Vào tối 25/11/2016 vừa qua, các bạn trẻ yêu thích ngành đồ họa đã có dịp mở rộng kiến thức với sự chia sẻ của 2 chuyên gia kỳ cựu: Hoạ sĩ Trung Hậu và Hoạ sĩ KimB trong buổi học chuyên đề “LAYOUT– Bố cục trong Mỹ thuật truyền thống và Thiết kế Đồ họa” vô cùng bổ ích do Arena Multimedia tổ chức.
Đến với chương trình, họa sĩ Trung Hậu cung cấp thông tin sơ lược lịch sử của Mỹ thuật truyền thống, câu chuyện về những danh họa nổi tiếng và phân tích các tác phẩm của họ. Thông qua đó, thầy đưa ra cái nhìn tổng quát về bố cục, chất liệu và trào lưu nghệ thuật xuyên suốt các thời kỳ. Bên cạnh đó, nữ họa sĩ KimB chia sẻ những trải nghiệm và kinh nghiệm thực tế về công việc thiết kế đồ họa mà cô đã gắn bó suốt mấy chục năm qua.
Danh họa Pablo Picasso & Leonardo di Vinci (trái sang) là những nhân vật đi đầu trong lịch sử hội họa thế giới được thầy Trung Hậu nhắc đến và dẫn chứng trong chương trình
Với khối lượng kiến thức khá lớn, các bạn trẻ tham dự chăm chú lắng nghe và ghi chép cẩn thận. Bởi lẽ, các bạn hiểu rằng để có được bề dày hiểu biết ấy, phải mất rất nhiều năm, đọc rất nhiều sách và tài liệu mới có thể tổng hợp được đầy đủ và trọn vẹn chỉ trong một buổi chia sẻ cô đọng như vậy. Vì thế, bài review này sẽ đi sâu về những nội dung cốt lõi mà hai vị họa sĩ đã chia sẻ trong buổi học chuyên đề “LAYOUT – Bố cục trong Mỹ thuật truyền thống và Thiết kế Đồ họa” vừa qua.
Bố cục – Nhân tố quyết định diện mạo của tác phẩm
Theo định nghĩa vô cùng đơn giản từ họa sĩ KimB thì bố cục có nghĩa là “đặt cùng nhau”, có thể áp dụng cho bất kỳ tác phẩm nghệ thuật, từ âm nhạc đến văn bản, được sắp xếp hoặc đặt lại với nhau bằng suy nghĩ có ý thức. Trong thiết kế đồ họa và xuất bản máy tính, bố cục thường được gọi là layout, dàn trang.
Bố cục là một trong 3 yếu tố cơ bản của ngôn ngữ thiết kế: Hình dáng, Bố cục; Màu sắc; Ý tưởng.
Nếu màu sắc đóng vai trò quan trọng khi đưa ra những quyết định trong thiết kế làm tăng thêm sự phong phú và tạo cảm xúc, kích thích tâm lý… hay ý tưởng nói lên được quan điểm, ý nghĩa bên trong một mẫu thiết kế, được phát triển thêm… thì bố cục, hình dáng làm nên nhân tố quyết định của mẫu thiết kế đó, là diện mạo của một tác phẩm: hình dáng, tỷ lệ, sự cân bằng và hài hoà giữa những thành phần cấu tạo.
Trong lịch sử hội hoạ có nhiều lý thuyết về bố cục đã được đúc kết, Kỹ sư – Kiến trúc sư La Mã Vitruvius đã đưa ra một công thức toán học để phân chia không gian trong một bức tranh (Golden Section – Yếu tố cân bằng, hay Golden Mean – Phương pháp dung hoà) dựa trên tỷ lệ chiều dài và chiều rộng của hình chữ nhật.
Từ đó, trong thiết kế đồ họa chia ra 10 quy luật bố cục như sau:
Tìm trọng tâm
Phân cấp độ chính – phụ – lớn – nhỏ
Tạo đường dẫn
Cân bằng
Sử dụng tính tương phản
Sử dụng yếu tố lặp lại
Xử lý các khoảng trống
Tính tỷ lệ giữa các yếu tố
Các chi tiết bổ sung
Tỷ lệ vàng 1/3
Con mắt nhìn
Trong sáng tác, xu hướng tự nhiên của con mắt luôn được các hoạ sĩ, nhà thiết kế chú ý để sắp đặt các thành tố trong bức tranh, bản vẽ sao cho đạt hiệu ứng cảm xúc và truyền thông.
Mắt người là một lăng kính hoàn hảo như một máy ảnh có cửa chiếu sáng (tròng đen) và đường kính có thể thay đổi (con ngươi), cùng bề mặt nhạy cảm của võng mạc để nhận biết những ấn tượng nhìn thấy từ bên ngoài chuyển đến hoàng điểm (điểm vàng) ở đáy mắt, sau đó truyền hình ảnh đó lên não bộ qua dây thần kinh thị giác. Não xử lý thông tin và người ta nhìn thấy được.
Người nghệ sĩ – nắm được bí mật cơ chế nhìn của con mắt – sẽ có quyền lực đặc biệt khi bố cục một bức tranh vì biết cách dẫn dắt con mắt khán giả theo như cách nhìn mà nghệ sĩ đã dành sẵn cho họ, ít nhiều khiến họ phải chăm chú nhìn vào một vài phần của bố cục.
Họa sĩ Trung Hậu đã chia sẻ một vài cơ chế nhìn của mắt vô cùng hữu ích như sau:
– Con mắt quan tâm đến những đường viền
– Con mắt nhìn chậm lại trên những vùng phức tạp
– Con mắt ưu tiên chú ý đến người, nhất là khuôn mặt. Sau đó mới nhìn đến những dáng vẻ mang tính thụ động và tĩnh hơn.
– Con mắt chuyển động ngang dễ dàng hơn là ngước lên nhìn xuống. Và đường xiên chéo gợi cảm giác dễ chịu nên những bố cục hình ảnh trên đường chéo góc sẽ năng động và bắt mắt hơn.
– Con mắt đọc hiểu hình ảnh như cách đọc sách theo kiểu ziczac từ phải sang trái cho đến tận góc thấp dưới cùng bên phải.
Không quá phức tạp như mọi người tưởng tượng, nhưng dưới chia sẻ của họa sĩ Trung Hậu, bạn sẽ giật mình và quan tâm nhiều hơn đến thói quen và cơ chế quan sát thẩm mỹ của đôi mắt để sáng tạo ra những tác phẩm độc đáo.
Khép lại buổi giao lưu chuyên đề đầy thú vị, các bạn trẻ đam mê thiết kế đã có được nền tảng thẩm mỹ vô cùng bổ ích. Hãy vận dụng những điều ấy vào công việc hằng ngày và chuyển hóa thành kinh nghiệm cá nhân nhé! Arena Multimedia hy vọng các sản phẩm thiết kế của bạn sẽ trở nên đột phá và khác biệt hơn trong mắt mọi người.
(Quỳnh Như)