khiếu tự nhiên là một phần rất cần thiết để mình bắt đầu một công việc, ngành nghề nào đó, nhưng nó không quan trọng bằng sự bền bỉ. Sáng tạo là một khả năng chúng ta có thể rèn luyện vì có rất nhiều kiểu sáng tạo:
Ví dụ như thiết kế phim hoạt hình: Sự sáng tạo của nhà thiết kế rất đặc biệt nhưng trong những ngành nghề khác cũng thuộc khối ngành nghệ thuật như Thiết kế đồ họa, làm phim, thiết kế web thì sáng tạo nó lại ở một mặt khác, đó là sáng tạo trên nền tảng những gì đang có sẵn, bạn có thể làm cho nó khác đi không, bạn có thể ứng dụng cho nó dễ hiểu không.
Khi các bạn thắc mắc: “Tôi không có khả năng sáng tạo”, “Người kia sáng tạo hơn tôi” hãy thử hỏi ngược lại xem, niềm đoan trắc này bắt nguồn từ đâu? Phần lớn nó đến từ môi trường xung quanh và tôi kêu gọi các bạn quay ngược lại bên trong mình, các bạn muốn câu trả lời ấy đến từ đâu, từ bên trong hay từ bên ngoài.
Câu hỏi: Em có thiên hướng thuộc nhóm ngành nghệ thuật, nhưng trong nghệ thuật cũng có nhiều lĩnh vực khác nhau, vậy làm cách nào để em xác định được mình hợp với cái gì nhất. Và nếu ra trường em không tìm được việc làm thì sao?
TS Phoenix Hồ:
Thứ nhất: Trong tam giác màu vàng trên bản đồ thế giới nghề nghiệp, những lĩnh vực thuộc nhóm ngành nghệ thuật được phân chia ra làm 3 cụm: Cụm nghệ thuật sáng tạo & trình diễn (ca sĩ, người mẫu, kịch nghệ, diễn viên, MC, BTV); Cụm nghệ thuật ứng dụng viết và nói (Nhà văn, nhà thơ, BTV, dịch thuật, nhà báo); Cụm nghệ thuật ứng dụng thị giác (Thiết kế, làm phim, làm game). Ba nhóm ngành có quan hệ mật thiết với nhau và không thể tách rời, vì vậy bạn phải bắt đầu tìm hiểu và tự hỏi rằng ba nhóm ngành này phù hợp với những đặc tính sở thích của mình như thế nào. Các bạn có rất nhiều sự chọn lựa trong việc chọn ngành học, bởi vậy để trả lời cho câu hỏi mình nên chọn học ngành gì không hề dễ dàng. Bạn cần nhiều thời gian để trải nghiệm và cho bản thân có cơ hội được thử thách.
Thứ hai: Nếu ra trường không có việc làm thì phải làm sao?
Công thức tuyển dụng = Năng lực nghề nghiệp + Mạng lưới chuyên nghiệp + Nhu cầu tuyển dụng
Công thức tuyển dụng căn bản là để một người trẻ sau khi xong một chương trình đào tạo, bước ra đời tìm việc làm cần có ba yếu tố:
Ví dụ như như Năng lực hành nghề, nếu bạn muốn trở thành quay phim, bạn phải biết sử dụng máy quay, biết setup ánh sáng, biết xác định góc quay và cân chỉnh hợp lí. Bên cạnh năng lực chuyên môn thì họ cũng cần một số năng lực bổ trợ khác.
Trong ba yếu tố này, tôi muốn nhấn mạnh với các bạn hai điều khi hòa nhập vào một môi trường, cụ thể ở đây là Arena Multimedia. Các bạn không chỉ tiếp thu kiến thức trên lớp mà còn phải tích cực trau dồi, năng nổ trong các sự kiện ngoại khóa như tham gia sự kiện trường tổ chức, đi thực tập, đi làm cộng tác viên cho những dự án không vì lợi nhuận để mọi người có thể biết các bạn có khả năng gì, thái độ làm việc ra sao, tinh thần học hỏi như thế nào. Học ở Arena, các bạn sẽ phải xây dựng kỹ năng chuyên môn rất nhiều nhưng bên cạnh đó, bạn cũng cần phải trang bị cho mình năng lực đối phó với những sự biến đổi của thế giới: Đại dịch Covid, suy thoái kinh tế.
Hãy để tôi lấy một ví dụ cho các bạn hiểu rõ hơn, ở Việt Nam vào năm 2014, Ngân hàng thế giới Việt Nam có bản báo cáo gửi đến văn phòng thủ tướng mang tên “Phát triển Kỹ năng – Xây dựng lực lượng lao động cho một nền kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam”, trong đó có mục “Bộ kỹ năng mà người sử dụng lao động yêu cầu”. (Nguồn: https://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/publication/vietnam-development-report2014-skilling-up-vietnam-preparing-the-workforce-for-a-modern-market-economy). Nhóm nghiên cứu nói rằng, người tuyển dụng rất mong các ứng viên có thể sở hữu những kỹ năng sau:
– Nhận thức: Tư duy sáng tạo và phê phán, khả năng trình bày, tính toán, giải quyết vấn đề, khả năng ghi nhớ và tốc độ tư duy.
– Hành vi và Xã hội: Kỹ năng mềm, kỹ năng xã hội, kỹ năng sống, đặc điểm tính cách.
– Kỹ thuật: Các kỹ năng liên quan đến một nghề cụ thể.
Có một điều mà tôi hoàn toàn chắc chắn đó là tính đến bây giờ đã 6 năm trôi qua nhưng thống kê và nghiên cứu này vẫn còn hiệu quả cho tới tận bây giờ. Điều đó chứng minh ngoài những kỹ năng liên quan đến công việc mình còn rất nhiều điều khác cần phải học hỏi. Bạn có làm việc được với người lạ không? Bạn có đúng giờ trong công việc không? Bạn có sắp xếp công việc khoa học được không? Bạn có kiểm soát được cảm xúc hay không?
Thêm một điều nữa tôi muốn nói đó là năng lực hành nghề trong tương lai: Điều đầu tiên và quan trọng nhất trong nhóm năng lực hành nghề trong tương lai là các bạn phải có khả năng học cả đời.
Những giải đáp của chuyên gia hướng nghiệp Phoenix Hồ về các nhóm đặc tính nghề nghiệp của mật mã Holland và các yếu tố cần thiết nếu muốn theo đuổi ngành Mỹ thuật Đa phương tiện là bước đệm đầu tiên cho những câu chuyện chọn ngành chọn nghề sắp được bật bí trong “Phần 2: Người trẻ và Multimedia Design: Vẽ đúng đường cho hươu chạy”.
(Còn tiếp)
Bài viết: Giang Hoàng
Thiết kế: Thọ Nguyễn